TU KHẨU – Thái Bá Tân
Người xưa đã từng dạy
Rằng kính vỡ khó lành.
Nước đổ khó hốt lại,
Dù muốn mấy cũng đành.
Nói là một nghệ thuật.
Người khôn biết nói gì.
Cũng vì khôn, họ biết
Không nên nói điều gì.
Vuốt mặt phải nể mũi.
Nói người phải nhớ mình.
Đôi khi, nói lời đẹp
Chưa hẳn là thông minh.
Các cụ đã đúc kết,
Nghiệm thấy đúng xưa nay.
Khi nói nên lưu ý
Tránh những điều sau đây.
1/ Không nói lời chán nản,
Làm nản lòng người nghe.
Hãy nói lời khích lệ,
Lựa lời khen, không chê.
2/ Không nói lời tức giận
Làm người khác tổn thương.
Khi giận nên im lặng,
Nhớ lại luật vô thường.
3/ Không nói lời oán trách,
Dễ sinh chuyện bất hòa.
Điều này rất kiêng kỵ,
Nhất là với người nhà.
4/ Không nói lời khoe mẽ,
Kiểu mình tự khoe mình.
Người nghe tuy không nói,
Nhưng có thể coi khinh.
5/ Không nói lời dối trá.
Nói dối là xấu xa
Và vi phạm Ngũ Giới
Của Đức Phật Thích Ca.
6/ Không nói lời bí mật.
Nói chẳng lợi ích gì,
Còn mang tiếng bép xép
Và chuốc họa nhiều khi.
7/ Không nói lời thầm kín.
Chuyện mình giữ trong lòng.
Không ai bắt phải nói.
Cũng đừng chờ cảm thông.
8/ Không nói lời đồn dại.
Khi chưa chắc điều gì
Thì tuyệt đối không nói.
Nhất là lời thị phi.
9/ Không nói lời thái quá.
Không một bốc thành mười.
Không làm được, không nói.
Nói thế nó nhỏ người.
10/ Không nói lời bóng gió.
Càng không được xỏ xiên.
Cứ nghĩ gì nói ấy.
Đàng hoàng, lại được yên.
****
Đại khái là như vậy.
Kể ra thì còn dài.
Hãy chú tâm TU KHẨU.
Để hưởng phước nay mai.
LẠI NÓI VỀ TU KHẨU
1
Tốt hơn đừng nhận xét
Về tính xấu của người.
Vì ai dám chắc chắn
Rằng mình tốt hơn người?
2
Mỗi nhà một gia cảnh
Và không ai giống ai.
Tự họ giải quyết được
Mà không cần người ngoài.
3
Không nói lời thô lỗ,
Xúc phạm hoặc coi khinh.
Đời có luật nhân quả.
Rồi sẽ đến lượt mình.
4
Nói, bình tĩnh mà nói.
Đừng nổi giận với người.
Nói, kiềm chế tình cảm,
Kẻo nhỡ, hối suốt đời.
5
Im lặng khi ai đó
Nói xấu người thứ ba.
Vì người ấy có thể
Nói xấu về chính ta.
6
Có việc cần phải nói,
Nói một lần là xong.
Không hiểu, không nói nữa,
Khỏi nhắc lại dài dòng.
7
Tranh luận điều gì đó,
Không cao giọng, nhiều lời.
Sức nặng ở ý tưởng,
Chứ không phải ở lời.
8
Im lặng cũng là nói.
Mà nói hay cực kỳ.
Khi im lặng là đủ
Thì nói mà làm gì?
9
Hãy nhớ lời Lão Tử,
Rằng “tri giả bất ngôn”.
Tức biết thì không nói.
Không nói mới là khôn.
10
Các cụ xưa đã dạy,
Nói không mất tiền mua.
Vậy lựa lời mà nói.
Nói nghiêm túc, không đùa.
Thái Bá Tân
Hãy nói và làm những điều thẳng thắn tốt lành đến người khác ngay từ trong thân, khẩu và ý.
Kinh điển nói về “những hành vi nhân từ của thân, những hành vi nhân từ của khẩu, những hành vi nhân từ của ý.” Điều này có nghĩa là tất cả những gì bạn nói ra bằng miệng, làm bằng tay, thay vì nói và làm những điều tổn hại người khác, thì hãy chỉ nói và làm những điều thẳng thắn và tốt lành. Như trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói:
Bất cứ khi nào bạn nhìn người khác,
Hãy nhìn họ với tấm lòng yêu thương rộng mở.
Ngay cả khi bạn chỉ nhìn một ai khác, hãy nhìn họ với nét tươi cười, vui vẻ, thay vì nhìn họ bằng một cái nhìn chòng chọc đầy gây hấn hay biểu lộ sự thù ghét.
– Đức Patrul Rinpoche –
Xem thêm:
- Nghiệp tụ vành môi
- Câu chuyện khẩu nghiệp: Cẩn thận khi phát ngôn
- Sức sát thương của khẩu nghiệp xấu rất lớn
- Khẩu nghiệp ở Việt Nam đang rất nặng!