Vô thường lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối
Vô thường là cái mà các con phải nhớ từ giờ cho tới ngày giác ngộ. Nếu còn nhớ được vô thường thì bất kỳ lúc nào cũng có lợi cho con đường tu hành.
LÚC ĐẦU
Khi ý thức về vô thường và sợ vô thường thì các con sẽ tìm một con đường thoát khỏi nỗi khổ do vô thường gây ra.
Nếu các con không sợ nỗi sợ đấy thì đối với các con tu hành chỉ là một trò vui thôi, làm thì làm không làm thì thôi, vì không sợ mà. Sớm muộn gì thì các con cũng không làm được, không thể làm được. Thế nên là sợ vô thường vô cùng quan trọng. Và phải nhớ rằng là với người chưa giác ngộ, với người còn vô minh thì vô thường là rất khủng khiếp. Cho dù các con biết lý luận đời chỉ là mơ, thì khi rơi vào cảnh hãi hùng các con có hãi hùng không, có thoát ra nổi không? Không những các con hãi hùng mà các con không thoát ra nổi luôn. Các con cứ lẩm nhẩm đây chỉ là mơ, thì nó vẫn thật vì các con tin là có cái tôi ở đây.
Khi mình hiểu đủ sâu sắc thì chỉ muốn giải thoát. Ví dụ như khi mình đang nhảy múa thì mình thấy rất dễ chịu, nhưng mà khi mình biết rằng hóa ra mình nhảy trên cái chảo lửa, tự nhiên mình chỉ muốn nhảy ra, tìm đường ra thôi.
LÚC GIỮA
Đầy người tu hành có một số kết quả xong rồi chủ quan ngay. Càng thông minh giỏi giang càng dễ dừng ở giữa đường. Khi tu hành sẽ có một số trạng thái tâm an lạc và cảm giác rằng mình sẽ chống chọi được với bão tố cuộc đời. Cái trạng thái tâm này của mình dù nó khôn ngoan đến mấy thì nó cũng vô thường. Còn nương tựa vào một thứ vô thường, đó là suy nghĩ của mình, là quá dại dột rồi. Hòn đá đập vào đầu ngày mai mình lại quên hết, giận đến lại giận, lo đến lại lo. Nghĩ thế thì sẽ không bị chủ quan, dừng lại giữa đường.
Các con nên biết những người chủ quan thì rất nhiều, mà những người ấy hầu hết là những người giỏi giang. Những người tu hành nhiều, giỏi giang thường là những người chủ quan nhất. Giỏi giang như vậy chỉ là nửa vời thôi, như là Thượng toạ, Đại đức hay là làm một ông thầy có nhiều người đến nghe mình giảng. Đấy là lúc mình quên vô thường nhất.
Không hiểu vô thường rồi các con sẽ bị thế. Giả sử như trong lòng mình nghĩ thế thì vị thầy không có giá trị luôn. Khi mình đã nổi lên trạng thái kiêu ngạo rồi thì không nghe, thầy nhắc không tin nữa. Ngay cả tiến bộ rồi, nhớ vô thường cũng là quan trọng.
LÚC CUỐI
Cuối cùng, nếu nhớ được vô thường, thật sự nhớ được vô thường, thì con sẽ nhìn thấy được bản chất của thế giới. Các con hiện giờ không nhận thức được thế giới, bị lừa – cái không có thật thì tưởng là có thật.
Sự thật là tất cả những cái đang xảy ra ở đây chỉ là giấc mơ thôi. Nếu tin vào thân thể này thì mình sẽ hỏi tôi nằm mơ vậy tôi đang ở đâu? Đây là giấc mơ mà!
Nhưng sự thật thì không phải như thế. Khi con không còn đồng hoá mình với thân thể thì con không còn nghĩ có người nằm mơ nữa. “Người đang mơ” cũng chỉ là một sản phẩm của giấc mơ.
Các con thấy có một giấc mơ đang diễn ra. Giấc mơ rộng lớn, vĩ đại, trùng trùng điệp điệp. Thế thôi, không còn người nằm mơ nữa. Nhưng vì hiểu biết đấy, nên là không còn đau khổ, và rồi hoan lạc, hỷ lạc nảy sinh.
Khi so sánh kinh nghiệm sống của mình với kinh nghiệm khi xem phim, cái mà các con dựa vào để phân biệt thật giả, chẳng qua chỉ là cảm giác – việc con có sờ được vào thứ gì hay không. Nhưng trong cả phim lẫn đời thật, cái mà các con thực sự có là một seri cảm giác. Con không thực sự sờ được vật đấy, mà con có 24 hình và 24 xúc giác trong 1 giây. Và suy nghĩ tổng hợp rằng ở đây có một vật.
Nếu con thực sự hiểu về vô thường, thì các con sẽ thấy rằng từ sáng đến tối, các con thấy được 24 hình/ giây, 24 cảm giác/giây, 24 âm thanh/ giây và biến động liên tục. Giống như một đại dương, không bao giờ ngừng sóng. Đấy là cách mà nếu con nhớ về vô thường, con sẽ hiểu bản chất của thế giới.
Con hiểu bây giờ là có một thứ này, nó tồn tại một lúc xong nó hỏng mất. Hiểu một cách sâu sắc là không có một giây phút nào nó tồn tại được luôn, đến rồi tan ngay. Giống như hay nói là vẽ tranh trên mặt nước, vừa hiện ra vừa tan cùng một lúc. Thế mới là vô thường. Nếu nó trụ lại được trong một giây thì nó không phải vô thường, thì trong sát na ấy nó không vô thường.
Hiểu biết này về vô thường sẽ dẫn đến một trí tuệ sâu thẳm, rằng thực sự không hề có vật nào ở đây hết; mọi thứ chỉ giống như những hình ảnh trên một tấm gương: hiện ra mà không một vật, hiện ra rõ ràng mà không thực sự tồn tại.
Khi đạt tới trí tuệ này, con bắt đầu nhận ra bản chất của sự vật hiện tượng, và khám phá ra rằng mọi thứ chỉ là sự trống rỗng toả chiếu của Pháp thân, bản tính tự nhiên tuyệt đối của con.
Vì thế, ngài Padampa Sangye, sư tử của các bậc Đại Thành tựu giả, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Vô thường trong bài thơ của mình:
“Lúc đầu, lòng xác quyết về lẽ vô thường sẽ khiến bạn nắm lấy Pháp;
vào lúc giữa, lòng xác quyết về vô thường sẽ thúc giục bạn tinh tấn;
và vào lúc cuối, lòng xác quyết về vô thường sẽ đem lại cho bạn Pháp Thân chói lọi.”
Trong Suốt
(Trích buổi nói chuyện “Vô thường lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối” – Hà Nội, 2014)