Tư vấn trước mùa thi tuyển sinh
Nay cũng đã gần cuối tháng năm rồi, chỉ còn hơn tháng nữa là các em học sinh cuối năm học mười hai sẽ phải bước vào kì thi tuyển sinh cao đẳng đại học.
Do vậy phải nói thời điểm này không những các em học sinh và cả các bậc phụ huynh cũng rất là lo lắng cho các con em, lo lắng về tương lai của các em.
Tôi nghĩ đây cũng là nỗi lo chính đáng thôi.
Mới hôm qua tôi có dịp được tâm sự với một người mẹ, một phụ huynh, tôi mới biết rằng nỗi trăn trở và lo lắng của cha mẹ là rất lớn.
Chính vì lẽ đó, nên nay tôi mới viết bài này để các phụ huynh và các em học sinh tham khảo, trong vấn đề chọn nghề, trong việc thi cử của bản thân.
* Về việc chọn nghề :
(Chọn trường thì các em xem coi trường nào phù hợp với mình như địa điểm tỉnh nào, học phí, điều kiện ăn ở , rồi điểm đầu vào có cao không theo năm trước ,…v…v… Cái đó thì các em tự cân nhắc rồi chọn).
Nay bài viết ngắn nên tôi chỉ nói về việc chọn nghề.
Khi để ý, chúng ta thấy tại sao từ « Nghề » lại đi kèm với từ « Nghiệp » thành là « Nghề Nghiệp ».
Nghiệp chính là cái thói quen đó Quí Vị à.
Cái nghề mình làm một thời gian, một năm hai năm ba năm… rồi cả đời chúng sẽ thành thói quen, ta sẽ rất lão luyện và thuần thục với các nghề mình đã làm.
Và sau khi ta già chết, cái thói quen làm nghề cũ vẫn không mất đi, mà thói quen vẫn lập lại. Nên trong tiềm thức mỗi người, như các em học sinh sẽ xuất hiện các nghề mà các em sẽ lựa chọn để làm trong tương lai.
Vậy tại sao một em lại thích học kinh tế làm ăn buôn bán, còn em khác thì thích vào quân ngũ, quân đội?
Nếu để ý nhân quả Quí Vị sẽ thấy:
Là vì em học sinh thích vào quân ngũ, mấy mươi năm trước (ở kiếp trước của em) trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, em là một sĩ quan, em đã từng sống trong quân đội, đánh giặc và hy sinh luôn trong quân đội.
Nên sau khi tái sinh và lớn lên, ý muốn và nghiệp của em vẫn thôi thúc là phải chọn nghề vào quân đội.
Nên ta thấy đặc tính nghiệp và nhân quả kiếp trước chi phối rất mạnh trong vấn đề chọn trường, chọn nghề của học sinh.
Nếu tinh ý, chỉ cần Quí Vị nhìn và để ý con của mình là Quí Vị sẽ biết được nghiệp của chúng thế nào, như là sẽ làm thầy hay làm thợ, làm lính hay làm quan, thậm chí giàu hay nghèo luôn…v…v…
* Vấn đề chọn trường cao so với khả năng, vấn đề thi đậu và thi rớt :
Có câu : « Hành sự tại nhân, thành bại tại thiên »
Thiên ở đây là nhân quả của mỗi người.
Khi thi đỗ nghĩa là ta sẽ vào học ngành đó và ta sẽ vui, sẽ tự hào và cha mẹ cũng tự hào, hãnh diện.
Nhưng cái «Tự hào hãnh diện» là do cái phước quy định.
Nếu học sinh này không có cái phước để phải tự hào, mà phải gặp thất bại cho đau khổ (vì phải trả quả báo).
Thì dù học giỏi cũng sẽ khiến em chọn nghề cao so với khả năng và thi rớt, rồi sẽ đau khổ
Còn nếu hạnh phúc thì ngược lại.
Nói vậy, không có nghĩa là ta bi quan thụ động.
Mà nếu ta là cha mẹ, thì cứ tư vấn cho con như vậy, như vậy… nếu ta thấy hợp lý.
Nhưng sự thành hay bại còn do cái duyên cái nghiệp của con.
Do vậy, ta cũng nên hoan hỷ, mạnh mẽ đối diện, chấp nhận với mọi thứ, chấp nhận với sự lựa chọn ban đầu.
Vì trước đó ta đã suy nghĩ rất kĩ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Xem thêm ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Nguồn FB: Tu học mỗi ngày – Cư Sĩ Nhuận Hòa