Kỹ năng viết content – Writing Skill
Trong thời đại số ngày nay, Writing Skill, Copywriter, Content Marketing , tạm gọi chung là kỹ năng viết, là một kỹ năng không thể xem nhẹ. Trong đó, Content Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và giữ chân khách hàng ở lại với doanh nghiệp. Content Marketing trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh luôn luôn có sự thay đổi, chuyển biến theo nhu cầu của thị trường và khách hàng.
Vậy học và làm Content như thế nào để vừa bán được sản phẩm, vừa khiến cho khách hàng mong muốn gắn kết với thương hiệu và doanh nghiệp?
Việc học và nắm được kỹ năng viết bài Content Marketing thành thạo sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống
Dượng Tony hướng dẫn cách viết marketing content
Thông báo về việc hướng dẫn cách viết marketing content để giới thiệu sản phẩm, giới thiệu bản thân, giới thiệu doanh nghiệp hoặc cơ quan hoặc tổ chức mình đang làm việc, xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội.
Thời đại 4.0 và tiến tới 5.0, không thể phủ nhận là rất đông người cắm đầu cắm cổ vào điện thoại khi có thời gian rảnh rỗi. Họ đọc các bài viết, họ xem các clip, họ xem các hình ảnh….nên ai chiếm giữ được không gian mạng là người chiến thắng, nhất là các bạn trẻ.
Bạn Q (1994) ở An Giang, đang tận dụng mỡ cá ba sa của các xí nghiệp đông lạnh bỏ (cá basa phi-lê thì bụng cá béo quá, người ta thường ép dầu để bán), bạn dùng sản xuất collagen, rồi mấy viên vitamin sáng mắt gì đó. Q mở doanh nghiệp trụ sở trong làng, nhưng bạn vẫn làm rất tốt, mỗi tháng doanh thu 2 tỷ, lãi 1 tỷ, doanh nghiệp bạn giờ có tới 50 nhân viên, năm rồi bạn kiếm được 12 tỷ, coi như nửa triệu đô, tiền kiếm được bạn lại tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng và giúp đời.
Bạn K (1991) ở Bình Định, sản xuất kẹo cau (làm từ trái cau) xuất qua Trung Quốc, năm rồi lãi cũng sơ sơ có 20 tỷ, bạn nói dịch Covid 19 chứ bạn vẫn xuất đều vì bên đó họ ăn để giữ ấm cơ thể hay trị bệnh gì đó, năm nay chắc lãi gấp đôi, giúp một xã trồng cau ở Quảng Ngãi có thu nhập ổn định.
Đặc trưng cả Q và K là đều được đào tạo cách viết marketing content tốt, nên khi nhờ người dịch ra tiếng nước khác, đối tác đọc thấy tin tưởng, tạo uy tín nhất định.
Bạn M, học năm 1 cao đẳng nghề Đà Lạt, nhờ viết tốt mà được 1 ĐH Mỹ cấp học bổng toàn phần đi học về nông nghiệp, giờ vô Bayer làm việc ở Mỹ. Bài luận chiếm hơn 50% kết quả để vô được các ĐH danh tiếng. Các tập lớn như Google, Facebook,…khi tuyển nhân sự cấp cao, họ tổ chức vòng đầu tiên là viết thư tay.
Chữ nghĩa viết ra là hình hài của tư duy.
Tư duy bên trong thế nào thì nó hiện ra ngoài qua câu chữ. Chữ ký là bằng chứng xác thực 1 người, dù chỉ là nét mực nhưng không ai giống ai. Ai viết tốt thì chứng tỏ họ có tư duy tốt, ai viết lộn xộn thì trong đầu rất rối ren. Người viết tốt thì phát biểu sẽ không tệ, nhưng không có chiều ngược lại.
Các bạn sẽ được dượng Tony (cũ, 1970, hiện đã rời thương trường, văn đàn) trực tiếp hướng dẫn cách viết, nếu muốn cho độc giả xúc động thì viết kiểu xúc động, nếu cho độc giả cười thì viết kiểu dí dỏm, nếu cho độc giả suy ngẫm thì viết kiểu suy ngẫm, nếu cho độc giả hành động vì viết kiểu thúc giục, muốn giải bày ruột gan thì viết tâm thư, muốn tránh rắc rối cho người thân tranh chấp vào các vòng tham-sân-si khi mình qua đời, tầm nhìn dài hạn 50-100 năm thì viết di chúc, viết thư chào hàng, viết thư đòi nợ, viết thư động viên nhân viên, viết thư tỏ tình….Tất cả đều sẽ được gói gọn trong 1 khoá học MIỄN PHÍ nhưng sẽ mất rất nhiều, gồm máu, tiền cho từ thiện, chi phí và thời gian đi các nơi xa xôi hẻo lánh để gặp gỡ những người khó khăn, ít cơ hội, và cũng có cơ hội gặp những người thành đạt nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong XH nước ta hiện nay nữa.
Bạn nào có nhu cầu học viết và có khả năng thực hiện những việc trên thì vui lòng gửi clip giới thiệu (quay lưng lại) đăng lên YouTube trong 3-5 phút, team sẽ sàng lọc và chọn 5-10 người. Trả lời 1 câu duy nhất là VÌ SAO CHÚNG TÔI NÊN CHỌN BẠN?
Team khách quan đến tuyệt đối trong việc lựa chọn, team xem xong sẽ báo các bạn xoá clip. Các bạn sẽ được ký hiệu thành học viên số 1, số 2, số 3…để các bạn tự học với nhau, sinh hoạt với nhau trên group, đọc và sửa lỗi lẫn nhau, xem các lỗi của nhau để cùng tránh, học tập cái hay của nhau. Các học viên không cần thiết phải biết nhau trong suốt quá trình học, chỉ biết mặt nhau vào buổi cuối chia tay.
Các điều kiện cơ bản để tham dự khoá học này là:
- – Đang thực hiện các dự án có đóng góp lớn cho cộng đồng (ví dụ sản xuất ở làng quê, quỹ từ thiện, dự án nhân đạo, các chương trình giúp người nghèo, tàn tật, nạn nhân chiến tranh, dự án môi trường, y tế, giáo dục,…)
- – Đã hoàn thành việc hiến máu, nếu không hiến máu được vì siêu vi B thì hiến tạng, hiến đất xây trường, làm đường…Thể hiện người vô vi, hiểu đời, hiểu lẽ sống tạm và sống ý nghĩa của kiếp người.
- – Đóng góp vào các quỹ từ thiện (trực tiếp đóng) để thể hiện người không tham lam, nghĩ đến tiền và sở hữu cá nhân mình, gia đình mình nhiều thì không làm lớn được, không thành người có giá trị được.
- – Có đức tin trọn vẹn, không sợ lừa (người sợ bị lừa là còn nghĩ về mình nhiều, cái tôi lớn, lòng tin không trọn thì luôn chừa 1 đường lui, và những người này khó xuất sắc bất cứ việc gì, kể cả học).
Các bạn email clip YouTube các bạn đã quay xong về weedwog@gmail.com nhé. Thời hạn trước 10/3/2020.
Tony Buổi Sáng
Học tập cách viết content trong thời đại số
Hôm nay ngày 29/2, cứ 4 năm mới có 1 ngày này, lần sau là 2024. Để kỷ niệm ngày này, page sẽ đăng bài nói về đề tài đặc biệt là về tình yêu, tình dục. Lướt 1 vòng FB thì dừng lại ở bài viết này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Vũ Trọng Phụng đã có truyền nhân. Bạn này viết về đề tài tình yêu tình dục rất độc đáo nhưng ở đó, nhiều người sẽ nhìn thấy bóng dáng một thời mê muội trẻ người non dạ của mình.
Nhiều doanh nghiệp họ ngại tuyển người vừa ra trường, vì còn đang tuổi hóc môn nhiều, vô làm chung hay nảy sinh tình cảm yêu đương. Hoặc trong giai đoạn này, nhiều bạn ưu tiên chuyện tình cảm hơn sự nghiệp và lý tưởng, khóc lóc giận hờn cả ngày, ngồi nhắn tin suốt, không ưu tiên công việc ngay cả trong giờ làm. Có công ty nọ nhận 10 bạn trẻ thực tập thử việc, thì chiều đến, 5h chiều thì ở trước cổng công ty, có 10 người yêu đến đón, tay cầm mũ bảo hiểm, đứng nhìn chằm chằm vô công ty. Công ty lỡ yêu cầu họp triển khai công việc đột xuất làm thêm là cả nhóm tức giận vì để người yêu phải đợi. Ngày mai đùng đùng cả chục bạn gửi đơn thôi việc, rút lui ngay vì “không phù hợp”.
Tiền, quyền, tình – ba thứ khiến người ta mê muội nhất, vì liên quan tương ứng đến 3 cái: tham, sân và si. Bạn này thì theo trường phái “luỵ tình”, nhưng may mắn là sau một hồi u mê trong cõi tình thì cũng tỉnh táo dứt ra, tốt nghiệp được ĐH (đang học, yêu đương bỏ học, đòi gap year sống với người yêu và lang thang tìm đam mê, thật ra chỉ là sự lười biếng và nuông chiều bản thân, rất lãng phí thời gian, sau này mới nhận ra được). Bạn sau đó đăng ký đi lao động vác chuối ở Israel, được học hành và có bằng cấp quốc tế về nông nghiệp, dư được 150 triệu. Về nước, bạn mua được 1 hectare đất để mở nông trại, tìm được 1 cô người yêu khác, chín chắn hơn.
Thời đại này là thời đại media, ai chiếm lĩnh được không gian trên mạng xã hội qua các bài viết, hoặc làm được clip thu hút nhiều lượt xem, là thắng. Giờ ai cũng cắm đầu vô điện thoại xem hoặc đọc. Kỹ năng viết content marketing rất quan trọng, và bạn này rất xuất sắc, các bạn nên theo dõi để học tập cách viết. Thông kể các câu chuyện có vẻ như là ba xàm ba láp, nhưng ẩn chứa bên trong là bài học thú vị. Người đọc tinh tế sẽ nhận ra là sau tiếng cười, người ta có thể gặt hái được nhiều cho bản thân.
Viết cho người ta khóc thì khó, viết người ta cười thì còn khó hơn. Giữa hài hước và thô lỗ, giữa ý nhị và dung tục chỉ là gang tấc, đòi hỏi sự tiết chế, độ sâu văn hoá. Đã từ rất lâu trên văn đàn Việt Nam, mới xuất hiện lại một cây bút trào phúng có duyên như vậy, văn phong không giống ai trên mạng xưa nay. Các bạn nên theo dõi FB của bạn để đọc giải trí sau giờ làm việc căng thẳng.
(Tiếc là mình không kịp save lại facebook của bạn Thông trên, giờ tìm kiếm lại chưa ra. Bạn nào biết giới thiệu lại giúp mình để mình bổ sung vào bài cho các bạn khác cùng tham khảo nhé. Cảm ơn các bạn!)
Writing Skill kỹ năng viết – cách tiếp cận quan trọng
Writing Skill – kỹ năng viết là cách tiếp cận quan trọng đúng không?
Khi nhân loại chuyển hết lên đám mây, khi tương tác nghề nghiệp không còn biên giới vật lý, và khi thế giới ảo trở thành kênh tương tác sôi nổi nhất, thì một trong những kỹ năng ít ai nhắc đến từ trước đến nay, kỹ năng viết, lại trở thành một trong những kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21. Ở đây, tôi không nói về việc viết văn hay trở thành ngòi bút chuyên nghiệp.
Writing skill – kỹ năng viết là cách tiếp cận quan trọng để thể hiện quan điểm, ý kiến, đề xuất, để trình bày mong muốn và cảm xúc của bản thân trong công việc. Vì vậy, nếu là người đi làm, dù làm thuê hay làm chủ, đều nên rèn luyện kỹ năng viết. Rất nhiều bạn inbox nhờ tôi chỉ cho cách viết. Tôi không phải là người được học và viết chuyên nghiệp, và vì vậy, tôi không bàn vào chuyên môn. Tuy nhiên, đứng từ góc độ của người viết có trải nghiệm cho công việc, trong việc xuất bản sách kỹ năng, tôi xin chia sẻ góc nhìn cá nhân như sau, vì hy vọng sẽ giúp cho các bạn tìm ra cách tiếp cận cho bản thân mình.
1. Don’t write. It’s not a job. Express your emotion ! Đừng viết. Đừng xem đó là công việc. Hãy thể hiện cảm xúc.
Không biết bao nhiêu lần tôi bị đặt câu hỏi chị có team mấy người viết FB cho chị. Tôi cười, nói có 1, là một mình tôi. Tôi không có kế hoạch, chủ đề, thư viện bài viết hẹn giờ đăng tải, vì tôi không làm truyền thông. Tôi chỉ có thể viết khi có cảm xúc thật về một vấn đề nào đó, theo chủ đề xuất hiện tại thời điểm viết, để thể hiện cảm xúc và quan điểm cá nhân. Khi bạn không phải là ngòi bút chuyên nghiệp, không có kỹ thuật khóc như diễn viên khi cần diễn, thì công cụ viết mạnh mẽ nhất bạn có chính là cảm xúc thô ráp, mộc mạc, phong phú, nguyên bản nhất của cá nhân.
2. The message – thông điệp.
Có bao giờ bạn đọc, hay nghe người khác nói loanh quanh một vòng trái đất xong vẫn chưa hiểu người ta muốn nói gì ? Thiệt tình là tôi gặp hơi bị nhiều. Và trong rất nhiều trường hợp đối với team, tôi yêu cầu ngưng, yêu cầu các bạn sắp xếp lại suy nghĩ rồi quay lại trình bày ngắn gọn dễ hiểu. Dù là nói, hay là viết, thì mục tiêu là giao tiếp. Nếu đã là giao tiếp, mà trình bày xong người khác không hiểu mình muốn gì, thì đã thất bại rồi. Do đó, tôi luôn bắt đầu từ thông điệp chính, xác định rất rõ, viết ra, chỉnh sửa cho đến khi hài lòng về thông điệp chính của mình, rồi mới bắt đầu phát triển bài viết xung quanh thông điệp đó. Rồi luôn luôn quay lại để kiểm tra xem mình có dài dòng lang man khỏi thông điệp chính hay không. What is your key message?
3. Write for your readers, NOT you.
Viết cho người đọc, không phải cho cá nhân: trừ phi bạn viết để dành cất vô hộp chơi cho vui, viết là để cho người khác đọc. Vì vậy, cần đặt nhu cầu người đọc lên trên hết. Họ thích dài hay ngắn, ngôn ngữ hoa mỹ, phức tạp hay đơn giản, thích kể chuyện loằn ngoằn hay ngắn gọn gạch đầu dòng, thích nói thẳng hay nói cong, vv và vv. Người đọc, họ đọc theo ngôn ngữ và cách của họ. Vì vậy, nếu không quan tâm đến cách họ tiếp nhận, không thấu cảm và tìm ra cách dễ nhất để chạm vào họ, viết gì cũng vô ích khi người ta không đọc. Do đó, cần nghiên cứu về đối tượng đọc của mình, liên tục thử nghiệm những cách tiếp cận khác nhau và ứng dụng cách hiệu quả nhất.
Viết là kỹ năng khó, phát triển theo thời gian. Vì vậy, nếu muốn viết được, thì phải luyện viết mỗi ngày. Không có kỹ năng nào như cây đũa thần, chạm vào đã giỏi. Muốn làm tốt, phải khổ luyện, và thay vì ngồi đó bàn lý thuyết, thì cứ đặt bút xuống viết, xem phản ứng của người đọc, rồi hiệu chỉnh mỗi ngày. Writing is a learned skill – Viết là kỹ năng học được. Cứ luyện tập, rồi bạn sẽ viết giỏi lên lúc nào không hay biết.
Nguyễn Phi Vân
Bạn đọc comment:
Yến Đoàn : Một bài rất hay của chị Vân về chia sẻ cách viết, và cực kì hữu ích cho những ai cần nó giống như mình. Với mình để viết một bài chia sẻ thực sự khó và KHÔNG biết bắt đầu từ đâu vì trong đầu có biết bao nhiêu là ý tưởng, nội dung lẫn lộn với nhau và không có sự sắp xếp, mình sợ khi phải viết ra… Bởi đâu phải ai bẩm sinh ra đã biết viết. Chị chỉ ra điều quan trọng nhất khi viết được không phải chỉ là kĩ năng, mà còn là cảm xúc, sự tập trung… đưa ra nội dung chính trước sau đó mới nói đến các vấn đề liên quan. Ôi, mình thấy sao nó đúng thế, giải quyết được những cái khúc mắc của mình, và khi viết mình không còn phải sợ nữa. Chắc chắn mới đầu sẽ chưa được suôn sẻ, nhưng mình tin rằng nếu chịu rèn luyện mỗi ngày thì mình sẽ làm được. Cám ơn và biết ơn chị rất nhiều vì bài viết của chị. Cám ơn bạn Nguyễn Thanh Trúc vì đã chia sẻ bài hay cho mình. Hihi
Michelle Thư Nguyễn : Kỹ năng viết chưa bao giờ là dễ. Viết để hướng tới người đọc, muốn họ hiểu cái mình viết lại càng khó. Khi bạn nói chuyện truyền tải thông diệp trực tiếp thì may ra bạn còn có thể thể hiện được thái dộ của mình cho người kia hiểu. Nhưng khi viết, thì bạn chỉ có thể dùng ngôn ngữ để thể hiện và dùng chính ngôn ngữ để vẽ lên được trong đầu người đọc cái bạn muốn truyền tải đến họ. Viết bằng cảm xúc thật là điều không dễ xíu nào!
Hà Mạnh Tuấn : Là một giảng viên về Content Marketing, e hoàn toàn đồng ý với chị Vân ạ. Kỹ năng viết và kỹ năng thuyết trình là 2 kỹ năng cực kỳ quan trọng trong bộ kỹ năng Communication.
Ngọc Việt : Con cảm ơn cô ạ. Dạo gần đây con bắt đầu viết với mục đích là trải lòng mình và trò chuyện với chính mình ạ. Không nhiều cũng ít luyện khả năng viết của mình.
Dang Thuy Thao Vy : Cảm ơn cô Vân rất nhiều vì những chia sẻ bổ ích. Bản thân con cũng vừa chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân mong giúp ích được cho những bạn đang thắc mắc tìm ý tưởng viết lách ở đâu ?
Phạm Thu Hương : Kỹ Năng Viết là bao gồm : 1 – Đừng viết. Đó không phải là một công việc. Thể hiện cảm xúc của bạn. 2 – Thông điệp – Thông điệp chìa khóa của bạn là gì ? 3 – Viết cho độc giả của bạn, không phải bạn.
Trần Vỹ Hạ : Cũng thích viết hay, nhưng thật sự không có khiếu, đâm ra viết gì cũng nhạt. Năm thi đại học, thật sự 21 điểm là nhờ Anh – Toán vực điểm lên, Văn may không điểm liệt. Đi thi tiếng anh, ôn Viết kĩ nhất, cô bắt ngày nào cũng viết đến nhiều khi đầu chạy chữ không nổi nữa, nhưng cuối cùng điểm đọc lại cao nhất :))) Đam mê viết nhưng không viết nổi 1 đoạn hay ho, súc tích. Bởi, cứ thấy trang nào viết hay là vô đọc cho bằng hết bài đăng từ xa xửa xa xưa đến giờ. Hay ai viết gì hay xíu, là tui mê người đó liền. Giờ có thời gian, thôi thì mỗi ngày tập viết 1 chút vậy.
Vien Anh : Ngày trc mình làm rất tốt kỹ năng này, khoảng 2 năm chênh vênh gần đây (chắc rơi vào thời kỳ khủng hoảng tuổi 30 ????) khiến mình gần như bị rơi vào trạng thái “lãnh cảm xã hội” nên k còn viết ra đc suy nghĩ, nhận định, cảm nhận về sự vật sự việc quanh mình nữa. Hồi trước, trên đường đi làm gặp bố con tíu tít ngay đèn xanh đèn đỏ cũng làm mình muốn chia sẻ những giá trị đáng yêu đến mọi người. Giờ thì hơi thất vọng về bản thân. Đó là sự đánh mất kỹ năng vô cùng nuối tiếc. Hi vọng mình vượt qua được gia đoạn tâm lý này và trở lại với những cảm xúc chân thật, dùng con chữ để giao tiếp tốt với mọi người hơn. 5ting tôi ơi!
Thanh Trúc : Đọc bài này rất nhớ lớp thong dong, cô giáo cũng dạy những điều này cho tụi mình. Tụi mình học được rất nhiều thứ về viết, không phải là những mánh khoé. Tụi mình học với nhau bằng trái tim, bày tỏ những thứ đến từ trái tim, tụi mình tôn trọng nhau, tôn trọng câu chuyện của nhau dù quan điểm cá nhân có thể không giống nhau đi nữa. Ở lớp thong dong mình được học để viết những điều thiên về cảm xúc, ở lớp đắc luận thì được học những viết những điều sắt thép, lí trí hơn. Thầy mình dạy, viết là kỹ năng cần có để học tất cả các môn học khác, viết là một trong bộ ba kỹ năng học tập suốt đời (viết, tư duy logic, tranh biện).
Đức Trung Mai : Biết được kĩ năng viết quan trọng rất lâu rồi, nhưng gần đây mới thấy nó tác động tới cuộc sống của mình lớn đến thế. Xưa nay vốn ít đăng bài, chia sẻ thứ gì đó trên trang cá nhân vì sợ, sợ sai, sợ bị cười chê, sợ a sợ b sợ c. Hoặc nghĩ cái này ai cũng biết rồi, báo đăng đầy, mình viết chi nữa,… Nhưng từ nay mình sẽ viết nhiều hơn, hay cũng được, dở cũng được, quan trọng nhất là mình muốn viết để luyện kĩ năng viết. Được người khác góp ý thì lại càng hay, càng tăng thêm kĩ năng :D. Tóm lại là không bổ ngang cũng bổ dọc. Đại ý bài viết nãy giờ chỉ muốn thông báo là từ nay mình viết nhiều hơn thôi á.
Nguyễn Hương Nhi : Dân bán hàng online cần nâng cấp skill này nếu muốn tăng tương tác. Ngày đăng 7749 status drama mà trong nhà, ngoài ngõ, chửi chồng, ré con, sân si hàng xóm bằng một lối văn nhẹ nhàng, hài hước, lời lẽ sắc bén mà thấm đượm nhân văn kiểu chi cũng hút tương tác nè.
Việt Hà : Những người thiên về hướng nội. Khi muốn bày tỏ cảm xúc, họ sẽ thích viết. Đó cũng là lý do viết nhật ký thường xuyên được xem là một cách để tăng cường trí thông minh nội tâm. Mình thì quan điểm đơn giản hơn. Viết là cách chạm vào tâm hồn mình, một tâm hồn đơn nhất và cần được “yêu thương”. Viết còn là cách để khám phá sự nhảy múa của ngôn từ, của một loại hình nghệ thuật thể hiện dưới từ ngữ, đặc sắc không kém hình ảnh, nhịp điệu, âm thanh. Thử liền nè.
Trinh Nguyen : Thực ra kỹ năng nào cũng cần được luyện tập cả. Nghề của mình vừa phải luyện thuyết phục, giải trình bằng lời nói và văn bản. Và càng làm thì càng thấy mình dở vì vừa học xong cái này thì lại thấy cái khác còn hay hơn nữa, phải học và điều chỉnh hơn nữa. Có điều, nếu ko học, bạn sẽ ko bao giờ thấy cái dở của chính mình.
Nhi Nguyen : Em cảm ơn chị. Mỗi lần viết là một lần mình chia sẻ quan điểm, cảm nhận của mình đến mọi người nhưng cũng là một lần khắc sâu vào trong tâm trí của chính mình. Quan điểm có thể thay đổi theo thời gian khi hoàn cảnh thay đổi và cá nhân mình cũng phát triển. Bởi vậy, từ giờ em sẽ không còn sợ tranh luận hay người khác đánh giá như thế nào để viết thường xuyên hơn. Thật may mắn khi được theo dõi Facebook chị. Em chúc chị thật nhiều sức khoẻ và nhiệt huyết.
Ducanh Ha : Trùi trời hạn gặp mưa.. bài viết rất hay và có ích cho HATT team…. Let Practice and Learn. Put your legs in others shoes….You guys can DO IT “Write for your readers, NOT you – Viết cho người đọc, không phải cho cá nhân: trừ phi bạn viết để dành cất vô hộp chơi cho vui, viết là để cho người khác đọc. Vì vậy, cần đặt nhu cầu người đọc lên trên hết. Họ thích dài hay ngắn, ngôn ngữ hoa mỹ, phức tạp hay đơn giản, thích kể chuyện loằn ngoằn hay ngắn gọn gạch đầu dòng, thích nói thẳng hay nói cong, vv và vv. Người đọc, họ đọc theo ngôn ngữ và cách của họ. Vì vậy, nếu không quan tâm đến cách họ tiếp nhận, không thấu cảm và tìm ra cách dễ nhất để chạm vào họ, viết gì cũng vô ích khi người ta không đọc. Do đó, cần nghiên cứu về đối tượng đọc của mình, liên tục thử nghiệm những cách tiếp cận khác nhau và ứng dụng cách hiệu quả nhất. Viết là kỹ năng khó, phát triển theo thời gian. Vì vậy, nếu muốn viết được, thì phải luyện viết mỗi ngày. Không có kỹ năng nào như cây đũa thần, chạm vào đã giỏi. Muốn làm tốt, phải khổ luyện, và thay vì ngồi đó bàn lý thuyết, thì cứ đặt bút xuống viết, xem phản ứng của người đọc, rồi hiệu chỉnh mỗi ngày. Writing is a learned skill – Viết là kỹ năng học được. Cứ luyện tập, rồi bạn sẽ viết giỏi lên lúc nào không hay biết.”
Bích Đào : Hồi phổ thông mình học ban tự nhiên, thi đại học khối A, Văn là môn học chẳng mấy khi được quan tâm. Lên đại học, mình chọn đi theo theo chuyên ngành Luật kinh tế, lúc này mình mới nhận ra điều khó khăn của một đứa học khối A khi đi theo chuyên ngành này: VIẾT. Phần lớn bạn bè cùng ngành với mình học khối C, điểm mạnh của các bạn ấy là có thể dùng ngôn từ linh hoạt, trình bày, diễn đạt ý khá chặt chẽ và chính xác. Trong khi đó ngành mình học phải viết khá nhiều, so với các bạn ấy mình đã thua 1 bước. Mỗi lần làm bài thi hoặc viết bài luận mình khá lúng túng không biết viết sao, bắt đầu từ đâu, triển khai ý như thế nào cho chặt chẽ, súc tích… Để khắc phục vấn đề này, năm nhất đại học mình phải tự luyện viết những lúc rảnh rỗi, giống như học tập làm văn nhưng những chủ đề mình lựa chọn là pháp luật và văn hóa, xã hội. Giờ đọc lại những bài viết hồi đó mình còn cảm thấy thật ngớ ngẩn. Đến năm 4 làm luận văn tốt nghiệp, lúc đó khả năng viết đã tốt hơn được chút nhưng bắt tay vào viết Luận vẫn còn hơi lúng túng. Mình may mắn được thầy trưởng khoa hướng dẫn viết Luận, bí kíp thầy hướng dẫn là “khi không biết viết gì và viết như thế nào thì trong đầu xuất hiện ý gì cứ viết ra ý đó, nếu không viết ra chỉ ngồi nhìn và nghĩ không thì sẽ chẳng viết được gì, viết sai thì xóa đi viết lại rồi sau đó sắp xếp câu chữ lại cho hợp lý”. Mình đã dùng bí kíp đó để hoàn thành Khóa Luận tốt nghiệp với điểm số khá cao. Đúng là chúng ta sẽ chẳng thể hoàn thành được việc gì nếu không bắt tay vào làm chúng, mọi việc đều bắt đầu từ một bước nhỏ. Giờ thì đi làm rồi nhưng vẫn phải viết văn bản thường xuyên, viết hàng ngày với nhiều hình thức khác nhau như báo cáo pháp lý, hợp đồng, thư tư vấn, công văn, tờ trình… nhưng việc viết cũng không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, thi thoảng các văn bản viết ra vẫn bị sếp của mình sửa để đảm bảo đầy đủ và chính xác hơn. Nhờ được sửa vậy mà mình thấy kỹ năng viết ngày càng hoàn thiện. Vì công việc của mình nội dung viết khá khô khan nên để lấy lại cảm xúc với cuộc đời thì những lúc rảnh rỗi mình mở app blogger để viết, chủ yếu là ghi chép lại những cảm xúc, những câu chuyện và suy nghĩ của mình đã diễn ra trong ngày rồi lâu lâu mở ra đọc lại, việc này khá thú vị mà chẳng tốn nhiều thời gian. Ở những ngành nghề, công việc khác nhau thì mức độ và tần suất viết sẽ nhiều ít khác nhau nhưng mình nghĩ viết là kỹ năng ai cũng cần có, người viết hay, người viết dở nhưng nếu muốn cải thiện cho kỹ năng viết của mình trở nên tốt hơn thì hoàn toàn có thể, chỉ cần bản thân cố gắng, kiên trì hơn một chút và học theo những gì cô Vân chia sẻ ở bài này.