Hiểu thế nào về câu “Vô tu vô chứng”?
Hôm qua tôi có duyên trao đổi vài câu đạo lý với một cậu tu theo Thiền Tông Tân Diệu.
Tôi hỏi trước :
Làm sao để có thể về với cảnh giới Phật ?
Cậu ấy trả lời :
Hãy cố gắng làm một Bậc Đạo Nhân vô tu vô chứng.
Tôi hỏi lại :
Thế nào là vô tu vô chứng?
Vậy tất cả mấy tỷ dân trên thế giới, những người này, họ không có tu, thì họ là Phật hết hay sao?
Hỏi vậy, cậu ấy không trả lời và im lặng.
Và tôi biết hiện nay cũng có rất nhiều người chấp vào câu “Vô tu vô chứng” này, rồi bỏ tu, không tu, phá giới, phạm trai, lại còn cho rằng như vậy là mình đang tu theo “Thiền Tông”.
Người mà chấp như thế, đây là một sự chấp vào tà kiến hết sức nghiêm trọng, có thể chiêu cảm quả báo hiện đời bất an, sau khi chết có thể đoạ vào địa ngục kéo lưỡi, hoặc đoạ vào súc sinh… Mà không biết đến khi nào mới ra được.
Cụm từ “Đạo nhân vô tu vô chứng”, đây là cụm từ dùng để chỉ cho những Bậc đã đạt đạo, đã chứng đạo.
Tức là đã chứng đắc quả vị Thánh thứ tư, trong tứ quả Thánh, đó là quả vị A La Hán.
Khi đọc trong các kinh điển quý vị cũng thường hay thấy một số Bậc vừa chứng đạo, họ hay nói ra những câu như thể hiện tâm chứng của chính mình như sau :
“Ba minh ta chứng được lời Phật dạy đã làm xong”.
Chữ “làm xong” ở đây, ta cũng có thể hiểu là đã “vô tu vô chứng”, tức cũng đã trở thành Bậc vô học, đã đạt được Vô sư trí.
Vì các Ngài đã đạt đạo rồi, nên mới không còn tu nữa.
Điều này cũng giống như :
Khi ta nấu cơm, mà cơm đã chín rồi, thì ta chỉ còn ăn thôi chứ nấu chi nữa.
Lúc đó nếu người không có trí tuệ, mà bỏ lên lửa đốt nữa, thì cơm sẽ cháy thành than.
Và người khác sẽ nói mình là ngu.
Hoặc cũng giống như người bị bệnh mà uống thuốc.
Khi còn bệnh thì chúng ta mới cần/còn uống thuốc, chứ hết bệnh rồi mà quý vị uống thuốc để làm cái gì.
Cũng vậy, khi một Bậc tu đạo đã hoàn tất việc tu tập, các cấu uế, rác bẩn của nội tâm đã được dọn sạch.
Thì Vị ấy sẽ không còn đi dọn rác trong tâm nữa, đây gọi là vô tu.
Vì Vị ấy đã chứng đạo và có thể tự tại thể nhập vào được cảnh giới của “Niết Bàn”, nên gọi là “Vô Chứng”, nói vô chứng nhưng quý vị phải hiểu ngầm là “Đã chứng đã hoàn tất”.
Thế nhưng ngày nay những người phàm phu thiếu trí tuệ, lại chấp vào câu này rồi bỏ tu, không tu, phá giới phạm trai…..
Mình đang còn phàm mà cứ nghĩ rằng mình đã chứng đạo.
Cấu uế, rác rưới ở trong tâm của mình còn đầy, mà cứ nghĩ rằng đã dọn sạch.
Nghĩ như thế thì chẳng có trí tuệ chút nào cả.
Quý vị hãy tự xem lại chính mình, xem coi trong tâm mình
- Còn nóng giận hay không ?
- Còn tham muốn hay không ?
- Còn u tối ngu mê hay không ?
- Còn kiêu mạn, ganh tỵ hay không ?
- Còn ích kỷ hay không ?
- Còn có tâm thích thú món ăn ngon, bị thu hút vào món ăn ngon, chê, lánh món ăn dở hay không ?
- Quý vị có còn tâm buồn phiền, chán nản, mệt mỏi hay không ?
- ………….
Khi quý vị mà còn những tâm ấy, thì cũng chính là trong tâm còn đầy rác, nội tâm chưa được dọn sạch rác.
Thì lúc đó hãy nên cố gắng mà lo dọn đi, chứ không lo dọn mà cứ nghĩ rằng nhà mình đang sạch thì thật là đáng thương quá.
Mà quá trình đi dọn những tâm rác ấy, đây chính là giai đoạn đang tu.
Tức cũng còn đang là Bậc hữu học, và các phận sự vẫn chưa hoàn thành.
Tóm lại :
Quý vị phải nhớ, câu “Vô tu vô chứng” chỉ dành cho những Bậc đã đạt đạo.
Chứ nó không dành cho hạng phàm phu, hạng mà tâm còn nhiều rác rưới và phiền não.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Chuyện kể về ‘vô tu vô chứng’
Hôm qua, trong lúc lang thang trước cửa coi mấy người thợ sơn nhà… Vô tình, gặp một người không quen chạy xe đến cũng hỏi chuyện sơn nhà…
Trao đổi qua lại, thì ra người này cũng đang tu hành…
Sau một hồi nói chuyện, vị này có vẻ ngạc nhiên trước hiểu biết của mình về Phật pháp… Có lẽ do tò mò, người này đặt nhiều câu hỏi về cách thức tu hành, mình ôn tồn trả lời thoả đáng… Người khách rất tâm đắc, luôn miệng khen rằng, trong đời chưa từng gặp một người nào thông đạt như mình… Đúng là nhân duyên hy hữu cuối năm !!!
Gần đến xế chiều, vị này bèn hỏi về ý nghĩa thế nào là “vô tu vô chứng“… Mình trả lời: Không tu hành, mà thấu đạt diệu lý gọi là vô tu. Không thấy chứng đắc mà thông thuộc mọi cảnh giới của Phật đạo gọi là vô chứng !!! Thành tựu như thế gọi là bậc “vô tu vô chứng” !!!
⁕⁕ Vị này bèn hỏi: Trong đời Anh đã gặp hạng người này chưa ???
− Mình trả lời: Tôi có quen một người như thế !!!
⁕⁕ Người này hỏi: Người đó ở đâu, tăng hay là tục… Và, đòi mình dẫn Anh ta đi gặp vị cao nhân ấy…
− Mình nói: Vị đó ở gần đây, là một người thế tục, không khác gì Anh với tôi, khi nào đủ duyên, tôi sẽ dẫn Anh đến diện kiến…
⁕⁕ Người này bèn hỏi: Anh quen với vị ấy sao không cầu học ???
− Mình trả lời: Thì tôi vẫn thường học với vị ấy !!!
⁕⁕ Người này lại hỏi: Người ấy dạy anh điều gì ???
− Mình trả lời: Dạy những điều tôi trình bày với Anh từ sớm tới giờ !!!
⁕⁕ Vị khách lại nói: Hồi trưa đến giờ, mình nói chuyện kinh chứ đâu có nói chuyện tu ???
− Mình trả lời: Ban đầu Anh hỏi cách thức tu hành, tôi trình bày cặn kẽ thấu đáo và Anh con khen rối rít, kế đến mới nói chuyện kinh, sao lại bảo không nói chuyện tu mà chỉ nói chuyện kinh !!!
⁕⁕ Vị khách lại nói: Đó là nói chứ đâu phải tu hay chứng ???
− Mình trả lời: Rất có lý, ngồi lim dim hai con mắt mới gọi là tu !!!
Bay trên trời như chim, hay chun xuống đất như trùn mới gọi là chứng !!! Còn “Vô tu vô chứng” thì chẳng giống chim, chẳng giống trùn, cũng chẳng giống chuột !!!
Anh thích thứ nào ??? Muốn thành chim, thành trùn hay thành chuột, muốn thành các thứ này thì không khó, chỉ cần phát nguyện, nhất định đời sau sẽ thành… Còn muốn học để vị lai thành bậc vô tu vô chứng, thì mai mốt lại đây, tôi sẽ dẫn Anh đi gặp người dạy Anh thứ đó ???
⁕⁕ Người ấy lại nói: Vị ấy có dạy Anh thế nào là vô tu vô chứng không ???
− Mình trả lời: Vị ấy dạy tôi, hiểu kinh là tu, thấu suốt đạo là chứng… Không chấp hiểu kinh, không chấp thấu đạo, trong lòng chẳng thấy phải quấy, chẳng thấy hơn thua, thong dong giữa dòng đời như mây bay trên trời…
Bên ngoài thì bình thường, nhưng tâm trí cao tột, không tầm thường như kẻ thế gian… Người nào được như thế, gọi là đắc cái không thể đắc, thành tựu cái không thể thành tựu, nói nôm na đây là bậc “vô tu vô chứng” !!!
⁕⁕ Vị ấy lại hỏi: Như vậy, Anh không tu hay sao ???
− Mình trả lời: Tôi không biết mình có tu hay không !!!
Chỉ thấy trong lòng thảnh thơi, không vướng bận điều gì !!! Đã không vướng bận thì chẳng biết tu cái gì đây !!!
⁕⁕ Người khách lại nói: Nói như Anh thì ai nói lại không được ???
− Mình trả lời: Sao hồi trưa anh bảo, từ xưa đến giờ, chưa từng gặp ai trên đời nói chuyện thông đạt như tôi, còn khen tôi là người hy hữu, bây giờ lại bảo rằng nói như tôi thì ai cũng nói được ??? Cái dzụ này mới kỳ !!!
⁕⁕ Vị khách hơi bất ngờ trước câu nói của mình, rồi lại hỏi: Nhưng kinh nào nói rằng vô tu vô chứng là tối thượng ???
− Mình bèn đọc cho vị đó nghe một đoạn kinh Tứ Thập Nhị Chương. Mình bảo Đức Phật dạy:
“Cúng dường một trăm người ác, không bằng cúng dường cho một người thiện. Cúng dường một ngàn người thiện, không bằng cúng dường cho một người thọ ngũ giới. Cúng dường một vạn người thọ ngũ giới, không bằng cúng dường cho một vị Tu Đà Hoàn. Cúng dường một vạn vị Tu Đà Hoàn, không bằng cúng dường cho một vị Tư Đà Hàm. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm, không bằng cúng dường cho một vị A Na Hàm. Cúng dường một ức vị A Na Hàm, không bằng cúng dường cho một vị A La Hán. Cúng dường mười ức vị A La Hán, không bằng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật. Cúng dường một trăm ức vị Bích Chi Phật, không bằng cúng dường cho một vị Phật ba đời (Tam thế Phật). Cúng dường một ngàn ức vị Phật ba đời, không bằng cúng dường cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng”.
Và mình nói tiếp: Anh thấy đó, Phật dạy cúng dường cho bậc vô tu vô chứng trên tất cả mọi cúng dường.
Mới biết rằng, trong Phật đạo, bậc vô tu vô chứng là tối thắng, là hiếm có, chỉ e sinh ra đời vô phước, không có duyên để gặp được hạng người như thế, hoặc gặp rồi lại do mê mờ nên không nhận ra !!!
⁕⁕ Vị khách lại nói tiếp: Tôi không tin trên đời này có người thành tựu như vậy, nếu có hạng người này, nhất định mọi người sẽ biết, và thấy là biết liền !!!
− Mình trả lời: Anh nói rất có lý !!! Nhưng, như Anh đây hoặc người đời, giả sử gặp bậc như thế, làm sao biết được ???
⁕⁕ Vị khách trả lời: Biết chớ !!! Hễ gặp là phải biết !!!
− Mình cũng “pó tay” luôn !!! Đúng là “túi khôn” và “cái ngã” nó làm cho con người ta “tầm thường đến tệ hại” !!!
Vị khách đi rồi, mình ngẫm nghĩ thật nhiều về “cái đảo điên” của người đời… Tâm thì mong thành tựu vô tu vô chứng, mà lại muốn gặp người có tu có chứng dạy mình mới chịu học, đây mới là chuyện lạ !!! Đúng là đảo điên !!!
Người có tu làm sao dạy cái vô tu, người có chứng làm sao biết cảnh giới vô chứng !!!!!!
Và bản thân chưa vô tu vô chứng thì làm sao biết được người nào có tu có chứng hay vô tu vô chứng !!!
Chia sẻ đến HĐ mẩu chuyện vui khi chiều, để mọi người thấy tâm ý người đời điên đảo như thế nào…
LÝ TỨ (31-12-2016)