Tụng kinh để làm gì? Có phải để tĩnh tâm không?
Hỏi đáp sau Phóng sinh-Trong Suốt-Hà Nội T8/2018
Một bác: Con xin chào Thầy và tất cả mọi người. Con tên là Trần Thị Nguyên, 68 tuổi, ở Gia Lâm. Mấy năm nay, thường xuyên rằm, mùng 1 vẫn theo Thầy chùa và các Phật tử đi theo các khoá lễ phóng sinh. Nhưng con có một điều trăn trở như thế này mà vẫn không thể giải đáp được. Con rất thành tâm, nhưng trong khi tụng kinh ở tại gia cũng như ở chùa, đền, thì tâm con nó không tịnh. Khi nào tụng kinh niệm Phật thì con cũng xin Trời, Phật là khai sáng cho con để cho con được tịnh tâm và để thu được nhiều lợi lạc. Nhưng đến bây giờ thì trong khi con tụng kinh con vẫn không được tịnh tâm, con vẫn trăn trở cái điều đấy.
Thầy Trong Suốt: (Cười) Được.
Bác đó: Thì mong Thầy sẽ cho con một cái hướng để cho con biết mà con tu tập. Xin cám ơn ạ!
Thầy Trong Suốt: Khi tụng kinh thì con nghĩ gì, thường thì con bảo là không tĩnh tâm đúng không?
Bác đó: Vâng ạ. Con cứ nghĩ lung tung cả.
Thầy Trong Suốt: Thường là anh nào? Hay là nghĩ đến tình cũ hay là cái gì? (Mọi người cười)
Bác đó: Đọc kinh thì không sai ạ, vẫn chú tâm vào kinh, nhưng mà toàn cứ nghĩ chuyện linh tinh.
Thầy Trong Suốt: Đấy, thầy hỏi linh tinh, ví dụ tình cũ này.
Bác Nguyên: Không có ạ.
Thầy Trong Suốt: (Tiếp) Người yêu cũ này.
Bác Nguyên: Không có ạ.
Thầy Trong Suốt: Ông hàng xóm này.
Bác Nguyên: Không có ạ.
Thầy Trong Suốt: Đấy, tuỳ con.
Bác Nguyên: Không có, chỉ có cái chuyện đời thường thôi ạ.
Thầy Trong Suốt: Đời thường thì ăn uống này, ngày mai làm gì đúng không?
Bác Nguyên: Dạ vâng.
Thầy Trong Suốt: Ngày kia làm gì? Rồi.
Bác đó: Dạ vâng vầng vầng vầng.
Thầy Trong Suốt: Được rồi, tốt, rất tốt. Câu hỏi của con rất tốt, câu hỏi của con là vấn đề chung của Phật tử, không phải chỉ con đâu mà chắc trong đoàn của con chắc 99% là giống con, thậm chí nhé, ông thầy cũng có thể như thế, chứ không phải con đâu mà ông thầy ấy, vừa tụng kinh vừa nghĩ xem mai làm gì, tý nữa quét lá thế nào, hoàn toàn có thể như vậy.
Tụng kinh không tĩnh tâm, tại sao?
Tại vì sao? Tụng kinh ấy, mục tiêu của nó không phải là để tĩnh tâm, mục tiêu của nó là để đọc xong hiểu. Hiểu chưa đủ mà không ngấm được cái giáo lý đấy thì tụng kinh là vô nghĩa. Con nên hiểu điều đấy. Tụng kinh mà không hiểu, hiểu mà không ngấm, thì việc tụng kinh là vô nghĩa.
Thế nên tụng kinh không giải quyết được cái gì hết trừ khi người tụng kinh hiểu kinh và ngấm được cái giáo lý đấy, còn nếu không thì giống như đọc truyện ấy. Đấy, thấy Bồ Tát hoá ra đủ các hình đúng không? Rất là thú vị, giống như đọc truyện Tây Du Ký ấy. Nếu tụng kinh mà mình không hiểu thì khác nào đọc Tây Du Ký, đọc những truyện này truyện kia. Như vậy, một buổi tụng kinh giống như một buổi đọc truyện. Con tụng to ra tiếng hay tụng lầm thầm?
Bác Nguyên: Dạ, tụng theo các Phật tử thì cũng tụng bình thường thôi ạ.
Thầy Trong Suốt: To hẳn tiếng chứ gì?
Bác Nguyên: Vâng ạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi, đấy là một buổi đọc truyện to, làm sao thay đổi được cái gì. Như vậy con phải hiểu là tụng kinh chưa phải là tu hành. Tâm con suy nghĩ lung tung, vì sao? Bởi vì con còn bận tâm về những chuyện mà con nghĩ. Lý do đấy, tâm của mình bị cuốn vào những việc mà mình nghĩ trong quá trình tụng kinh.
Tụng kinh không phải là tu hành
Thế nên tụng kinh không phải là tu hành mà thế nào là tu hành? Khi con biết cách sửa cách suy nghĩ, thì những vấn đề đấy bắt đầu trở nên không đáng quan tâm nữa, lúc đấy tâm con nó mới an được. Như vậy, con phải sửa tâm chứ không phải là tụng kinh. Thầy khuyên con là giảm tụng kinh đi, dùng thời gian đấy sửa tâm.
Thế sửa tâm như thế nào?
Mình sửa bằng cách, ví dụ nhé, mình lo cho cháu mình không biết năm nay có thi đỗ đại học không? Nhưng chuyện thi đỗ hay không nó hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát. Mình đang lo một việc cực kỳ vô nghĩa, tại vì lo hay không nó vẫn thế. Thế rồi mình học trí tuệ của nhà Phật gọi là vô thường và nhân quả. Mình thấy rằng: “Ờ, nó có nhân quả của nó và vô thường chuyện gì cũng có thể xảy ra, nên việc lo lắng cho nó là vô ích”, đấy là trí tuệ. Và mình tập cách để chấp nhận là gì? Kể cả nó đỗ hay trượt mình vẫn vui vẻ như thường.
Như vậy mình không phải lo lắng cho chuyện đỗ hay trượt nữa, vì sao? Vì đỗ hay trượt thì mình vẫn vui, biết cách rồi. Còn trước đây là gì? Nếu đỗ thì mình vui, nếu trượt thì mình khổ, mình buồn. Vì thế mình mới sợ cái buồn, thích cái vui.
Vì sợ và thích nên mình mới nghĩ linh tinh, chứ việc của mình không phải lo lắng gì hết, không có sợ và thích thì sao phải nghĩ. Đấy, thì trí tuệ. giúp mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, hy vọng xong lại sợ hãi, hy vọng đỗ và sợ hãi trượt.
Ví dụ ngày mai có họp tổ dân phố đúng không, vừa tụng kinh vừa nghĩ là: “Không biết ngày mai nói gì với bác tổ trưởng nhỉ? Nhà mình dạo này rác hơi nhiều không biết bác có phê bình không nhỉ?” Đấy là gì? Đấy là sợ hãi. Con hy vọng rằng bác ấy sẽ không phê bình mình, con sợ rằng người ta phê bình. Đúng không?
Nếu con tu rồi, con thực sự tu đấy, thực tu con mới đồng ý không hy vọng nữa, không sợ hãi. Ngày mai bác nói gì bác nói, sai thì sửa, thế thôi. Mình không cần phải lo lắng ngày mai bác ấy làm điều tốt hay làm điều không tốt với mình nữa. Thế là mình hết hy vọng, hết sợ hãi. Nếu mình hết hy vọng với sợ hãi rồi thì mình không phải nghĩ nữa, tâm mình rất là tĩnh dù mình có đọc kinh hay không đọc kinh.
Ví dụ thầy đang làm doanh nghiệp nhé, nhưng thầy không nghĩ gì về ngày mai xảy ra chuyện gì nữa, khi nó đến mình sẽ làm, mình không phải ngồi lo lắng liệu công ty sẽ đi lên hay đi xuống. Đi lên thì vui kiểu đi lên, đi xuống thì vui kiểu đi xuống, mà đi ngang thì vui ngang. Nên là mình rất thoải mái.
Bác tổ trưởng khen thì mình vui cười đúng không? Nếu bác chê thì mình giải thích, nếu mặt bác cứ lầm lì không nói gì thì sao? Mình lầm lì lại (mọi người cười), ví dụ thế.
Nghĩa là, nghĩ làm gì! Vì sao? Vì mọi thứ nó có nhân quả của nó và nó vô thường, cái gì cũng xảy ra được. Đấy khi mình thấm nhuần Phật pháp, đấy mới chỉ là cái căn bản Phật pháp thôi nhé, chứ còn nếu mình đi xa hơn mình sẽ thấy rằng là không có cái gì là bác tổ trưởng, không có tôi và bác, không có cái gì của tôi, không có cái khu vườn của tôi, căn nhà của tôi, mọi thứ trên đời này đều thật sự không có thật, như một giấc mơ, ví dụ thế.
Nếu các con ở đây đi xa hơn thì con thấy chả việc gì phải nghĩ cả!. Tại sao mình ngồi đây mình phải lo về giấc mơ tối nay của mình nó có gì xảy ra? Mình lo về ngày mai ấy, giống hệt mình ngồi đây lo tối nay mơ cái gì. Vô nghĩa! Thì đấy tuỳ trình độ chứng ngộ của mỗi người mà mình có một cách để mình không phải lo lắng nữa, vì mình không còn hy vọng và sợ hãi nữa. Vì mình đã hiểu bản chất thế giới này là nhân quả, vô thường, vô ngã và không có thật, ví dụ thế.
Nên cái con cần là tăng trưởng trí tuệ để cho mình chấp nhận được mọi chuyện, mình không còn hy vọng sợ hãi, thì lúc đấy mình sẽ không nghĩ linh tinh. Sau hôm nay về nhé, khi mình tụng kinh mình nghĩ cái gì, thì mình chấp nhận cái chuyện xấu có thể xảy ra ở đấy.
- Ví dụ, mình nghĩ mai họp tổ dân phố, chấp nhận bác ấy nói gì thì bác ấy nói, thế là xong, khỏi phải nghĩ, đúng không? Bác ấy chê thì mình sẽ giải thích, bác ấy khen thì mình sẽ được lên, vỗ vai vỗ ngực bảo vâng chính là tôi đây, ví dụ thế.
- Ngày mai cháu đem kết quả thi đại học về, kết quả thì kết quả, nó đỗ thì mình ăn mừng, còn nó trượt thì mình sẽ chia sẻ. Cái đấy tuỳ con, nhưng mà mình không hy vọng và sợ hãi nữa.
Nhưng cái đấy phải tu hành mới có được, con có tụng kinh hết mười năm cũng chẳng có được. Tụng kinh mười năm thì tham sân si vẫn thế. Nhưng mà thực sự sửa tâm mình thì có thể sáu tháng là con đã khác rất nhiều rồi.
Nên thầy khuyên con là bớt cái phần hình thức đi, đọc truyện Tây Du Ký chữ to đọc to bỏ đi, giảm đi, bớt đi du lịch tâm linh đi, mà tăng trưởng cái gì? Tăng trưởng trí tuệ lên.
Con có thể nghe buổi trà đàm này, nếu con quen một người có trí tuệ ấy, chia sẻ với họ, học hỏi từ họ. Đấy, tăng trưởng cái phần trí tuệ lên, chấp nhận được thế giới hơn. Thế là tự nhiên bớt phải nghĩ ngay. Và cái đấy không liên quan đến tụng hay không tụng. Hiểu không, hiểu lời thầy nói không?
(Mọi người vỗ tay)