Túi vàng, túi xanh
Bảy năm trước, tôi có chín tháng sống và học tập tại Ghent, Vương quốc Bỉ – một thành phố nhỏ xinh, cổ kính, với rất nhiều lâu đài, nhà thờ từ thời trung cổ được gìn giữ nguyên vẹn.
Tôi thuê một phòng trọ giá rẻ cho sinh viên. Ngày đầu tiên, chủ nhà dẫn tôi đi một vòng, hướng dẫn sử dụng máy sưởi và đồ dùng nhà bếp. Trong bếp có một góc với hai khung thép gắn túi nilon màu xanh dương và màu vàng in chữ IVAGO rất lớn, kèm một thùng giấy carton kế bên. Ông dặn, rác thải phải được phân loại, túi màu vàng để rác sinh hoạt hàng ngày, túi màu xanh để rác thải nhựa, vỏ lon nhôm và các hộp sữa; trong khi giấy carton, hộp bánh pizza và chai thủy tinh, nhất là chai bia ở Bỉ… được bỏ vào thùng lớn.
Chủ nhà dán một tấm lịch thu gom rác lên bức tường ở góc bếp, yêu cầu chúng tôi kiểm tra ngày để tự phân công nhau đi đổ rác. Tấm lịch tô màu vàng, xanh và nâu, thể hiện ngày mà túi màu đó được thu gom. Xe rác sẽ đi vòng các con phố từ 5h sáng, thu gom mỗi tuần một lần với túi màu vàng, hai tuần một lần với túi màu xanh và mỗi tháng một lần với thùng carton đựng giấy và chai lọ thủy tinh. Bỉ có khí hậu ôn đới, lạnh quanh năm. Rác thải trong bếp như thịt, vỏ trái cây rau củ… có thể giữ trong các túi màu vàng suốt một tuần mà không bị ôi thiu hay bốc mùi.
Nếu bị bắt gặp đổ rác sinh hoạt ra thùng rác công cộng, chúng tôi sẽ phải chịu phạt 120 euro và thêm 250 euro cho phí vệ sinh – một khoản tiền cực lớn bởi chi phí ăn ở một tháng của tôi ở Bỉ lúc ấy chỉ khoảng 650 euro.
Các túi màu vàng đựng rác thải sinh hoạt có giá khá đắt, tận 18,4 euro cho 10 túi loại lớn; trong khi túi xanh đựng rác thải tái chế rẻ hơn nhiều, chỉ 6 euro cho cuộn 20 túi. Các túi trên được bán đồng giá trên toàn thành phố. Điều này nhằm khuyến khích người dân phân loại rác kỹ lưỡng hơn, thay vì tiện tay gom hết rác vào túi màu vàng.
Câu chuyện về những chiếc túi trở lại với tôi khi tôi hay tin Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phân loại rác tại nguồn, với việc đưa vào áp dụng Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ 25/8. Theo đó, hộ dân, các cộng đồng dân cư không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất lên đến 300 triệu đồng.
Mục tiêu phân loại rác được đặt ra từ lâu. Năm 2007, Hà Nội từng thí điểm phân loại rác tại nguồn ở quận Hoàn Kiếm. TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng triển khai thí điểm nhưng đều không duy trì được lâu dài do thiếu đồng bộ trong quá trình thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý. Quy trình phân loại rác bao nhiêu năm qua, vì thế, vẫn “do một tay các bà đồng nát lo liệu”.
Với gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước mỗi ngày, trong đó TP HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn, phân loại rác tại nguồn dù khó, vẫn là việc buộc phải thực hiện, nhằm đảm bảo xử lý và tận dụng tái chế nguồn tài nguyên này. Cách triển khai của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ cung cấp mô hình tham khảo tốt cho Việt Nam.
Bỉ là quốc gia nổi tiếng với việc phân loại và tái chế rác thải hợp lý và hiệu quả, chỉ sau Đức tại châu Âu. Ngoài việc chia rác thành túi vàng, túi xanh như cách họ đã làm, các đô thị lớn ở Việt Nam có thể nâng cao ý thức của người dân bằng việc quy định loại túi rác và mức giá. Nếu không đáp ứng các quy định, trong đó có quy định về loại túi, công ty vệ sinh môi trường có quyền từ chối thu gom.
Tại Singapore, nơi tôi hiện sinh sống, Cơ quan Môi trường Quốc gia NEA có nhiệm vụ quản lý và giám sát hoạt động phân loại và thu gom rác thải. Trong các trung tâm thương mại, trường học, chợ, trung tâm ăn uống… đều có các thùng rác chuyên dụng màu xanh dương với dung tích 660l, dành riêng cho rác tái chế gồm bốn khoang với bốn màu dễ nhận biết: chai lọ thủy tinh (glass), giấy và bìa cứng (paper), chai lọ bằng nhựa (plastic), lon và hộp kim loại (metal). Rác thải sinh hoạt được vệ sinh và thu gom hàng ngày để tránh mùi hôi và côn trùng, do Singapore có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Ngay từ bé, người dân tại đảo quốc đã được hướng dẫn và tuyên truyền để phân loại rác thành các loại chất thải hữu cơ, rác thải tái chế và không thể tái chế. Sự phổ biến và tuyên truyền này được thực hiện tích cực và mạnh mẽ. Đến các trung tâm ăn uống và chợ ướt, bạn sẽ thấy thông báo và bảng hướng dẫn phân loại rác được thể hiện bằng hình minh họa dán khắp nơi.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo và thành công. Tại Singapore, văn hóa sử dụng túi nilon và muỗng đũa sử dụng một lần vẫn còn phổ biến. Tôi dễ nhận thấy điều này khi đi siêu thị, mỗi món hàng thậm chí được cho vào một túi nilon riêng. Túi nilon miễn phí và có thể xin thêm không giới hạn.
Ở khu Pandan Garden tôi đang sống, rác thải sinh hoạt hàng ngày trong các khu chung cư xã hội được gom cho hết vào một túi nilon và thả vào thùng máng (rubbish chute) từ tầng cao. Máng rác tập trung, một thiết kế điển hình của hầu hết căn hộ xã hội và chung cư cao tầng, cho phép cư dân xử lý rác thải dễ dàng ngay từ chính căn bếp của họ; khiến nhiều người lười nhác mang rác tái chế xuống tầng trệt. Những máng rác chảy từ trên cao xuống cũng là hình thức phổ biến tại nhiều chung cư ở Việt Nam – một trở ngại rất lớn cho mục tiêu phân loại rác từ hộ gia đình.
Không thể ngay lập tức thay đổi thiết kế của các khu chung cư dạng này, vì vậy, việc tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của người dân sẽ là giải pháp quan trọng đầu tiên.
Nhưng ngay cả khi các hộ dân đã có ý thức, nỗ lực phân loại rác tại nguồn vẫn có thể rơi vào bế tắc nếu quy trình tập kết và vận chuyển rác thải vận hành như cũ; nghĩa là túi xanh – túi vàng lại bị trộn lẫn vào nhau đi đến bãi rác.
Và tôi chưa thấy nhà chức trách công bố giải pháp cho quy trình vận chuyển rác đã phân loại.
Trình Phương Quân
Nguồn: https://vnexpress.net/tui-vang-tui-xanh-4491984.html
Bạn đọc comment
phuongthuy1973 Hậu duệ biết ơn.
Nhà tôi ở chung cư, không có nhà kho hay sân vườn rộng để tích trữ các loại phế phẩm có thể để dành bán ve chai, mà cũng không thể kêu ve chai vào bán, nên tôi hay tự mình và dặn người nhà hãy phân loại rác, các thứ mà mình nghĩ có thể dùng được, có thể tái chế được thì bỏ riêng ra một bịch, rồi hãy đem bỏ vào thùng rác chung của chung cư, tôi chỉ nghĩ đơn giản là hãy giúp người đổ rác, đằng nào thì họ cũng bới các bao rác trước khi họ đem rác đi đổ vào các khu tập trung, họ cũng nghèo, cũng khó khăn, hãy giúp họ để họ có thêm thu nhập nuôi con cháu, mình chỉ mất vài giây, nhưng họ tiết kiệm vài phút, tránh được sự bẩn thỉu vương vãi khi họ bới rác. Tôi cũng dặn người nhà mình thêm là đối với các loại rác có thể tồn lưu trong môi trường lâu năm, phải hạn chế thải ra môi trường, đừng để sau này con cháu chúng ta trách cứ chúng ta, rồi phải sống với những gì chúng ta tiện tay ngày hôm nay, kể cả khi đó chúng ta đã là người thiên cổ.
Tổ tiên chúng ta để cho chúng ta những gì? Rừng ngàn, biển bạc, đất đai màu mỡ, dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um, một di sản trù phù, đất đai cho mùa màng tươi tốt bội thu, không khí trong lành cho chúng ta hít thở, sông suối cho chúng ta đắm mình những trưa hè, chim muông cho chúng ta vui hòaHãy cố giữ lấy! cho chúng ta và cho con cháu chúng ta, ai trong chúng ta mà không muốn hậu duệ biết ơn?
Phương Thụy
Nguyễn Nhân Sinh 30 năm trước, ba mẹ tôi đã dạy mấy chị em tôi phân loại rác rồi. Nhà tôi ở nông thôn thôi. Nilon thì bỏ vào hố, sau đó khơi khô rồi đốt. Rác hữu cơ thì vứt ra vườn. Các mảnh như sành sứ, thủy tình thì vứt vào sau nhà vệ sinh. Cái gì tái chế được thì đem bán lấy tiền mua bút vở. Không hiểu sao bây giờ lại cứ loay hoay mãi vậy?
tung @Nguyễn Nhân Sinh: Nông thôn, miền quê họ vẫn làm như thế, cái khó là khu đô thị đông đúc thôi bác!
hienpham0389 @Nguyễn Nhân Sinh: đi đốt nilon? ô nhiễm đấy. đốt như vậy đáng lí phải bị phạt tiền. ai cũng nghĩ xử lý rác nilon đơn giản là đốt đi. đi đâu tôi cũng thấy đốt và đốt thế thì cần gì cả thế giới này lo sợ rác nhựa nữa.
trinhthoata Nhà tôi phân loại rác gần 10 năm nay. Cũng vì nghĩ rằng, ít nhất mình cũng giúp cho người đổ rác, người nhặt ve chai nhặt được đồ phế liệu sạch sẽ chút. Bởi phân loại rác tại nguồn chỉ là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là phải thiết lập được quy trình thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rác. Cái này nhà nước phải làm quyết liệt và phải làm trước. Sau đó phân loại rác tại nguồn làm rốt ráo thì chỉ thời gian ngắn là xong. Chứ lâu nay, địa phương cứ hô hào phân loại rác tại nguồn, nhiều người làm theo nhưng thấy đến xe chở rác lại đổ lộn tùng phèo nên lại bỏ.
vinhhongxuansaigon @trinhthoata: Đúng rồi bạn. Mình cũng luôn nghĩ đến người đi gom rác/gom ve chai, họ lúc nào cũng bới bọc rác xem có lụm đc ve chai ko, nên mình luôn giữ cho rác sạch sẽ. Cùng là con người ai biết đâu đc có ngày mình cũng rơi vào hoàn cảnh đó.
kpcosmetic1 tôi ở seoul, khu nhà tôi cả tuần họ mới thu rác 1 lần, rác thức ăn, hữu cơ mùa hè tôi phải bỏ vào tủ lạnh ngăn mát ko thì thối rinh, mỗi tuần nhà tôi chỉ thải khoảng 5 lít rác hữu cơ. có tuần túi chưa đầy thì tôi bỏ đông đá, đầy thì mới bỏ. 1 túi 5 lít 10k, vậy 1 tháng tôi chỉ tốn 40k tiền rác.túi nylong, giấy, chai sứ, sành, quần áo, thùng xốp, nhựa… phân loại vào từng khu riêng của chung cư ko mất tiền bỏ rác
Nguyen Hong Quy định thì luôn luôn dễ còn tổ chức thực hiện mới là vấn đề phải bàn. Bài viết đã cho thấy rất rõ điều này. Cảm ơn tác giả.
Lan Đ Nhà tui thì phân loại lâu rồi, ly nhựa & ống hút để riêng, rác thức ăn để riêng, chai lọ bình nhựa gom cho tụi nhỏ làm “kế hoạch nhỏ” bán ve chai. Tuy tập cho mấy đứa nhỏ làm vậy, nhưng chúng nó thấy, và tui cũng thấy, mấy bao phân loại đó được xe rác dồn chung đẩy vô xe rác nghiến, nên nhiều khi đúng là nói với chúng nó vì sao phải phân loại rác không xong. Lâu lâu lại “quyết tâm, quyết liệt ” một lần kiểu này không biết khi nào mới thực hiện được ở phạm vi thành phố. Có nên lấy từng phường làm thí điểm thi đua không?
Kim Những thứ xanh đỏ nêu trong bài không khả thi ở VN bởi khí hậu. Rác hữu cơ ở VN mà để qua một hôm thôi là đã bốc mùi nặng, chả ai giữ lại ở nhà đến vài hôm mới được mang đi đổ. Nên thực tế hơn !
Tèo Nhà mình đã thực hiện phân loại rác từ lâu. Mặc dù ko có túi xanh, túi đỏ và cũng chưa đúng chuẩn lắm, nhưng mình luôn phân loại rác hữu cơ ra một túi và rác vô cơ túi còn lại. Bởi vì mình luôn nghĩ sẽ đỡ vất vả hơn cho những người thu gom, phân loại rác. Lâu dần thành thói quen, và giờ đây mình thấy rất khó chịu khi thấy rác hữu cơ và vô cơ lẫn lộn nhau
Đặng Huy Hoàng @Kim: Ko phải bạn nhé, thời tiết ko có ý nghĩa gì nhiều trong việc phân loại cả, mình ở đài loan cạnh bên vn có khí hậu tương tự và họ phân loại rất tốt, ngay châu âu cũng nóng chứ ko phải nhắc đến châu âu là mát hết đâu, phân loại rác phụ thuộc hoàn toàn vào quản lý của cơ quan chủ thể với ý thức thôi.
khucthuydu50 Tôi cho đây là NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI do mọi người đã quen thải rác theo lối cũ ngàn năm. Trong sân Trường Tiểu Học quê tôi, sáng sớm cha mẹ đưa con đi học, ngồi trên băng đá ăn sáng xong, người mẹ gom bao bì đựng thức ăn cho vào túi nylon quẳng ngay vào gốc cây ở sân trường dù thùng rác to đùng đặt cách đó chỉ 5m (?!). “Ý THỨC CÙN” còn không ít trong cộng đồng.
ĐẶNG THỊ MỸ HẠNH Cái này phải đưa vào chương trình học và thực hành tại trường cho bọn trẻ nhỏ cả 3 cấp học mới mong thay đổi dần đc. Chứ mấy người lớn nói lại tự ái, với họ quen tay rồi, hành động của lớp trẻ mới quyết định thói quen xã hội đc
Cao Hồ Nghĩa Bạn đừng đổ lỗi cho ý thức người dân, cái gì cũng thay đổi được, thời gian đầu kêu gọi phân loại rác, khu tôi sống mọi người rất sẵn sàng và làm theo. Nhưng xe lấy rác đi lấy thì lại gôm chung hết vào 1 thùng (chỉ phân ra loại nào bán đồng nát được). Làm như vậy thì người dân phân loại có ý nghĩa gì nữa.
Hai Son Pham Tôi nghỉ việc này có khả thi nhưng cần thời gian và lộ trình + kiên trì, hiện tại chính quyền muốn trong vài tháng phải xong trong khi các nước khác họ cần vài chục năm để thay đổi ý thức con người và họ đã làm được.
Hùng Minh Trần ở Việt Nam đã có nhiều nơi làm được với những quy mô khác nhau. Ý thức là ở mỗi người, người ta xả rác là việc của người ta.
Thuy Nguyen Phân loại rác không khó. Nhưng cũng có cái khó là nhiều nhà thuê trọ, hoặc nhà diện tích nhỏ nên cái bếp bé xíu. Quay qua quay lại còn khó khăn lấy chỗ đâu mà để mấy cái túi rác trong thời gian dài. Vả lại rác trong chế biến thực phẩm (gà, thủy, hải sản, vỏ trái cây…) mà không cho vào mấy túi ni lông cột chặt thì nó chảy nước và bốc mùi lập tức. Nếu phân loại thì vẫn phải thu gom hàng ngày chứ không để lâu được. Còn mấy cái vỏ lon, vỏ nhựa, hộp giấy thì yên tâm, ít ai cho lẫn vào rác “nấu ăn” lắm.
congtu2002c Mình đang sống ở Nhật, bên này họ phân loại cũng khá kỹ. Nhà mình cũng nhỏ, rác sinh hoạt 1 tuần chỉ đổ 2 lần vào thứ 3 và thứ 6. Đúng là rác trong chế biến thực phẩm nên gói kỹ vào túi nilon chứ ko thì để mấy ngày nó cũng sẽ mùi. Nhưng có điều bên này có cái đỡ hơn là thức ăn mọi người mua đều đã được làm sạch, chia theo khay, hộp như ở siêu thị ở VN. Có thể người ta từ nhỏ đến lớn không thấy cảnh giết 1 con gà nó như thế nào. Nên không có chuyện mua gà sống, cá sống về thịt ở nhà. Điều này cũng giảm đáng kể mùi hôi thối của rác nếu để lâu vì đồ mua siêu thị về hầu như không có xương (trừ xương sườn, móng giò, sườn sụn) kể cả cá cũng đã được lọc xương, làm sạch, mua về chỉ rửa qua và chế biến ăn hết.
Khi từng vấn đề trong xã hội được cải thiện dần, thì sẽ có 1 tương lai xanh sạch đẹp. Từ giao thông, cơ cấu lại chợ, hợp tác xã, thói quen đi chợ, lấn chiếm vỉa hè để buôn bán…. Tất cả cần có lộ trình lâu dài. Quan trọng người dân cũng phải chịu khó 1 chút, bất tiện ban đầu 1 chút, cùng làm theo thì sao này VN sẽ xanh sạch đẹp thôi
kpcosmetic1 nhà mình ở Hàn nè, giờ là 30 độ, 1 tuần họ thu rác 1 lần thui, nên tôi phải cho mấy cái hữa cơ dễ phân hủy, gây mùi vào tủ lạnh ngăn mát hoặc ngăn đông. cái gì cũng giải quyết được hết ý. thu hàng ngày làm sao có thời gian ngày nào cũng đi vứt rác được..
manhtuong.nguyen1986 4 ngày rồi còn chưa thèm đi lấy rác đây này . Đã vậy còn ký hợp đồng lên giá gấp 2 . Chưa lên 2 ngày đổ 1 lần giờ giá gấp 2 thành 4 ngày đổ một lần .
Thuy Sẵn tiện về thu gom rác làm ăn sắm thật nhiều thùng đựng rác lớn, ghi rõ rác vô cơ, hữu cơ để dân tự bỏ vào.
Nhà mình cũng chỉ bỏ rác hữu cơ ra ngoài hàng ngày. Còn lại hộp sữa giấy, vỏ lon, chai nhựa (nước uống), chai thủy tinh (nước mắm)… thì gom lại 1-2 tuần nhiều nhiều mới bỏ ra.
NHƯNG: người thu gom rác thì đi không có giờ giấc gì hết, có khi cách ngày mới tới lấy rác, nên rác hữu cơ buổi sáng mình bỏ ra ngoài lúc 7-8h sáng thì tới tối chuột nó cắn tanh bành (dù buổi tối đã gom bỏ vào thùng rác trong nhà). Còn bịch rác có vỏ lon, chai nhựa bỏ ra thì ve chai tới bới cũng tanh bành luôn vì họ không gom chai nhựa, hộp giấy. Chưa kể lâu lâu có nhà trong hẻm mang cả bịch rác to đùng bỏ trộm trước cửa nhà mình.
Đấy, vậy giờ phạt ai? Không lẽ phải lắp camera để theo dõi chuyện xả rác này?
phakyxuan Bạn Thuy nói khá chính xác tại về RÁC THẢI SINH HOẠT HỮU CƠ- VÔ CƠ HIỆN NAY TẠI VN mình lúc này. Đợi 10 năm sau nữa đến lớp tuổi các cháu lớn lên sẽ làm đc.Tks
Nguyen Khuong Xử lý trước tiên những người cứ mang rác sang nhà hàng xóm vứt
hoai.nguyen Mình đã thấy việc phân loại theo màu sắc tại các thùng rác của Hồ Gươm làm rất tốt tuy nhiên hơn một lần tận mắt chứng kiến cảnh rác được phân loại nhưng khi gom – lại gom chung. Từ đấy thấy việc phân loại chỉ là hình thức còn việc tổ chức thực hiện thì lại là một vấn đề cần bàn nhưng không thấy có quy định.
tranquocviet.808 Phân loại cho đã rồi Rác tập trung lại 1 chỗ bỏ lộn xộn như cũ thì làm sao.
kpcosmetic 1mình thấy bên Hàn khu dân cư bt (ko phải chung cư) họ cũng phân loại cho vào các túi khác nhau, đến ngày bỏ rác thì mọi người bỏ ra ngoài, rác họ đi gom họ cũng cho hết lên 1 xe rồi về đổ ra bỏ vào dây truyền phân loại tiếp
Ê Chỉ cần thành phố thay đổi cách gom rác như một số nước tiên tiến đã và đang làm thì người dân tự khắc phân loại ngay. Ngày nào thu loại đó, loại khác không thu, bỏ lẫn lộn thì sẽ được phạt. Chia đơn giản nhất hiện tại là rác hữu cơ, rác vô cơ, giấy và thủy tinh. Nếu muốn triệt để thì rác vô cơ có thể chia tiếp thành nhựa và kim loại.
Bây giờ mà phân loại cho đã xong các ông lại gom chung một hố, trộn chung một xe thì người dân thấy chán nản lắm!!! Nếu đã định làm thì hãy làm cho đầy đủ, từ a-z, công khai quy trình cho dân được nhờ. Rác hữu cơ đi đâu, rác vô cơ đi đâu, giấy, thủy tinh đi đâu. Triển khai thì dự kiến tái chế được bao nhiêu tấn! Bao nhiêu đi đốt, bao nhiêu đi chôn! Chi phí vận hành bao nhiêu và từ đâu?
Còn về chuyện các khu chung cư, tôi thấy cách giải quyết cũng khá đơn giản, đó là phân loại theo ngày, ngày nào thì bỏ loại ấy đối với chung cư cũ. Bỏ sai thì tiếp tục được phạt. Với chung cư mới thì cứ quy hoạch 2-3 ống thải rác và quy định từng loại rác cho từng ống.
Lee Hung Sau khi phân loại xong thì công nhân vệ sinh lại cho vào 1 xe đổ, thế là công toi. Tôi cũng đã từng làm chia ra như vậy, sau đó bỏ vào thùng rác. đầu tiên, mấy ông bà ve chai sẽ moi ra trước, mà học có mở túi đâu, toàn xé túi ra tanh bành, sau đó đến công nhân vệ sinh sẽ gom lại và cho luôn vào xe rác. Phân loại thì phải chia ngày chẵn lẻ để thu gom rác. đối với rác có nguồn gốc động thực vật thì hàng ngày, rác khó phân hủy thì hàng tuần, ai để lẫn vào thì bị phạt. Bắt đầu áp dụng cho các cơ quan nhà nước, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện.. sau đó sẽ áp dụng cho các hộ gia đình và vui lòng phạt thiệt nặng những người xả rác, chúng ta đã làm được với mấy ông vứt khẩu trang bừa bãi, thì giờ vứt rác cũng vậy luôn, ai không có tiền đóng phạt thì đi lao động công ích.
kpcosmetic 1mình thấy bên Hàn họ cũng làm vậy, xe chở chung luôn nhưng về lại cho lên dây truyền phân loại tiếp
Don Qzx Người ban hành quy định và những người liên quan đến các điều kiện để thực hiện quy định phải làm đúng trước rồi mọi người mới làm theo.
so1magician Ý kiến CÁ NHÂN của tôi:
Các KHU DU LỊCH, các NHÀ HÀNG, các KHÁCH SẠN “ĐÔNG KHÁCH” nên thực hiện phân loại rác trước tiên để có nguyên vật liệu cho các nhà máy xử lý rác thải hữu cơ…
Bui Hien Không chỉ rác hữu cơ đâu. Tôi đã hết sức khiếp sợ khi thấy những nhà hàng “đông khách” ở thành phố du lịch tôi đang sống HẦU HẾT (vì tôi không dám đi ăn thử vài nhà hàng còn lại nữa) đều dùng ly nhựa và ống hút 1 lần.
congtu2002c @Bui Hien: Bạn sợ điều gì? ở Nhật nhà hàng vẫn dùng ly nhựa và ống hút 1 lần cho nước giải khát như nước ngọt, trà sữa … Có ai khiếp sợ đâu
duyhung.work Bước đầu cứ phân loại được được vỏ lon, chai thủy tinh, hộp nhựa, bìa các tông đã là tốt lắm rồi. Còn rác sinh hoạt hữu cơ + túi nilon vẫn phải trộn lẫn đem tiêu hủy do thói quen chưa thể thay đổi được. Đừng cố làm mọi thứ hoàn hảo mà phải dần dần. Đầu tiên là phải áp dụng thí điểm ở các khu chung cư lớn, các trường học, bệnh viện…. Điều này đáng ra phải làm từ lâu 10-15 năm trước
dunganhmed02 Khó triển khai lắm, nếu từ chối thu gom thì người ta lại tiện xe máy đó rồi chở đi vứt trộm, đổ trộm chỗ khác, nạn đổ trộm vật liệu xây dựng trên các xe tải to còn chưa xử lý được hết, thì với 1 rừng xe máy bé như vậy sao mà quản lý được, rồi rác họ vứt 1 đống ngoài đường, các cô, bác vệ sinh môi trường lại là người cuối cùng phải mất công đi dọn rồi phân loại thì nhân lực sao đủ được. Trong xã hội còn quá nhiều người chưa văn minh thì khó mà triển khai được, ví dụ nhỏ nhất là nạn vứt rác bừa bãi, nhiều người lớn và trẻ nhỏ cứ tiện tay là vứt luôn ra đường chứ không hề có thói quen giữ rác và cầm rác đi tìm thùng rác để vứt
phamthuy2903 Cứ phạt mạnh như đợt đeo khẩu trang thì dần ý thức ng dân nâng lên. cùng ý kiến với tác giả về sự đồng bộ trong chuỗi rác. thực ra nhà có 1 thùng thì biết phân loại kiểu j. bãi có 1 đống thì phân loại xong đổ đống cũng coi như 0. vậy nên hãy đồng bộ xử lý trc khi ra chế tài phạt, đừng để luật trên giấy là ok. quan trọng nhất là thực tiễn.
tusardeva Mỗi khu dân cư nên có 2 thùng rác bằng nhựa, cỡ lớn. Một thùng đựng rác hữu cơ, một thùng đựng rác tái chế. Các thùng này được thiết kế để xe chở rác có thể dùng càng của mình nhấc thùng lên và đổ vào xe. Người dân có thể đổ rác bất cứ khi nào, thậm chí ko cần dùng túi lylon mà đổ thẳng vào thùng rác. Nếu làm dc như vậy thì sẽ bỏ dc cái xe rác cũ kỹ từ thời bao cấp, với việc chị công nhân đi gõ kẻng leng keng hàng ngày. Bộ mặt đô thị cũng văn minh hơn.
Lan Đ Mấy cái chung cư kiểu cũ xóm lao động mà xe gom rác đi ở lan can bé xíu thì cũng phải đổ thủ công kiểu mắc túi rác ở lan can rồi tới giờ ng ta đi gom trong xe có thùng nhỏ à, kg đủ để xe có càng nâng đi qua đâu.
Bui Hien Tôi rất thích có cách nào đó để đổ thẳng rác vào thùng thu gom, sẽ bớt được kha khá nilon đựng rác.
Trong Hung Le Nghe tin nhà máy điện rác ở Hà Nội đã hoạt động mà mừng quá. Nhưng nghĩ về ý thức phân loại rác, bước đầu quan trọng nhất trong việc xử lý rác để rác là tài nguyên chứ không phải là đồ bỏ đi, của dân mình thì thấy buồn quá. Đến bao giờ đây, ai cũng thấy phân loại rác là một nhu cầu tự thân?
Huy Ha 18,4 euro (440k vnd) cho 10 túi đựng rác thải sinh hoạt, tương đương 44k cho 1 túi, quá đắt đỏ. Vậy là người dân phải tăng chi phí đổ rác nữa à? Cuộc sống có rất nhiều áp lực, đừng tạo thêm áp lực lên người nghèo khó khi chưa cải thiện được đời sống cho họ.
phonganhhn Phân loại rác không khó lắm, nhưng mà tôi thấy cái câu cuối của tác giả mới là vấn đề nè: “Nhưng ngay cả khi các hộ dân đã có ý thức, nỗ lực phân loại rác tại nguồn vẫn có thể rơi vào bế tắc nếu quy trình tập kết và vận chuyển rác thải vận hành như cũ; nghĩa là túi xanh – túi vàng lại bị trộn lẫn vào nhau đi đến bãi rác.”
Vậy phân loại làm gì? Đó là điều tôi đã nghĩ từ khi còn bé được dạy về phân loại rác.
muasaigon290707 Ngày 25/8 chính thức áp dụng rồi mà bây giờ tôi chưa thấy khu phố phổ biến quy định cho bà con gì cả. Hãy tuyên truyền, phổ biến cho các mẹ, các bà làm nội trợ. Đây là nhóm đối tượng sẽ thực hiện đầu tiên việc phân loại rác tại gia đình
Tò Chia khung giờ hoặc chia ngày thu gom. Có thể khoán cho tư nhân chuyên thu gom rác vô cơ (túi vàng) và cho phép công nhân thu gom có thể lọc bỏ lại rác hữu cơ tại chỗ nếu phát hiện trộn lẫn rác. Đối với phương tiện thu gom rác (xe tải chở rác, xe ba bánh gom rác) cũng phải được sơn màu theo loại rác phân biệt, nếu cơ quan quản lý môi trường phát hiện phương tiện thu gom chở rác không đúng với loại rác được phép thu gom thì sẽ xử phạt lái xe, người thu gom và cả đơn vị quản lý nhận thu gom rác.
tinka.slovakia Tôi đã sống ở nhiều nước châu Âu và Mỹ nơi họ có cách phân loại rác rất hay nhưng tôi nghĩ, VN nên học tập các nước châu Á đã thành công trong việc phân loại rác nơi có cùng điều kiện khí hậu, văn hoá, nhất là Singapore.
phuongtran.tbloc Phân loại rác đầu nguồn để rồi những người thu gom vận chuyển tất cả đều dồn vào 1 xe thì cũng như không. Phải tổ chức lại hệ thống thu gom rác rồi mới nghĩ đến phân loại rác đầu nguồn. Làm từ từ, bài bản sẽ thành quen vì ai cũng muốn sạch sẽ.
Anh Hung – Tất cả mọi việc tương tự như thế này, chỉ có hiệu quả khi có chế tài thực sự, phạt thẳng tay khi đổ rác sai quy định, không phân loại theo từng túi.
– Ý thức người dân dù có tốt mấy, cũng phải được hình thành dựa trên nền tảng chế tài. Tuyên truyền mấy cũng chẳng ăn thua gì đâu, đừng làm tốn thời gian.
– Nhìn lại chiếc mũ bảo hiểm năm 2007. Trước đó chúng ta chỉ đội mũ khi đi xe ra ngoại tỉnh, còn trong thành phố ai đội mũ thì trông như dân lạc hậu, ông bà già.
– Nhưng chỉ sau đó khoảng 2 năm khi luật bắt buộc đội mũ ra đời, và đến hiện tại, ai ra đường không đội mũ sẽ nhận ánh mắt kỳ thị, tự cảm thấy lạc lõng, xấu hổ.
– Rác thải là vấn đề quá nghiêm trọng rồi, vứt rác bừa bãi, không phân loại, vứt ra đường, vứt xuống sông xuống hồ, mà chẳng bị làm sao cả, nhiều nơi ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe toàn dân. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn cả chiếc mũ bảo hiểm.
Đặng Văn Kiên Bài viết hay . Cảm ơn tác giả . Việc phân loại rác tại Hà nội đã thí điểm làm , trong đó có Phường Nguyễn Du Quận Hai Bà Trưng từ khoảng 2007-2010 . Lúc bấy giờ gọi là dự án 3R . Cán bộ và nhân phường đã bỏ rất nhiều công sức . Bây giờ nhìn lại thấy làm được như dự án thì tốt quá nhưng thực sự khó . Mong rằng trong tương lai việc phân loại rác từ nguồn sẽ dần thực hiện được
GacibOark Nếu tui nhớ không nhầm thì lần này được khởi động lại không dưới lần thứ 5!
Và lần nào cũng tạch ở khâu thu hồi về nơi tập kết!
tui nhớ mang máng thời còn sinh viên ( năm nay tui gần 40 tuổi!) cũng hào hứng phân loại rác, sau đó cho ra thùng được phân loại sẵn luôn, đến khi xe chở rác đến đổ ụp 1 phát tất tần tật vào thùng thì bao nhiêu háo hức tan nát!
lần sau có nói, phát động tui cũng từ từ coi sao….và nó chung kết quả luôn cho tới giờ!
Giờ thì tui hóng tiếp! Chứ để cái dự án này nó được vận hành thì ít nhất 3 yếu tố : Ý thức + quy trình + công nghệ …mà thấy cái nào cũng chả an tâm được!
hanhloidpt Khu tôi ở cùng Tp Osaka (NHật Bản) thí điểm phâ loại rác từ 2013, người dân rất vui và thực hiện nghiêm túc (trên 80% cư dân phân lọai đúng). Sau này tự dưng xe rác không phân chia mà đổ chung hết, người dân thấy buồn và việc bỏ rác lẫn lộn “cho đỡ tốn tiền mua túi và phiền phức vì đàng nào cũng đổ chung”. Gần đây thấy nói có tập huấn phân loại, nhưng phân như thế nào chưa thấy phổ biến… Rất tâm đắc với câu kết của bài viết.. Cứ vầy khi nào mới văn minh được đây?
Nguyễn Đắc Vệ Bắt dân phân loại rác tại nguồn nhưng khi đi đổ rác thì chỉ có 1 xe và cho hết vào đó thì phân loại tại nguồn để làm gì? Làm cái gì cũng cần phải có đầu có cuối thì mới thực hiện được. Để làm được việc phân loại rác, ngoài phạt thật nặng để nâng cao ý thức phân loại rác ra, cần phải đi từ từ, làm từ vùng nhỏ rồi nhân rộng mô hình ra. Còn cứ đưa cái quy định rồi áp dụng trên toàn quốc thì chắc chắn thất bại.
cuulong3582 Hằng ngày cứ nghe rất nhiều về chuyện rác thải. Đặc biệt là rác thải nhựa. Sao không tìm cách làm các loại bao bì, chai lọ, bịt nylon… dễ phân hủy. Không lẽ giờ đi siêu thị không mua các loại có bao bì nhựa. Nhu cầu của thế giới là vậy, vẫn thải ra bao nhiêu đó bao bì nhựa. Cho dù dọn hết chổ này thì người ta sẽ bỏ rác sang chổ khác. Phải tập trung vào gốc rễ của vấn đề là tìm các loại nguyên liệu để thay thế bao bì khó phân hủy. Chứ như hiện tại vẫn sản xuất và tiêu thụ bao bì khó phân hủy thì ngàn năm vẩn thế thôi.
anhkhuong1964 Không có gì không thể, miễn là người quản lý thực sự muốn làm. Người dân đã quá sợ ô nhiễm môi trường vì thế sẽ đồng tình ủng hộ như việc cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm….
Nếu cơ quan quản lý chỉ soạn thảo và đưa ra các yêu cầu mà không hướng dẫn các biện pháp thực hiện thì sẽ chẳng đi đến đâu.
Vi Nguyen Ở việt nam khu dân cư đô thị mật độ đông người dân chưa ý thức phân loại rác. Chưa có phương tiện để phân loại rác màu vàng,màu xanh,màu nâu. Rác sinh hoạt hằng ngày ở việt nam dể hư ôi thiu vì người dân việt nam đa số mua đồ thực phẩm tươi sống, chứ ít khi mua đồ đóng gói được cắt gọt như nước ngoài. Nếu rác sinh hoạt không thu gom hàng ngày sẽ hôi thúi, rác tái chế thì phải có nơi chứa đựng lại vài ngày mới thu gom. Rác thô cứng còn khó hơn vì cồng kềnh cần túi chứa thật to. Tóm lại ở việt nam khâu xử lý rác phải nghiên cứu đưa vào vận hành kỹ lưỡng xem phù hợp không nếu không thì sửa. Lâu dần người dân việt nam sẽ ý thức trách nhiệm thì vận hành xử lý rác mới thông suốt!
Thuy Ly Mấy năn trước tại TP HCM đã yêu cầu phân loại rác và miếng giấy dán vào bao phân biệt rác hữu cơ. Tuy nhiên xe thu gom rác thì chỉ 1 thùng nên người thu gom thảy tất cả vào chung. Nhìn cảnh đó nên người dân cũng chẳng buồn phân loại nữa. Nếu làm cần đồng bộ và quyết liệt từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý. Rất cần quy định màu túi rác thống nhất chung toàn quốc và nhà nước trích từ thuế môi trường để trợ giá cho sản xuất lưu thông túi rác.
hoannguyensg Có lẽ nên thu thêm phí để đầu tư dây chuyền tổ chức phân loại rác ở cuối nguồn.
Putin Con Chỉ cần đọc cái tiêu đề là thấy bài viết đề cập chính xác. Nhà tôi vẫn phân loại rác rõ ràng để trong thùng, tuy nhiên khi xe rác tới thì tất cả đều được gom vào một thùng và xe rác nén ép chung tất cả. Cách vận hành không có thì nổ lực phân loại rác công cốc, rồi có chế tài xẻ phạt hay tính chi phí cũng không có cơ sở mà làm.
Trangumi 17 năm trước tôi từng sống tại Nhật 3 năm. Cũng được hướng dẫn phân loại rác, ngày giờ bỏ rác các loại, những đồ to như giường tủ, bàn ghế hay đồ điện tử muốn bỏ cũng chỉ có ngày thu nhất định và 1 số đồ phải mất thêm tiền để bỏ, tôi thật sự thấy nó hữu ích. Sau này về nhà tôi vẫn giữ thói quen phân loại rác. Nhưng thật sự là rất khó. Những thứ có thể tái chế như vỏ lon, chai nhựa, bìa catton,… giấy các loại tôi cố gắng giữ sạch nhất có thể để riêng và đưa cho các cô chú thu gom rác để họ gom đồng nát. Nhưng còn chai thủy tinh, bóng đèn vỡ, pin, chai lọ mỹ phẩm … tôi cũng phân loại để riêng nhưng khi mang ra chỗ thu gom rác dù có bảo các cô chú thu gom rác là có rác nguy hiểm … thì vẫn cứ bị gom chung vào các loại rác khác vậy là tôi phân loại vô ích. Các cô chú ấy cũng phải theo cv mà làm. Sau này có các điểm thu pin cũ tôi tích và mang đến cửa hàng thuốc gần chỗ làm để họ bỏ hộ vì họ cũng tích pin đã qua sd riêng. Ở quê bố mẹ tôi cũng có 2 thùng rác 1 thùng là các loại phân hủy đc ông bà cho ra vườn ủ để tưới cây. Thùng còn lại cũng phải gom ra bãi rác chung, những thứ tái chế đc thì bán đồng nát. Đi chợ tôi dùng làn or túi dứa và hộp nhựa để đựng thực phẩm, cái nào ko cần hộp thì cho thẳng vào làn, vào túi. Tôi biết có nhiều người như tôi, đang rất băn khoăn về vấn đề này.
Phan Ngọc Việc phân loại rác là giải pháp tối ưu, nhiều nước đã thực hiện nhưng ở VN rất khó: Dân đông, nhà ở chật chội, rác từ thực phẩm nhiều, từ chối thu gom thì đêm khuya họ lén vứt ra đường. Nói chung muốn thực hiện được phải làm đồng bộ thừ khâu tuyên truyền, vận động, phân loại, thu gom, chế tài xử phạt nặng, có tổ chức theo dõi và xử phạt rộng khắp… thì mới thực hiện được.
haichemist1985 Ý kiến cá nhân của mình: phân loại rác thải tại hộ gia đình có thể thực hiện được, mình cũng ủng hộ việc này. Tuy nhiên, lúc thu gom rác thải thì các ông đi thu gom có thực hiện phân loại không hay tiện tay tống hết “túi vàng, túi xanh” vào thùng xe thành đống hỗn độn. Rồi rác tập kết ở bãi, một lần nữa có ai đứng ra phân loại không? Nếu nhà quản lý chỉ vội vàng đưa ra chế tài xử phạt bắt hộ gia đình thực hiện mà không giải quyết đồng bộ cả một quy trình thu gom và xử lý rác thải thì e là như muối bỏ bể, sau một thời gian thì lại quay lại lối vứt rác như cũ.
Nguyễn Anh Tuấn Giồng như Cty tôi! Sơn thùng rác các màu- Sau đó xe thu gom cho vào 1 thùng chở đi!!!!!!!!
Nguyen Chi Hieu Bài viết hay, tâm đắc nhất là câu cuối. Cảm ơn tác giả. Tôi nghĩ, cái đầu tiên cần làm là qu trình và công nghệ xử lý. Tiếp theo là thay đổi tư duy, thói quen và chế tài vi phạm.
Minh Tuấn Trần Tháng 9 năm 2009, TTTM của chúng tôi đã phát động chương trình nói không với túi nylon và sử dụng túi sử dụng nhiều lần thay thế. Việc không khả thi của chương trình bao gồm 3 yếu tố: (1) Phân loại tại nguồn; (2) Phương tiện chuyên chở chuyên biệt cho hai loại rác và (3) Xử lý ngay tại bãi tập kết và tiêu hủy. Tôi nhớ thời điểm đó chúng tôi đã thành công công đoạn số 1 khi quan sát thấy khách vào TT mua bán và ăn uống đã tự giác phân biệt loại rác nào để bỏ vào thùng nào. Còn hai công đoạn còn lại tôi không chắc chắn lắm.
Vinh THực tế rác thải rắn như bìa cac tông, giấy vụn, chai thủy tinh chai nhựa chỉ có ở các khu du lịch hay khu vui chơi thôi còn ở khu dân cư thì rất ít vì người mua đồng nát đã thu gom , phần còn lại thì chính những người CNWC đã gom lại trong quá trình làm việc . Rất ít chất thải rắn ở điểm thu rác khu dân cư, chỉ có rác thải hàng ngày không tái chế được vì vậy trước khi tổ chức yêu cầu người dân phân loại thì ngành môi trường phải đi khảo sát các bãi rác thu gom để tổ chức TH tránh lãng phí kinh phí
Sa Nguyễn Khi nào từng người dân sinh sống tại các tp lớn ý thức đc việc phân loại rác đầu nguồn ko xả rác ra môi trường và người tham gia giao thông có văn hóa giao thông thì lúc đó người VN mới có thể tự hào mình là người văn minh . SG hầu hết các cơn đường đều có rác thậm chí ngập rác quanh năm càng về các quận vùng ven càng rác. Cứ chỗ nào có đất trống là rác chất thành đống.Nhìn mà buồn vô tận. Nếu đc, có thể lắp camera để phạt thật nặng người dân bỏ rác ra công cộng mới mong tp sạch đẹp . Phải chế tài giống như các nước mới mong người dân có ý thức trách nhiệm với môi trường.
duongkhqd Giải pháp cho vấn đề này theo ý kiến tôi nên thực hiện như sau:
1. Xây dựng chiến lược dài hạn:
+ Dạy trẻ em có ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải ngay từ nhỏ (Thường xuyên tại trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3).
+ Lập quy hoạch và xây dựng các nhà máy xử lý rác thải dự kiến theo tốc độ phát triển kinh tế và xã hội.
+ Tuyên truyền công tác phân loại rác thải tại các cơ quan ban ngành, cơ quan nhà nước, chợ, siêu thị, các công ty và tổ dân phố vv…
2. Xây dựng chiến lược ngắn hạn
+ Tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác thải theo quy trình và quy định của nhà nước (Kèm theo chế tài phạt, đánh vào kinh tế thì dân sẽ tuân theo).
+ Các tổ dân phố, hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh vvv… quy định chiều thứ 7 phải vệ sinh khu vực nhà ở của mình.
+ Xây dựng chương trình thu gom rác khoa học, có chế độ đải ngộ và mức lương tốt cho công nhân thu gom rác để họ nâng cao tinh thần trách nhiệm (Nếu ai không làm tròn nhiệm vụ thì kỷ luật cho thôi việc).
kpcosmetic1 tôi ở Hàn ở chung cư nhưng 1 tuần mới được bỏ rác 1 lần, thức ăn thừa, rau thừa, vỏ trái cây… mùa hè phải cho tủ lạnh ngăn mát hoặc ngăn đông để lưu ko thì nó thối rinh lên.
1. chai lọ nhựa phải bỏ label cho vào 1khu phân ra nhựa màu và nhựa trong
2. thủy tinh đựng riêng
3. thùng xốp riêng
4. nylong riêng
6 giấy riêng
7. nhôm sắt 1 chỗ riêng
mấy cái này ko mất tiền nhưng rác những đồ vật lớn thì tốn khá nhiều tiền, 1 cái bàn, cái ghế vứt là mất 200k…
rác ko tái chế được thì khoảng 10k/ túi 5 lít, 20k/ túi
họ phân loại rác mấy chục năm rồi nhưng vẫn có người chưa phân loại đúng. có người còn mang ra khu kênh rạch vứt. nên VN vẫn phải kiên trì tuyên truyền và cải tiến phân loại rác phải xác định là vài chục năm để cải thiện ý thức người dân
Đào Quang Tuấn Tôi ở Mỹ, theo tôi việc phân loại rác đã có từ khi cộng đồng người Việt ở Mỹ chưa hình thành. Hiện nay thùng rác khu người Việt và Mỹ khác nhau một trời một vực. Quy định thì dễ lắm, để tạo thành thói quen khó lắm.
binhtuvan191 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 01/01/2022 không đi vào cuộc sống vì công tác tuyên truyền, phổ biến chưa hiệu quả. Nhiều người bây giờ cũng không hiểu đâu là rác vô cơ, hữu cơ nên không phân loại được, cơ chế phạt trên luật thì có mà cụ thể thì không. Công ty VSMT thì cũng chỉ có một xe chứa rác nên nếu gia đình nào có ý thức phân loại rác thì cũng bằng thừa. Vì vậy việc phân loại rác phải đồng bộ giữa chính quyền, người dân và công ty thu gom rác, có vậy mới thực hiện được. Gắn với nó là hàng loạt hướng dẫn cụ thể, cơ chế thưởng phạt.
Jack Mình ở Bình Dương thùng đựng rác cho các gia đình bỏ rác còn không có.Nhà mình ở 1 Phường ở Tp Thủ Dầu Một, mỗi ngày muốn bỏ rác phải xách lên xe máy chạy khoảng 500M bỏ vào bãi rác tự phát ngoài đường lớn để xe rác đi gom. Nên xử lý từ “gốc” chứ từ “ngọn” thì làm sao thành công được.
vhoanganh101 Thực tế thì cái quan trọng nhất là khâu thu gom rác thải hiện tại, người dân phân loại xong mang ra đến cái xe rác thì đống rác nó cũng trộn lẫn vào nhau. Nếu quy trình thu gom là rác thải sinh hoạt hằng ngày, cách 1 tuần thu gom rác tái chế 1 lần thì cái quy định nó mới có tác dụng. Cứ bắt làm, mà ko có hiệu quả thì làm gì? Phân loại trong nhà ra đổ chung xe thu gom rác?
NGUYỄN AN Nội việc vứt rác đúng chỗ làm cho đường xá sạch sẽ chúng ta làm còn chưa xong, giờ ôm thêm vụ phân loại thì thua.
nguyenngoctam.hvtc Gần đây mình mới biết túi rác tự hủy vẫn thường mua thực chất chỉ là túi tự rã ra còn các hạt vi nhựa vẫn còn nguyên và có thể ngấm vào nguồn nước. Tìm hiểu loại túi có thể tự phân hủy hoàn toàn thì giá thành khá đắt đỏ. Cho nên con đường phân loại và tái chế, sống xanh không hề dễ chút nào. Mình ở chung cư, nhà có con nhỏ ngày nào cũng thải ra 1 túi rác sinh hoạt trong đó kha khá bỉm của con. Và mình nhận thấy riêng việc mua đồ online cũng kéo theo 1 lượng túi nilong/băng keo bọc quấn đồ khổng lồ. Sẽ cố gắng hạn chế lượng rác thải nhất có thể!
Hoàng Tôi học Môi trường 20 năm rồi. Câu chuyện phân loại rác nhắc đi nhắc lại từ Sách cho đên ngoài đời thực. Nói cho cùng PLR là cái khó nhất nhưng Phải làm. Nhưng làm thế nào đây?
Theo tôi, phải làm thí điểm có cơ chế thưởng phạt khuyến khích đối với cả hộ GĐ và đơn vị thu gom. Tôi lấy ví dụ: ở vn ban đầu phân làm 2 loại đã. Loại rác SH hữu cơ và Vô cơ ( ý là loại nào phân huỷ hàng ngày và loại khó phân huỷ) đơn giản vậy để dân dễ hiểu mà làm. Túi phân loại phát miễn phí cho mỗi gd hàng tháng 30 cái, nếu thiếu phải mua.
Nếu làm được điều này. Rác hữu cơ cũng bán được cho nhà máy phân bón; rác vô cơ ít nhất là bán được cho đồng nát.
Đối với đơn vị thu gom thì đấu thầu, tính toán trợ cấp.
Ai vi phạm có quyền từ chối thu gom, đổ bậy phạt nặng.
Thí điểm ở Đà nẵng, Cần thơ một vài quận nộ thành HN- Sg nơi dân trí cao và có điều kiện kỹ thuật kinh tế.
nguyenngoctam.hvtc nhà em có con nhỏ, lượng bỉm mỗi ngày của con cũng là vấn đề khiến em khá lăn tăn
Hoàng @nguyenngoctam.hvtc: Đến nơi phân loại sinh ra tiền họ sẻ loại bỉm của bạn ra, yên tâm nhé.
Luong Nguyen Hoang Tôi ở Tp Thuận An BD. Tôi có phân rác tại nguồn nhưng khi đơn vị thu gom lại cho vào tất cả cùng 1 xe. thế là phân loại của tôi thành vô ích.
Hơn nữa khi không phân loại và xe thu gom còn làm nước rác chảy ra đường bốc mùi thật khó chịu
Hy vọng chính quyền cần có chính sách đồng bộ chấm dứt tình trạng này
hatbuinho1201 Hình thành , sửa đổi một thói quen của một cá nhân đã khó , của cả một xã hội càng khó hơn. Phân loại ,tái chế , sử lý rác là xu thế bắt buộc phải làm của toàn xã hội và sẽ làm được , làm sẽ nhanh nếu các cấp chính quyền địa phương và cơ sở thực sự có năng lực,có quyết tâm , kiên trì. Xử lý rác tốt là phát triển kinh tế, là một phần chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hoangan Nguyen Theo tôi nghĩ ban đầu nên kết hợp khuyến khích thu mua rác: Như rác sinh học thì kết hợp với người làm nông nghiệp để họ thu mua làm phân hữu cơ. Rác vô cơ chuyển về bãi rác phân loại theo nhu cầu của chuỗi thu nhận. Ai không thực hiện đúng thì phạt. Đơn giản mới khả thi.
Manh Hoa Ngo Đúng như anh Quân viết! 3 năm trước, phường tôi bổng dưng “tặng” cho mỗi nhà 1 thùng đựng rác. Vào thông báo ngắn ngọn: các hộ phải phân loại rác tại nhà.
Dù biết ” ban hành chính sách mới” của phường là quá sơ sài. Vì phân loại rác như thế nào, phân thành mấy loại. Thùng rác được tặng làm gì, khi chỉ có 1 thùng…?
Tôi bèn lên mạng tìm kiếm kiến thức. Tôi thấy các nước phát triển tách thành 3 loại.
Tôi phải mua thêm 1 thùng nữa để đủ 3 thùng, lấy bút long dầu ghi “nhãn” rõ ràng. Và làm 1 bài phổ biến cập nhật ” quy trình đổ rác” mới cho vợ con.
Trong lòng tôi thấy vui vui, lâng lâng, nghỉ là Việt Nam mình cũng đã thêm 1 cái tiến bộ theo các nước phát triển. Nhưng khi xe rác tới thì tôi “té ngửa”, vì họ đổ chung 3 thùng rác nhau trên xe.
Bao biêu sự đầu tư, hy sinh thêm diện tích khu bếp để chứa 3 thùng thay vì chỉ 1 thùng như trước. Vậy mà mọi công sức của nhà tôi bị “bỏ rác”. Buồn nhất là 2 đứa con nhỏ của tôi bị thất vọng ê chề vì đã tin lời của Ba về cái hay, cái tốt, cái tiến bộ của việc phân loại rác tại nguồn.
Theo tôi thì mọi kế hoạch “chiến lượt” nào cũng phải có sự đồng bộ mới thành công!
tritu052052 nghĩa là túi xanh – túi vàng lại bị trộn lẫn vào nhau đi đến bãi rác ?
Và tôi chưa thấy nhà chức trách công bố giải pháp cho quy trình vận chuyển rác đã phân loại, ôi cũng có suy nghĩ như vậy ???
diepbich.nguyen Mọi người cố lên, thay đổi thói quen là rất khó, ta cố cho con ta có cuộc sống lành mạnh hơn.
duhuephuong1993 Nhà tôi phân loại rác quen rồi thì thấy việc phân loại rất tiện lợi. Ví dụ lượng rác đổ đi trong một ngày ít hơn hẳn vì rác tái chế nếu làm sạch sơ trước khi bỏ thì có thể để lâu một chút vì không có mùi. Nhưng khổ cái là ở nhà phân loại đã đời nhưng khi nhân viên thu gom rác đến thì họ lại dồn tất cả vào chung một xe. Phân loại thì tôi vẫn phân loại vì nó tiện và vệ sinh hơn nhưng mà nhìn xa một chút thì đang không biết việc mình phân loại rác có ý nghĩa gì.
Duy Quang À thì, chẳng qua là mình làm chưa đến nơi đến chốn thôi.
Hãy làm như bạn nói ở Bỉ, và không cần hô hào nhiều nữa.
Chuyện xưa ở nước người!
Kim Thanh Ngay cả khi phân loại rác bằng thùng đựng rõ ràng mà bên thu gom vẫn đổ dồn chung vào nhau rồi nói người dân không phân loại, nản.
Hai Son Pham Đồng ý tác giả nhiều lắm tôi thấy ở VN việc đầu tiên là phạt tiền còn thay đổi hình thức cách thức thu gom rác không có kế hoạch không lộ trình không đầu tư, việc đầu tiên chính quyền là đầu tư cách thức thu gom rác + tuyên truyền trong thời gian này có gì bất cập thì chỉnh sửa lại cho đến thời điểm nào đó ra nghị quyết phạt nếu sai, tôi phân loại rác nhiều năm rồi quen rồi còn ra tới xe rác thì tôi không biết như thế nào, tôi thấy xe gom rác của chính quyền và tư nhân tới bây giờ chỉ có 1 loại xe chạy ngoài đường.
minhchin2000 Phân loại và xử lý tại nguồn trước là rất cấp bách cứ làm đi, đến đâu thiếu yếu chưa hợp lý thì bổ sung sau. Nhiều người ý thức cực kém nên việc phạt sẽ làm người ta nhớ hơn.
dovan00100 Quan trọng ý thức của mỗi người.
nếu mỗi người không có ý thức phân loại rác thì xã hội làm sao tốt lên được.
tranbinh10592 Những việc ở châu Âu rất dễ nhưng ở Việt Nam rất khó thực hiện được. Tôi lấy ví dụ, ở TPHCM ở gốc cây nào cũng thấy túi nilon, hộp nhựa, chính quyền thì cho là dân ý thực kém, dân thì đổ cho chính quyền không bố trí đủ thùng rác.
Trịnh Quốc Bảo Hôm rồi ngồi cà phê với ông anh giám đốc mới tâm sự: bên khu phố vào ký giấy cam kết phân loại rác nhưng hiện thùng rác phân loại chưa có. Rồi chưa kể mình có phân loại ra xong thì nhân viên đi thu gom rác cũng lại đổ chung vào một chỗ, vì đã có xe rác phân loại đâu, cho nên câu chuyện vẫn đang chỉ là bàn mà thôi
tinka.slovakia Bản thân tôi hiện sống ở chung cư, nơi mỗi tầng có một phòng nhỏ để tập kết rác, được dọn ngày 2 lần khá tốt. Tuy nhiên, mặc dù có hai thùng rác xanh và da cam để phân loại nhưng bà con chỉ dùng một thùng xanh đựng các loại rác, rác tái chế cồng kềnh thì để ra sàn, ko cho vào thùng ( mà có cho cũng khó). Qua quan sát của tôi, thiết nghĩ nên để thùng rác xanh để cho rác nhà bếp thì cần có nắp đậy để tránh mùi, còn các rác thải sinh hoạt tái chế khác như hộp xốp, hộp sữa các tông, hộp sữa chua, bà con nên tráng qua và để vào thùng thấp không có nắp. Chai lọ, vỏ lon nên để vào thùng nữa thấp để bà con bỏ vào dễ dàng, thùng cao bằng nhựa thả vào dễ vỡ thùng lắm.
Đức Nguyễn Minh Quả là khó cho các chung cư cao tầng khi các hộ gia đình sau khi phân loại rác rồi lại tống chung vào máng rác để chuyển xuống tầng trệt
bk ffer cái thứ gọi là máng rác đó vô cùng thiếu văn hóa, nên loại bỏ khỏi các công trình kiến trúc.
Nguyen Billon2810 Để Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh và hiện đại hơn, kể cả những thứ dơ bẩn như rác cũng cần phải xử lý một cách khoa học.
Việc triển khai muốn hiệu quả cần phải có sự đồng bộ, thống nhất từ “thượng nguồn” cho đến “hạ nguồn” của rác, từ người dân, chính quyền cho đến bên xử lý, thu gom.
Cụ thể, chính quyền cần khuyến khích và hỗ trợ xử lý rác, đồng thời răn đe sự thiếu ý thức từ cộng đồng . Về điều này, không nơi nào tốt nhất để ta học hỏi bằng Singapore.
Người dân cần chú ý, thay đổi thói quen xả rác của mình để thích nghi với chính sách mới. Tránh trường hợp vô tình hay sơ suất mà quên đi việc phân loại.
Cuối cùng là bên thu gom rác. Nếu như chính quyền địa phương và người dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà bên này lại không thèm hợp tác phân loại thì công sức của ta cũng đổ sông đổ biển.
Tóm lại, không dễ dàng gì để thay đổi cả một quá trình xử lý rác của cả một quốc gia. Tuy nhiên việc này vẫn thực hiện được, nếu như tất cả bên phối hợp ăn ý với nhau. Từ chính quyền tiếp đến là người dân và chốt cuối là bên xử lý rác.
bk ffer Giải pháp và mô hình thực tế trên thế giới đã có sẵn rất nhiều, mong Vnexpress tổng hợp cách phân loại rác , thu gom rác, tuyên truyền cho người dân ở các nước phát triển như Nhật Bản (rất thú vị và và khoa học) … thành 1 bài báo với nhiều hình ảnh minh họa để phổ biến kiến thức cho mọi người và cả chính quyền.