Vẽ tranh trên mặt nước
Mọi thứ biến mất ngay khi chúng vừa hiện ra, giống như vẽ một bức tranh trên mặt nước.
Dù đó là âm thanh, hình ảnh, suy nghĩ, cảm giác… ngay khi đang hiện ra chúng cũng đã đang biến mất, không gì có thể trụ lại dù chỉ trong một phút giây.
Mọi thứ đều hiện ra rồi biến mất không dấu vết. Mọi dấu vết chỉ là trong tâm trí.
Mọi thứ đến và đi một cách tự nhiên, chỉ có các xu hướng của tâm trí là muốn giữ cái gì đó lại.
Hiểu một điều đơn giản này, bạn sẽ giải phóng tất cả mà không cần phải làm thêm bất cứ điều gì.
Chỉ cần có mặt trọn vẹn trong hiện tại, bạn sẽ kinh nghiệm trực tiếp điều này.
Yêu quý bạn
Trong Suốt
Bạn đọc comment:
Phạm Trọng Thắng Kinh nghiệm điều này có ý nghĩa gì không?
Trong suốt Thư giãn hoàn toàn với mọi hiện tượng nổi lên
Phạm Trọng Thắng Nghĩa là đây là một bài tập thư giãn? Tại sao khi nghĩ rằng tâm trí đang có xu hướng giữ lại, câu hỏi ‘tại sao điều đó lại xảy ra?’ không được đặt ra. Tại sao ngay lập tức lại có ý tưởng giải phóng.
Trong suốt
Trongsuot chỉ nói về một sự thật đơn giản như thế.
Nếu ai kinh nghiệm điều này, mọi đau khổ họ đã từng trải qua và còn ảnh hưởng đến hôm nay sẽ tự động tan biến, bởi chúng vốn thực sự không còn. Mọi lo toan tìm cách giải phóng khỏi đau khổ trong tương lai sẽ biến mất, vì đau khổ vốn luôn tự giải phóng mà không cần ai làm gì cả. Mọi sự suy tính trong hiện tại sẽ không cần phải theo đuổi, vì chúng trở nên vô nghĩa ngay khi đang suy tính!
Ai hiểu một điều này, sẽ giải phóng khỏi mọi ràng buộc tạo ra bởi suy nghĩ.
Hồng Ngọc Trong suốt cho em hỏi vì sao tâm trí lại có xu hướng giữ lại cái gì đó lại? Em đang hiểu nó như là thói quen lâu đời và như là 1 đứa trẻ chỉ loanh quanh trong những thứ nó biết, cần phải học và trải nghiệm những thứ mới mới có thể/mới dám bước ra khỏi “ngôi nhà tâm trí” đó.
Hang Vu Mọi thứ đến rồi biến mất nhưng tâm trí ta giữ lại do yêu hoặc ghét. Giống như ta cứ phát lại một đoạn băng đã cũ để chìm đắm mãi trong cảm xúc yêu ghét đó
Trong Suốt
Tâm trí không thể hoạt động mà không có các đối tượng. Bạn hãy thử bất cứ ý nghĩ nào, ví dụ: “Trời đẹp quá” – đối tượng đây chính là “trời”, hay một đối tượng bạn hay sử dụng nhiều nhất: “Tôi đang lướt Facebook”, đối tượng đây là “tôi”… Ngay cả những ý nghĩ không có chủ ngữ như “vui quá” hay “buồn quá” thì cũng ngầm định một đối tượng là “tôi” đang trải nghiệm những vui buồn đó.
Cách hoạt động của suy nghĩ là như vậy, luôn đi kèm với các đối tượng dùng cho quá trình suy nghĩ.
Các giác quan khác thì không cần phải như thế, khi nhìn bạn có thể nhìn vào toàn bộ hình ảnh mà không cần nhìn một đối tượng nào, khi nghe bạn có thể nghe tất cả âm thanh mà không đối tượng hóa… Thực ra việc đối tượng hóa chỉ xảy ra trong tâm trí, khi tâm trí hoạt động nó chia tách những gì tri giác được ra thành các đối tượng để sử dụng các đối tượng đó cho những suy nghĩ của mình.
Khi nhìn vào căn phòng, mắt chỉ ghi nhận toàn bộ các hình ảnh một cách tổng thể, sau đó suy nghĩ dựa vào những kinh nghiệm của mình cắt cái tổng thể đó ra làm nhiều phần: cục màu nâu này hình chữ nhật là một đối tượng, cục màu trắng hình tròn này là một đối tượng khác… Mỗi loài do nghiệp lực khác nhau có các xu hướng tâm trí khác nhau, vì thế nên một con ong mắt vàng nhìn toàn bộ căn phòng thành màu vàng sẽ chia tách căn phòng theo một cách khác, hay một con muỗi chỉ cảm ứng được nhiệt độ sẽ chi tách căn phòng thành các đối tượng khác với con người.
Nhưng chưa dừng lại ở đấy, sau khi chia tách thế giới thành các đối tượng, tâm trí tiếp tục quá trình gắn tên cho chúng. Đây là cái bàn (cục màu nâu này hình chữ nhật), đây là cái ghế (cục màu trắng hình tròn)…
Lý do của việc đối tượng hóa và gắn tên này là gì? Nó dùng cho quá trình suy nghĩ, tâm trí sử dụng các đối tượng và khái niệm để nắm bắt, suy luận về thế giới. Tâm trí không thể hiểu về cái bàn nếu không đối tượng hóa “đây là cái bàn” rồi phân tích về đối tượng “cái bàn” này trong các suy nghĩ tiếp theo “cái bàn này to hay nhỏ”, “nó đến từ đâu, của ai”, “mình nên dùng nó làm việc gì” v.v… Tâm trí luôn muốn nắm bắt, phân tích, tư duy. Vì thế việc đầu tiên nó cần làm là chia cắt thể giới ra làm các đối tượng, không có các đối tượng nó sẽ không thể làm gì.
Toàn bộ quá trình này sẽ không có vấn đề gì, nếu như tâm trí không mắc một sai lầm quan trọng: tin rằng cách phân chia và gán tên của mình phản ánh sự thật, các đối tượng của mình là có thật!
Rõ ràng quá trình đối tượng hóa này chỉ là cách phân chia của mỗi loại tâm trí khác nhau, như trẻ con nhìn vào căn phòng sẽ phân chia theo cách của trẻ con, người già sẽ chia theo cách người già, con chó sẽ chia theo cách con chó… Tâm trí tin rằng việc chia các đối tượng là đúng với sự thật, nên các đối tượng là có thật chứ không phải do tâm trí chia ra, nên chúng có sự tồn tại riêng biệt để mà nắm bắt được. Tin rằng thực sự có các đối tượng riêng biệt, đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai của tâm trí là tin vào quá trình gắn tên, hay quá trình khái niệm hóa, sau khi gán tên, khái niệm trở nên đại diện cho đối tượng thật!
Sau khi gán cho cái hình này là “cái bàn”, tâm trí sử dụng khái niệm “cái bàn” để suy nghĩ cứ như chữ “cái bàn” chính là cái bàn thực sự kia. Ví dụ “cái bàn cũ của mình mà đem cho hàng xóm thì quá tốt”, “họ sẽ sử dụng nó thế nào nhỉ”, “chắc họ sẽ đóng lại nó cho chắc rồi sử dụng”… Trong toàn bộ quá trình này, tâm trí vẫn tin “cái bàn” mà nó nghĩ chính là cái bàn ban đầu nó nhìn thấy rồi đối tượng hóa và gán tên. Nhưng thực ra tâm trí chỉ đang có một khái niệm về cái bàn, còn cái bàn thực sự, cái hình ảnh sống động tươi mới ấy, đã bị cắt rời khỏi suy nghĩ và thay bằng khái niệm “cái bàn” xám xịt và cứng ngắc của quá trình suy nghĩ ngay từ lúc ban đầu.
Ngay khi vừa nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy, tâm trí đã bắt đầu quá trình đối tượng hóa và gán tên này. Sau khi kinh nghiệm điều gì, tâm trí đối tượng hóa và gán tên và sau đó tạo ra một khái niệm về điều này. Khái niệm này là một suy nghĩ, xuất hiện trong tâm trí nhưng chưa ở dạng cứng đặc, chúng mới chỉ là một khái niệm. Chính thói quen tin rằng mọi thứ là thực, là đối tượng hóa được, là tồn tại độc lập với tâm trí đã làm cho khái niệm này trở nên cứng đặc, nó không còn là một suy nghĩ nữa mà trở nên đại diện cho thực tại. Chính tâm trí, bằng xu hướng tin vào việc đối tượng hóa và khái niệm hóa của mình là đại diện cho thế giới, đã áp đặt sự tồn tại “thật” lên các sự vật hiện tượng.
Bạn Ngọc Hồng thân mến,
Để trả lời cho câu hỏi của bạn, như bài viết của Trongsuot phía trên đã nói: “Mọi thứ đến và đi một cách tự nhiên, chỉ có các xu hướng của tâm trí là muốn giữ cái gì đó lại”. Sự vật hiện tượng đến và đi, tan biến ngay khi nó vừa hiện ra, không thể nắm bắt được và không thể đối tượng hóa được. Mọi sự nắm bắt và đối tượng hóa chỉ xảy ra trong tâm trí. Và với một tâm trí với xu hướng nắm bắt (đối tượng hóa, khái niệm hóa) rồi tin vào chính các khái niệm ấy là đại diện cho sự kiện thật, sự nắm bắt này chính là quá trình “giữ lại” của tâm trí.
Yêu quý bạn
Trongsuot
Hồng Ngọc Em cảm ơn Trong Suốt nhiều lắm ạ. Thật vui sướng khi biết sự thật đã được chỉ bày rất tường tận. Bản thân em còn có 1 vấn đề nữa là xu hướng tưởng rất mạnh nên nhiều khi gặp chuyện gì nhỏ thôi là khổ đến liền (không biết có phải là quá nhạy cảm với khổ không). Rất mong Trong suốt giúp em hiểu thêm về việc này nữa ạ.
Trong Suốt
Quá trình “giữ lại” hay còn gọi là “nắm bắt” không dừng lại ở đây. Dựa trên các kinh nghiệm của mình, tâm trí trở nên thích hoặc ghét một đối tượng, hay một khái niệm mà nó vừa tạo ra. Ví dụ “tôi thích căn phòng tôi làm việc”, “tôi ghét mưa”… Quá trình này tạo ra các cảm xúc và lại càng làm cho các khái niệm “căn phòng”, “mưa” trở nên cứng đặc, trở nên càng thật hơn nữa. Nó không hề biết rằng nó chính là người tạo ra các khái niệm, tạo ra sự thích ghết. Các khái niệm này đã không còn liên quan đến sự thật tươi mới, sống động ngoài kia nữa, căn phòng có thể đã mối mọt hỏng hóc, cơn mưa có thể rất đẹp vào buổi chiều nay…Các khái niệm mà tâm trí tạo ra đã “giết” sự thật đang xảy ra, hay cái đang là, và thay vào đó những suy nghĩ, khái niệm “căn phòng”, “mưa”, đứng im, đã chết, về sự thật.
Nếu không có sự tu hành, bạn và hầu hết mọi người sẽ rơi vào trong quá trình này. Tâm trí cứng đặc hóa các suy nghĩ, biến nó thành đại diện cho sự thật – cái đang xảy ra. Quá trình này cắt đứt bạn khỏi sự tươi mới, sống động, trí tuệ của các suy nghĩ.
Dù đó là một suy nghĩ tích cực, vui tươi hay một suy nghĩ tiêu cực, giận dữ, lo lắng, nếu bạn có thể trực tiếp nhận ra rằng đó chỉ là một suy nghĩ, không cứng đặc hóa nó bằng cách coi nội dung của nó là sự thật, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một sự thật đơn giản nhưng đầy sức mạnh: suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, nó sống động, sáng tỏ, rõ ràng, nhưng không có gì ngoài sự hiện lên rồi biến mất ngay khi xuất hiện. Sức mạnh của sự nhận ra này là gì? Nó giải trừ mọi xu hướng sai lầm của tâm trí, tin vào suy nghĩ là đại diện cho sự thật. Bạn không còn bị phụ thuộc vào nội dung của suy nghĩ, trái lại cảm nhận được rằng suy nghĩ chính là một phần sống động, không thể tách rời của cái đang là, bạn đã kết nối được tới phần tươi trẻ, trí tuệ của suy nghĩ. Tâm trí và những xu hướng sai lầm của nó không còn là vấn đề, mà trở thành người bạn giúp bạn nhận ra sự thật, giúp bạn nhanh chóng đến với giác ngộ.
Để làm được điều mà Trongsuot vừa nói này, chỉ cần bạn đơn giản sống trong hiện tại, hòa nhập vào cái đang là.
Yêu quý bạn
Trongsuot
Bạn Hồng Ngọc viết: “Bản thân em còn có 1 vấn đề nữa là xu hướng tưởng rất mạnh nên nhiều khi gặp chuyện gì nhỏ thôi là khổ đến liền (không biết có phải là quá nhạy cảm với khổ không)”.
Bạn thân mến,
Khi gặp chuyện xảy ra, do xu hướng đã tích tập, tâm trí sẽ cuốn bạn vào dòng thác tưởng của nó: đối tượng hóa, khái niệm hóa, suy luận, tưởng tượng, suy diễn… rồi cuối cùng là lo lắng, sợ hãi, tức giận, ham muốn…
Cách giải quyết có rất nhiều, tùy thuộc vào trình độ và giai đoạn tu tập. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc bạn cần thoát khỏi tâm trí, điều này Trongsuot sẽ dần dần nói đến qua các bài viết ở Con đường Trong suốt này.
Yêu quý bạn
Trongsuot
Hồng Ngọc Yêu quý Trong Suốt!
Le Pham Xin chia xẻ kinh nghiệm bản thân với bạn Hồng Ngọc : Mỗi người chúng ta có mức độ chịu đựng khác nhau. Ngày xưa mình cũng giống như vậy. Dễ vui, dễ buồn. Đến lúc nào đó, mình phải tự học cách “buôn thả”. Điều đầu tiên phải làm là đối diện với nỗi khổ của mình, tự mình hỏi mình là “điều đó có đáng làm cho mình khổ không?” Mình có “sướng” khi “khổ” không? Rồi tự nhận ra rằng “mình chính là người mời nổi khổ vào trong nhà mình” Dần dần, mình học được khả năng “từ chối đau khổ”. Thỉnh thoảng, mình cũng tự hỏi “liệu như vậy mình có trở thành lạnh cảm không?” Không, vì mình vẫn còn cảm nhận được nỗi đau của người khác, nhưng nỗi đau đó không làm cho mình khổ. Hy vọng kinh nghiệm này giúp bạn 1 tí.
Hồng Ngọc Thanks Le Pham, ngày trước mình cũng đã áp dụng phương pháp như bạn nói nhưng rồi mình nhận ra mình trở thành người chỉ giỏi trốn tránh khổ (nhờ lý luận), giỏi đè khổ xuống, thậm chí là về sau khổ (do không được giải quyết tận gốc) không biết từ đâu chui lên dù không có chuyện gì xảy ra. Đọc loạt bài của Trong Suốt gần đây, mình hiểu rõ hơn sự thật về tâm trí và có thoát ra khỏi được tâm trí bằng kinh nghiệm thực sự thì mới hết khổ tận gốc rễ của chính mình.
Tuyen Vo Quoc Mình cũng cám ơn Trong Suốt rất nhiều. Cũng giống như bạn Hồng Ngọc , sau khi đọc loạt bài của Trong Suốt về cái đang là, về tâm trí mình sáng ra rất nhiều điều. Đó chính là những nhận thức phải có, phải suy ngẫm trên con đường thoát đau khổ. Xin Trong Suốt có thêm nhiều bài để mình được hiểu rõ thêm.
Cám ơn Trong Suốt vì đọc bài này mình sáng rõ ra nhiều điều, nhưng mình vẫn còn vướng víu ơ chỗ này: mọi thứ kể cả suy nghĩ , cảm giác hiện ra rồi biến mất không dấu vết, mọi dấu vết chỉ là trong tâm trí. Như vậy dấu vết trong tâm trí không biến mất theo như mọi thứ khác. Tại sao vậy? dấu vết trong tâm trí đó có vô thường như mọi thứ khác không? Và tâm trí ta có vô thường như vạn vật không? Khi nói bản thân ta vốn hòan hảo, không cần cầu tìm gì hơn thì “ta” có phải là “tâm trí” không? “Tâm trí” ta có phải là Phật tính trong ta không? Xin Trong Suốt chỉ giáo thêm.
Hoai Nam
Nguyễn Minh Tuấn
Cảm ơn anh Trongsuot đã giúp em hiểu thêm về tâm trí và cách hoạt động của nó.
Cảm ơn anh rất nhiều.
Tuệ Nhi Cho em hỏi, ví như mình bị đau bụng khủng khiếp, mình thực sự trực nhận trong giây phút đó cơn đau là thật, thấy nó, muốn chối bỏ nó cho đến khi giải quyết được cơn đau. Không còn là vấn đề của khái niệm, mình vẫn thấy nó đau. Hiện tại, em chưa thể coi cơn đau như một đối tượng chỉ để hiểu, để kinh nghiệm. Mặc dù đúng là khi mình giải quyết xong là xong hết, nhưng trong giây phút đó, sự thật của cơn đau được hiểu như thế nào và khi đó, mình nên làm gì mới đúng?
Trong Suốt
Tuệ Nhi thân mến,
Không có một đối tượng gọi là “cơn đau”, chỉ có các cảm giác đau xuất hiện rồi biến mất. Khi nghĩ về “cơn đau” bạn đang khái niệm hóa thực tại, có “cơn đau” và có “người bị đau”. Khi đó đau – cảm giác sẽ đi kèm theo khổ – sự chống lại, không muốn cơn đau – về mặt tinh thần.
Như vậy là bạn có thể đau mà không kèm khổ, nghĩa là có cảm giác đau, hiện lên rồi tan biến, mà không có nỗi khổ của tinh thần tìm cách chống lại, chịu đựng hoặc tiêu diệt chúng. Để đau mà không đau khổ, bạn cần ở trong hiện tại chứ không ở trong suy nghĩ về hiện tại. Khi đó bạn sẽ cảm nhận những cảm giác đau như chúng vốn là: hiện ra và tan mất đồng thời, như vẽ tranh trên mặt nước.
Cơn đau lúc này sẽ chỉ giống như một màn trình diễn pháo hoa xảy ra trong không gian: ầm vang, rực rỡ, rồi tan sạch. Bạn sẽ kết nối đến năng lượng sống động của cơn đau và thưởng thức màn pháo hoa này. Bạn sẽ hiểu rõ hơn rằng thực tại – cái đang là vốn hoàn hảo, không có vấn đề gì.
Làm thế nào để ở trong hiện tại chứ không ở trong suy nghĩ về hiện tại, bạn hãy đọc bài viết mới phía trên của Trongsuot.
Yêu quý bạn
Trongsuot
Tuệ Nhi Cảm ơn Trong Suốt.
Đặng Mai Đông Mọi sự chẳng qua nhất thời . Vậy nên nên buông bỏ . Vậy nên đừng nắm tay tối ngày . Vậy nên đừng nhâm nhi gặm nhấm nỗi buồn (kể cả vui) . Nghĩ và làm như thế sẽ vượt thoát …
Tại Cá Koi Nghĩa là sao ạ.. có giống như con người sinh ra rồi chết đi.. Bông hoa nở rồi úa tàn ko ạ.. Quan niệm thế này thì Tình Yêu nó có tồn tại mãi mãi ko hay nó chỉ như bèo với nước ạ. ?
Ho Kim Phuc hi em thấy là ý của bạn đã được nằm trong ý của Trong Suốt rồi “Mọi thứ đều hiện ra rồi biến mất không dấu vết, mọi dấu vết chỉ là trong tâm trí.
Mọi thứ đến và đi một cách tự nhiên, chỉ có các xu hướng của tâm trí là muốn giữ cái gì đó lại. ” tình yêu thật sự là một dấu vết một xu hướng giữ lại trong tâm.
Thiên Nga Trần Nhìn mọi việc đơn giản là thứ khó thực hiện nhất và có khi cả đời học hỏi mà vẫn không giải phóng được…
Nam Mỹ Như pha lê.
Nguyễn Thái Hoà Chào Trong suốt rất vui khi gặp bạn, chúc bạn một ngày vui vẻ nhé!
Hoai Trung Chỉ cần có mặt trọn vẹn trong hiện tại, bạn sẽ kinh nghiệm trực tiếp điều này…
Huyen Chi Nguyen Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Quy Adamas
Minh Trí Như hình hành này. Hãy quán chiếu. Vạn vật diễn ra rồi hoại diệt theo bản tính tự nhiên
Quy Adamas Như ngàn sóng rong chơi theo gió mát
Vui cùng mây và lấp lánh cùng trăng
Không ngăn ngại rì rào bao tiếng hát
Chẳng xa rời hòa quyện giữa đại dương!
MÔ PHẬT
Vô lượng Từ Bi, Vô lượng yêu thương
Hung Nguyen Dat Vô thường.!
Ngược Dòng Nước sứ giả của vô vi đây sao? ta thấy hình bóng quen thuộc ở đây
Minh Nguyên Yêu quý Trongsuot 🙂
Minh Trí Trong suốt kim chỉ nam cuộc đời ta
Singha Vu _()_