Nhận Biết và tu tập
Tu sửa hay tu dưỡng?
Các con bị “ném” vào cuộc đời và phải ganh đua, nhưng rất may đó chỉ là một trong những cách tồn tại ở thế giới này thôi. Nhiều người không ganh đua vẫn sống bình thường. Đấy là sự thật! Tất nhiên, cái bình thường của họ có thể không giống bình thường theo chuẩn xã hội. Ganh đua chỉ tốt khi mà người ta có niềm vui làm điều đó thôi. Những ai có niềm vui khi ganh đua thì đó là việc của họ, tốt với họ, Nhưng nếu con tu theo kiểu phải cố gắng rất nhiều, các con sẽ phải ganh đua, không sớm thì muộn. Cách này không có gì sai hết, chỉ không hợp với những người trầm cảm thôi.
Tu có 2 nghĩa:
- Một là, tu sửa kiểu như trung tu, đại tu, sửa to, sửa nhỏ.
- Hai là, con nuôi dưỡng, trồng trọt một cái gì đó, gọi là tu dưỡng. Con trồng trọt phẩm chất tốt, trồng trọt những cái đúng đắn.
Tu dưỡng không gian Biết
Vậy con cần nuôi dưỡng gì? Con nuôi dưỡng một khả năng đặc biệt bên trong chính con – đó là khả năng biết mọi thứ. Mình nuôi dưỡng một thứ đúng đắn là khả năng biết. Mục tiêu của nhóm tu sửa là sửa. Mục tiêu của nhóm tu dưỡng là nuôi khả năng biết. Khả năng biết này không cần phải sửa gì hết. Con đang vui vẻ – nó biết sự vui vẻ, nó không cần sửa sự vui vẻ, nó vẫn biết, đúng không? Con đang buồn – nó biết cái buồn như vậy, không cần sửa cái buồn. Theo các con vì sao? Mình đang buồn – mình có biết mình đang buồn không, hay phải sửa buồn thành vui hoặc tối thiểu là bình thường rồi mình mới biết?
Đấy, Biết có cái hay ở chỗ: Nó không đòi hỏi phải sửa gì cả, nó chỉ cần con biết thôi, rất đơn giản – Đấy là tu dưỡng. Khi con làm quen, làm nhiều lần, nhiều năm, dần dần một sự kỳ diệu sẽ xảy ra, đó là con không cần phải sửa nữa mà con vẫn ổn.
Con đường tu sửa là gì? Con đang bất ổn mà muốn ổn thì con phải sửa. Sửa xong thấy bình thường, không buồn nữa, đúng không? Nhưng khả năng biết kỳ diệu ở chỗ nào? Con không cần sửa mà vẫn ổn. Ở đây ai thực hành rồi sẽ thấy. Nhiều khi buồn chỉ biết là buồn thôi – thế là đủ, đúng không? Kỳ diệu của nó là không đòi hỏi phải sửa mới ổn, mà biết là ổn rồi. Biết cái bất ổn – bản thân nó chính là ổn.
Cái gì tu mà có sẽ mất. Cái gì không tu mà có sẽ còn.
Xem thêm :
Làm quen với không gian của Biết
Khi phiền não xảy ra thì các con hay có thói quen sử dụng phương pháp nào đó để diệt trừ phiền não. Tuy nhiên, cách này có nhược điểm ở chỗ là củng cố hai niềm tin rằng
- bản thân phiền não là có thật, và
- có cái tôi đang bị ảnh hưởng.
Vì thế, mong muốn tập các phương pháp khi có cảm xúc tiêu cực không hẳn giúp con phát sinh trí tuệ mà ẩn dưới đó là khao khát cái tôi được sướng vì cái tôi đang quá khổ sở bởi phiền não. Ngoài ra, con có thể mắc bẫy cái tôi tâm linh khi cho rằng con có rất nhiều phương pháp để tiêu diệt phiền não và đạt được kết quả là tâm an lạc do thực hành giỏi.
Vì vậy, Thầy sẽ dạy con một bước đệm trước khi con tập các phương pháp khác – đó là cho phép phiền não xảy ra trong không gian của Biết – tức là khi cơn giận xảy ra thì con không tiêu diệt nó ngay mà con cho phép nó xảy ra và con nhận diện cơn giận một cách rõ ràng.
Khi nhìn rõ cơn giận thì con sẽ có khoảng cách với nó thay vì bị cuốn vào trong nó, và một cách tự nhiên con sẽ bình tĩnh sáng suốt trở lại. Khi đó, con có thể tập tiếp phương pháp nào cũng được để hiểu về sự thật chứ không phải để tiêu diệt thực tại hay tiêu diệt cái tôi tâm linh.
Bản thân việc nhận diện cơn giận một cách rõ ràng và thấy chúng tự sinh diệt trong không gian của Biết cũng là một loại trí tuệ rồi. Pháp này gọi là pháp bổ trợ hoặc bước đệm trước khi kết hợp với các phương pháp thực hành khác. Khi tập đủ lâu thì con sẽ thoát khỏi trầm cảm, hưng cảm, và các loại bệnh tâm thần khác ở trên đời vì con có sự bình an và sáng suốt.
Trích buổi nói chuyện “Có biết rõ nó hay không?” ngày 30/1/2020
Nương tựa vào suy nghĩ để sửa hay nương tựa vào Biết
Trong các suy nghĩ, suy nghĩ chống lại là cái gây cho con khổ, còn suy nghĩ “trời đẹp quá” không gây khổ. Nhưng mà “trời cứ phải đẹp mãi” là chống lại việc tý nữa nó không đẹp. Đấy là ví dụ về suy nghĩ chống lại gây khổ.
Người thông thường sẽ sửa các suy nghĩ, ví dụ như là “trời cứ phải đẹp mãi” thì sẽ sửa là “Trời đẹp cũng được, không đẹp cũng được”, suy nghĩ này không gây khổ, đúng không? Đấy là những người sửa suy nghĩ để bớt khổ, nhưng mà cách đấy không vẹn toàn. Vì vô thường mà nói, ngày nào đó, tất nhiên là suy nghĩ “Trời phải đẹp” nổi lên là khổ rồi. Hay sửa suy nghĩ bao nhiêu năm xong hòn đá đập vào đầu thì còn sửa được nữa không? Lại reset từ đầu, lại “trời phải đẹp mãi”, đúng không?
Nên là cách sửa suy nghĩ không vẹn toàn, nó không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Bởi vì hòn đá đập vào đầu là reset tất cả các loại suy nghĩ của con, đá đập vào xong không nghĩ được nữa, nhưng biết thì vẫn biết. Đập hòn đá vào đầu thì có mất Biết không? Biết có bị ảnh hưởng gì không? Nên trọn vẹn là gì? Là suy nghĩ nào cũng được – con vẫn biết. Khi nào con đến trạng thái đấy thì mới gọi là xong, trước đấy thì chưa xong.
Cái Biết thì giống mặt gương, hình ảnh nào cũng đến rồi đi hết. Nhưng mặt gương thì vẫn sờ sờ ở đấy, mặt gương không hề bị ảnh hưởng bởi hình ảnh nào cả. Vì thế mặt gương của Biết là vô địch, sống với nó đủ lâu thì con sẽ có tự tin, con không sợ suy nghĩ nữa. Suy nghĩ của con giống như hình ảnh bay qua, bay lại rồi mất hết. Mặt gương có bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ không? Nên con nương tựa vào suy nghĩ để sửa thì rất bấp bênh. Còn con nhận ra mặt gương ở đây thì hết bấp bênh.
Các con cứ tiến bộ từ từ, không cần vội, nhưng con dám để một cơn cảm xúc xảy ra mà không làm gì nó thì con nhận ra rằng: “Cơn nào rồi cũng qua” bằng kinh nghiệm cá nhân của con chứ không phải bằng lý luận. Còn nếu không dám để cảm xúc xảy ra thì con chỉ có lý luận là cơn nào rồi cũng qua thôi nhưng khi nó đến thì con thống khổ luôn, đánh nhau mải miết, xong không đánh thành công thì lại là lỗi của mình: mình dốt quá, kém quá…. Đấy! Nên là các con tập cần cù và kiên nhẫn cho phép nó xảy ra, để mình ngắm nó, biết nó, rồi thấy nó qua!
-Trích buổi nói chuyện: [Buổi 7] 2020.12.21 Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết (HN)
Biết cái mình đang là – không phải sửa cái mình đang là
Bây giờ mình sẽ ưu tiên việc biết cái mình đang là chứ không cần phải sửa cái mình đang là. Biết cái mình đang là nghĩa là khi con bồn chồn thì con biết mình đang bồn chồn, biết là đang có cảm giác bồn chồn, chứ không phải biết vì tại sao mình bồn chồn. Tại sao bồn chồn là phải nghĩ mất rồi, phải nghĩ rất nhiều mới ra, còn biết thì không cần phải nghĩ. Đứa bé cũng biết được là nó đang cảm thấy nóng hay lạnh, còn tại sao nó nóng hay lạnh thì nó phải nghĩ. Còn biết thì chỉ cần biết các con đang như thế nào thôi.
“Bây giờ mình cảm thấy thế nào?”, thì câu trả lời là: “đang rất bồn chồn, đang rất tức giận, đang rất khó chịu, đang rất muốn thoát ra khỏi cái này, đang muốn đập phá cái gì đó…” đúng không?
Con không cần phải sửa bồn chồn, không cần hiểu tại sao mình bồn chồn, con chỉ cần biết mình đang bồn chồn thế là đã thực hành được giáo pháp rồi. Còn Thầy không bảo con phải sửa bồn chồn, không bảo con phải biết tại sao bồn chồn, làm sao biết được đâu vì có cả tỷ lý do, cả lý do về thời tiết nữa nên làm sao biết được. Lý do nào con nghĩ ra thì cũng chỉ là lý do tương đối thôi, trong khi sự thật rõ ràng nhất là con đang bồn chồn. Biết rõ con đang bồn chồn là sự thật còn tại sao con bồn chồn thì không phải.
Hôm nay con nghĩ ra lý do này, mai con nghĩ ra cái khác và không bao giờ nghĩ đủ, con chỉ nhớ được đời này sao nghĩ được đời trước đúng không? Có những cảm xúc tiêu cực của con là đến từ dòng tâm thức đời trước, giống như đang ngồi tự nhiên buồn, hay như con nhìn qua cánh cửa tự nhiên thấy sợ. Thay vì phải tập trung vào sửa cái gì, thì chỉ biết thôi, cả ngày con chỉ biết. Nếu con tập tốt thì con trở nên rất sáng suốt, con trầm cảm mà sáng suốt.
Thông thường người ta biết đủ thứ nhưng lại không sáng suốt, họ không biết mình đang như thế nào mà chỉ biết cái mình muốn là thế nào thôi. Người không tu hành thì lúc nào cũng chỉ muốn là cái gì, lúc nào cũng biết là mình muốn cái gì, nhưng không biết mình đang là cái gì. Đói thì biết là mình muốn ăn nhưng không biết là mình đang đói. Ví dụ bồn chồn biết là mình đang muốn sửa cái gì đấy, biết là mình muốn đi đâu đấy, nhưng lại không biết được là mình đang bồn chồn, thì cái này nhấn mạnh vào phần biết hơn chứ không phải là nhấn mạnh vào phần làm.
Khi con không biết cái mình đang là thì con sẽ quan tâm đến việc mình phải là cái gì. Đời là thế, không biết là cái gì cả thì chỉ đi làm cái linh tinh thôi, còn biết cái mình đang là rồi thì con không cần phải làm gì, mà cái gì đến thì làm cái ấy. Đấy gọi là biết, còn người bình thường thì chỉ biết là mình cần phải làm và phải ép mình phải làm cho bằng được, chứ không biết là mình đang là như thế nào.
….
Con chỉ cần biết mình đang là thế nào là đủ rồi. Tất cả các con đều đủ trình độ để biết là mình đang thế nào. Còn các con sẽ không đủ trình độ để sửa, hoặc không đủ trình độ là biết tại sao lại thế, không cần luôn, chỉ cần biết cái đang là thôi! Nếu con biết mình đang là thế nào, con không phải tìm cái gì khác nữa. Biết cái mình đang là rất dễ, chứ còn sửa cái mình đang là bao giờ cũng khó, vì sửa là phải làm rất nhiều thứ mới được…..
-Trích từ bài giảng cho Nhóm Trầm Cảm – Buổi 2 ngày 06/01/2019: “Biết cái mình đang là”
CÁI NÀY XẢY RA VỚI AI?
Một học trò hỏi:
Trong quá trình thực hành pháp Biết, nhiều lúc cơn giận xảy ra, con không điều khiển được và để nó phát tiết ra ngoài. Sau đó con mới ngẫm lại, thấy mình vẫn biết trong cơn giận, nhưng con vẫn không điều khiển được và gây ra nhân xấu. Con phải làm gì để cẩn thận nhân quả?
Trong Suốt trả lời:
Tất cả các con đều phải chuyển thái độ. Thay vì hỏi “Làm sao tôi thoát khỏi cái này?” hay “Làm thế nào để tôi sửa được cái này?” thì hãy hỏi “Cái này xảy ra với ai?” hay “Ai ở đây để mà được lợi hay bị hại?”. Đây mới là những câu hỏi đánh vào trái tim của Sự thật.
Thái độ trước đây là gì? Khi tiêu cực thì phải sửa. Đó chỉ là giai đoạn chuẩn bị. Nhưng với giai đoạn của Biết, con làm thế thì không thể vượt lên được. Khi tiêu cực xảy ra, không sửa mới là đúng.
Tại sao thầy nhấn mạnh “Các con chỉ là người thường, không thể là thánh được” nhiều lần? Bởi vì nó đánh vào hy vọng thành thánh của các con. Các con hãy chấp nhận các con là người thường, với tham sân si ầm ầm, để có thời gian và cơ hội nhìn Sự Thật là gì?. Khi con đang cố sửa người thường của con, con đang nói với cái người thường đó “mày đáng chết”. Nhưng nếu con dám để người thường xảy ra, con mới thấy được nó là kì diệu, không có vấn đề gì hết.
Con hỏi câu “Cái này xảy ra với ai” không phải để diệt cái này cái kia, trở thành cái này cái kia. Con hỏi để con biết Sự Thật. Lúc đó câu “cái này xảy ra với ai” mới có giá trị, con nhận ra : chẳng có người nào để nó xảy ra hết, nó xảy ra trong Biết. Khi con hiểu Sự Thật rồi, thì con sẽ tự điều chỉnh, gieo nhân phù hợp.
Một thiền sư Trung Quốc viết:
“Quang minh tịch chiếu biến hà sa
Phàm thánh đồng cư tại ngã gia
Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh
Thú hướng chân như tổng thị tà.”
“Quang minh tịch chiếu biến hà sa”:
Quang minh, cái Biết này, sự tỏa sáng, vừa yên tĩnh, vừa chiếu biến thành vô số thứ. Nó quang minh, tĩnh lặng, biến ra đủ hằng hà sa số mọi cảnh.
“Phàm thánh đồng cư tại ngã gia”:
‘Phàm’ và ‘thánh’ cùng sống trong một nhà. Trong cái Biết này, có cả phàm cả thánh, không từ chối phần nào hết.
Ngay trong các con có cả phàm lẫn thánh, chứ không phải các con chỉ có thánh sau khi giác ngộ. Biểu diễn của Biết phong phú, sáng tạo đến nỗi có cả sự phàm ở trong người thánh, và có cả sự thánh ở trong người phàm. Ai chỉ muốn là thánh, từ chối phần phàm của mình, “tôi chỉ muốn lúc nào cũng không giận” mới là nhầm lẫn. Ôm trọn cả giận và không giận, cả phần tử tế và không tử tế của mình.
“Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh”:
Tìm cách giải trừ phiền não chỉ chứng tỏ “tôi tiến bộ”. Cái ‘tôi’ muốn diệt cái A cái B để nó được cái C cái D, chỉ tăng bệnh chứ không giảm được bệnh.
“Thú hướng Chân Như tổng thị tà”:
Muốn đạt được cái Chân như nào đó, đặc biệt nào đó vẫn là tà, là sai. Cái Biết này không phải là cái gì đặc biệt cả. Nó chỉ là thế này thôi. Con cho rằng Biết là một cái gì đặc biệt, tuyệt vời nào đó, là các con đã thú hướng Chân như mất rồi! Biết nó rất đơn giản, như thế này thôi. Đang biết đúng không, có gì đặc biệt, kinh khủng đâu?
Lúc đầu, con phải ‘thú hướng’ nó vì con quá xa lạ với nó. Nhưng vẫn chưa đúng. Khi con làm quen dần rồi, thì con thấy cái bình thường này, cuộc sống bình thường hàng ngày của con, chính là Đại Giác Ngộ rồi. Hàng ngày con sống, chửi mắng chồng, đánh chó chửi mèo, đấy là Đại Giác Ngộ. Tin nổi không?
Lúc đầu, thầy giảng phải đặc biệt hóa nó lên để các con quý nó. Nhưng đến một lúc nhất định, con phải thấy nó rất bình thường. Nó đây này! Nó là cuộc sống này chứ không phải phần đặc biệt của cuộc sống này. Nó là lúc con khóc, lúc con cười, lúc các bạn nói xấu lẫn nhau. Tất cả thứ đấy chính là nó. Nó là cái đấy đấy! Chứ nó không phải lúc nào con cũng thanh thanh tịnh tịnh. Con loại trừ một phần cuộc sống, nói là phần kia – phần ‘đẹp’ – là Biết thì con bị lừa rồi.
Toàn bộ cái bất tịnh mà lâu nay con gọi là bất tịnh, không ra gì, không ổn, là nó đấy! Nó chứa tất cả mọi thứ tốt đẹp trên đời, và mọi thứ xấu bẩn trên đời này.
(Trích “Tắt của tắt là gì”, 11.12.2021, Hà Nội)
Xem thêm: TẮT CỦA TẮT ĐẾN VÔ NGÃ – TS