Tuổi trẻ với vấn đề Diệt Dục
Chùa Phổ Quang
Tuổi thanh niên là tuổi hy vọng ước mơ, bao giờ cũng nuôi sẵn trong lòng những mộng đẹp. Nhờ sự hy vọng ước mơ ấy, thanh niên mới phát triển hết khả năng để đạt được sở nguyện. Thế mà, nghe đạo Phật đề cập đến vấn đề diệt dục, thực là một việc cằn cỗi khô khan, không thích hợp chút nào với tuổi đang tràn trề nhựa sống, theo quan niệm của họ. Do đó, đa số thanh niên chỉ đứng xa nhìn đạo Phật, thấy như mình không có liên hệ gì với cái đạo già cỗi ấy.
Sự thật, vấn đề diệt dục có phải bóp chết hy vọng, đốt khô nhựa sống của thanh niên không? – Nhất định là không. Ðó chỉ là một quan niệm sai lầm. Diệt dục không có nghĩa là diệt tất cả ham muốn, mà chỉ là diệt cái đắm mê ngũ dục (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) mà thôi. Nếu nói diệt dục là diệt tất cả ham muốn thì tại sao người tu theo đạo Phật còn ham muốn làm điều thiện, ham muốn cứu độ chúng sanh, ham muốn giải thoát, ham muốn giác ngộ…? Bởi vì người đời đắm mê tiền của, sắc đẹp… cho đó là cứu kính của kiếp sống, trở thành mù quáng và nô lệ nó, nên không tìm ra lẽ chánh, Phật nói: “Người nặng lòng ái dục thì không thấy được đạo, ví như nước lóng lấy tay quậy lên, người đến không trông thấy bóng.” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương) Ðể được sáng suốt và tự do, Phật dạy người đời phải diệt cái đắm mê ngũ dục. Diệt cái đắm mê chớ không phải diệt hết các thứ ấy. Chính sự ăn uống, ngủ nghỉ đức Phật còn phải dùng kia mà. Vì thế, cần nói một danh từ đúng hơn là Thiểu dục hay Tiết dục.
Tuổi thanh niên là tuổi mong muốn ước mơ, nếu mong muốn xứng với khả năng, hợp với hoàn cảnh là tiến bộ. Trái lại, khả năng một mà mong muốn mười, ước mơ những điều huyễn hoặc viển vông, đó là đi quá đà, chỉ chuốc lấy những thất vọng và đau khổ. Như chàng nông dân kia ước mơ bà công chúa đến phải đau tương tư; hoặc người tàn tật ăn xin nọ ước mơ thành triệu phú mà quên mình đang đói lạnh… Những cái mong muốn ước mơ ấy, nếu không diệt trừ thì con người quên cả thực tại, chỉ sống với mộng tưởng không đâu. Như vậy, vấn đề diệt dục đâu không hệ trọng thiết yếu với tuổi thanh niên?
Phần đông thanh niên đều nuôi mộng to, nhưng nếu là mộng Thạch Sùng hay Sở Khanh thì những thanh niên ấy là những con vi trùng độc của xã hội. Chính họ sẽ là con thiêu thân thui mình trong ngọn lửa sắc, tài… Bởi vì khi đã say men sắc, tài, danh vọng, con người có thể quên tất cả lẽ phải, mất hết lương tri, nhất là tuổi thanh thiếu niên, tuổi bồng bột nông nổi. Xưa nay biết bao người khi đứng ngoài vòng sắc, tài, danh vọng, họ là bạn tốt, chồng hiền, con hiếu… Nhưng đến lúc bị sắc, tài, danh vọng làm lòa mắt, họ sẽ trở thành con bất hiếu, chồng phụ bạc, người phản bạn… Do đó, nếu không hạn chế tâm tham dục, thanh niên rất dễ lao mình xuống hố trụy lạc.
Tuy nhiên, hạn chế tham dục không có nghĩa là ngăn bước tiến của thanh niên, ấy là hướng họ tiến đúng đường, hợp đạo lý. Lòng ham muốn của thanh niên không cùng, không tận, nếu mở khuôn luân lý, đạo đức cho nó mặc tình bay chạy thì thế giới này sẽ trở thành địa ngục, con người không còn nhân phẩm. Nói thế không phải cấm đoán thanh niên không cho ham muốn, ở đây chỉ cần xoay chiều ham muốn ấy trở thành hữu ích và hướng thiện là tốt.
Giáo lý đạo Phật dạy diệt dục, cũng giáo lý đạo Phật dạy tăng trưởng dục. Nếu không nhận định kỹ, người ta thấy mâu thuẫn ở điểm này. Bốn món Như ý túc, trong ba muơi bảy Phẩm trợ đạo của Phật dạy mà Dục như ý túc là đứng đầu, kế mới Tinh tấn. Lại câu thường ngôn của Phật tử nói: “Tu hành vô dục, đạo quả nan thành.” Thực vậy, có ham muốn người ta mới gắng sức chịu khó làm việc hay tu hành. Thế là, cái ham muốn phải có và đặt nó đứng đầu, khi bước chân vào đạo Phật. Ð?o Phật cấm cái dục ích kỷ, sai lầm và đau khổ, nhưng dạy tăng trưởng cái dục vị tha, sáng suốt và an lạc.
Cái dục hợp lý hữu ích ấy, thanh niên cần phải có và phải có thật to. Như ham muốn làm việc xã hội, giúp ích đồng bào… những cái ham muốn này càng to chừng nào thì danh nghĩa thanh niên càng xứng đáng chừng ấy và xã hội sẽ nhờ đó mà tươi đẹp, vui vẻ biết bao!
Lại ham muốn mở mang kiến thức, khai thông trí tuệ, thanh niên không thể thiếu được, mà phải có một cách thiết tha. Vì trí thức là cái cần có của con người, nên thanh niên phải gắng công khai thác nó. Nhờ có ham muốn mở mang trí thức, các cậu học sinh mới hăng hái học tập, mới nhẫn nhịn được những cơn quở phạt của giáo sư và mới đạt được bản nguyện. Nếu một học sinh học chỉ vì sự bắt buộc của cha mẹ, đến trường để tránh việc gia đình… thì học sinh ấy chỉ là những thằng bù nhìn không hơn không kém. Thế là thành công trên việc nhân nghĩa, đạt được trí tuệ cho mình đều do ham muốn làm độïng cơ.
Nếu là một thanh niên Phật tử, vấn đề ham muốn lại càng to gấp bội phần hơn. Bởi vì đã xưng mình là con Phật, là đã ám tàng mong muốn làm bậc siêu nhân. Do đó, Phật tử lúc nào cũng một lòng chăm chăm ham muốn ban vui cứu khổ cho mọi loài. Họ say sưa làm việc bố thí, say sưa lo cứu độ chúng sanh. Bởi lòng ham muốn thiết tha ấy, rất nhiều Phật tử coi mạng sống mình nhẹ hơn bông, xem nỗi đau khổ của người nặng hơn đá, họ đã hy sinh làm được những việc khó làm. Nếu đã xưng là Phật tử mà không phát tâm ham muốn ban vui cứu khổ cho người, thì kẻ ấy là cái bia khắc tên không.
Chẳng những chỉ ham muốn ban vui cứu khổ cho mọi loài, mà Phật tử cần phải thiết tha mong muốn được giác ngộ và giải thoát. Bởi sức mong muốn này quá mạnh, nên trên đường đạo, Phật tử tinh tấn không dừng. Họ cố gắng tu tập, bền chí gạn lọc từng cái bợn nhơ phiền não trong nội tâm. Như người gạn lọc từng mảnh quặng trong khối vàng. Nếu thiếu sự mong muốn, ai không thối lui trong khi gặp muôn vàn trở ngại trên đường đạo.
Phật đã đào luyện cho đệ tử cái mộng to vô kể, tức là cái mộng chuyển thế giới khổ đau thành Cực Lạc, xoay con người phàm tục trở nên Thánh hiền. Như vậy cái dục của Phật tử rất to, mà càng to lại càng quí, vì nó hướng đúng đường.
Tóm lại, đạo Phật chủ trương diệt dục, nhưng chỉ diệt cái đắm mê ngũ dục, chớ không phải diệt cái dục cứu thế độ đời, siêu phàm nhập thánh. Tuổi thanh niên là tuổi còn thiếu kinh nghiệm lại nhiều ham muốn, nếu không biết phương pháp tiết chế những cái ham muốn sai lầm, tăng trưởng những cái ham muốn phải hướng thì rất đáng thương hại thay! Ðem vấn đề diệt dục của đạo Phật áp dụng vào đời sống thanh niên không phải là một việc kém cần thiết. Có thế, thanh niên mới sống một đời sống cao siêu quảng đại, và xã hội mới mong có ngày vinh quang rực rỡ.
Bạn đọc comment:
Phạm Quang Trung Đạo Phật chủ trương diệt ham muốn để không ảnh hưởng đến quá trình tu tập
Giáo lý nhà Phật chủ trương xa lánh cuộc sống thể tục, không trang điểm, không xem ca nhạc, không tham dự các trò vui… để tập trung tu hành mới mong đạt cõi Niết bàn;nhà sư chỉ khất thực chứ không cần trực tiếp lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Kinh Thánh cũng dạy con người không tham dục, không vì tiền bạc, danh vọng mà đánh mất mình; con người phải ứng xử với nhau bằng tình yêu thương.
Chúng ta nghiên cứu sách Châm Ngôn, Truyền Đạo… có thể tìm thấy rất nhiều lời giải đáp rất đầy đủ trong ứng xử, tu thân, thích hợp với mọi thời đại.
Huy Minh Chỉ có Đức Phật là vĩ đại
Không rõ bài này HT Thích Quang Từ viết từ hồi nào, việc đưa lên chungta.com có được sự đồng ý của Hoà Thượng hay không nhưng hôm nay nhân ngày Phật Đản tôi cũng muốn bàn góp một chút về đề tài này.
Ham muốn, dục vọng của mỗi người quả có nhiều thứ, đối với người trẻ, những nam thanh niên thì tính dục là một trong những ham muốn mạnh mẽ nhất. Và tình yêu nam nữ cũng chính là báu vật mà Tạo hoá ban cho loài người, là suối nguồn vô tận của thi ca và nghệ thuật, là động lực của sự phát triển. Liệu sự “diệt dục” ở đây có gì đó chưa ổn? (nói tình yêu cao đẹp không có tính dục chỉ là nguỵ biện). Dĩ nhiên, vấn đề “diệt dục” mà các nhà sư đề cập đến có tính bao quát, giáo dục con người biết kiềm chế bản thân, biết hi sinh cái ích kỷ, cái tôi vì lợi ích cộng đồng, vì mục tiêu hướng thiện, làm thiện, diệt ác. Nhưng rõ ràng, ranh giới này thật mỏng manh, khó nhận biết được.
Nhân đây, chúng ta càng phải hiểu và thương cảm, mến phục những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bờ cõi tổ quốc nơi biên cương hoang vắng hay chốn đảo xa, ở đây, vì hoàn cảnh, mặc dù không muốn họ cũng phải “diệt”.
Đối với người xuất gia tu hành, những tu sĩ trẻ tuổi đã quy y tam bảo, nguyện lựa chọn con đường tu hành đương nhiên phải tuân thủ theo các quy định khắt khe của phật pháp, họ phải tu tập để kìm nén, tiêu diệt những dục vọng cá nhân mình trên con đường giải thoát, tu thành chính quả.
Với giới trẻ còn lại (rất đông đảo, tuổi đời từ 15-40, những thanh niên chưa vợ và có vợ), vấn đề diệt dục như thế nào, sự kìm nén có phải là trái lẽ tự nhiên?. Mỗi người lại đâu chỉ sống cho riêng mình, họ còn có bạn, có vợ, có gia đình. Liệu cái sự “diệt” của họ có làm cho nửa kia bất hạnh, liệu họ có thể kiên trì, khôn khéo thuyết phục để có được sự chia sẻ, cảm thông từ phía bên kia.
CHỨNG NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT
Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Phật chỉ có MỘT, chỉ Ngài là người được lựa chọn để làm giáo chủ Phật giáo. Ngài sống cuộc đời bình thường đến năm 29 tuổi, cuộc sống nhung lụa với vợ đẹp con khôn, kẻ hầu người hạ trong cung vàng điện ngọc đã làm Ngài buồn muốn chết, cơ duyên thôi thúc đến một quyết định trọng đại: Ngài từ bỏ tất cả để tìm chân lý, tìm sự giải thoát cho mình và cho cả loài người. Trải qua biết bao gian khó, thử thách và hiểm nguy, Ngài đã chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề sau 7 năm gian khó. Liệu có ai có thể hiểu được cái sung sướng tuyệt đỉnh của thời gian Ngài chứng ngộ chân lý: “Thất nhật đắc đạo” – 7 ngày 7 đêm Ngài chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề, mặt Ngài ửng đỏ, đầu óc suy nghĩ mãnh liệt, (huyết áp thường xuyên 180-200), mạch máu chạy rần rần, ban ngày ngài phấn khích, ban đêm Ngài chẳng ngủ, Ngài nhắm mắt mà không ngủ, trong đầu Ngài diễn ra cảnh hỏi – đáp liên miên, những tiếng thì thầm của thiên nhiên, của Đấng Tạo hoá hỏi, gợi ý và Ngài là người trả lời, chẳng câu nào Ngài chịu bó tay bởi hàng tỷ nơ-ron thần kinh trong đầu Ngài được vận hành hết cỡ, năng lượng phi thường của Ngài được bổ sung bởi năng lượng của nguồn thần lực – Tia vũ trụ chiếu rọi vào Ngài, Ngài chẳng cần ăn, chẳng cần ngủ, Ngài chỉ khát nước, Ngài chỉ uống nước. Với một người bình thường, với 7 ngày ăn không ngon, 7 đêm không ngủ chắc sẽ không sống nối, nhưng Ngài được bổ trợ bởi nguồn năng lượng vũ trụ, Ngài chỉ cần uống nước và suy nghĩ trong trạng thái phấn khích cao độ. Chỉ xoay quang chữ “Khổ”, diệt khổ, thoát khổ mà biết bao vấn đề phải giải quyết. Và cả một kế hoạch lớn lao, vĩ đại được hình thành sau 7 ngày, 7 đêm thành quả, đắc đạo của Ngài. 7 ngày, 7 đêm để Ngài chứng ngộ và chuyển sang một đẳng cấp, quyền năng mới với một trí tuệ phi thường, từ đó, Ngài nhìn thế giới, vũ trụ, con người với một nhãn quang mới, Minh Triết và sáng trong.
Tôi biết rằng, không phải vị Hoà Thượng đáng kính nào cũng có thể hiểu, cảm nhận, thấu hiểu và diễn tả được tình cảm và niềm hạnh phúc vĩ đại của Đức Phật trong thời gian Ngài ngộ đạo dưới gốc Bồ Đề thưở nào. Đức Phật tôn kính thăng hoa, ngất ngây trong niềm hạnh phúc tột độ tới 7 ngày 7 đêm!
Liệu có còn ai trên thế gian này có được niềm hạnh phúc đắc đạo to lớn, vĩ đại như vậy. Do đó, hiển nhiên việc diệt dục đối với Ngài quả là quá ư nhỏ bé đến vô nghĩa, Ngài đã không còn vấn vương bụi trần sau giai đoạn chứng ngộ đó./.
Vũ Văn Quyết Học làm người
Đối với sinh viên, thanh niên Việt Nam – Hay bất cứ ai đều cần phải học tập, học làm người, học vì sự mong mỏi sự thành công của cha mẹ, vì sự giàu sang của đất nước…
Tôi thấy bài viết như là một lời cảnh tỉnh, hay như là một lời khuyên cho các bạn trẻ – không biết mình là ai?
Đạo Trường Tìm bản chất ẩn dưới ngôn ngữ
Hồi thiếu niên tôi nghe ông bà tôi hay nhắc đến những từ ngữ nhà Phật. Lòng non trẻ cứ thấy buồn cười trước những từ ngữ cổ cổ, thô thô, ngữ nghĩa có vẻ như ở thế giới nào ấy, rất không thiện cảm không hấp dẫn. Lớn lên, có duyên trở về đạo và triết lý của Phật. Công tác khoa học cùng với nghiền ngẫm ẩn dụ trong giáo lý của Ngài nên tôi đã thấy rằng cần hiểu lời dạy theo ngôn ngữ hiện đại chúng ta ngày nay. Tôi xin nêu vài ví dụ:
1/ Đau khổ : bản chất của khái niệm là bất lực. Nguyên nhân của bất lực là không hiểu biết đúng ( vô minh ), diệt khổ là diệt vô minh . Đạo Phật vì vậy có bản chất là đạo của hiểu biết. Niềm tin cũng phải dựa trên hiểu biết, khác hẳn những tôn giáo khác.
2/ Trung đạo : là khái niệm biểu diễn tính cân bằng, tính phù hợp của sự tồn tại hay của suy nghĩ và hành động. Trung đạo không phải là đi giữa như nhiều người lầm tưởng.
3/ Diệt dục : Tránh hoặc xoá bỏ tính mất cân bằng của ham muốn. Không phải là diệt ham muốn.
4/ Diệt Tham, Sân, Si:
– Tham: biểu diễn cho sự mất cân bằng về bản năng. Loài người cũng như những sinh vật khác ngay từ lúc mới sinh ra (chưa được giáo dục, chưa có trải nghiệm sống ) đã có hai bản năng cơ bản là Trao đổi chất và Sinh sản. Trên thực tế ta hay thấy con người mất cân bằng trong ăn uống ( tham ăn hoặc chán ăn…), tình dục ( dâm đãng hoặc bất lực…)…Ngoài ra con người còn có bản năng an ninh, bản năng khẳng định sự tồn tại của cá thể. Từ đó có thêm những mất cân bằng về ham muốn địa vị, danh vọng, ham thân mình được đẹp, chê người ( Mạn)…Tóm lại, DIỆT THAM LÀ DIỆT SỰ MẤT CÂN BẰNG của bản năng chứ KHÔNG PHẢI LÀ DIỆT BẢN NĂNG.
-Sân : Sự mất cân bằng về hành động. Ngay sau sinh, con người đã có những hành động do bản năng quy định. Trưởng thành, con người càng có nhiều hành động phức tạp và hay mất cân bằng như yêu quá đáng, ghét quá đáng, buồn quá đáng, tích cực vân động quá đáng, lười vận động quá đáng, phản ứng quá đáng…Sự mất cân bằng về bản năng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng về hành động. Tóm lại, DIỆT SÂN LÀ DIỆT MẤT CÂN BẰNG của hành động chứ KHÔNG PHẢI LÀ DIỆT HÀNH ĐỘNG.
– SI: Sự mất cân bằng về tinh thần ( suy nghĩ, hiểu biết ý thức…). Con người trưởng thành dần và tạo được khả năng suy nghĩ rồi lại dùng khả năng này để mà sống. rất dễ mất cân bằng trong sự suy nghĩ mà ta hay gặp là suy nghĩ quá nhiều hoặc lười suy nghĩ, suy nghĩ đến những chuyện không cần thiết, suy nghĩ quá nhanh thay đổi luôn xoành xoạch hay chậm suy nghĩ ( dốt ) hoặc không chịu thay đổi suy nghĩ ( bảo thủ) … Mất cân bằng về mặt tinh thần nhiều là ta phải đi chữa bệnh tâm lý hay tâm thần. Mất cân bằng về tinh thần biểu hiện ra ngoài bằng mất cân bằng về hành động. Ta rèn luyện tinh thần thông qua rèn luyện từng hành động. Tóm lại, DIỆT SI LÀ DIỆT MẤT CÂN BẰNG của hoạt động tinh thần chứ KHÔNG PHẢI DIỆT TINH THẦN.
Qua trên chúng ta thấy diệt Tham, Sân, Si là RÈN LUYỆN CON NGƯỜI MỘT CÁCH TOÀN DIỆN ( bản năng, hành động và suy nghĩ) phải không các bạn? Và cũng không phải tự nhiên mà lại có thứ tự tham->sân->si như thế.
4/ Ăn chay, không lập gia đình, sống thoát tục, hành khất …là những hành động giúp cho các nhà tu học tập có kết quả hơn chứ không phải là mục đích hay yêu cầu Triết Phật đặt ra. Khi ta cố gắng sống ép xác, khác người là ta đã đi ngược lại lời dạy của Phật. Hiểu như thế thì ta mới không thấy lạ khi có nhà sư ăn thịt ( các nhà sư nam tông, trường phái đạo Phật nguyên thuỷ). Các nhà sư chân chính là những người lao động tích cực trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Người bình thường như chúng ta không đủ sức mà lao động như vậy đâu. Triết Phật cho ta biết hiện tại là nền móng của tương lai chứ không phải là bậc thang dẫn đến tương lai nên ta không thể bỏ qua hiện tại được. Học triết Phật là để mà sống đời này là chính chứ không phải là học chỉ để cho tương lai về một cõi đời sung sướng nào đó. Nhưng sống trong hiện tại theo giáo lý Phật là ta đã định hướng cho tương lai rồi đấy.
Tôi thấy bạn Phạm Quang Trung có sự hiểu về giáo lý của Phật rất lạ: “Giáo lý nhà Phật chủ trương xa lánh cuộc sống thể tục, không trang điểm, không xem ca nhạc, không tham dự các trò vui… để tập trung tu hành mới mong đạt cõi Niết bàn;nhà sư chỉ khất thực chứ không cần trực tiếp lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội“. Tôi tin chắc rằng bạn đã không hiểu tí gì về giáo lý của Phật và các nhà Sư . Chỉ nhìn sơ qua vài hiện tượng nhưng bạn đã ” bạo gan” sáng chế ra quan điểm và nhận định sai lầm của mình rồi gán cho đó là giáo lý của nhà Phật. Hãy có tinh thần học hỏi khoa học, hãy khiêm tốn học hỏi, hãy kiên trì học hỏi để tìm ra cái bản chất ẩn dưới ngôn ngữ, hình thức của cuộc sống. Như vậy chúng ta mới hy vọng xoá bớt được cái ngu dốt của đời mình.
Đỗ Việt Dũng Dục thì nên bỏ, như cái gì hợp với tự nhiên thì có lẽ là không
Các nhà sư Nhật xem chừng có phần uyển chuyển hơn khi vẫn được lấy vợ.
Như thiền sư Shunryu Suzuki vừa mới 35 tuổi đã phải tiếp quản cả hai ngôi chùa của Cha và Sư phụ của ông.
Dục thì nên bỏ, như cái gì hợp với tự nhiên thì có lẽ là không.
Nguyen Minh Hong Tôi đã ngộ ra nhiều điều
Bài viết của HT Thích Thanh Từ quả thật đã mang lại cho tôi những nhận thức mới mẻ về đạo Phật. Là người cung thường xuyên đi đến Chùa để cầu xin sự bình yên, và luôn để răn minh giữ cái tâm lại cho thế hệ sau, nhưng quả thật tôi chưa dành thời gian để tìm hiểu nhiều về Đạo Phật. Trong tôi tồn tại một niềm tôn kính với Đức Phật, nhưng vì sao minh tôn kinh thì quả thật tôi không có những tri thức hệ thống về Phật học. Tôi lại cũng không thích cách người đời tô vẽ sự thần thánh của Đức Phật một cách chắp vá, mê tín và thiếu khoa học.
Nhưng hôm nay, đọc bài viết về diệt dục trong giới trẻ của HT Thíc Thanh Từ, tôi ngộ ra nhiều điều, về sự tổng kết rất lô gic và thực tế từ hai mặt của một vấn đề: dục, trong đó HT Thích Thanh Từ đã phân tích rất thuyết phục về việc tại sao phải diệt dục và tăng dục. nội hàm của nó và những gợi ý về ưu tiên tuyên truyền cho thanh niên về vấn đề này. Từ bài viêt này, tôi cảm nhận rõ ràng và gần gũi đạo Phật hơn. Khi tôi chắp tay lạy Phật, tôi hiểu những điều cao quý mà đạo Phật mang lại cho Đời.
Tôi cảm ơn Chungta đã có những bài viết mang tính giác ngộ cao, dẽ hiểu như bài viết trên!
Lê Văn Ngà mọi người mới chỉ nói theo nhận thức và cảm nghĩ của mình thôi
Bản thân tôi chỉ mới được đọc đôi chút về Phật giáo, về các bài viết của Nhà tu hành và của những người không tôn giáo. tôi nhận thấy rằng: Chân lý của bất kỳ một tôn giáo nào đó đều phải trải nghiệm qua cuộc sống, được chứng minh bằng nhiều luận đề, bằng sự nghiên cứu và đúc rút của những người hiểu biết nhất định về chân lý đó.
Vì vậy chúng ta không nên phê phán, đánh giá về một vấn đề gì đó khi mà chúng ta chưa hiểu hết về nó, có chăng chỉ nên đóng góp ý kiến mà thôi
Lê Công Tài Sự khai sáng.
Xã hội hiện đại ngày nay quả là một môi trường thử thách rất lớn cho sự giác ngộ của con người, nhưng thử thách càng nhiều, càng khó khăn thì thì sự giác ngộ sẽ được rỗng hơn. Em là thanh niên tuổi 27, tuổi của nhiệt huyết và ham muốn, khi đọc được những lời bày tỏ của những người đầy tâm huyết cho công cuộc khai sáng sự u mê thật sự em rất vui và xúc động, em muốn bày tỏ tâm lòng của mình đối với mọi người!
Cám ơn tất cả, chungta.com là ánh sáng, một ánh sáng tuy không bằng nguồn sáng vô tận của chân lý mà Đức Phật đã nhìn thấy nhưng nó đã đánh thức sự u muội trong em từ lâu, việc đánh thức này được xem là duyên, duyên này không phải là cơ duyên đến với Đức Phật mà theo em đó là sự may mắn của em, em sẽ cố gắng giữ lấy sự may mắn này, sự may mắn sẽ ở bên em nếu em biết gìn giữ nó. Em sẽ cố gắng thường xuyên ghé thăm chungta.com để được sự chỉ bảo của những con người vì mọi người.
Chân thành cám ơn!
nguyễn văn hiếu Đạo Phật là đạo của sự hiểu biết
Tôi là người có cái tham vọng làm nên cái tôi. Tôi cảm nhận ở bạn Đạo trường khi nghiên cứu Đạo Lão: sự quan trọng là sự điều tiết sự cân bằng: một mục tiêu quan trọng của sự tồn tại con người:
tôi vẫn là lấy vai trò của con người với Đạo Phật: tôi chưa biết đến cõi niết bàn(không gian sống: không gian vật chất hay không gian tư tưởng có được khi Ngộ Đạo) nhưng tất cả những gì con người suy nghĩ là để tồn tại: Sự kết hợp giữa Đạo lão: thuận theo lẽ tự nhiên: và sự thấu hiểu những nỗi khổ đau do thiếu hiểu biết(vô minh) đã làm cho chúng ta phải học tập rèn mình, đấy cũng là cách giúp cho con người tồn tại và là chủ bá chủ của con người: quá nhiều thứ cần phải sử dụng: nhưng có thể nói:
Đạo Phật là một triết học tương đối hoàn thiện theo cách nhìn từ cá nhân tôi, Sự kết hợp của Đạo Phật với sự thuận theo tự nhiên để điều tiết sự cân bằng của Đạo Lão, sự nguyên tắc của Đạo Khổng. Tôi đứng trên góc độ cá nhân để nhìn nhận thì điều đó sẽ giúp cho con người có nhiều thành công trong cuộc sống mà vẫn cảm thấy tự tại nơi cuộc đời mình.