VỌNG TƯỞNG LÀ GÌ?
Cụm từ này đối với những hành giả tu thiền thì đã trở nên rất quen thuộc.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu :
Vọng tưởng có nghĩa là gì?
- Tưởng có nghĩa là sự tưởng tượng, hình dung, hay những ý nghĩa vẩn vơ trong tâm.
- Còn Vọng có nghĩa là xằng, càn, tùy tiện, bất chính, không ngay thẳng, sai, hay không đúng sự thật,…
Vậy vọng tưởng có nghĩa là những tư tưởng tùy tiện, không thật, nhiều khi còn bất chính nữa.
Nếu một người nào đó mà trong đầu liên tục khởi lên những tư tưởng, những vọng niệm, mà không thể dừng được.
Thì người này tâm rất dễ bị bất an, suy nhược, mệt mỏi…và nhiều khi mất ngủ nữa.
Với một cái tâm như thế thì trí tuệ sẽ không thể nào sáng được.
Chính vì thế khi bước vào quá trình tu tập, người đệ tử Phật cần phải biết cách để kiểm soát được vọng niệm của chính mình.
Việc kiểm soát này không phải chỉ tiến hành trong thời khóa hành trì tu tập, mà cả trong những lúc sinh hoạt thường nhật, chúng ta cũng phải theo dõi hết sức chặt chẽ.
Trong các thiền viện của sư ông Trúc Lâm, có một pháp tu, đó là pháp tu tri vọng (nghĩa là Biết Vọng nhưng không theo).
Thường một người phàm phu không biết tu tập thì họ rất dễ bị dính mắc, cuốn theo những vọng niệm, mà thiếu sự kiểm soát, phân tích, hay đánh giá của trí tuệ.
Còn một người biết tu hành, tâm có sự hành trì, thì việc theo dõi những vọng niệm, vọng tưởng để kiểm soát là vấn đề được thực hiện liên tục xuyên suốt cả ngày, và cả đời tu.
Tâm chúng ta thường phải được đưa về trạng thái của sự vắng lặng yên tĩnh, tức không có suy nghĩ gì hết.
Khi nhận thấy có những tư tưởng khởi lên, lúc đó tâm cần phải có sự đánh giá xem ý nghĩ này là chính đáng hay không chính đáng, có cần thiết giữ lại trong tâm hay không, khi nhận biết chúng là vọng niệm thì chúng ta tác ý không theo, thì vọng tưởng ấy tự tan.
Còn các tư tưởng về công việc thì như thế nào?
Lúc đó, tâm cần xem công việc sắp tới mình làm những gì, sau đó đưa ra các phương án làm việc, rồi sau đó bắt tay vào làm, tập trung làm mà không có nghĩ ngợi lung tung những việc không liên quan.
Sau khi hoàn thành thì chúng ta đưa tâm trở lại với sự vắng lặng thanh tịnh, yên tĩnh.
Thời buổi hiện nay số lượng người lao động trí óc chiếm một tỷ trọng rất cao.
Với áp lực của công việc đòi hỏi phải sử dụng trí óc, nhiều người bị rơi vào tình trạng stress (tức căng thẳng, mệt mỏi).
Nhưng thường họ không biết cách để điều phối tâm trở lại, nên đây là những người rất đáng thương, vì họ không biết cách tu.
Do đó, quý vị là người có duyên tu, thì mỗi ngày cần phải có thời khóa để tập ngồi yên lặng, giữ tâm không suy nghĩ, chú tâm biết rõ toàn thân, đây là cách thức để tập kiểm soát vọng tưởng.
Kiểm soát được vọng tưởng thì tâm sẽ rất an lạc, làm việc có sự tập trung và vô cùng hiệu quả.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Cư Sĩ Nhuận Hòa
Đọc thêm :