Cá hồi, người ta gọi theo tập tính “hồi hương” của nó. Sinh ra ở nước ngọt nhưng lại lớn lên ở nước mặn, khi sinh con hay khi về già, nó lại trở về nơi đã sinh ra. Hồi có nghĩa là quay lại, trở đầu…
Có ai đó nói rằng, người Việt như những chú cá hồi, sinh ra ở một dòng suối nào đó, rồi theo dòng nước mà ra biển lớn mưu sinh, vùng vẫy giữa biển khơi rồi đến lúc, sẽ rủ nhau vượt ghềnh thác để trở về lại dòng suối cũ. Cá hồi là bậc thầy về tính thích nghi, nước mặn hay nước ngọt gì cũng đều sống được.
Nhiều doanh nhân người Việt đã bật khóc mỗi khi nghe bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh hay bài hát Ru Lại Câu Hò. Nỗi nhớ nhà cồn cào dằn vặt tâm can, những sự xa hoa xứ người sẽ đến lúc không còn làm cho họ vui sướng nữa. Và họ đã quyết đoán đặt vé máy bay để trở về, xây dựng nên những cơ ngơi, những cơ sở kinh tế chính ở nơi mà họ đã lớn lên. Quyết đoán như lúc họ đã ra đi.
Nhạc sĩ Phạm Duy, một nhạc sĩ tài hoa, đã quyết định về nước sau khi được tặng bài thơ “Về thôi”. Trong 1 bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ, phóng viên hỏi “Vì sao ông muốn về?”, Phạm Duy nói: “Năm 1994, tôi được anh Lưu Trọng Văn, con một người bạn là nhà thơ Lưu Trọng Lư, tặng cho bài thơ Về thôi. Có mấy câu đã làm tôi hết sức xúc động và quyết định phải về. “Về thôi/ Làm gì có trăm năm mà đợi/ Làm gì có kiếp sau mà chờ…”.
Về thôi !
Người tình già ơi
Thôn nữ Chị
đã qua cầu, thóc lép
Thôn nữ Em,
trăng gầy tuột khỏi chồi tay
Thôn nữ Út,
lơ đễnh lên đòng, nào biết
Khúc tình xưa,
xưa ấy,
xưa rồi…
Về thôi !
Làm gì có trăm năm mà đợi
Là gì có kiếp sau mà chờ
Đất Mẹ
Đất Nàng
Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng
Lót ổ
Mười chín năm bến cũ
Người tình già ơi !
nhớ không ?
Về thôi!
Nguồn FB: Cafe cùng Tony Buổi Sáng