Ý NGHĨA CỦA CHỮ “BUÔNG”
Lâu nay Quý Vị vẫn thường hay nghe nói đến từ buông.
Và tu hành thì rất cần đến chữ này, người tu nếu không thấu rõ được chữ buông thì sẽ rất khó mà tu tiến được.
Vậy buông là gì?
Buông nghĩa là thả, là đặt xuống.
Ví dụ :
Quý Vị đang vác trên vai một bó củi nặng.
Giờ Quý Vị nghiêng người, buông tay thì thế nào?
Thì bó củi lập tức bị rơi.
Khi nó rời khỏi cơ thể Quý Vị thì một cảm giác thật nhẹ nhàng, thoải mái sẽ xuất hiện….là có thật.
Tuy nhiên, con người ta thì lại không biết được điều này, mà họ thường hay thích mang vác, để rồi nó đè cho họ mệt mỏi, đau khổ.
Đau khổ, mệt mỏi rồi mà họ vẫn chưa chịu buông xuống.
Ví dụ :
Một cậu thanh niên tuổi mới lớn, khi đi trên đường và gặp một cô gái xinh xinh.
Và thế là cậu ta bị cuốn hút bởi nét đẹp cô gái.
Hình ảnh cô bị cậu ta mang trong đầu mà không chịu đặt xuống.
Vì tâm ái, cậu đã nắm tư tưởng ấy, và cứ nghĩ rằng nắm sẽ là hạnh phúc.
Nhưng thật ra, buông mới là hạnh phúc Quý Vị ạ.
Lấy một ví dụ khác :
Như hôm nay trong giờ làm việc, Quý Vị bị người quản lý xúc phạm, nói nặng.
Vì lời mắng hơi nặng, nên nó làm Quý Vị bị tự ái, rồi thậm chí nổi sân hận, nhưng giấu trong lòng.
Rồi tư tưởng ấy, cảm giác ấy Quý Vị cứ nắm lấy hoài trong tâm, dù đã hết giờ làm việc, và về nhà rồi.
Hay nhiều ngày sau, nhiều tuần sau cũng thế.
Quý Vị cứ nắm nó, giữ tâm ghét, tâm hận thù trong tâm hoài mà không chịu đặt xuống.
Họ cứ nghĩ nắm vậy là hay, là bình thường.
Nhưng người trí, người có tu phải lập tức đặt nó xuống ngay.
Ai buông được càng sớm, người ấy lập tức sẽ có an lạc.
Các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho biết, chỉ khoảng 4-5% tư tưởng của Quý Vị trong ngày là có chủ đích, còn lại 95-96% là các tư tưởng vô ích, vọng niệm, suy nghĩ miên man, không chủ đích.
Và những dòng suy nghĩ ấy nó không dừng, tâm không có an định, luôn động loạn, làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của bộ óc.
Chưa kể, tâm ấy, chúng luôn bám dính vào mọi thứ, như con dê gặp gì cũng liếm.
Cứ thích mang vác lên mãi.
Mà không hiểu, không thực tập một chữ, đó là chữ “Buông”.
Do đó, Quý Vị hãy cố trau dồi chữ này trong đời.
Nam Mô A Di Đà Phật
Cư sĩ Nhuận Hòa
Chấp và Buông
Hai từ này mới nghe qua ta thấy có vẻ đơn giản. Nhưng nếu ta thật sự hiểu sâu ý nghĩa của chúng, ta sẽ thấy rất hay, rất thâm thúy.
Vậy chấp là gì?
Chấp là ta ôm chặt, nắm lấy quan kiến, quan niệm, giữ chặt những suy nghĩ, tư tưởng, ý niệm khởi trong tâm ta mà ta không chịu buông, không chịu xả.
Vậy buông là gì ?
Ví như ta đang cầm vật gì trong tay, khi ta buông thì vật rơi.
Vậy buông là ngược lại ý nghĩa với chấp.
Buông là ta không nắm lấy ý tưởng, giữ chặt lấy quan kiến quan niệm, suy nghĩ hay hành động của chính mình.
Có rất nhiều cách để chúng ta có thể phân biệt người có tu và không tu, phân biệt đâu là Thánh Nhân và Phàm Nhân, trong đó có một cách là dựa vào tâm chấp và tâm buông không chấp của họ.
Ta tham khảo vài ví dụ để dễ hiểu hơn:
Hôm trước lúc tôi mới dùng facebook, tôi có quen với một anh.
Tôi thấy anh này nói pháp cũng rất cao, nhưng đọc kĩ thì tôi thấy anh chỉ học và nói lý thuyết suông, thiếu hành trì, thực hành và chiêm nghiệm đạo lý.
Do vậy, nhiều vấn đề tu chuyên sâu trong thiền định và các sự thay đổi trong tâm anh ấy không biết. Không biết nhưng anh không tự nhận mình là không biết mà luôn cho mình là biết để dạy người khác.
Thế là trong một lần tôi viết một bài về thiền định, anh ấy vào bình luận nhưng bình luận tà kiến sai trái. Thế là tôi vào chỉnh, tôi nói rất gay gắt, vì sợ anh ta sẽ tổn phước mà đi truyền lung tung.
Vậy đó Quí Vị, trước khi tôi chưa nói thì anh với tôi rất thân, nhưng khi tôi nói thì anh ta từ tôi, thậm chí không giao dịch, xóa kết bạn, và hận tôi.
Đây tôi tạm gọi là anh này chấp ý quá mạnh, lòng ghim gút quá mạnh, thậm chí hiểm.
Quí Vị để ý trong cuộc sống đời thường, có nhiều người họ không có tu, nhưng tâm họ xuề xòa không chấp nê. Vậy mà con cái, cuộc đời họ rất hạnh phúc tốt đẹp.
Còn một người nọ tuy có tu nhưng tâm hẹp hòi, chấp ý nặng, để bụng, lòng hiểm. Vậy mà anh tu này cuộc đời lại khổ, vất vả, thậm chí con cái anh ấy cũng bị tổn hao phước đức theo, cuộc đời con cháu cũng lụn bại luôn.
Do đó phải nói rằng tâm chấp thật sự rất lợi hại, chúng ảnh hưởng và chi phối cuộc đời con người rất lớn.
Với người phàm phu bình thường không tu muốn không chấp, bỏ chấp thì cũng không phải dễ.
Vì muốn bỏ chấp, không chấp thì ta phải luôn xoay lại chính mình, xem coi mình sai hay đúng chỗ nào, mình đang nắm chặt quan niệm gì, tâm mình đang nghĩ gì.
Còn nếu ta không xoay lại nhìn chính mình thì ta khó mà biết ta đang sai để mà sửa.
Tôi có thể nói hoặc chửi ai đó thật nặng để họ tiến tu, sửa lỗi lầm, nhưng sau đó tôi buông, không ghét hay để bụng. Nhưng người không biết thì nghĩ tôi ghét họ, nhưng tôi thật không có ghét chút nào.
Trong khi ăn món gì ngon, tôi nói :« Ôi, ngon quá hà ».
Tôi nhìn người xung quanh, tôi thấy họ cũng ăn ngon rồi họ bám lấy cái ngon và ăn ngấu nghiến.
Nhưng ngay lúc đó Quí Vị thấy là mình đang ăn ngon, mà không kẹt, không đắm vào cái ngon, ngay đây Quí Vị có trí tuệ.
À ngon.
Nhưng có thể lần sau tôi không ăn, vì tôi đang bị cái ngon lừa.
Còn người không tu thì mỗi lần họ ăn món ngon đó, họ ăn ngấu nghiến, thậm chí nếu không có món đó họ không ăn, bỏ ăn, hay bực bội, chửi bới.
Ở đây ta thấy có sự phân biệt rất rõ giữa người có tu và không tu, khác biệt ở trí tuệ không chấp của họ.
Người nào càng xả được nhiều tâm chấp chừng nào là người đó đang tu rất tốt, đây là những đệ tử ưu tú của Phật.
Chúc Quí Vị luôn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Tìm hiểu thêm :
- Sự buông bỏ trong cuộc sống
- Im lặng và buông bỏ muộn phiền
- Học cách buông bỏ trong tình yêu/hôn nhân cho nhẹ lòng
- Phật dạy buông bỏ trong tình yêu
- Thơ về buông bỏ