Tu tại gia
Tu tại gia cũng nên linh động uyển chuyển
Hôm qua có Phật tử hỏi :
Bạch Thầy cho con hỏi,
Nhà con ở hiện tại là ở cùng gia đình và cũng không có phòng riêng.
Nên việc tụng kinh hay niệm Phật đều gặp rất nhiều khó khăn.
Như tụng kinh thì không có chỗ, cũng không thể ngồi gõ mõ, đánh chuông.
Vậy sẽ ồn và gia đình sẽ không cho.
Vậy giờ con nên tụng kinh và tu hành ra sao đây?
Xin Thầy chỉ giúp.
Tôi thấy đây cũng là tình huống rất phổ biến với nhiều Phật tử tại gia đang gặp phải.
Có người thì gặp khó khăn từ phía chồng, vợ, có người thì từ cha mẹ, anh em.
Vì cả gia đình thì không có ai tu, chỉ có mỗi mình mình thích tu. Thành ra người thích tu sẽ trở nên cô đơn, cô độc hơn.
Giờ tu tại gia phải làm sao đây?
Câu trả lời ở đây là: «Chúng ta cần phải hết sức linh động khéo léo và uyển chuyển ».
Về mặt tụng kinh:
Nếu ở nhà không tụng được, thì Quí Vị xem coi gần nhà mình có chùa nào không?
Nếu thấy gần nhà có chùa mà hay tụng kinh thì tối ta ghé qua chùa, rồi tụng.
Hoặc nếu nhà không gần chùa. Thì ta có thể thay việc tụng kinh bằng việc nghe giảng pháp (có thể lên mạng tìm, nhưng cần chọn lọc Thầy giảng, lựa chọn pháp môn và đường lối tu cho đúng) .
Hoặc ở nhà tự mua kinh mua sách, mua các bài pháp, bài luận về để tự đọc và nghiên cứu, học hỏi.
Nhiều Vị nói : Con không biết tụng kinh theo vần, theo điệu, luyến láy, ngân nga.
Không sao. Nếu Quí Vị không tụng hay được, thì có thể đọc (đọc như đọc sách vậy).
Quí Vị có thể ngồi trang nghiêm, mặc áo tràng, hay áo quần dài. Rồi ta ngồi đọc, đọc xong và ta vẫn hồi hướng công đức như bình thường.
Về mặt niệm Phật thì thế nào?
Trong tâm luôn nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng và giữ gìn giới luật quy củ. Đây chính là người niệm Phật chân chính.
Còn về mặt hành trì công phu
« Trì danh hiệu Phật để thu nhiếp thân tâm ».
Việc này, tốt nhất ta cần có một không gian riêng nhất định, để có thể ngồi chú tâm trì niệm.
Nhiều người chủ trương trì niệm Phật ở bất cứ nơi đâu, thậm chí khi đi vệ sinh.
Với tôi, tôi không chủ trương niệm như vậy.
Niệm danh hiệu Phật, cần chọn một không gian trang nghiêm thanh tịnh, để ta hành trì.
(Chỉ có những trường hợp đặc biệt như đi đâu gặp ma, hay xe sắp bị sự cố tai nạn, ….v…v…Thì lúc ấy, ta mới niệm, dù đang ở đâu ).
Còn không, nếu ta niệm không đúng nơi đúng chỗ, thì cũng rất dễ bị tổn phước (Nếu nơi đó không trong sạch, cộng với tâm ta hời hợt, tâm không có lòng tôn kính ).
Một thời khóa công phu đúng thì gồm những gì?
Nếu mỗi ngày Quí Vị dành ra 1tiếng để hành trì, thì một tiếng này được phân ra như sau :
- 5 phút sám hối và lễ Phật.
- 10 phút tụng kinh.
- 30 phút tọa thiền (Nếu Vị nào hành trì bằng pháp môn trì danh hiệu Phật thì có thể thay thế bằng niệm Phật, niệm Phật xong Quí Vị cũng có thể ngồi tĩnh lặng khoảng 5 phút).
- 10 phút đi thiền hành (Sau khi ngồi thiền xong thì khi xả thiền ta xoa bóp chân tay, và đi thiền hành).
- 5 phút hồi hướng công đức, với lễ Phật để kết thúc thời khóa.
Mỗi Vị thì đều có những hoàn cảnh tu khác nhau, ít ai giống ai. Có người thì tu rất dễ dàng thuận lợi. Nhưng một số Vị khác thì tu rất vất vả và luôn bị cản trở.
Đối với những Vị bị cản trở, bị có khăn thì Quí Vị cũng cần nên hết sức khôn khéo và uyển chuyển.
Để cho việc tu của mình vừa đạt kết quả tốt, lại vừa không làm phiền hàng xóm hay những người thân của mình.
Đây chính là người tu có trí tuệ.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày –
Người tại gia tu có phải là phải nghèo khổ hay không?
Có không ít Vị tu tại gia, còn có đời sống gia đình vợ chồng hay cho rằng :
Tu là phải nghèo khổ, không cần làm việc nhiều, vì tài sản thì không mang theo được sang cõi giới bên kia.
Vậy theo Quý Vị thì quan điểm này có đúng hay không?
Tôi nghĩ nếu còn tu tại gia, mà Quý Vị chấp vào thái cực tu là phải nghèo khổ thì coi chừng là không đúng.
Hoặc quan điểm thứ hai là phải làm việc cật lực, để trở nên giàu to, giàu lớn, lo làm giàu mà không còn thì giờ để tu, hay nghỉ ngơi luôn.
Hai sự chấp này đều có thể là chưa đúng.
Mà phải trung đạo mới là đúng.
Nghĩa là mỗi ngày ta đều phải làm việc, vì công việc tốt, làm hằng ngày sẽ được phước.
Rồi làm có tiền ta sẽ chi tiêu cho cuộc sống gia đình đầy đủ, không bị thiếu thốn.
Không những thế mà ta còn có tiền để giúp đỡ người khác, giúp chúng sinh khác, làm phước, cúng dường,…..v…v….
Đây là điều rất tốt.
Mặc dù tiền bạc chúng ta không mang theo được sang cõi giới bên kia.
Nhưng ta phải biết lợi dụng chúng để cuộc sống mình và gia đình đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Hoặc ta cũng có thể quy đổi tiền thành phước, và phước này ta hoàn toàn mang theo được sang cõi giới bên kia.
Còn ngược lại, người cho rằng không cần tiền, lười lao động, để vợ con gia đình thiếu ăn, không tiền chữa bệnh, hay không tiền đóng tiền học,…..
Đây là Quý Vị đang thiếu trách nhiệm với gia đình, chứ không phải là sự buông bỏ hay tự tại trong tiền bạc, tài sản.
Hãy xem tiền, hay tài sản như con dao.
Người hung ác thì dùng dao để cướp của hại người,…rồi bị ở tù.
Còn người trí thì chỉ sử dụng dao trong các việc hữu ích như để cắt, gọt rau củ quả,…. trong nấu ăn, để có bữa ăn ngon, có sức khỏe, mà làm việc tốt hay tu hành, tiến đạo.
Do đó, Quý Vị không nên chấp vào sự nghèo.
Vì nghèo thường đi đôi với hèn, đói, và khổ.
Cuộc sống vốn đã khổ rồi, mà nếu Quý Vị chấp vào cái nghèo nữa, thì càng thêm khổ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Tham khảo thêm bài viết:
Tại sao Đức Phật dạy Phật tử tại gia làm giàu?
Nhiều người có suy nghĩ, Phật tử khi đã học Phật là phải sống đời khổ hạnh, nghèo khó, cả ngày chỉ ăn cơm trắng muối vừng. Tuy nhiên, suy nghĩ đó không đúng với tinh thần nhà Phật. Trong Kinh Tăng Chi Bộ II, phần Trở thành giàu, Đức Thế Tôn từng khuyến khích hàng đệ tử tại gia làm giàu, gây dựng tài sản chân chính với 5 lý do cao đẹp.
Làm giàu góp một vai trò quan trọng trong cuộc sống
Làm giàu là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của mỗi con người. Người Phật tử tại gia cũng cần phải làm giàu để nuôi sống thân mạng cũng như thực hiện trách nhiệm của mình. Bởi có tài sản không chỉ giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội mà còn giúp ngoại hộ Phật Pháp, bảo hộ chư Tăng tu hành an ổn, góp phần giúp Phật giáo trở nên hưng thịnh, phát triển.

Trong thời khóa giảng Pháp về “Làm giàu”, thầy Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ:
“Người đệ tử Phật, nhất là người đệ tử tại gia, không những tu học mà còn xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, làm cho cuộc sống ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn. Các Thầy đi xuất gia thì khác, các Thầy chăm lo tu hành và hoằng truyền giáo Pháp. Còn bổn phận Phật tử tại gia là phải xây dựng, ngoại hộ cho chính Pháp. Mình phải làm việc, phải sản xuất, phải buôn bán để có tài sản. Tài sản đó mình không những nuôi sống gia đình, xây dựng xã hội mà còn ủng hộ cho Phật Pháp. Cho nên, người ta nói Phật Pháp hưng thịnh là do đàn na tín thí ủng hộ. Các Phật tử thấy nếu chùa mình không có các Phật tử ủng hộ thì làm sao có chùa khang trang thế này để chúng ta tu học yên ấm”.
Như vậy, Phật giáo thịnh vượng hay suy tàn cũng một phần nhờ vào công sức đóng góp, phát tâm cúng dường, hộ trì Tam Bảo của người Phật tử tại gia.
Phật dạy 5 lý do người Phật tử nên làm giàu
Câu chuyện trưởng giả Cấp Cô Độc đến đảnh lễ Phật và được Phật dạy về 5 lý do mà người Phật tử tại gia nên gây dựng tài sản.
#1 Làm giàu chân chính để mình được vui vẻ và cha mẹ, vợ con được hạnh phúc
Lý do đầu tiên, Đức Phật dạy:
“Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.”
Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn khi ta biết làm giàu một cách chân chính, bằng mồ hôi, công sức và trí tuệ của mình. Điều đó, không chỉ giúp mình được vui vẻ mà còn cải thiện được tình trạng kinh tế, làm cho gia đình sung túc, chăm lo được cho cha mẹ, chăm lo được cho vợ, cho chồng, nuôi con cái, người ăn kẻ ở.
#2 Làm giàu để giúp đỡ bạn bè, thân hữu
Lý do thứ hai mà Đức Phật thuyết:
“Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.”
Nếu dư dả về tiền bạc, tài sản, chúng ta không những có cuộc sống no đủ mà còn có thể giúp đỡ, hỗ trợ được anh em, bạn bè lúc gian khó. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với thân bằng quyến thuộc mà còn là điều người Phật tử nên làm. Bởi biết chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương chính là tinh thần của nhà Phật. Là người con Phật, ta không thể không thương lấy anh em ruột thịt của mình đang khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải biết làm giàu, có tài sản. Nếu không, những mong mỏi đó chỉ dừng lại ở suy nghĩ, không thể thực hiện được. Vì thế, Chúng ta nên làm giàu để chia sẻ giúp đỡ cho anh em, bạn bè lúc khó khăn.
#3 Làm giàu để phòng trừ tai họa, biến cố
Đức Phật dạy lý do thứ ba cần gây dựng tài sản:
“Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản.”
Sống ở trên đời, không ai có thể nói trước được chuyện của ngày mai. Hôm nay, có thể rất thành công nhưng ngày mai có thể đã thất bại. Hôm nay, có thể đang rất khỏe mạnh, ngày mai có thể đã bệnh nặng. Vậy nên, việc có tài sản để dự phòng, tiết kiệm là một điều vô cùng cần thiết. Như vậy, lý do thứ ba để người Phật tử tại gia phải biết gây dựng tài sản là để phòng khi hiểm họa, tai nạn, những rủi ro đến với mình.
#4 Làm giàu để hiến cúng cho Chư Thiên thánh thần, cho gia tiên họ hàng, cho hương linh đã mất
Lý do gây dựng tài sản thứ tư mà Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn….Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản.”
“Chúng ta có của, có tiền, chúng ta có thể hiến cúng cho mọi người, bố thí cho mọi người và chúng ta cúng cho các hương linh. Các Phật tử có thể dành tiền đó mua vật phẩm làm những đàn chẩn tế cúng các hương linh, các cô hồn, họ đói, họ không thể ăn được nếu mình không cúng cho họ. Nhờ mình bố thí, mình cúng cho họ, nên họ được ăn.
Hương linh đó có thể là thân nhân quyến thuộc của mình, họ nhờ đó, họ bớt khổ và họ tiến tu, họ thoát nghiệp ngã quỷ. Thứ hai nữa, họ có thể hỗ trợ cho mình, chính những hương linh này, các loài ngã quỷ này mà mình bố thí cho họ thì họ lại ủng hộ cho mình.
Cho nên, chính trong kinh Phật dạy, không những chúng ta hiến cúng cho bà con, anh em mà chúng ta còn có thể cúng cho các hương linh, những hương linh đã mất. Những người đã mất mà ta cúng cho họ, họ được phước báu. Chúng ta hiến cúng cho vua và cho cả chư Thiên, cúng cho chư Thiên họ cũng hộ trì cho mình”. – Thầy TTTM
#5 Làm giàu để cúng dường Tam Bảo
Nguyên do thứ năm Đức Phật dạy:
“Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản.”
Cúng dường là một khái niệm quen thuộc trong Phật giáo, là việc làm thể hiện lòng thành kính đối với Tam Bảo để hộ trì chư Tăng tu hành được an ổn . Người biết cúng dường đến Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng sẽ được tăng trưởng phúc báu, hưởng lợi lạc nhiều đời, nhiều kiếp về sau.
Như câu chuyện về ông Cấp Cô Độc, là người cư sĩ tại gia rất gần gũi với Đức Phật. Ông đã mua đất, dát vàng, xây Tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng chúng. Không những vậy, ông còn nấu cơm, nấu cháo phát cho người nghèo khổ, cô độc. Cho nên danh hiệu Cấp Cô Độc cũng từ đó mà có, tên của công gắn liền với hạnh bố thí. Bởi chăm làm những việc lành thiện nên khi bỏ báo thân, ông được sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Người Phật tử làm giàu chân chính bằng sự nỗ lực, cố gắng; bằng tất cả trí tuệ và sức lực của mình chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho bản thân và xã hội. Bởi ngoài việc tinh tấn tu học, người đệ tử Phật còn phải làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người công dân tốt. Đó là làm giàu để xây dựng Đất nước đúng theo lời Phật dạy.
Hạnh Hòa
Tìm kiếm có liên quan
- Tu hành tại gia nghĩa là gì? như thế nào? ý nghĩa của tu tại gia
- Người tu tại gia cần biết – Phật tử cư sĩ tu tại gia cần tu những gì? bắt đầu từ đâu
- Cách tu tập cho người mới bắt đầu – Cách tu tâm dưỡng tính tại gia tại nhà
- Hướng dẫn cách tu Phật tại gia thế nào cho đúng
- Thời khóa tu tại gia – phật tử tại gia sắp xếp thời gian tu thế nào?
- Kinh sách Phật tu tại gia – Tu tại gia nên đọc tụng kinh gì?
- Kinh phật cho người tại gia thich nhat tu – 10 bài kinh người tại gia nên biết
- Ý nghĩa câu thứ nhất là tu tại gia thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa
- Tu tịnh độ, mật tông tại gia tại gia ra sao?
- Tu tại gia có được ăn ngũ vị tân?
- Xuất gia tại tu viện chơn như
- Tu tại gia cho người theo đạo công giáo