Đôi dòng chia sẻ với vị Phật bên trong bạn
Gửi Trong Suốt,
Là một nhà báo và cũng đã tu tập khá nhiều năm, tôi đã đọc và nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền tông, Mật tông… Có vẻ như những năm gần đây có sự nở rộ của những phong trào tâm linh. Tôi đã đọc các bài viết của thầy Viên Minh, thầy Duy Tuệ… Tôi cũng đã đọc những sách nước ngoài như Power of Now của Eckhart Tolle, sách của Krishnamurti, của Osho. Tôi cũng đã đọc các bài viết trên trang web của anh.
Tôi đã có nhiều thay đổi kể từ khi đến với tu tập. Tôi ngày một bình an, hạnh phúc và có khả năng giúp người khác bớt khổ về tinh thần hơn. Hiện tôi đang giảng dạy cho một số học trò, thi thoảng dịch hoặc viết một vài cuốn sách hay tiểu luận về chủ đề tâm linh.
Tuy nhiên khi đọc bài Thiền trong đời sống hàng ngày về hai sự tu tập, và nhất là gần đây gặp anh trong thành phố và nghe anh nói tất cả những gì tôi biết vẫn chỉ là rác, tôi nhận ra rằng những năm qua mình chỉ có tu tập theo một vế. Như anh nói con chim có một cánh thì không thể nào bay.
Dù đã hiểu biết nhiều và được tôn trọng bởi những người xung quanh, tôi tự biết mình chưa cảm nhận thực sự thế nào là trạng thái sống Trong suốt không cần lý luận và suy nghĩ.
Không chỉ tôi mà những người bạn của tôi cũng vậy, họ cũng đọc nhiều sách như trên và lý luận khá xuất sắc. Có lẽ họ chỉ khác tôi ở chỗ họ thấy thế là đủ và tiếp tục lặn ngụp trong đống khái niệm và tự hào về những gì mình biết.
Với tinh thần thực sự cầu thị, mong anh cho vài lời chỉ dẫn xem, những người như tôi cần nghĩ và làm thế nào để có thể tiếp tục tiến bộ trên đường tu tập.
T. TP Hồ Chí Minh
Bạn thân mến,
Rất vui vì bạn đã liên lạc với Trong Suốt, những người trung thực với chính mình như bạn thật hiếm có.
Với người thông minh thì nói ít mà hiểu nhiều, nhưng hiểu nhiều lại làm ít. Muốn làm ít mà vẫn tiến bộ thì phải làm đúng. Muốn làm đúng thì phải hiểu sâu sắc. Muốn hiểu sâu thì phải tự phản biện và thuyết phục được chính mình. Điều này tuy khó nhưng lại hợp với một người trí thức và có khả năng logic tốt như bạn.
Tuy nhiên người tư duy tốt cũng hay mắc phải cái bẫy là tự thỏa mãn với hiểu biết mà không thực sự cảm nhận được cái mình biết.
Làm thế nào để tránh điều này?
Bạn cần phải luôn trung thực với chính mình.
Vậy thế nào là trung thực với chính mình?
Dù bạn biết bao nhiêu giáo lý, dù bạn viết bao nhiêu sách, có bao nhiêu học trò, thắng bao nhiêu cuộc tranh luận, nếu khi nào cảm giác tiêu cực như kiêu ngạo, giận dữ, tham lam, ghen tị, chán nản… còn nổi lên dù rất nhỏ thôi, thì bạn hãy nhận ra những gì mình biết vẫn còn là rác.
- Nếu bạn có thể hiểu sâu sắc và làm đúng, thì không cần phải làm nhiều mà kết quả vẫn tự đến.
- Nếu bạn trung thực với chính mình, bạn sẽ không bị ngừng lại giữa đường.
- Nếu bạn quan tâm đến đau khổ của người khác và cố gắng giúp đỡ họ, bạn sẽ không bao giờ thiếu động lực để đi tiếp.
Bạn hãy suy ngẫm kỹ về ba điều này. Những gì Trong Suốt sắp chia sẻ, hợp với người có thể làm được ba điều như vậy.
Với người hay sử dụng tâm trí, thì điều cốt yếu là cần hiểu rõ và thừa nhận với chính mình rằng bạn không phải là thân thể và cũng không phải là cái tâm trí đang hoạt động này. Vấn đề lớn nhất của người trí thức là đồng hóa mình với tâm trí, với những suy nghĩ đang xảy ra trong đầu họ. Thay vào đó, hãy thức tỉnh và nhận ra vị Phật bên trong bạn.
Bạn là Phật tính – hay được hình ảnh hóa là một vị Phật, đang biểu hiện thành cơ thể và tâm trí như một công cụ để chơi trò chơi “Đời sống con người – Ngay bây giờ”.
Tất cả những nghi ngờ và lo sợ, hay chính cái phần rất tâm linh hay đi nghiên cứu và giảng giải của bạn đều thuộc về tâm trí. Tâm trí sẽ chống cự lại việc bạn tìm ra bạn thực sự là ai. Sự chống cự này của tâm trí đã làm cho vị Phật bên trong phải đợi quá lâu, và bây giờ là thời điểm tuyệt vời để bạn hiện ra hoàn toàn và nhận ra bản chất thực sự của mình.
Việc của bạn lúc này là nhanh chóng vượt qua những lo lắng và nghi ngờ, nhanh chóng nhưng kiên nhẫn và bền bỉ. Bạn ở đây là để nhận ra Phật tính và để phục vụ và giúp đỡ mọi người.
Không tin bên trong bạn có một vị Phật ư?
Một dấu hiệu chứng tỏ vị Phật bên trong bạn đã bắt đầu xuất hiện, là khi bạn hiểu sâu sắc rằng bạn tạo ra mọi nguyên nhân dẫn đến đau khổ và hạnh phúc của mình. Bạn chứ không phải ai khác là người quyết định mình sẽ đau khổ hay hạnh phúc trước một hoàn cảnh bất kỳ nào.
Bạn thân mến,
Trong các vấn đề đời sống bạn nên hài lòng với tất cả những gì đến với mình. Nhưng trong các vấn đề tâm linh bạn không được cho phép cho mình dễ thỏa mãn, bởi vì thực sự không có giới hạn nào cho tiềm năng tinh thần của bạn. Bạn hãy bắt đầu sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, nhận ra và chia sẻ mối liên hệ của bạn với vị Phật bên trong để giúp và làm lợi ích cho mọi người và mọi loài xung quanh bạn.
Không dễ dàng để bạn chấp nhận hoàn toàn bạn là một vị Phật, hay biểu hiện của Phật tính, chứ không phải là cơ thể và tâm trí. Sẽ có người quanh bạn không bao giờ hiểu nổi điều đó, bạn nên chấp nhận điều này một cách hiểu biết và thông cảm, vì đó không phải là bài học họ cần học trong kiếp sống này. Nhưng với bạn, bạn phải chấp nhận hoàn toàn bạn là ai, hay cái gì.
Bạn có mối liên hệ sâu sắc và mạnh mẽ với vị Phật, hay Phật tính bên trong. Bạn, tất cả những người và những vật xung quanh bạn đều là biểu hiện của Phật tính này. Bạn kết nối với tất cả, hãy nhìn bạn và những người khác giống như những ngón tay trên cùng một bàn tay. Khi để ý, bạn sẽ nhận ra các dấu hiệu để mở cánh cửa tới cái toàn thể này một cách hoàn toàn.
Bạn cần hiểu và tin sâu sắc rằng bạn không phải tâm trí, mà là Phật tính đang biểu hiện ra như là một cơ thể và tâm trí. Bạn càng hiểu rõ và tin vào điều này thì các lực lượng tinh thần sẽ càng làm việc với bạn. Các vị thầy sẽ tìm đến bạn để giúp bạn giác ngộ và có thêm khả năng giúp đỡ mọi người. Khi có thừa năng lượng tinh thần, bạn hãy chia sẻ nó với mọi người bằng việc chữa lành các vết thương của họ và giúp họ cũng nhận ra vị Phật trong mình.
Phật tính, hay vị Phật bên trong này không phải cái gì xa lạ, đó chính là bản tính tự nhiên của bạn. Nó luôn ở trong bạn và chưa bao giờ rời xa bạn. Việc thức tỉnh với bản tính tự nhiên của bạn không có gì khó khăn, hãy làm tâm trí yên lặng, chỉ ghi nhận những gì bạn cảm giác, nhìn hoặc nghe thấy.
Bạn hãy làm lặng tâm trí bằng thiền. Thở và chú ý đến hơi thở là một cách tốt để mở đường tới việc cảm nhận bản tính của bạn. Chỉ đơn giản để ý vào hơi thở, hít vào và thở ra ở mũi, hoặc sự phập phồng ở bụng. Bạn phải giữ cho nó đơn giản, tâm trí rất thích bạn tin rằng phải rất phức tạp mới có thể kết nối tới bản tính tự nhiên, điều này không đúng.
Hãy giữ cho thiền đơn giản nhưng kỉ luật, hãy để ý tới hơi thở bất cứ khi nào có thể, đầu tiên là những lúc rảnh rỗi và mở rộng ra vào những thời điểm khác. Khi kỉ luật được áp đặt lên bạn từ bên ngoài nó có thể trở thành vấn đề, nhưng khi kỉ luật tới từ bên trong thì trí tuệ và hiểu biết sẽ theo ngay sau.
Để ý tới hơi thở thôi cũng đã đủ. Nhưng tâm trí sẽ xen vào để cuốn bạn ra khỏi sự để ý này bằng cơn lũ của suy nghĩ. Để giúp cho việc này được liên tục, nếu bạn có niềm tin vào Quan Âm Bồ Tát, hãy hít vào và đọc thầm Om Mani, thở ra và đọc thầm Padme Hum. Nếu tin vào Phật A Di Đà, hãy hít vào Nam Mô, thở ra niệm thầm A Di Đà Phật. Nếu bạn tập Nguyên thủy, có thể hít vào Namo thở ra Buddha-ya. Nếu là người theo Thiên Chúa, hãy hít vào Alleluia và thở ra Amen.
Không quan trọng bạn đọc thầm là gì, hãy tập nó đủ lâu để thành một thói quen và đọc một cách tự nhiên không cố gắng, khi đọc hãy để ý cảm nhận hơi thở trên phần cơ thể bạn. Đây là một phương pháp rất thiện xảo giúp tăng cường sự tỉnh giác với hơi thở, khi cảm nhận hơi thở, bạn đang ở trong phút giây hiện tại, đang ở với những gì đang xảy ra bây giờ và tại đây chứ không chạy theo các ảo tưởng của tâm trí.
Nếu có cơ hội, bạn cũng nên “quan sát suy nghĩ”. Đừng nhầm quan sát là cố gắng theo dõi nội dung của tâm trí.
Đơn giản là hãy để ý tới những ý nghĩ không cần thiết, để ý tới những lo lắng và nghi ngờ mà tâm trí tạo ra nhằm kéo bạn khỏi hiện tại, khỏi trạng thái Trong suốt, khỏi sự nhận biết sự thực. Hãy để ý sự xuất hiện và biến mất của chúng và nhận ra chúng hoàn toàn trống rỗng! Trống rỗng nhưng sự sáng tỏ nhận biết rõ ràng thì lại ở đó không gián đoạn.
Sự thực rằng cái gọi là “bạn” này chỉ là một cơ thể và tâm trí, một biểu hiện của Phật tính – vị Phật bên trong đang chơi một trò chơi gọi là “Đời sống con người – Ngay bây giờ”. Còn bạn thực sự chính là Phật tính – khả năng nhận biết và biểu hiện ra mọi thứ. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi lo toan và tính toán đều chỉ là những trò chơi của tâm trí, không hơn không kém, và chúng hoàn toàn không có cơ sở thực sự nào. Bạn cũng sẽ nhận ra rằng mọi đau khổ đều diễn ra trong tâm trí, đều đến từ việc bạn chạy theo tâm trí và tin nhầm rằng những gì nó phóng chiếu là có thực!
Sự nhận ra bằng kinh nghiệm này vô cùng quan trọng, nó sẽ tiêu diệt vai trò có vẻ quan trọng của tâm trí mà nó đang áp đặt lên bạn. Sự nhận ra này sẽ giúp bạn không còn chạy theo và nô lệ vào tâm trí. Thậm chí nó sẽ biến bạn từ “người tu tập” thành “người chơi trò chơi mang tên tu tập”.
Khi bạn quan sát những suy nghĩ của tâm trí, và những nghi ngờ hay khó khăn nó tạo ra, bạn sẽ tối thiểu hóa ảnh hưởng của chúng lên bạn. Bạn cũng sẽ hỏi “Ai hay cái gì đang nhận biết những suy nghĩ này?”. Bạn không phải là tâm trí.
Một cách hiệu quả khác để thức tỉnh với bản tính tự nhiên của bạn, là sống hoàn toàn trong hiện tại. Quá khứ đã đi qua và hiện giờ chỉ là một mớ suy nghĩ dưới dạng ký ức lỏng lẻo, không chính xác. Tương lai chỉ là sự tưởng tượng của tâm trí và niềm tin là cái tưởng tượng này sẽ diễn ra. Hiện tại – cái bây giờ, là tất cả những gì tồn tại. Ngay cả cái gọi là tương lai khi xảy ra cũng sẽ xảy ra trong những giây phút hiện tại.
Khi bạn sống trong quá khứ hoặc tương lai bạn đang trói mình với sự ảnh hưởng của tâm trí. Tâm trí cần thời gian, nó cần quá khứ và tương lai. Bạn ở đây là để sống hoàn toàn trong hiện tại, để phục vụ và giúp đỡ mọi người.
Hãy làm tâm trí yên lặng và bản tính tự nhiên của bạn sẽ tự hiện ra. Các suy nghĩ của tâm trí sẽ tiếp tục can thiệp. Hãy nhận ra mọi việc đều hoàn hảo, ngay lúc này, để làm dịu nó. Sau đó hãy nghỉ ngơi trong bản tính của tâm để cho phép vị Phật bên trong hiện ra trọn vẹn, hoàn toàn nhận biết mọi thứ đang là, kể cả những suy nghĩ này.
Trong cuộc sống hàng ngày, hãy giữ những thói quen tốt cho tu tập và thực hiện chúng thường xuyên. Hãy quan tâm và giúp đỡ người khác và làm điều đó một cách tự nhiên, không phụ thuộc vào kết quả.
Khi đi dạy những người khác, thay vì dạy dỗ bất cứ ai bằng những lời không phải của bạn, hãy nói từ kinh nghiệm của chính mình. Đừng cố lặp lại những lời Phật hay các vị thầy mà mình chưa kiểm chứng để bạn có vẻ đúng đắn, như thế không khác nào xả rác.
Hãy tự tin vào kinh nghiệm bản thân và chia sẻ chúng với người khác. Vị Phật bên trong có đầy đủ khả năng, khi bạn tin và chia sẻ từ vị Phật bên trong, bạn sẽ nói ra những lời trước đây chưa ai nói và bạn cũng chưa hề ngờ tới. Làm như vậy chính là tạo cơ hội cho vị Phật bên trong lên tiếng và sáng tạo.
Đừng dựa vào việc chỉ ngồi thiền cứng nhắc, bạn có thể sẽ làm tốt hơn nếu có nhiều thời thiền ngắn, trong mọi lúc thuận tiện trong cuộc sống của bạn, thay bằng cố gắng ngồi rất dài. Liên tục một cách tự nhiên, thiền thực sự là như vậy.
Không có cái tôi nào để hàng phục, không có thành tựu tâm linh nào để đạt được, không có điều gì đáng để đấu tranh với nội tâm. Hãy nghỉ ngơi một cách tỉnh táo, để chính bạn và mọi thứ như nó đang là.
Đó là những gì Trong Suốt muốn chia sẻ với bạn hôm nay.
Cảm ơn và yêu quý bạn
Trong Suốt