Vàng ngọc phải chăng là hạnh phúc?
Thời Phật tại thế, có một vị Quốc vương tên là Ða Vị Tả kính thờ cả 69 dòng ngoại đạo. Bỗng một ngày vua phát thiện tâm muốn bố thí rất nhiều, bao nhiêu của báu chất đầy như núi, rao rằng hễ ai đến xin đều cho bốc đi một nắm.
Vì số người đến xin đã dài ngày mà núi báu vẫn chưa suy suyễn.
Ðức Phật biết Quốc vương có nhiều phước duyên về trước có thể hóa độ, liền hóa làm một vị Phạm Chí đến thăm. Vua rất mừng rỡ, làm lễ xong hỏi rằng:
– Ngài muốn cần dùng gì xin cho tôi biết? Tôi vui lòng cúng dường.”
Vị Phạm Chí đáp:
– Tôi từ xa đến đây, cốt xin nhà vua ngọc báu để đổi lấy vật liệu làm nhà ở.
Vua đáp:
– Tôi rất vui lòng xin Ngài bốc lấy một nắm.
Vị Phạm Chí bốc một nắm, đi bảy bước, trở lại trả chỗ cũ. Vua hỏi:
– Cớ sao Ngài không lấy?
– Với số báu ấy thật đủ làm nhà, nhưng khốn cho tôi về sau còn phải cưới vợ nữa, thì không đủ dùng, nên tôi không lấy.
– Thôi, Ngài lấy thêm ba nắm! Vị Phạm Chí bốc ba nắm, đi bảy bước trở lại trả chỗ cũ.
– Sao Ngài lại thế?
– Với số báu vật ấy thật đủ cả cưới vợ, nhưng lấy gì sắm ruộng đất, đầy tớ, trâu ngựa, tôi tính không đủ, nên thôi là hơn.
– Thôi, Ngài lấy thêm bảy nắm.
Vị Phạm Chí lấy xong, đi bảy bước lại trở lại trả chỗ cũ.
– Cớ gì Ngài vẫn chưa vừa ý?
Nếu tôi có con cái phải lo cưới gả, sắm sửa, lại còn việc nhà đám kỵ, giao tiếp thân bằng, tôi tính vẫn cứ thiếu, nên không lấy.
– Tôi vui lòng cúng tất cả, Ngài lấy về dùng cho đủ!
Vị Phạm Chí bước lên núi báu rồi trở xuống không nhận.
Nhà vua rất quái lạ thưa rằng:
– Ý Ngài thế nào, tôi thật không hiểu.
– Bản ý tôi đến xin Ngài để mưu cầu sự sống. Xong tôi xét lại mạng con người sống chẳng bao lâu, muôn vật cũng không thường sáng còn tối mất, khó giữ lâu bền.
Dầu tôi được cả núi báu, vì tất đã lợi ích hoàn toàn cho bản thân. Lo toan tham muốn bao nhiêu, luống công nhọc nhằn bấy nhiêu, chẳng bằng dứt bỏ dục vọng, cầu đạo giải thoát, rèn luyện các đức tính tốt cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, đều hướng về mục đích từ bi, trí tuệ là hơn, nên tôi không lấy.
Khi đó nhà vua tỉnh ngộ, tâm ý sáng suốt cầu được nghe pháp.
Vị Phạm Chí liền nói bài kệ rằng:
Tuy được núi vàng báu
Chất cao đến trời xanh.
Thế gian nhiều như thế
Chẳng bằng thấy nguồn đạo.
Ðời không lành tưởng lành,
Ưa mà thấy như ghét
Lấy khổ dùng làm vui,
Cuồng phi bị tai hại.
Nói bài kệ xong, Ngài đã hiện Phật thân phóng hào quang sáng rực rỡ, vua và quần thần vui mừng hớn hở xin thọ ngũ giới, chứng quả Tu Ðà Hoàn.
– Truyện cổ Phật Giáo –
Om Mani Padme Hum
>> Xem thêm ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Hạnh phúc và Không hạnh phúc
Một ông vua có một người hoàng tử sống trong cảnh giàu sang nhưng hoàng tử luôn cảm thấy không hạnh phúc.
Vua cha không hiểu vì lý do gì nên một hôm ông gọi hoàng tử đến và hỏi:
“Cuộc sống của con không thiếu thứ gì, tại sao con lại thấy không hạnh phúc?”
Hoàng tử thưa:
“Chính vì cái gì cũng có nên con mới không thấy hạnh phúc.”
Hoàng tử rời cung vua đi tìm hạnh phúc.
Một ngày nọ chàng ta gặp một ông tiều phu, trông dáng vẻ ông ta rất vui vẻ, hoàng tử liền hỏi:
“Này ông, ta thấy ông cái gì cũng không có, sao thấy ông vui vẻ và yêu đời thế?”
Người tiều phu trả lời:
“Ai nói tôi không có gì? Mùa xuân trăm hoa đua nở là của tôi; mùa thu trăng sáng đẹp cũng của tôi; cơn gió mát mùa hè cũng của tôi, và tuyết trắng rơi lúc đông về cũng của tôi; tôi giàu hơn ai hết, tại sao lại không vui vẻ hạnh phúc chứ?”
Hoàng tử lại ra đi tìm hạnh phúc.
Một ngày khác, chàng ta lại gặp một người tiều phu vui vẻ, chàng ta lại hỏi:
“Này ông, ta thấy ông cái gì cũng không có, sao thấy ông vui vẻ và yêu đời thế?”
Người tiều phu đáp:
“Ai nói tôi không có gì? Cơm tôi ăn và cơm của ông ăn đều giống nhau; tôi cũng ngủ trên giường rộng như ông; những giấc mơ tôi mơ cũng chẳng khác ông; ông không thể tự do đi chơi khắp chốn nhưng tôi thì có thể; ông không thể tùy tiện nằm dài trên đất ngắm mây trôi nhưng tôi thì có thể, thế thì tại sao lại không vui vẻ và hạnh phúc?”
Hoàng tử lại đi tìm hạnh phúc.
Một ngày nọ, chàng lại gặp một người tiều phu vui vẻ, chàng ta lại hỏi:
“Này ông, ông nghèo như vậy sao ông vẫn vui vẻ?”
Tiều phu đáp:
“Ai nói tôi nghèo, tôi còn giàu hơn ông kìa.”
Hoàng tử ngạc nhiên hỏi lại:
“Ngươi giàu hơn ta à?”
Người tiều phu nói:
“Ông là hoàng tử sau này sẽ trở thành vua. Nếu đem thêm một nước đến đổi cái tự do của ông bây giờ ông có đổi không?”
-“Đương nhiên là không.” Hoàng tử trả lời.
-Vậy tự do có phải lớn hơn cả một nước không? Tiều phu hỏi.
-Đúng vậy
-Vậy tôi được tự do hơn ông tại sao lại nói tôi nghèo hơn ông.
Hoàng tử lại ra đi tìm hạnh phúc.
Một ngày khác, chàng lại gặp một người tiều phu vui vẻ. Hoàng tử lại hỏi tiều phu:
“Ngươi chỉ có một túp liều tranh rách nát, còn ta có cả một cung điện nguy nga, tại sao ngươi vẫn vui vẻ hơn ta?”
Tiều phu trả lời:
“Đem cung điện của ông để đổi cái vui vẻ của tôi, ông có chịu đổi không?
– Tất nhiên là không.
– Vì vậy, ông không có vui vẻ.
– Hạnh Giải dịch –
***
#OmManiPadmeHum
>> Tham khảo : https://xn—hay-uqa.vn/song-cham-dep-vui/
FB: – Om Mani Padme Hum –
Đức Phật dạy về Chân Hạnh Phúc:
Kinh Hạnh Phúc
Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại thành Xá Vệ, trong rừng Kì Đà, vườn Cấp Cô Độc. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Kì Đà, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:
“Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?”
Thế Tôn đáp kệ rằng:
“Kẻ si mê nên tránh,
Bậc hiền đức phải gần,
Cung kính người đáng kính,
Ấy là chân hạnh phúc.
Chọn nơi lành mà ở,
Ðời trước đã tạo phúc,
Nay giữ lòng thẳng ngay,
Ấy là chân hạnh phúc.
Hiểu rộng và khéo tay,
Giữ tròn các giới luật,
Nói những lời hòa ái,
Ấy là chân hạnh phúc.
Cung dưỡng cha mẹ già,
Yêu mến vợ/ chồng và con,
Không vương vấn phiền hà,
Ấy là chân hạnh phúc.
Cho và sống đúng cách,
Nên giúp đỡ bà con,
Hành động không chê trách,
Ấy là chân hạnh phúc.
Ngăn trừ điều ác xấu,
Dứt bỏ thói rượu chè,
Chuyên cần trong Chánh Ðạo,
Ấy là chân hạnh phúc.
Kính nhường và khiêm tốn,
Biết đủ và nhớ ơn,
Tùy thời học đạo lý,
Ấy là chân hạnh phúc.
Nhẫn nhục vâng ý lành,
Viếng thăm bậc tu hành,
Tùy thời bàn luận đạo,
Ấy là chân hạnh phúc.
Trong sạch và siêng năng,
Suốt thông các chân lý,
Thực hiện vui Niết Bàn,
Ấy là chân hạnh phúc.
Tiếp xúc với thế gian,
Giữ lòng không sa ngã,
Bình an, không sầu nhiễm,
Ấy là chân hạnh phúc.
Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc”.
-Trích Kinh Hạnh Phúc – Hòa Thượng Thiện Châu dịch.
FB: – Om Mani Padme Hum –