Vì sao các Mối Quan Hệ chuyển từ Yêu sang Hận?
Why Relationships go from Love to Hate?
Sadhguru phân tích một việc mà mọi người đang làm một cách âm thầm và chính điều này làm xáo trộn các mối quan hệ với những người thân yêu xung quanh ta.
Câu hỏi : Sống trong một gia đình, chúng ta phải đối mặt với những thành kiến của những người thân về cuộc sống của chúng ta. Làm thế nào chúng ta xử lý việc này?
Sadhguru : Họ không phải là những người thân của bạn, họ như là những tay chân phụ của bạn. Bạn không thể đứng trên hai chân, vậy nên bạn cần 4 hay 8 hay 12, tôi không biết là bao nhiêu. Chúng là những tay chân phụ. Và khi các chi không phối hợp được tốt, chúng sẽ vướng vào nhau, bạn biết đấy. (cười)
Có bốn hoặc năm bộ não, bốn hoặc năm trung tâm quyền lực trong gia đình. Và để cho nó được điều phối tốt, một số việc nhất định cần phải được thực hiện. Một cách để làm được điều này là, thông qua một mức độ rất cao của sự kết nối, nhưng không phải về mặt cảm xúc. Sự kết nối về mặt cảm xúc chỉ mang lại sự phụ thuộc mà thôi.
Cảm xúc là cái để thưởng thức, nó như là mật ngọt của cuộc đời. Bạn không bắt cảm xúc của bạn làm việc, bạn không nên bắt chúng làm việc. Bạn có thể khiến suy nghĩ của bạn làm việc, bạn có thể khiến cơ thể của bạn làm việc, nhưng đừng cố bắt cảm xúc của bạn làm việc. Hễ khi nào bạn cố gắng điều khiển cảm xúc của bạn theo ý mình, các hoàn cảnh của bạn sẽ trở nên tồi tệ, đúng không? Đúng hay không?
Lúc đầu thì “tôi yêu bạn” có tác dụng, sau một thời gian, bạn cố gắng điều khiển cảm xúc hoạt động theo ý mình. Bạn càng cố gắng làm cho nó hiệu quả, cuộc sống của bạn lại càng trở nên tệ hại hơn. Bởi vì cảm xúc không phải là để tận dụng, cảm xúc chỉ là để làm cho cuộc đời bạn thêm ngọt ngào mà thôi.
Suy nghĩ và cơ thể của bạn nên làm việc, cảm xúc chỉ ở đó thôi. Nó như là bông hoa mà bạn cài trên mái tóc. Bây giờ không ai cài hoa nữa, chậc, chậc.. không sao cả. Bạn không khiến những bông hoa này phải làm việc, cái micro làm việc, các thứ khác cũng làm việc, những bông hoa không cần phải làm việc, chúng chỉ ở đó, thế thôi. Cảm xúc cũng giống như vậy, nó chỉ ở đó, dễ chịu và tuyệt vời. Nếu bạn cố gắng bắt nó làm việc, nếu bạn cố gắng chiết ra một ít sự sống từ xung quanh bạn bằng cảm xúc của mình, nó chắc chắn sẽ trở nên xấu xí.
Xem thêm:
Sức Mạnh Của Cảm Xúc
Vì vậy, nếu bạn không có một bộ não hoạt động, nếu bạn không có khả năng suy nghĩ, thì bạn sẽ cố gắng sử dụng cảm xúc của mình để làm lợi cho bạn. Và có lẽ đôi khi bạn lại thành công. Đó là cả vấn đề. Ban đầu thì bạn thành công, và sau đó bạn cố gắng đẩy nó tiến xa hơn, nhưng cuộc sống của bạn lại trở nên tồi tệ, tồi tệ một cách kinh khủng.
Giữa những người lẽ ra nên có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau… Những tình huống tồi tệ nhất xảy ra không phải giữa kẻ thù, mà giữa những người được gọi là thân yêu. Bạn đồng ý với tôi hay không? Tôi có đang quá khắc nghiệt với bạn? Đúng hay không?
Mọi người có thành kiến của họ. Nếu bạn yêu ai đó, bạn không nên có một thành kiến gì, đó là ý nghĩa đích thực của tình yêu. Tình yêu có nghĩa là bạn sẵn lòng nuôi dưỡng một cuộc sống khác, mà không tạo ra những thành kiến gì. Đó là ý nghĩa đích thực của tình yêu.
Thành kiến giết chết tình yêu
Chúng tôi là người thân của nhau, chúng tôi có những quan điểm cứng rắn về nhau. Không, điều đó có nghĩa là bạn đang cố gắng đóng khung cuộc sống. Một thành kiến là một cách để cố định một người vào một chiếc áo vest chật. Tình yêu có nghĩa là nuôi dưỡng một người thành một khả năng mới. Hai điều này không thể đi cùng nhau. Chẳng cách nào chúng có thể tồn tại cùng nhau.
Bạn đưa ra một số phán xét tại một thời điểm là để nuôi dưỡng nó tốt hơn. Nếu bạn đang nuôi dạy con cái ở nhà, bạn phải đưa ra một số phán xét vào thời điểm đứa trẻ đang ở hiện tại, để nuôi nấng chúng thành một khả năng trong tương lai, không phải để hình thành thành kiến về đứa trẻ.
Khoảnh khắc bạn hình thành nên một quan điểm, bạn đã không còn quan tâm đến việc nuôi dưỡng sự sống đó thành một khả năng mới. Bạn chỉ muốn cố định nó vào trong lớp vỏ thành kiến của bạn. Và bạn sẽ thất vọng nếu nó không tuân theo thành kiến của bạn. (cười).
Không, đó không phải cách nó hoạt động. Nếu bạn muốn sống gắn bó với người khác, thì nó nên là mối quan hệ của sự nuôi dưỡng, không phải là của sự phán xét. Nó sẽ không hoạt động như vậy đâu. Cơ chế hoạt động cơ bản đã sai lầm, thì làm sao mà nó mang lại hiệu quả được? Bằng cách ngẫu nhiên, bởi vì sự mới mẻ của tình huống, bởi vì vẫn còn trong kỳ trăng mật, nó có thể có hiệu quả trong một thời gian; nhưng sau đó nó sẽ không còn hiệu quả nữa.
Vì vậy, nếu thực sự đó là một mối quan hệ yêu thương, thì không nên có thành kiến, chỉ nên có sự nuôi dưỡng.
Bạn đọc comment:
Bảo Lâm Nguyễn
“Những tình huống tồi tệ nhất không phải giữa kẻ thù, mà giữa những người được gọi là thân yêu”. ?
Điềm Mật Mật
“Nếu bạn yêu ai đó, bạn không nên phán xét. Đó là ý nghĩa đích thực của tình yêu.
Tình yêu có nghĩa là bạn sẵn lòng nuôi dưỡng một cuộc sống khác. Đó là ý nghĩa đích thực của tình yêu.”
NLTG
Nếu bạn yêu ai đó, bạn có thể đưa ra lời nhận xét để họ tốt hơn. Và bạn k nên có thành kiến, dán nhãn, phán xét họ. Yêu thương chính là nâng đỡ, nuôi dưỡng, làm cho nhau trở nên tốt hơn.
LSSH
Cuộc sống có rất nhiều việc cần chúng ta hoàn thành. Với tình yêu _ để hạnh phúc thì tách nó ra khỏi những câu chuyện khác.
CHUNG NGUYEN BAC
… ai làm được, dơ tay…!!! ?
Jo Say hii
Mình k rõ nghĩa câu “nuôi dưỡng một sự sống khác” hay “nuôi dưỡng 1 người thành 1 khả năng mới”. Ai đó giải thích giúp m đc k ạ!!
M. Phương
bạn có thể hiểu thông qua ví dụ nuôi dạy con cái mà thầy nói, nếu bạn nuôi dạy con cái bằng sự phán xét, tức là bạn đang gò bó sự phát triển của con và con bạn có thể là “phiên bản khác” của bản thân bạn; nhưng nếu bạn nuôi dưỡng ko có sự phán xét, con bạn trở thành một sự sống mới, ko theo bất kỳ khuôn khổ nào.
Xuân Nguyễn
cho em hỏi xíu, Nhưng nếu người đó không tốt, đang đi sai đường, mình muốn góp ý để cải thiện thì cũng là ý kiến phải không ạ? hay là cứ để mặc tự nhiên hay sao? Em cảm ơn ạ
Nguyễn Khánh Trình
Mình nghĩ là chỉ cần mình làm tốt phần của mình rồi nguồn năng lượng tích cực đó cũng sẽ lây lan qua ng đó mà thôi. Nếu góp ý thì hãy góp ý trên phương diện cá nhân, đó có thể là cách bạn đã vượt qua hoàn cảnh đó, chứ đừng bắt họ làm theo ý mình. Nếu họ thấy đúng họ sẽ tự chuyển mình thôi
Xuân Nguyễn
@Nguyễn Khánh Trình cảm ơn bạn nhiều nha. Vậy cứ tập trung vào việc sống tốt, làm tốt, không kỳ vọng k áp đặt người khác thay đổi.
Cứ an nhiên tự khắc bên ngoài cũng an nhiên.