Có vị giác ngộ nào mập mạp lại bụng bự không?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt – Nha Trang T5/2018
Tuệ Như: Có bạn Mitasakya hỏi ạ. Từ xưa đến nay có vị giác ngộ nào vừa mập mạp lại bụng bự không? Điều đó có ảnh hưởng cho việc tu tập không ạ? (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Có, rất nhiều! Lịch sử rất nhiều, ví dụ như là thấy phật Di Lặc không? Bụng có to không? Đấy là một người có thật trong lịch sử chứ không phải là ông Phật Di Lặc. Phật Di Lặc thực sự ấy – hình tướng ông ấy khác. Rất là đẹp! Giống Phật Thích ca ấy. Ngồi ở tư thế rất nghiêm trang. Đấy, không ưỡn bụng ra, không cười như thế đâu. Nhưng Phật Di Lặc là Phật mà mình hay thờ đấy, một số nơi còn tưởng là thần tài đấy. Là ai?
Là một ông hòa thượng thực sự có thật đời nhà Minh. Trên vai lúc nào cũng vác một cái túi rất to, đi ăn xin. Nhưng mà đấy là bậc giác ngộ. Bụng rất to – hình thức của ông giống hệt Phật Di Lặc, rất thích chơi với trẻ con. Đấy, và vì ông có rất nhiều hành động và công hạnh cho tất cả mọi người. Mọi người đều tôn xưng ông ấy là Phật, thế là về sau mình có ông Phật Di Lặc ở hình thức là một ông bụng to đang cười. Đấy là một bậc giác ngộ ví dụ về việc là bụng to mà giác ngộ.
Cách đây khoảng 10, 11 thế kỷ ở Tây Tạng có một ông gọi là Thangtong Gyalpo. Nếu mọi người xem thangka – thangka là bức tranh vẽ lại chân dung ông ấy. Bụng ông ấy rất là bự luôn. Có ai xem thangka chưa? Ai xem rồi giơ tay xem nào?
Thánh sư điên Thangtong Gyalpo

Thangtong Gyalpo là một bậc giác ngộ của Tây Tạng cực kỳ nổi tiếng. Ông ấy là người đã sáng tạo ra Opera ở Tây Tạng, nghĩ ra cả các vở kịch, phương pháp opera để truyền Phật Pháp vào thế giới. Ông là người đầu tiên biết cách chế tạo từ quặng sắt thành sắt để xây cầu. Ông xây hơn 500 cái cầu sắt ở khắp Tây Tạng, Butan, v.v… cứu người. Ông ấy sống 120 tuổi, là nhân vật thực sự hoàn toàn có thật trong lịch sử, thì nếu xem tranh ông ấy thấy bụng rất là to luôn.
Đấy, và rất là nhiều người. Tại vì sao? Giác ngộ có phụ thuộc vào bụng to hay nhỏ không?
Một bạn: Không.
Thầy Trong Suốt: Theo các bạn thì sao? Cứ bụng to là không giác ngộ hay bụng to là giác ngộ?
Pháp Nguyên: Không liên quan!
Thầy Trong Suốt: Đúng không? Chẳng liên quan gì. Đấy, nên là tùy, nếu bạn tin là có thì sẽ có, nếu bạn tin là không thì không. Thầy thì tin là có. Đấy, thế thôi. Bạn hỏi thầy có tin không thì có tin, bằng chứng lịch sử nó thế. Nhưng mà quan trọng với bạn ấy là gì? Bạn có tu hành giác ngộ được không? Đúng không? Chứ còn trên đời có ông giác ngộ nào bụng to không thì… Bụng bạn to không?
Rất nhiều bậc giác ngộ bụng to. Xem một seri các thangka Thangtong Gyalpo. Bụng rất to và giác ngộ rất xịn, yên tâm luôn. Còn xem 84 vị đại thành tựu giả Ấn Độ, hầu như là một nửa bụng to hết. Vì sao biết không? Vì họ sống rất tự tại, ăn uống không có điều độ gì cả. Tự tại mà! Tại sao tôi phải điều độ? Thế là thường bụng to. (Các bạn cười)
Đấy thế thôi, còn những người tu hành quá nhiều khuôn phép thì bụng nhỏ, vì ăn uống rất là điều độ. Chịu khó xem ảnh thành tựu giả Ấn Độ đi, bạn sẽ yên tâm luôn là bụng to nhiều lắm, chả có điều độ gì hết. Thích ăn là ăn, thích ngủ là ngủ. Đấy, sống hoàn toàn tự do tự tại. Vì họ đã chứng ngộ được tất cả những thứ này huyễn ảo rồi, nên họ không vấn đề gì bụng to hay bụng nhỏ cả. 84 đại thành tựu giả Ấn độ, Thangtong Gyalpo và Bố Đại hòa thượng đấy là tất cả những người bụng to mà bạn có thể chứng kiến được. (Mọi người vỗ tay)

Bố Đại Hòa Thượng – Một hóa thân của Bồ tát Di Lặc
Chắc khi đề cập đến một hóa thân của Bồ Tát Di Lặc ở cõi đất chúng ta, Quý Vị sẽ nhớ đến một Vị Hòa Thượng bên Trung Hoa, đó là Bố Đại Hòa Thượng.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cuộc đời Ngài.
Bố Đại Hòa Thượng, theo sự tích được chép lại trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Ngài quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa, trong vùng Chiết Giang ngày nay.
Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là Hòa Thượng túi vải. Vì Ngài thường quảy một túi vải bố, nếu ai cho gì là Ngài bỏ vào đó.
Tướng Ngài mập mạp, bụng lớn, như trong các tranh vẽ thường thấy ngày nay.
Ngài nói năng vô định, chỗ ngủ thì không kén chọn, ai cho gì thì Ngài nhận lấy chứ không hề chê khen.Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt mình, người đời thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kì lạ.
Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai thì hàng quán đó, ngày hôm ấy sẽ bán rất chạy. Nếu Ngài ngủ ngoài đường thì thời tiết ngày hôm ấy sẽ rất tốt, không mưa. Nhưng nếu Ngài ngủ nơi có mái che, kín, thì hôm đó trời sẽ mưa. Nhiều người dân chỉ cần để ý Ngài ngủ sẽ biết được thời tiết trong vùng.
Sau đây là vài đoạn đối thoại có ý thiền của Ngài :
Lần nọ, Hòa Thượng Bạch Lộc hỏi Ngài :
– Túi vải của Ngài thì thế nào ?
Lúc ấy Ngài bỏ túi vải xuống.
Hòa Thượng Bạch Lộc lại hỏi nữa :
– Cái việc của túi vải là thế nào ?
Lúc ấy Ngài quảy lên vai mà đi.
Hay một lần khác :
Hòa Thượng Tiên Bảo Phúc hỏi :
– Chỗ cốt yếu của Phật Pháp thì thế nào ?
Lúc ấy, Ngài bỏ túi vải xuống, khoanh tay đứng.
HT Bảo Phúc nói :
– Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa ?
Lúc ấy, Ngài cũng im lặng, liền quảy túi lên vai mà đi.
Quý Vị thấy đoạn này hay không nào ?
Ngài đã chỉ ra chỗ cốt yếu, cái tinh túy của Phật Pháp qua một hành động không lời, là đặt túi xuống ( buông ), và nhấc túi lên ( nắm ).
Đoạn này khá hay nhưng tạm thời tôi không phân tích để Quý Vị tự chiêm nghiệm.
Vào đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng ba, khi sắp thị tịch Ngài có nói bài kệ :
« Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức »
Dịch là :
« Di Lặc thiệt Di Lặc
Hóa thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết ».
Nói kệ xong, Ngài an nhiên thị tịch.
Ngày nay ở nhiều chùa bên Trung Quốc, và Việt Nam mà theo Bắc Tông, thì chùa thờ tượng Phật Di Lặc thông qua thân tướng của Hòa Thượng Bố Đại, đó là mập, tròn vui vẻ, trẻ con quây chung quanh.
Do đó, khi Quý Vị nào có hay đi chùa, mà nếu trong chùa thấy có thờ hình tượng Ngài, thì nên đến để chắp tay xá chào hay đảnh lễ lạy sát đất.
Đây là Quý Vị đang kết thiện duyên với Ngài, vừa có công đức, và biết đâu vào kiếp tương lai nào đó, khi Ngài ra đời để tu thành Phật, Quý Vị sẽ gặp lại Ngài, được Ngài giáo hóa trực tiếp thì sao.
Điều này sẽ là quá tốt rồi.
Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Đọc thêm ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn