“Vạn pháp là ảo ảnh của tâm” thì có mâu thuẫn gì với nhân quả không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- T2/2018
Một bạn: Em tên là Quỳnh Lê, hiện nay 34 tuổi và độc thân vui tính ạ. Lúc nãy em nghe anh nói chuyện ung thư là nhân quả. Mình không ăn thì cũng bị ung thư, ngoài ra thì mình cứ sống, cái chính là tinh thần của mình, cái tâm của mình cần phải không lo sợ gì cả. Thì em rất là đồng ý với việc cái chính là tâm mình không lo sợ. (Xem bài: Sống thế nào trong thời đại thực phẩm bẩn và môi trường ô nhiễm?)
Tuy nhiên, để cho bản thân mình không sợ, và thoải mái đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình, về mặt hành động ấy, nếu mình thoải mái như vậy, rồi mình cứ ăn thực phẩm bẩn thì một cách nào đó, mình gián tiếp cho cái việc đó tiếp tục. Liệu như vậy có phải là mình cộng hưởng không? Có gieo nhân xấu hay không? Là câu hỏi thứ nhất của em.
Câu hỏi thứ hai, hồi nãy em có nghe anh nói đến cái ý là “vạn Pháp như tâm tạo”, rằng mọi thứ nó là ảo ảnh thôi. Như vậy thì không biết nó có mâu thuẫn gì với việc là những thứ chúng ta đang trải qua chúng ta đang nhận nó là nhân quả? Không biết có mâu thuẫn gì không? Em thì chưa được rõ lắm thì mong anh chỉ giúp em.
Và tiếp theo, nếu đúng là “vạn Pháp như tâm tạo” và đúng là nhân quả, nhân quả từ nhiều kiếp thì cái tâm của mình có thuộc vào nhân quả hay không? Em xin hết ạ.
Thầy Trong Suốt:
Việc mình ăn, thì đương nhiên, mình tránh cái bẩn rồi, nói thế thôi, còn về bản chất là mình hài lòng với đồ ăn.
Tránh thực phẩm bẩn tối đa, hạn chế ăn thực phẩm bẩn – cái đấy là đương nhiên. Cái đấy thì chẳng cần phải anh giảng, mọi người cũng đồng ý mà. Có ai nghe cái này xong về ăn thực phẩm bẩn không? Dĩ nhiên là không rồi! Cái câu đấy không cần phải thầy Trong Suốt giảng, mọi người đã có thói quen ý thức đấy rồi.
Cái chưa được giảng là vừa ăn vừa sợ, thế thôi. Chứ chẳng ai bao giờ lại khuyến khích mình ăn thực phẩm bẩn cả. Sạch tối đa có thể, nhưng đừng sợ bẩn! Đấy, đấy là cái hôm nay thầy muốn nói.
Nói thế thôi, chứ người dân nghèo họ lấy đâu ra tiền để ăn thực phẩm sạch được. Chúng ta ngồi đây, có thể có người giàu người nghèo, nhưng có những người còn không có đủ thực phẩm mà ăn, nói gì đến thực phẩm sạch. Khi ấy em nói gì với họ?
- Thứ nhất là nói như thầy vừa nói đấy: “Chẳng sợ!”.
- Thứ hai nữa là em có đảm bảo những gì em ăn đây là sạch không?
Chẳng ai đảm bảo, có mác sạch cũng không đảm bảo nó là sạch. Đây này, em có đảm bảo đồ trên người em không có chất gây ung thư không? Nó có mác, nhưng mà có gì đảm bảo không? Cái gọng kính của em, cái hoa tai, cái áo mặc, có gì đảm bảo không?
Nhưng quan trọng không phải là mình tránh, vì mình đã có nhân quả xấu, thì tránh thế nào được? Quan trọng là không sợ, nhấn mạnh lại! Còn đương nhiên, mình không ủng hộ việc ăn thực phẩm bẩn, mặc đồ bẩn. Không sợ mới là cái đáng nói.
Quan trọng là không sợ.
“Vạn pháp là ảo ảnh của tâm” thì có mâu thuẫn gì với nhân quả không?
Nhân quả là cách mà tâm hoạt động, vì thế nên chẳng có gì mâu thuẫn.
Nhân quả là cách mà sự ảo ảnh hoạt động.
Ảo ảnh và tâm, nó hoạt động theo cách nào? Nhân quả. Nên không mâu thuẫn.
Giống như mình xem phim ở rạp ấy, dù nó có là bộ phim, mọi thứ không có thật thì câu chuyện vẫn chuyển động với tốc độ 24 hình/ 1 giây. 24 hình/giây là cách bộ phim hoạt động, thế thôi! Nhân quả là cách tâm hoạt động, nên chẳng mâu thuẫn gì cả.
- Khi em chưa chứng ngộ được rằng đây là ảo ảnh thì nhân quả mang tính ràng buộc.
- Khi em chứng ngộ đây là ảo ảnh thì nhân quả mang tính giải phóng.
Thì nhân quả vẫn cứ xảy ra thôi.
- Khi chứng ngộ đây là ảo ảnh rồi thì nhân quả vẫn ở đấy, nhưng không còn tính ràng buộc nữa.
- Còn khi chưa chứng ngộ được thì bị trói buộc chặt chẽ vào đấy, vùng vẫy, không thoát ra được.
Nên khác nhau hay không không phải là có nhân quả hay không nhân quả, mà chứng ngộ được thì là ảo ảnh của tâm. Nếu chứng ngộ được thì nhân quả chẳng là ràng buộc của cái gì cả. Thế thôi, chứ còn mọi việc vẫn xảy ra bình thường. Đấy là cách tâm hoạt động.
Bạn Lê: Dạ như vậy thì… tâm có thuộc về nhân quả hay không? Ví dụ một đứa trẻ sinh ra mang trong mình một cái tâm, thì đó có thuộc về nhân quả hay không? Cái tâm của đứa trẻ, cái tâm của em, cái tâm của mọi người?
Thầy Trong Suốt: Cái chữ “tâm” mà em đang hỏi, nó gọi là tâm thức hoặc là tâm trí, đúng không? Tâm đây là cái suy nghĩ, cái cảm nhận, đó là tâm – tâm thức. Còn chữ “tâm” mà thầy nói – “ảo ảnh của tâm”, thì nghĩa nó rộng lớn hơn. Cái tâm ấy bao gồm toàn bộ vật chất này, toàn bộ hình ảnh em thấy được, tất cả những chuyện mà em có thể cảm nhận được. Nên câu hỏi của em có thể nói là em chưa sẵn sàng nghe câu trả lời. Lúc nào em tiến bộ lên thì thầy sẽ trả lời sau.
Bạn Lê: Em cảm ơn.
Trong Suốt: Rồi. Tiếp đi. À, tặng quà nữa chứ nhỉ? Hai câu hỏi đúng không? Đấy, bạn nào khôn phải hỏi hẳn hai câu, đúng không? (Mọi người vỗ tay).

Khi chứng ngộ đây là ảo ảnh thì nhân quả mang tính giải phóng.
Nhân quả vẫn cứ xảy ra thôi.