Tu Tâm hay tu tướng? Tu thế nào mới là đúng?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh-Trong Suốt (Đà Nẵng 7/2018)
Một bạn nữ: Em là An, sinh năm 91 ạ. Dạ, em muốn hỏi Thầy về cách thể hiện của những người tu hành như thế nào để cho những người xung quanh không ác cảm với Đạo Phật. Tại vì nhà em có anh trai và hai chị gái đều là cư sĩ. Ngày xưa thì các anh chị học hành rất là tốt và là niềm tự hào của gia đình, xong lúc lớn thì các anh chị đều theo Phật Pháp hết, thậm chí, anh trai và chị gái thì không lập gia đình ạ.
Cả đại gia đình đều rất là buồn, tự dưng mọi người có ác cảm với Đạo Phật, đến mức các em vừa mới tiếp xúc với đi chùa, hay đeo vòng, đọc sách là bố mẹ cấm ngay. Bố mẹ bảo là: “Tại sao gia đình mình không có làm gì ác, sao bây giờ con cháu toàn là cái gì thế này?”. (Thầy cười) Rất là buồn, xong bác em còn nói một câu: “Thế này thì tao chết không nhắm mắt!”. Toàn không lấy chồng, lấy vợ.
Thì em mới nói với các anh chị là: “Các anh chị tu nhưng không nên thể hiện mình là người tu”. Khác biệt quá với mọi người làm cho mọi người rất là ác cảm. Em cho rằng không nên làm như vậy. Em không bao giờ thể hiện ra là mình theo Đạo Phật hay thế nào. Nói chung em không có nói cái gì trái ý mọi người cả. Thì em muốn hỏi Thầy cách mình thể hiện như thế nào mới là hợp lý ạ?
Thầy Trong Suốt: Em có tu không?
Bạn An: Em cũng có nhưng mà em không có… khi nào em thể hiện ra là…
Thầy Trong Suốt: Rồi! Mục đích tu hành của em là gì?
Bạn An: Thì để cho mình có cái tâm tốt hơn thôi ạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Rồi! Ở đây nó có ba vấn đề: của anh chị em là một loại vấn đề, gia đình em là một loại vấn đề và em là một loại vấn đề thứ ba. Em thích nghe về phía nào trước?
Bạn An: À… (Bạn cười) về các anh chị trước ạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi! Tu nó có hai loại tu. Một là tu tướng và hai là tu tâm. Tu tướng là gì? Là áo nâu sòng, ăn chay, tụng kinh, lễ Phật, lên chùa – Tu tướng. Hình tướng của người tu. Đấy là tu tướng.
Loại thứ hai tu tâm. Quần đùi, áo may ô, phanh ngực, nói những câu không phải là dịu dàng cho lắm, nhưng bên trong là sửa tất cả những nhầm lẫn của mình. Em thấy loại nào là phù hợp hơn?
Bạn An: Em thấy là tu tâm hơn ạ.
Thầy Trong Suốt: À! Những người tu tướng thì giống anh chị em. Những người tu tâm thì có thể là giống ai đó, như thầy chẳng hạn. Đúng không? (Thầy và mọi người cười)
Bạn An: Dạ! Nhưng mà em thấy cái hiệu quả đạt được đối với anh chị em thế là tốt. Anh chị cũng không hay buồn phiền như em.
Thầy Trong Suốt: Ừ! Có những người tu cả tướng lẫn tâm. Tướng cũng tu, tâm cũng tu. Được! Thế có thể là anh chị em tu cả tướng lẫn tâm.
Bạn An: Nhưng mà anh chị, em có cảm giác là rất bướng. Tâm ví dụ như là…
Thầy Trong Suốt: Một điều đã tin là đúng ấy thì không phải là bướng, đấy là bảo vệ lẽ phải.
Bạn An: À… đúng là anh chị em thì cương quyết luôn, làm cái gì và không bao giờ…
Thầy Trong Suốt: Được! Như vậy là ở góc độ anh chị em, thì phải xác định như thế này: Nếu họ ngồi đây ấy, xác định là gì? Tu quan trọng là tâm, không phải là tướng. Mặc dù là họ tu cả tướng nhưng mà không quan trọng. Trong lịch sử đầy người ăn rượu thịt nhồm nhoàm vẫn là bậc Giác ngộ. Tế Điên này, đúng không? Có đầy người là hòa thượng ăn chay niệm Phật nhưng mà trong lòng đầy tà đạo. Nên là cái tướng không nói lên điều gì cả! Phải dành thời gian mà tu tâm, sửa tâm mình. Đấy! Anh chị em cần như thế. Đấy! Lời khuyên thế thôi.
Nếu họ tu được cả tâm cả tướng thì cũng được. Mà tốt nhất, sống giữa đời ấy, tốt nhất là tu tâm. Tướng phụ hết! Mình còn tu tướng thì mình còn chấp tướng. Tu tướng thì không xấu, nhưng mà không phải là tốt. Bởi vì sao? Vì nó làm mình chấp tướng. Chấp là phải chay, không được mặn. Chấp rồi! Áo là phải nâu chứ không được hoa hòe hoa sói. Như vậy là tu tướng thì dẫn đến chấp tướng. Nên là không phải tốt nhất trong đời. Ở trong chùa thì OK, còn trong đời thì chỉ nên… Nói chung là tu tâm là hơn tu tướng. Đấy!
Nếu anh chị giỏi hơn nữa thì bỏ bớt phần tướng đi và tăng cường phần tâm. Vì suy cho cùng mọi thành quả của tu hành ở trong tâm. Chứ là tu mình có cao lên được đâu, đúng không? Mình có đẹp hơn được đâu. Đấy! Anh chị ấy cần lời khuyên đấy.
Bạn An: Như chị em tu thì nhiều lúc làm cho mọi người buồn phiền nhiều hơn.
Thầy Trong Suốt: Chưa chắc đã là tu đúng đâu. Nhưng cái đấy cũng không thể nói được mà phải xem tâm của họ thế nào. Không thể nói là đúng sai được mà phải xem tâm của cái người đấy, họ có hạnh phúc không, họ có từ bi thực sự không? Ví dụ họ làm mọi người buồn phiền, nhưng mà trong lòng lại rất là từ bi.
Bạn An: Dạ đúng rồi. Tức là làm mọi người buồn không phải vì họ làm việc gì xấu cả mà vì mọi người nhìn vào…
Thầy Trong Suốt: Thì em phải xem tâm của họ.
Bạn An: Nghĩa là họ đang xinh đẹp và thành đạt, rồi tự dưng …
Thầy Trong Suốt: Cái đấy, mọi người chấp tướng nặng nề. Mọi người không thèm quan tâm là tâm của anh chị em thế nào, chỉ suốt ngày ngồi phán thôi: Nào là không lấy chồng; nào là có lấy vợ hay không; nào là áo sòng, hay là áo đen; tóc trắng hay không…? Cả gia đình em chấp tướng thì họ khổ là chắc.
Với những người chấp tướng thì không cách nào thoát khổ được. Vì sao? Em cứ lấy chồng đẻ con xem bố mẹ có hết khổ không? Thử đi! Hết không? Khổ nó có sinh ra từ bên ngoài đâu, thế mà lại bị bên ngoài làm khổ. Đấy! Nên là nhà em không thể nào mà cứu theo kiểu ấy được.
Anh chị em không thể chiều lòng gia đình để mà hạnh phúc được. Anh chị em có chiều lòng gia đình, gia đình vẫn không hạnh phúc. Đấy! Nên lời khuyên dành cho gia đình là gì? Hãy cố gắng hiểu những người tu đi! Đừng ngồi phán xét họ theo kiểu của đời nữa! Bản chất người tu là tìm một thứ mà trong đời không có thì mới đi tu. Nếu trong đời mà có cái họ tìm thì còn tu làm gì? Họ tìm một thứ trong đời không có, họ mới phải đi tu. Thế mình dùng theo chuẩn đời có phải hoàn toàn sai với họ không?
Bạn An: Cái đấy thì mình biết là gia đình sai rồi nhưng mà…
Thầy Trong Suốt: Đấy! Như vậy toàn bộ gia đình dùng tiêu chuẩn đời để đánh giá người tu, là sai ngay từ đầu rồi. Cái đấy trong đời họ không có, mới đi tìm. Nếu mà lấy vợ, đẻ con hạnh phúc thì họ đã lấy vợ, đẻ con rồi. Họ tìm những thứ mà hơn cả lấy vợ, đẻ con.
Bạn An: Dạ em xin phép ngắt lời Thầy một xíu ạ. Ý em muốn hỏi là, mình biết gia đình không hiểu rồi, thì mình có nên làm trái ý gia đình không? Hay là mình thông cảm …
Thầy Trong Suốt: Đấy! Vấn đề của em đấy! Đấy, vấn đề của em thầy muốn nói.
Bạn An: Em thì em muốn là thông cảm…
Thầy Trong Suốt: Bây giờ bỏ phần anh chị em sang một bên. Tại vì em không biết trong tâm họ thế nào. Họ là người tu thật hay tu tướng?
Bạn An: Em tin là tu thật ạ.
Thầy Trong Suốt: Đấy! Nên là không bàn cái đấy.
Bạn An: Dạ!
TU HÀNH ĐỂ LÀM GÌ?
Thầy Trong Suốt: Gia đình em thì chịu rồi. Chịu vì sao? Vì ba người đấy có lấy vợ, đẻ con, gia đình vẫn không hài lòng, vẫn có vấn đề mới. Nhưng vấn đề của em là gì? Em chưa hiểu là tu để làm gì. Em nghĩ rằng tu để cho an tâm, để tốt lên, đúng không?
Bạn An: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Thì em không hiểu anh chị em rồi.
Bạn An: À… em cũng hiểu mục tiêu của anh chị em muốn là tu giải thoát, giác ngộ.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi!
Tu hành là để giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mọi đau khổ và có năng lực cứu độ người khác.
Đấy là mục tiêu rất chân chính của tu hành.
Hết nhầm lẫn, hết khổ cho mình, và có năng lực cứu người.
Đấy mới là mục tiêu của tu hành.
Còn nếu em tu để cho an tâm này, tu để cho đời đẹp lên này… tất cả cái đấy đều không phải là tu hành chân chính!
Bạn An: Vâng.
Thầy Trong Suốt: Đấy! Và vì em không tu hành chân chính, làm sao hiểu nổi tu hành chân chính? Em cứ phán xét họ thì em cũng người thường mà thôi.
Bạn An: À… em thì không có phán xét nhưng vì em muốn, em chỉ muốn hỏi là…
Thầy Trong Suốt: Em hỏi từ nãy giờ để cố gắng nói rằng: Họ có nên sửa để cho gia đình ổn không?
Bạn An: Em…
Thầy Trong Suốt: Thầy đã nói rồi đấy, em không hiểu họ. Em chẳng hiểu gì về họ cả. Nên em mới có quan điểm là phải sửa cho hết khổ với những người kia, những người còn lại ấy. Nếu họ có một cái tâm tu hành chân chính, giác ngộ, giải thoát, cứu độ chúng sinh, chẳng phải sửa gì. Nếu họ không có cái đấy, sửa toàn bộ. Sửa chính cái sai trong lòng họ ấy. Đấy là vấn đề của họ, không phải vấn đề của em.
Bạn An: Dạ!
Thầy Trong Suốt: Em có gặp thầy xong về họ cũng chẳng thay đổi đâu. Họ gặp thầy may ra thay đổi, em gặp thầy mà lại hy vọng họ thay đổi. Làm sao có được? Em gặp thầy thì chẳng qua là để em hiểu vấn đề của chính em mà thôi. Nếu em hiểu cái đấy thì em sẽ thông cảm với họ. Em thấy rằng họ không có gì sai cả. Em không hiểu thì em sẽ bắt chước những người còn lại, suốt ngày phán xét những người đấy. Chẳng có gì hay cả!
Khi mình phán xét một người tu hành, hoặc cản trở họ, mình tổn phước. Gia đình em phải mừng chứ, nếu ba người đấy mà là những người tu hành chân chính ấy thì gia đình quá nhiều phước, phải quá mừng là khác. Đấy! Nhưng mà thầy thì thấy vấn đề của em lớn hơn vấn đề của những người đấy. Em đang phân vân không biết tu để làm gì? Em cứ nghĩ rằng tu để cho ổn lên, tốt lên, nên em không thể nào thông cảm nổi cho ba người ấy đâu, và cuối cùng em cũng không ổn lên được đâu. Đấy!
Bạn An: À… Dạ! Em xin phép Thầy một xíu ạ. Em thì có hiểu và em không có phản bác gì anh chị. Nhưng mà em thấy thương gia đình tại vì mọi người rất khổ tâm về những người đó. Thì em muốn hỏi làm sao để cho gia đình bớt bị khổ tâm về họ?
Thầy Trong Suốt: Gia đình phải hiểu. Em phải làm cho gia đình hiểu. Ba người đấy không làm cho gia đình hiểu được. Họ không thành công, hoặc là không cố làm, hoặc là làm không thành công. Thì còn em là hy vọng cuối cùng.
Bạn An: Dạ!
Thầy Trong Suốt: Em hãy làm cho gia đình hiểu họ, chứ đừng cố sửa họ. Hãy làm để gia đình chấp nhận họ. Gia đình em chỉ có một cửa duy nhất để hạnh phúc thôi, là chấp nhận ba con người đó như họ là. Họ là thế nào mình chấp nhận như thế. Đấy là cửa hạnh phúc của gia đình em. Nếu không đi vào cửa đấy thì không còn cửa nào hết. Vì ba người kia sắt đá rồi mà.
Như vậy nếu em muốn giúp, phải giải thích cho gia đình tại sao họ sống như vậy. Và giúp gia đình thông cảm với họ. Em chỉ có cửa đấy thôi. Nếu em còn hy vọng sửa được họ – Không có đâu, không bao giờ làm được!
Bạn An: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Nhưng mà làm thế nào giúp gia đình được? Nếu em không thực sự thấu hiểu ba con người kia? Em phải đi vào con đường tu hành đi em mới hiểu họ được. Em hiểu tại sao họ hành xử như vậy, mục tiêu sống của họ là gì? Em sẽ nói với mẹ như thế này nhé: “Mẹ xem, cả đời mẹ làm hài lòng bố với cả họ hàng, mẹ có hạnh phúc hay không? Hay đến giờ mẹ vẫn có thể nói là mẹ chẳng hạnh phúc”.
Đấy! Đấy là cách giúp mẹ đấy! “Mẹ đã không hạnh phúc được, mà mẹ lại đòi anh chị làm theo giống như mẹ để hạnh phúc. Có nực cười không? Mẹ thì không biết cách tự hạnh phúc là như thế nào. Suốt đời làm theo lời chồng, theo lời gia đình chồng, gia đình mình, cuối cùng cũng gì? Những năm tháng chẳng hạnh phúc gì. Đời làng nhàng. Mà mẹ lại đòi anh chị làm theo kiểu của mình, để anh chị hạnh phúc, mẹ thấy buồn cười chưa?”
Bạn An: Dạ em nghĩ cái vấn đề khó nhất ở đấy là thể diện ấy ạ.
Thầy Trong Suốt: Biết rồi! Nhưng mà em phải nói lời mạnh mẽ như vậy để người ta tỉnh ra.
Bạn An: Dạ, mọi người cứ bảo là xấu hổ với dân làng…
Thầy Trong Suốt: Mẹ xem cả đời mẹ bảo vệ cái sĩ diện, mẹ hạnh phúc hay không? Đấy! Cả đời mẹ dành bao nhiêu năm để bảo vệ sĩ diện cho gia đình, kết quả là mẹ vẫn ê mặt vì có ba đứa con như thế. Mẹ thử xem cách của mẹ là vô vọng hay là hy vọng? Cách bảo vệ sĩ diện của mẹ là vô vọng. Mẹ còn quan tâm đến sĩ diện, mẹ còn khổ chính vì sĩ diện. Mẹ càng muốn được coi trọng, sẽ càng có nhiều người coi thường mẹ. Đấy! Mẹ hãy bỏ cái kiểu sĩ diện đấy đi. Đấy là điều nực cười, vớ vẩn.
Càng cố gắng được người ta tôn trọng, thì càng bị coi thường. Hàng chục năm bảo vệ sĩ diện của mẹ đi tong bởi vì có ba người tu hành trong nhà. Điều đấy là bằng chứng sắc sảo nhất cho thấy là gì? Bảo vệ sĩ diện thì chỉ mất sĩ diện. Mẹ đừng có theo đuổi con đường vô vọng đấy nữa. Mẹ hãy theo con đường của con đây. Sửa bên trong đi. Chứ mẹ đừng có theo đuổi bên ngoài, là bảo vệ cái sĩ diện hão đấy – Đấy! Em cần phải nói lời mạnh mẽ đến như vậy. Vì những người đang không tỉnh táo như em ấy, cần những gáo nước dội vào mặt để tỉnh.
Bạn An: Nhưng mà nói như vậy thì sẽ bị cãi nhau nên…
Thầy Trong Suốt: Không! Em nói rất kiên quyết với giọng nhẹ nhàng thôi. Thầy nói giọng mạnh mẽ, nhưng em nói với mẹ thì nhẹ nhàng hơn. (Mọi người cười) Thầy nói mạnh mẽ để em có được sự mạnh mẽ thôi. Chứ nói với mẹ cứ nhẹ nhàng. Tuy là lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng mà cái ý chí bên dưới thì sắt đá, mẹ thấy không lay chuyển được. Còn ngôn ngữ cứ nhẹ nhàng thủ thỉ thôi. Ôm mẹ này, đúng không? Vỗ về mẹ…
Bạn An: Bây giờ mà mở miệng ra nói những lời đấy thì… xong.
Thầy Trong Suốt: Cuối cùng thì cũng phải có người nói thật. Suốt ngày giả dối nhau thì làm sao? Giả cộng giả thì ra giả thôi. Phải giả cộng thật thì may ra mới thật được.
Bạn An: Nhà em còn nói Đạo Phật là tà đạo.
Thầy Trong Suốt: Thế thì chịu rồi! Cái gì làm hại tôi thì nói là tà đạo. Đấy là quan điểm.
Bạn An: Sống tốt là được rồi, tốt là được rồi.
Thầy Trong Suốt: Hỏi mẹ xem, tốt – mẹ có hết khổ không? Mẹ trả lời đi! Mẹ đúng là người tốt, nhưng mẹ có hết khổ không? Đấy! Như vậy là không hết khổ! Đấy! Trong nhà em cần một người nói một cách có lý có lẽ, chứ không phải là chỉ có suốt ngày theo ý mình. Em có làm được vai đấy không?
Bạn An: Em cũng chưa… chưa biết.
Phải nói bằng chính kinh nghiệm của mình
Thầy Trong Suốt: Nếu em muốn làm được vai đấy thì phải gì? Phải tu thôi. Tu sửa đi. Thầy nghĩ là phải hai năm nữa nếu em tu sửa. 1–2 năm nữa, thì em mới có cái sự mạnh mẽ thầy vừa nói đấy. Tại vì nó phải ngấm vào đời sống của mình cơ. Chứ không phải là mình nói theo lời thầy đâu. Mình phải nói bằng kinh nghiệm sống của mình, bằng toàn bộ cái hiện thực sống của mình, thì mẹ mới lay chuyển được.
Còn em đem lời thầy về nói, khác gì con vẹt. Không được! Em sống một năm như thế đi, xong dùng chính sức mạnh của mình để nói, chính cái mình đã trải nghiệm được, thực chứng, quan trọng là thực chứng để khuyên mẹ.
Mẹ nhìn con đây này. Đấy! Con cũng đã từng giống mẹ, cũng sĩ diện hão giống mẹ, cũng tin rằng quay ra bên ngoài sẽ hạnh phúc. Nhưng con đã thấy đấy là nhầm lẫn, vẫn không hạnh phúc được, vẫn đau lòng, vẫn buồn. Thế mà từ ngày con sửa mình đến giờ, con rất hạnh phúc. Mẹ nên theo tấm gương của con mà sửa mình đi mẹ ạ. Đấy!
Bạn An: Anh chị nhà em còn tu mười mấy năm rồi nhưng mà không ai nghe.
Thầy Trong Suốt: Anh chị em mười mấy năm mà mới đến như thế chứng tỏ chưa có kết quả. Mười mấy năm mà tu tốt ấy thì kết quả nó sẽ khác. Nó không còn cái kiểu người làm mất lòng những người xung quanh đến mức đấy. Lúc đầu mất lòng thì OK, nhưng mười mấy năm sau rồi vẫn thế thì chắc là chưa có thành tựu gì cả. Khi họ thành tựu họ sẽ hành xử khác, họ sẽ biết cách thuyết phục người khác.
Bạn An: Anh em tách ra khỏi gia đình luôn. Tức là anh đi du học, xong rồi là anh ở bên nước ngoài luôn để cho không bị cản trở…
Thầy Trong Suốt: Mà những người đấy mình không bàn về họ. Bàn những người xa làm gì? Bàn xong họ vẫn là người đấy, có thay đổi gì đâu? Em phải bàn về em ấy!
Bạn An: Không! Tại vì anh em hay hướng dẫn cho em nên là em…
Thầy Trong Suốt: Thôi! Đừng theo những người mà hướng dẫn mười mấy năm không thành tựu gì. Hỏi anh là anh tu mười mấy năm kết quả là gì? Anh nói em nghe.
Bạn An: Em cảm thấy anh em rất là vững vàng.
Thầy Trong Suốt: Chưa đủ! Vững vàng chưa đủ. Anh tu mười mấy năm mà anh không chuyển hóa nổi mẹ mình, chứng tỏ thành tựu anh rất là kém. Nói thẳng thế! “Nếu anh có thành tựu, anh chuyển hóa mẹ đi. Để em đi hỏi người ngoài về gia đình mình, có phải anh kém không? Nếu anh giỏi thì em đã không phải đi hỏi ông Trong Suốt gia đình mình nên cư xử như thế nào?”. Đúng không? Đấy! Bảo anh: “Nếu anh giỏi thì đi chuyển hóa mẹ đi! Nếu anh bảo anh tu có kết quả, anh chuyển hóa mẹ đi. Anh chuyển hóa mẹ không nổi thì chắc phải xem lại kết quả của anh”. Nói thẳng thế! Mười mấy năm rồi mà vẫn thế, phải xem lại là chắc.
Tối thiểu lòng từ bi của anh phải đủ để quay lại với mẹ.
Tối thiểu trí tuệ của anh phải đủ để khai sáng cho mẹ.
Cả hai cái đều không thấy thì xem lại mười mấy năm của anh đi về đâu.
Hay anh chỉ lo tụng kinh, niệm Phật, anh ngồi một chỗ, sướng mình anh thôi?
Bạn An: Em vẫn chưa rõ được câu trả lời cho mình ạ. Em muốn hỏi là liệu mình có nên rạch ròi với bố mẹ? Ví dụ em không có thích giết con gì, mà bố mẹ thì… Em không dám thể hiện điều đấy với bố mẹ…
Thầy Trong Suốt: Thế em quá kém rồi. Đấy là vấn đề của em.
Bạn An: Em… em sợ bố mẹ buồn nên là…
Thầy Trong Suốt: Đấy! Vấn đề của em.
Bạn An: Bố mẹ hay làm thịt con này con kia để cho em…
Thầy Trong Suốt: Đấy là vấn đề của em.
Em còn không dám nói thì làm sao giúp được ai? Em còn không đủ sức mạnh để mà nói. Anh chị em dù sao cũng khá hơn em, còn có sức mạnh, còn sống như thế. Em còn không có nổi sức mạnh để sống như thế, thì giúp ai bây giờ? Em phải giúp em trước đi đã. Đúng không? Một điều đúng mà mình không dám làm. Đúng rõ ràng như vậy mà không dám làm! Chỉ vì chiều bố mẹ mình mà giết hàng trăm con khác. Nếu thế mà OK thì làm sao được? Riêng điều đấy đã thể hiện là em quá yếu.
Nên em quan tâm đến vấn đề của người khác quá nhiều. Vấn đề của em, em không nhìn thấy thì em sẽ lăn lộn mãi như này thôi. Rồi năm sau gặp thầy hỏi đúng câu này cho mà xem. Còn em thực sự muốn thay đổi ấy, thì phải sửa mình đi. Tối thiểu em cũng phải có sức mạnh bảo vệ những con vật đấy chứ! Con người không dám bảo vệ chỉ vì sợ bố mẹ này, bố mẹ kia à. Chứng tỏ tu hành em quá yếu.
Bạn An: Em sợ cãi nhau.
Thầy Trong Suốt: Thì đấy, quá yếu, em sợ cãi nhau. Quá yếu. Em sửa mình đi. Em có quen ai trong nhóm này không? Em tìm các bạn trong nhóm, tham gia câu lạc bộ, nghe thêm Trà đàm. Ngày nào mà em chưa có nổi sức mạnh nói với bố mẹ là em còn quá yếu. Thôi, đừng hy vọng nhìn ai nữa. Đừng nhìn anh, nhìn chị. Nhìn mình đi đã. Giúp mình đi đã, để mình bớt yếu đi đã, nhé!
Bạn An: Không biết là có nhiều người làm thành công không? Tại vì em thấy anh chị làm không thành công…
Thầy Trong Suốt: Nhiều lắm. Học trò thầy 100% thành công. Ở đây ai học trò thầy kể qua cho mọi người xem mình đã giải quyết vấn đề bố mẹ mình giết thịt như thế nào?
Minh Anh: Chào Thầy và mọi người. Con là Minh Anh ạ, học trò của Thầy Trong Suốt ạ. Con, cũng như bạn, đầu tiên thì cũng nghe ba mẹ sát sinh nhưng mà không dám nói, bởi vì quá yếu. Nhưng sau một thời gian con học về nhân quả thì thấy nhân quả của việc sát sinh rất là xấu. Thấy điều đấy thì mình sẽ làm tất cả mọi thứ để có thể ngăn ba mẹ không làm những việc xấu đấy nữa.
Thì con chia sẻ với ba mẹ về việc sát sinh rất xấu, nhưng ba mẹ không nghe. Đến lúc ba mẹ đau yếu thì nhân đấy con có nói lại về việc sát sinh, là do mình làm tổn hại đến sinh mạng và tinh thần của những chúng sinh khác, thì lúc đấy thì ba mẹ cũng bắt đầu sơ sơ hiểu. Xong rồi bệnh nặng hơn thì mình chia sẻ nhiều, mạnh mẽ hơn. Thế là ba mẹ cũng làm theo một thời gian. Khi con về nhà, trước mặt con cái thì bố mẹ không dám nói là mình sát sinh và bảo là mình sẽ không sát sinh nữa.
Nhưng mà Tết năm ngoái em về thì thấy trong tủ lạnh có một con vịt. Thế là ba bảo mua con vịt này cho nó ăn, bởi vì nó cũng đi lâu ngày mới về. Cả nhà vừa mới về tụ họp, lúc đấy em đưa chồng mới cưới về quê ra mắt lần đầu tiên, đang chuẩn bị ăn cơm thì thằng em tố cáo là “ba đã bảo em giết con đấy, chứ không phải là ba mua ngoài chợ”. Thế là em hỏi ba: “Thực sự là ba mua, hay ba giết?”. Lúc đấy ba rất sợ, bởi vì trước đấy đã bảo là mình sẽ không sát sinh nữa, nhưng sau đấy thì ba bắt đầu tỏ thái độ là: “Tao làm thì tao chịu, chứ bọn mày không phải chịu. Tao đau thì tao chịu!”.
Em nói với ba là: “Thứ nhất, ba phạm hai lỗi: Một là sát sinh; Hai là nói dối con cái. Những cái nhân đấy là cực kỳ xấu”. Nghe xong ba bắt đầu cục tính lên và quát rất là nhiều. Lúc đấy em cũng tỏ thái độ luôn, em bảo là: “Nếu sau này ba mà đau, hay là buồn, hay bất cứ chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ gọi điện cho con nữa”.
Thế là cả nhà vừa mới ngồi vào mâm ăn bữa cơm đầu tiên sau lâu ngày mới gặp, mà lúc đấy cũng chuẩn bị Tết, thì em đứng dậy em bảo: “Thống nhất là thế! Bây giờ con đi và không bao giờ quay lại cái nhà này nữa”. Thế là bỏ đi luôn! Lúc đấy trời mưa tầm tã và nhá nhem tối, lại gần Tết nữa. Em bỏ đi luôn. Cả nhà đứng mỗi người một góc, khóc tu tu. (cười) Sau đấy thì ba em biết lỗi và hứa là không sát sinh nữa. Mặc dù lúc đấy thấy mặt ba rất là thất vọng, rất là buồn, rất là đau khổ, nhưng mà mình biết là nếu mình cứng rắn thì sẽ giúp ba không phạm phải những lỗi rất nghiêm trọng như là sát sinh, hay nói dối, tức là những cái nhân rất xấu.
Mình làm một lần thật đau vào thì người ta nhớ rất là lâu. Sau đấy ba có gọi điện, chủ động gọi điện và bảo với con là: “Dạo này ba bắt đầu tụng kinh, niệm Phật. Và thấy con nói đúng. Ba nghe về câu chuyện nhân quả rất là nhiều, và ba thấy rằng: À, cái việc sát sinh rất là xấu!”. Từ đấy trở đi ba không sát sinh trở lại nữa. Đấy ạ! (Mọi người vỗ tay)
Thầy Trong Suốt: Đấy! Cho em một ví dụ về việc mạnh mẽ. Mình dám làm một điều mà nó gây đau lòng trước mắt, mà được cái tốt lâu dài. Việc người bình thường không dám làm đâu. Đấy là một ví dụ. Tất nhiên mình phải chọn đúng lúc chứ không thể làm một cách bừa bãi được. Không phải ngày nào cũng gây đau thương được. (Mọi người cười)
Mình chọn đúng thời điểm, mà mình gây xong phát là người ta sẽ sửa được. Đúng chưa? Đấy! Nhưng để nói cho em hiểu thế nào là sức mạnh. Khi có sức mạnh thì hành xử như thế nào. Đấy! Còn không suốt ngày mình sợ thôi. Không bao giờ dám làm cả. Rồi!