Ý NGHĨA CỦA BA NGÔI TAM BẢO VÀ MỐI LIÊN HỆ ?
Đây là câu hỏi của một Vị Tu, nhờ tôi viết bài để làm luận văn trong lớp sơ cấp Phật Học.
Với những câu hỏi của các Vị Tu về vấn đề viết luận văn, luận án để thi cử….. thì tôi thường từ chối chứ không có nhận lời viết dùm.
Vì viết để mà làm luận án, luận văn thì rất là khó, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, và khi trích dẫn các kinh điển cần phải nêu nguồn gốc….
Nên sẽ rất khó chứ không có dễ.
Trước đây tôi cũng có nhận lời viết dùm luận án cho một thầy, nhưng khi bắt tay vào viết, tôi mới thấy được những khó khăn, vì phải cần rất nhiều thời gian cũng như kiến thức chuyên môn.
Nhưng do đã lỡ nhận lời nên tôi phải cố viết, tuy nhiên vì viết vội quá, do không có nhiều thời gian, nên ở bài viết ấy tôi viết cũng chưa đạt lắm.
Rút kinh nghiệm lần này, với những câu hỏi mà mang tính học thuật thì tôi sẽ từ chối chứ không có làm dùm.
Điều này không phải là tôi ích kỷ, mà vì tôi không có nhiều thời gian, cũng như tự thấy kiến thức của mình còn hạn hẹp, những hiểu biết chưa sâu rộng, cũng như thiếu nguồn tư liệu, kinh điển để sưu tầm, đối chiếu…. Nên tôi từ chối là vậy.
Vì các vị biết ? Hiện tại tôi đang sống lưu vong, nơi ở chưa có cố định, và trong phòng tôi hiện tại vẫn chưa có một quyển kinh điển nào. Do hay di chuyển nơi ở, nên tôi chưa dám mua kinh, vì sợ mỗi lần di chuyển sẽ khó mang theo.
Hơn nữa căn phòng hiện tại hơi chật, sợ để kinh không trang nghiêm sẽ mang tội…..
Chính vì những lý do nêu trên, nên tôi sẽ tránh những vấn đề về viết luận văn hay luận án…..
Trở lại với câu hỏi đầu đề bài :
Trước hết :
Ý nghĩa của ba ngôi Tam Bảo là gì?
Tam Bảo là ba món tài sản quý giá nhất trên thế gian đối với những người tu hành theo Phật.
Xem thêm: Ba ngôi Tam Bảo là gì?
Tam Bảo gồm :
1. Phật Bảo :
Phật ở đây chính là Phật trong hiện kiếp, là Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Ngài là một con người có thật trong lịch sử nhân loại của chúng ta.
Ngài được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, có cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng Hậu Ma Da, của tộc Thích Ca, ở xứ Ấn Độ, nay thuộc Nepal.
Và sau này khi lớn lên, Ngài đã nhận thấy được sự đau khổ của kiếp người, và quyết tâm xuất gia đi theo con đường tu đạo.
Ngài đã tìm đến học pháp và tu tập với các đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, và chứng được các mức thiền định rất cao, nhưng nhận thấy vẫn chưa giải thoát.
Rồi Ngài từ bỏ những vị thầy của mình, để tu theo con đường khổ hạnh.
Nhưng sau 6 năm tu khổ hạnh, chỉ làm cho thân xác trở nên kiệt quệ, chứ trí tuệ không có tăng trưởng được bao nhiêu.
Sau đó Ngài đã từ bỏ con đường tu khổ hạnh, trở lại với con đường tu Trung Đạo, nghĩa là không dung dưỡng xác thân, cũng không ép xác cực đoan.
Và sau 49 ngày ngồi thiền định ở cội cây Bồ Đề, trong đêm thứ 49, Ngài đã chứng đắc qủa vị Phật, trở thành bậc Toàn Giác.
Đây là điều vô cùng quý giá, khó có và hy hữu của thế gian.
Và Ngài đã đem sự giác ngộ của mình chứng được để truyền dạy cho những đệ tử tu hành.
Nên từ đây Pháp Bảo mới có mặt trên thế gian.
2. Pháp Bảo :
Chính là những lời dạy của Đức Phật về các phương pháp tu tập để đạt được giác ngộ giải thoát, chấm dứt sự luân hồi sinh tử, khổ đau.
Ngài cũng đã nêu ra những chân lý, những nguyên nhân của sự đau khổ, cách thức diệt khổ, những cảnh giới lành sẽ sinh về, …..
Nếu không có những lời dạy ấy, thì con người sẽ mãi mãi trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử khổ đau, mà không biết đến ngày nào mới kết thúc.
Do đó Pháp Bảo là kho tàng cực kỳ quý giá, như là bản đồ chỉ đường, như là ánh mặt trời chiếu sáng dẫn lối …..đối với những người đệ tử Phật.
3. Tăng Bảo :
Tăng là những vị xuất gia tu hành theo Phật.
Họ đã rời bỏ đời sống gia đình, từ bỏ những sự hưởng thụ của thế gian.
Để dành trọn cuộc đời mình trong việc thực hành giáo pháp Phật dạy, hướng đến sự giác ngộ giải thoát.
Do đó, có thể nói Tăng là những người kế thừa và tiếp nối giáo pháp của Phật, giúp chánh pháp được giữ gìn và tồn tại lâu dài mãi ở thế gian.
Nên trọng trách của Chư Tăng đối với việc giáo hóa chúng sinh phải nói là vô cùng lớn.
Các Ngài là người thay mặt Chư Phật ba đời, có nhiệm vụ hướng dẫn, dìu dắt chúng sanh thoát khỏi những nẻo tối lầm mê, hướng đến sự thiện lành, giải thoát và giác ngộ.
Vì sự quan trọng như vậy, nên các Ngài được tôn xưng là ngôi báu thứ ba.
* Vậy ba ngôi Tam Bảo có mối liên hệ với nhau như thế nào ?
Đó là có sự liên hệ với nhau hết sức mật thiết, và gắng kết thành một thể thống nhất chứ không có sự tách rời.
Nhờ có Phật Bảo, chúng ta mới có được Pháp Bảo, rồi nhờ có Phật Bảo Pháp Bảo, chúng ta mới có được Tăng Bảo.
Và khi ba ngôi báu này có mặt trên thế gian, thì nơi ấy chúng sinh sẽ được hưởng rất nhiều điều lợi lạc.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng của những người đệ tử Phật trong thời đại ngày nay, cũng như mai sau.
Đó là phải ra sức cố gắng tu tập theo đúng chánh pháp, rồi phải bảo vệ, giữ gìn ba ngôi Tam Bảo, để giúp Chánh Pháp được trường tồn mãi, và làm lợi ích lâu dài ở thế gian.
Có thế thì chúng ta mới xứng đáng là một người đệ tử Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa