Làm sao để xây dựng mối dây tình cảm với bố mẹ?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt – Nha Trang T5/2018
Bạn Cần: Em sinh ra và lớn lên trong một môi trường thiếu học thức, em cũng bị gián đoạn quá trình học, và sau này em học lên thì em giống như kiểu là một ngôi sao sáng của làng, và được kỳ vọng rất nhiều, đặc biệt là bố mẹ và họ hàng.
Sau khi em lập gia đình, mình học đại học xong rồi đi làm, lương bổng nhà nước cũng chẳng bao nhiêu, mà kỳ vọng của bố mẹ lại lớn quá.
Đấy, thành thử khi mình không đạt được kỳ vọng đó thì mới nảy sinh nhiều vấn đề, rồi sau này vấn đề giữa mẹ chồng con dâu cũng rất là căng thẳng, mặc dù khi mình nói nhẹ nhàng thì ông bà cũng nghe, nhưng tính ông bà em thì lại rất nóng.
Mà khi đã nổi cơn điên nóng lên thì không nghe một ai nữa. Đấy, bây giờ mặc dù bên ngoài bình thường rồi, nhưng mà em vẫn hiểu bên trong đang rất căng thẳng. Em muốn cố gắng làm gì đó bố mẹ vừa hài lòng mà mình cũng nhẹ nhàng.
Thầy Trong Suốt: Bố mẹ em là hay căng thẳng với em và vợ em?
Bạn Cần: Thực ra là có một sự rạn nứt về tình cảm với vợ em.
Thầy Trong Suốt: Như vậy đây là câu chuyện của cả hai vợ chồng, chứ không phải chỉ có của mình vợ.
Bạn Cần: Đúng rồi.
Thầy Trong Suốt:
Với một người nói chung, có hai thứ tác động vào đầu họ, là nói lý và nói tình.
Lý nghĩa là dùng đúng sai đem ra phân tích. Trên đời hầu như mọi người sẽ bị lý thuyết phục, nhưng cũng có một số người không quan tâm gì, tôi vô lý, tôi thích sống vô lý. Đấy, thế thì với những người đấy không thể dùng lý được, không có cách nào khác phải dùng tình. Những người đấy nếu cố dùng lý với họ thì suốt đời chỉ có cãi nhau thôi, vì lý của mình thì không phải lý của họ, lý của họ không phải lý của mình.
Thế nào là dùng tình? Em và vợ em phải xây dựng một mối dây tình cảm với họ. Đấy gọi là bí kíp xây dựng mối dây tình cảm. Có rất nhiều người nói lý không nghe nhưng nói tình là nghe ngay. Phải nhớ như thế, rất nhiều người trên đời, nhất là người Việt Nam, chữ tình nặng hơn chữ lý. Người Tây thì lý nặng hơn tình, nhưng người Việt Nam đặc biệt ngược lại.
Như vậy là câu chuyện của em thể hiện là gì? Hai vợ chồng chưa xây dựng mối dây tình cảm với bố mẹ. Nhớ là mối dây tình cảm, chứ không phải là mối dây lý luận, lý trí, đúng sai.
Bí kíp xây dựng mối dây tình cảm
Mối dây tình cảm phải xây dựng, sau khi có mối dây tình cảm rồi mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất là nhiều. Việt Nam mình có tình cảm với nhau thì có khi nương nhẹ hẳn luôn, đang sai thì thành đúng luôn. Việt Nam như thế, mình sống trong hoàn cảnh đấy phải hiểu, thì mình làm thế nào để xây dựng mối dây tình cảm? Em cần biết cách xây dựng mối dây tình cảm bố mẹ. Minh Ngân đâu nhỉ? Em có nhớ được bí kíp đấy không? Em kể qua một chút em đã tập bí kíp đấy như thế nào? Bằng chứng sống luôn.
Minh Ngân: Ngày Vu Lan, khoảng hai năm trước, Thầy cũng chia sẻ bí kíp là “Xây dựng mối dây tình cảm với bố mẹ”, trong đó có mấy ý chính là:
Thứ nhất là nhiều khi nói đúng sai nhưng lúc nào bố mẹ cũng không cảm thấy là người này đang ở cùng phe với mình và luôn luôn phán xét, hay luôn luôn tìm cách để bảo là tôi mới đúng còn bố mẹ là sai thì có nói đúng sai kiểu gì bố mẹ cũng không nghe, thế cho nên điều thứ nhất là phải làm cho họ cảm thấy mình cùng phe với họ, mình ủng hộ họ, mình đang lắng nghe họ và mình đang thông cảm với họ.
Thế thì có nhiều cách, thứ nhất là lắng nghe chẳng hạn, ví dụ mẹ hay kể chuyện rồi nói nhiều, ở nhà em mẹ em hay nói, chắc là mẹ em đang nghe Trà đàm đấy ạ. (Thầy và mọi người cười) Bố em là một ví dụ điển hình là người lắng nghe rất nhiều, cứ nghe đã. Thế thì đầu tiên là nghe để họ cảm thấy là tôi được lắng nghe, thế là đã dịu bớt rất là nhiều rồi và sau đó: “Vâng, con nghe, con biết rồi, đúng, bà hàng xóm đấy công nhận là hay vứt rác trước cửa nhà mình thật” để cảm thấy là mình cùng phe với họ, rồi sau đó mới khuyên thay vì cứ bảo: “Sao mẹ lại cứ đi chê trách nhà người ta, mình cũng hay vứt rác nhà người ta”, chẳng hạn như vậy.
Thứ hai, đôi khi phải cùng làm những việc với họ – đồng sự đấy. Ví dụ hồi đấy Thầy lấy một ví dụ rất buồn cười nhưng em nhớ mãi: “Ôi nhà hàng xóm ấy bực mình quá, có khi phải đốt nhà người ta đi”. Nghe thì mình nghĩ là: “Ôi chết, ai lại làm việc xấu như thế”, thế nhưng đôi khi mình hùa vào: “Đúng rồi, con thấy mẹ mà cần đi đốt nhà thì để con đi mua xăng”. (Mọi người cười) Nghe thì rất buồn cười nhưng mà hài hước và buồn cười, thế là tự nhiên mẹ thấy vô lý ngay lập tức và tự nhiên: “Thôi con, ai lại đi đốt nhà người ta, chết, nghiệp xấu”. (Mọi người cười)
Lắng nghe và đôi khi làm cùng với họ và suy cho cùng thì giống ví dụ lúc nãy Thầy nói động cơ của mình là tình cảm nói vì họ trước, còn phương tiện của mình là nói bằng cách nào, nói bằng ngôn ngữ mà họ chấp nhận được hay bằng góc độ của họ.
Thầy vẫn hay dạy mình hay nói là ngày xưa mẹ như thế bây giờ người ta không thế, nhưng thực chất là để được như thế này thì mình đã sống bằng rất nhiều sự dạy dỗ, sự hy sinh đấy của họ, họ cũng đang làm những điều tốt nhất đúng nhất, nên mình nhớ biết ơn điều đó để thông cảm với họ, hiểu được điều đó. Em nhớ ba điều đấy là ý chính ạ.
Thầy Trong Suốt: Tốt, rất tốt. (Mọi người vỗ tay)
Nếu em thi đỗ thì sẽ cho em nghe ghi âm, trong đó thầy có dạy rất chi tiết. Nhưng bạn Ngân tóm tắt cơ bản là đúng. Muốn xây dựng mối dây tình cảm, đầu tiên là mình phải cho họ cảm thấy là mình cùng phe với họ, lỗi của các em là mình làm xong bố mẹ mình thấy là mình ở phe bên kia, hai chiến tuyến. Chỉ có bắn nhau thôi, đúng không? Hai chiến tuyến mà, bố mẹ một phe, con với chồng với vợ con một phe. Bắn nhau cả đời.
Bí kíp cùng phe – đồng sự
Nên là việc đầu tiên của em phải làm cho họ có cảm giác cùng phe. Em làm cách nào cũng được, nhưng mà khi nào cùng phe mới xong. Khi người ta cùng phe, người ta nghe lời nhau rất dễ, bạn bè nghe lời nhau dễ đúng không? Chứ bây giờ kẻ thù khuyên mình đúng đến mấy mình nghe không? Kẻ thù trước mặt mình khuyên cực kỳ chuẩn, đúng lời Phật dạy, mình không nghe một chữ nào luôn. Nhưng thằng bạn, nó khuyên dở bằng nửa thằng kẻ thù mình khuyên, mình nghe lấy nghe để, vì cùng phe với mình. Con người là như vậy.
Thế còn bí kíp cùng phe là gì thì lúc nãy bạn Ngân có tiết lộ vài cái đấy, ví dụ như lắng nghe, chỉ lắng nghe thôi là đã cùng phe rồi, đừng có phán xét, lắng nghe nhưng mà không phán xét, chứ không phải lắng nghe là đang nghe dở thì: “Mẹ thế là dở, mẹ thế là hỏng” thì khác phe rồi còn gì nữa. Lắng nghe mà không phán xét.
Loại thứ 2 là đồng sự, hùa vào làm cùng. Đấy, ví dụ bạn Ngân kể, mẹ định đốt nhà, con đi mua xăng. Thế là mẹ tự nhiên chột dạ: “Chết rồi, mình có định làm thật đâu, mình định nói đùa ai dè nó đi mua xăng thật, thôi dừng lại ngay” và chính mẹ cũng dừng lại nhưng mẹ cảm thấy cùng phe.
Đấy, còn nhiều bí kíp lắm, ví dụ như tặng quà, tặng quà là bí kíp đơn giản, cùng phe. Mà không cần tốn tiền đâu, có gì hay hay tặng thôi. Cứ đợi dịp mà tặng. Lúc thì tặng bỏng ngô, lúc kẹo lạc, năm trăm – một nghìn thôi. Tặng nhiều lên, người ta cảm thấy: “Ừ, nó phải nể mình nó mới tặng mình chứ!” Đời là như thế mà! Nó phải nể mình nó phải tôn trọng mình nó mới tặng quà mình, thế là cùng phe chưa? Mà lại không tốn đúng không? Đấy, làm mọi cách để cho bố mẹ thấy mình cùng phe, sau đó cải tạo bố mẹ sau. Khi mình cùng phe rồi, lời nói mình sẽ khác, lời nói mình là lời nói của đồng bọn, khác với lời nói của kẻ thù. Đồng bọn của bố mẹ thì bố mẹ sẽ nghe lời mình, còn kẻ thù của bố mẹ thì còn lâu mới nghe.
Vấn đề của em với vợ là đặt mình vào vị thế của khác phe, nhưng mà cái đấy cải thiện được. Tất cả những người gặp thầy lúc đầu đều bị khác phe nhưng cải thiện được hết. Để cải thiện được mình cần phải có một tấm lòng vị tha, vị tha mới cải thiện được, vì mình làm thế vì họ.
Vì giờ nếu mình ở khác phe họ rất khổ, họ rất thiếu hiểu biết, mình sẽ chuyển về phe của họ để làm họ bớt khổ và hiểu biết hơn. Đấy là tấm lòng vị tha. Sau đó tìm các phương tiện cần thiết. Khi em đã quyết định cùng phe rồi em sẽ nghĩ ra đủ cách. Đó là một thay đổi quan điểm lớn của cả hai vợ chồng, hai vợ chồng mặc định là phe bên kia mất rồi.
Quan trọng nhất là đầu tiên đổi quan điểm đã, mình sẽ không ở phe bên kia, quyết tâm không ở phe bên kia. Người ta lắng nghe mình xong người ta thấy người ta cũng vô lý. Nhưng mà khó. Tại sao lại khó? Mình có quá nhiều quan điểm riêng, mình quá mong muốn giữ quan điểm của mình. Đấy, mình quá mong muốn rằng là mình phải đúng, người ta là người sai, rất là khó.
Khi nào mà đối với mình đúng sai không quan trọng nữa thì mới cùng phe được, khi nào đúng sai còn quan trọng thì sống với nhau bằng lý, chứ không bằng tình được. Mình sẽ ngấm ngầm sửa họ chứ không phải mình kệ họ, mình ngấm ngầm sửa họ bằng cách cùng phe với họ. Việc đó phải rèn luyện, có phương pháp rồi thì dễ. Ở đây những ai là học trò thầy chuyển cùng phe với bố mẹ giơ tay nào? Đấy, kha khá đấy chứ đúng không? Cùng phe bố mẹ lợi hay hại?
Mọi người: Lợi hơn.
Thầy Trong Suốt: Lợi nhiều đường nhiều đường hay một đường?
Mọi người: Lợi nhiều đường ạ.
Thầy Trong Suốt: Trăm đường đấy, giơ lại cho các bạn nhìn thấy nào. Những ai cùng phe được rồi giơ tay. Đấy, kinh chưa.
Bạn Cần: Em thấy cùng phe với khác phe nó nằm ở hoàn cảnh, ví dụ như mình ở giữa…
Thầy Trong Suốt: Không, em đừng ở giữa, ở giữa là dại nhất. Đừng bao giờ làm người ở giữa.
Bạn Cần: Em đang nằm ở đấy… ở giữa thì phải làm sao? (Cười)
Thầy Trong Suốt: Thế mới khổ, em không được nằm người ở giữa. Người ở giữa là khổ nhất trên đời. Người ở giữa là người trên đe dưới búa, bên nào cũng cho mình là kẻ địch.
Bạn Cần: Đúng rồi ạ.
Thầy Trong Suốt: Vấn đề mình ở giữa rõ ràng là kẻ địch của cả hai bên. Đừng có dại. Em nằm người ở giữa là người khổ nhất trên đời, người đi mai mối sau này có gì nó chửi mình. Đúng không? Đầu tiên em phải sửa đã, em đừng ở giữa nữa. Em quyết tâm không ở giữa, quyết tâm hẳn hoi vào, không nằm ở giữa, nằm ở giữa thì kẻ thù của hai kẻ địch, bố mẹ đã làm mình khổ rồi, về vợ lại làm mình khổ nữa. Kẻ thù của hai bên.
Bạn Cần: Vậy theo Thầy thì sao?
Thầy Trong Suốt: Em chọn hẳn một bên đi, hẳn sang một phe, đừng làm người ở giữa. Giỏi nhất là em kéo vợ em và bố mẹ cùng phe, là giỏi nhất, nhưng mà nếu không giỏi nhất được thì em phải giỏi nhì, em chọn hẳn phe vợ đi chẳng hạn.
Sita: Phe nào mạnh thì chọn.
Thầy Trong Suốt: Ừ, phe nào mạnh, (Các bạn cười) phe nào có nhiều chân lý hơn, ánh sáng hơn thì chọn, nếu mình buộc phải chọn, thì phải chọn phe có ánh sáng hơn, đúng đắn hơn, nhưng mà nói chung đã là phe là dở rồi, đã phe là đánh nhau mất rồi còn đâu nữa. Bây giờ làm thế nào?
Tốt nhất là chọn hẳn phương án về cùng một phe mình và mình thuyết phục vợ, ví dụ bố mẹ mình không nghe đúng không? Nhưng vợ mình trẻ, có trí tuệ, mình về mình thuyết phục vợ là chúng ta về cùng phe với bố mẹ đã, thuyết phục bằng được, còn hơn là làm kiếp ở giữa thì thôi rồi, kiếp đấy khổ.
Thảo nào mà trông mặt khổ thế kia, ở giữa thì trúng đạn hai bên, đúng không? Hai phe bắn nhau, đạn trúng ai? Địch và ta bắn nhau, mình cứ chạy ở giữa hai bên, đạn trúng vào mình. Vợ em là người có trí tuệ, trẻ, tu hành, em và vợ thuyết phục nhau bằng được. Nó gọi là khổ nhục kế cũng được, khổ nhục kế vài năm, đời còn dài mà.
Khổ nhục kế
Khổ nhục kế đây là khổ nhục kế có lợi chứ không phải khổ nhục kế có hại cho người ta. Khổ nhục kế là đem ích lợi cho người ta, động cơ của khổ nhục kế là đem lại ích lợi cho bố mẹ, bình an và hiểu biết cho bố mẹ. Chứ động cơ khổ nhục kế là để sướng thân mình chưa đủ, không được. Hai vợ chồng cùng khổ nhục kế ba năm, nói đùa thôi, chỉ một năm là cùng. Là bố mẹ cùng phe mình ngay ấy mà, người già là những em bé to xác. (Mọi người cười)
Người già thế thôi mà! Trẻ con lắm, người già trẻ con lắm, thật đấy. Người già rất là trẻ con, mà đối xử với trẻ con thì có gì khó đâu. Nhưng mình phải bỏ cái chấp, cái tôi của mình xuống, bớt cái tôi của mình đi, không thì mình cũng trẻ con chẳng kém. Đúng không? Mình phải là người lớn chứ:
“Làm anh khó lắm
Phải đâu chuyện đùa
Với em bé gái
Phải người lớn cơ”
“Làm con khó lắm
Phải đâu chuyện đùa
Với cha mẹ cứng
Phải người lớn cơ”!
(Thầy chế thơ, mọi người vỗ tay)
Đấy, nghe đúng không? Thôi hai vợ chồng làm người lớn đi, cha mẹ cứng nhưng mà lại trẻ con. Người lớn phỉnh trẻ con ấy, nịnh phỉnh các loại cùng phe, dỗ dành đi, khổ nhục kế, nhá! Có làm được không?
Bạn Cần: Em thì vô tư.
Thầy Trong Suốt: Vợ có làm được không?
Bạn Cần: (Cười)
Thầy Trong Suốt: Nga có khổ nhục kế được không? Khổ nhục kế vì lợi ích của tha nhân, của người khác, của họ đấy, bố mẹ đấy có làm được không?
Khổ nhục kế vì lợi ích của tha nhân,
còn nếu khổ nhục kế vì lợi ích của mình thì gọi là thủ đoạn.
Không phải, thầy không dạy người thủ đoạn. Ừ, sai lệch nửa đường tơ, đất trời liền xa cách. Khổ nhục kế vì lợi ích của tha nhân. Em quyết tâm như vậy, em sẽ làm được, vì em sẵn sàng vì người khác, kiểu của Nga là thế, tính em thầy biết mà nên em chỉ đặt mục tiêu khổ nhục kế vì lợi ích của tha nhân là xong, còn lâu nay em toàn vì lợi ích của mình thì làm sao mà xong.
Đấy, hai vợ chồng bàn mưu với nhau đi, làm vài năm đi, mà nó cũng làm cho mình tu luôn, tự nhiên khi mình làm điều đấy, thì cái tôi của mình nó sẽ yếu hẳn đi. Còn không thì suốt ngày cái tôi nó lớn. Cái gì làm mình không khổ nhục kế được? Cái tôi của mình làm mình không khổ nhục kế được. Bây giờ mình khổ nhục kế vì lợi ích của tha nhân thì được. Đó cũng chính là tu trong cuộc sống hàng ngày.
Tìm hiểu thêm về tình cảm với bố mẹ
- Học cách Bày tỏ tình cảm/Nói lời yêu thương với bố/cha mẹ
- Cảm nhận về tình yêu thương của cha mẹ dành cho con
- Hãy yêu thương bố mẹ nhiều hơn
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
- Dẫn chứng về tình yêu thương cha mẹ
- Suy nghĩ của em về tình cảm yêu thương kính trọng cha mẹ
- Đoạn văn nghị luận về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái
- Nghị luận về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái
- Nghị luận về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay
- 3 hình ảnh thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của các bạn học sinh