TU THEO PHONG TRÀO
Thời gian gần đây tôi để ý, có rất nhiều Phật tử tu theo phong trào.
Tu theo phong trào là tu như thế nào ?
Nghĩa là hễ nghe ai nói :
- Tụng chú này linh lắm,
- Tụng kinh này vi diệu lắm
- Tụng kinh này công đức không thể nghĩ bàn
- Chép kinh này thì tốt lắm,…….
Thì nhiều Phật tử ham, và vội vàng làm theo, mà không hiểu bản chất của chúng là như thế nào.
Người tu như vậy, tôi tạm gọi là tu theo phong trào.
Cách tu này có ưu điểm là dễ dàng khuyến khích người ta tìm đến với việc tu tập.
Nhưng có nhược điểm là :
Nếu không còn ai khuyến khích nữa thì cũng rất dễ bỏ tu.
Thậm chí nhiều khi, những người xấu, họ tung ra kinh giả, và quảng cáo như trên, thì cũng sẽ có rất nhiều Phật tử chạy theo, để cầu mong sự linh ứng, màu nhiệm…
Do đó theo ý kiến của tôi, thì tôi không trả lời là có nên hay không, khi tu theo phong trào.
Mà cái chính là các vị phải hiểu được
Pháp mình đang hành là pháp gì?
Trì chú như vậy, tụng như vậy là sẽ được như thế nào?…
Nghĩa là các vị phải hiểu được bản chất và mục đích của việc hành trì.
Hiểu rõ được như thế thì việc tu tập mới thật sự mang lại lợi ích.
Tại sao chúng ta phải tụng kinh?
Tụng kinh chính là việc chúng ta ôn lại lời Phật dạy, để hiểu được lời Phật dạy, rồi thực hành, mà không bị quên…
Chứ tụng kinh không phải là để trả bài với Phật, hay để cầu nguyện một điều gì đó xa xăm, huyền bí,….
Vậy tại sao chúng ta phải trì chú ?
Việc trì chú có hai công năng chính sau :
- Vay mượn thần lực của Phật, để mà chuyển hóa một số vấn đề phức tạp như trị bệnh, giải oán kết, phòng khi bị ma nhập, hay gia trì vào một số vật phẩm để đeo,….
- Thì chú để định tâm, nhiếp tâm,…..đưa tâm vào trạng thái định, nếu đủ duyên có thể khai ngộ, đắc đạo,….
Hay tại sao chúng ta phải niệm Phật?
Vì niệm Phật có những lợi ích sau đây :
- 1. Tích lũy được lòng tôn kính Phật, thông qua việc nhớ nghĩ những ân đức của Phật.
Và khi lòng tôn kính của quý vị tăng trưởng, thì nhiều công đức lành sẽ phát khởi ngày càng nhiều trong tâm của quý vị. - 2. Trì niệm danh hiệu Phật để định tâm, phát triển chánh niệm và sự tỉnh thức.
Đây là bước chuyển tiếp để hướng đến việc khai ngộ. - 3. Niệm Phật, nhớ Phật là để ta học hỏi theo Phật, là phải tập tu tâm từ bi, tâm hỷ xả, tâm rộng lượng, quảng đại, bao dung, ….cũng như siêng tu các pháp để có được trí tuệ như Phật.
Và khi nhớ nghĩ đến Phật, lòng ta luôn phát nguyện, luôn siêng năng tinh tấn trong việc tu tập tiến đến mục tiêu giải thoát giác ngộ, không còn tái sinh trong luân hồi đau khổ nữa.
Đó, nghĩa là các vị phải biết pháp mình đang thực hành là để đạt được thứ gì, đang tu tập vì mục tiêu gì.
Các vị cần phải nắm thật rõ.
Chứ không được lờ mờ, rồi ai nói gì cũng nghe theo, cũng tin, cứ nghe vi diệu, mầu nhiệm là ham.
Mà không biết mình thực hành như vậy là đúng hay sai, cứ mãi chạy theo phong trào.
Nên các vị cần phải có trí tuệ, không nên tu mù, phải có một định hướng hết sức rõ ràng.
Giống như người lái thuyền, luôn biết rõ hướng đi, đi như vậy thì mới đến đích được.
Còn nếu không, các vị sẽ đi lòng vòng và mất thời gian, nhiều khi còn đi lạc nữa, đi như vậy là khổ rồi.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam Mô Tôn Giả Xá Lợi Phất Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Đọc thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB Tu học mỗi ngày –