Vài chỉ dẫn về mạng xã hội cho đệ tử Kim Cương Thừa
– Kyabje Dzongsar Khyentse Rinpoche –
Điều quan trọng là giữ gìn các bí mật trong Kim Cương thừa. Kim Cương thừa được gọi là “Chân ngôn thừa bí mật” bởi nó cần phải thực hành trong bí mật. Nó không phải bí mật bởi có điều gì đó để che giấu, mà để bảo vệ hành giả khỏi những cạm bẫy và sai lầm mà ngã có thể gây ra cho thực hành.
Đặc biệt, hành giả thường có xu hướng trở thành con mồi của “chủ nghĩa vật chất tâm linh”, ở đó thực hành trở thành một tuyên bố thời trang được dùng để điểm tô cho ngã và khiến họ cảm thấy quan trọng hơn, hoặc giúp họ thấy rằng họ là một phần của nhóm người đặc biệt [1], thay vì điều phục và chuyển hóa tâm. Khi được thực hành theo cách này, con đường Kim Cương thừa trở nên vô cùng tệ hại.
Các giáo lý Kim Cương thừa cũng “được che giấu” theo cách mà ý nghĩa của chúng không rõ ràng với người chưa thọ nhận giáo lý thích hợp. Nó giống như một ngoại ngữ. Bởi nhiều hình ảnh và biểu tượng có thể rất lạ lẫm, hay thậm chí là bạo lực với những người chưa quen, các đạo sư thường khuyên chúng ta giữ nó bí mật để nó không làm những hành giả sơ cơ rối trí, người có thể phát triển tà kiến về con đường Đạo Phật nói chung và con đường Kim Cương thừa nói riêng.
Khi đăng bài trên các mạng xã hội, hãy nhớ rằng bạn không chỉ đăng tải cho riêng bản thân, mà còn cho toàn bộ thế giới rộng lớn, những người phần lớn không thích thú những bức ảnh “cuồng” giống bạn, cũng không tán thưởng hay yêu mến những nhân vật đặc biệt mà bạn gọi là GURU[2].
Bởi thế, tôi xin đưa ra một số gợi ý cho các học trò Kim Cương thừa về cách thức bạn có thể bảo vệ bản thân –bằng việc tránh gây bối rối và bảo vệ thực hành Pháp của bạn – cũng như bảo vệ truyền thống Kim Cương thừa thâm sâu:
(1) Hãy giữ bí mật về Kim Cương thừa
(điều này bao gồm bí mật về Đạo sư, thực hành, các bức hình Mật giáo [3], các quán đỉnh, giáo lý mà bạn đã thọ nhận …)
– Đừng đăng tải các bức hình về Mật giáo:
Nếu bạn nghĩ rằng việc đăng các bức hình như vậy (chẳng hạn hình chư Bổn tôn với nhiều tay, đầu động vật, hợp nhất và bổn tôn phẫn nộ) khiến bạn trở nên quan trọng, bạn có lẽ đã không hiểu ý nghĩa.
– Đừng đăng tải các thần chú và chủng tử gốc:
Nếu bạn cho rằng thần chú và các chủng tự gốc này cần được đăng trên FACEBOOK để khích lệ tinh thần hay trợ giúp cải thiện bản thân, một sự thay đổi hay đổi kiểu tóc có lẽ sẽ tốt hơn.
– Đừng nói về các quán đỉnh của bạn:
Nếu bạn nghĩ rằng các hình ảnh từ lễ quán đỉnh Kim Cương thừa vào cuối tuần xứng đáng được đăng bên cạnh bức hình về những con mèo của bạn trên FACEBOOK, bạn cần gửi con mèo của bạn đến Nepal để đăng ngôi. Nếu bạn không được thầy cho phép, đừng đăng bất cứ bức hình, video hay đoạn thu âm quán đỉnh, giáo lý hay thần chú Kim Cương thừa
– Đừng nói về những giáo lý thâm sâu/bí mật mà bạn có thể đã thọ nhận:
Vài người dường như thấy rằng sẽ là sành điệu nếu thốt ra vài từ như “Dzogchen” hay “Mahamudra” từ miệng họ. Nếu bạn đã thọ nhận những chỉ dẫn thâm sâu, sẽ thật tốt nếu bạn làm theo những chỉ dẫn này và giữ kín chung.
(2) Đừng để bị cuốn vào những cám dỗ của chủ nghĩa vật chất tâm linh và sử dụng Pháp để phục vụ ngã của bạn
(đừng cố phô bày về vị thầy, sự hiểu hay thực hành của bạn. Giống như vậy, đừng nói xấu về những hành giả hay con đường khác.)
– Đừng chia sẻ về trải nghiệm và cái-được-gọi-là thành tựu của bạn:
Nếu bạn nghĩ rằng tuyên bố điều bạn cho rằng bạn đã đạt được là xứng đáng, bạn có thể đang bận rộn với việc giúp đỡ cho vô minh của bản thân. Cố gắng làm người khác ấn tượng bằng thực hành của bạn không phải là một phần của thực hành. Hãy cố gắng trung thực và khiêm tốn. Không ai quan tâm đến những trải nghiệm thiền định của bạn, thậm chí nếu chúng là những linh kiến về Phật, kỳ lân hay cầu vồng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn thoát khỏi sự dối gạt của ngã, hãy suy nghĩ thật kỹ càng.
– Đừng khoe khoang về thầy của bạn:
Dù bạn nghĩ Ngài vĩ đại đến đâu, sẽ tốt hơn nếu bạn giữ kín lòng sùng mộ. Hãy nhớ rằng là một Phật tử không phải là việc thờ cúng. Nếu bạn nghĩ rằng đạo sư của bạn tốt hơn của người khác, có lẽ bạn đã cho rằng hạnh xả và nhận thức thanh tịnh của bạn cũng tốt hơn của người khác.
– Đừng cố gắng chia sẻ cái-được-gọi-là trí tuệ của bạn:
Nếu bạn nghĩ rằng thọ nhận giáo lý thâm sâu cho bạn giấy phép để tuyên bố chúng, bạn có lẽ sẽ chỉ hiển bày sự ngu dốt của bản thân. Trước khi “chia sẻ” một đoạn trích từ Phật hay bất cứ vị thầy nào của bạn, hãy nghĩ xem liệu các Ngài có thực sự nói những lời này và thính chúng mà Ngài hướng đến thực sự là ai.
– Đừng nhầm lẫn Phật giáo với ngoại đạo:
Dù bạn có thể thích thú cầu vồng và hình cầu ra sao, và dù bạn tin tưởng về tận thế thế nào, cố gắng đừng trộn lẫn sự yêu thích/phong cách của bạn với Phật giáo
– Hãy kính trọng người khác:
Không có Tiểu thừa và Đại thừa làm nền tảng, sẽ chẳng thể có Kim Cương thừa. Sẽ thật là ngu ngốc nếu những hành Kim Cương thừa lại xem thường hay khinh thường Tiểu thừa và Đại thừa. Nếu bạn nghĩ rằng tấn công những Phật tử khác sẽ giúp cải thiện Phật giáo, giúp đỡ Phật giáo, thì thay vào đó hãy hướng về ngã và thiên kiến của bản thân.
– Đừng tạo ra bất hòa:
Hãy cố gắng là một người đem lại sự hòa hợp Tăng Đoàn với những người bạn online, thay vì gây ra rắc rối và xung đột.
– Luôn ghi nhớ động cơ:
Đừng cố phô diễn “trí tuệ cuồng” trong các hành vi trực tuyến, hãy truyền cảm hứng để người khác có một trái tim tốt lành. Nếu bạn cho rằng bạn đăng tải một điều gì đó vì lòng từ bi, đầu tiên hãy chắc chắn bạn đang không gây hại. Khi bạn không thể không đăng tải một thứ gì đó, hãy chắc chắn rằng nó giúp ích bất cứ ai đọc được cũng như làm lợi lạc giáo pháp.
– Kyabje Dzongsar Khyentse Rinpoche –