SIÊU THOÁT
Nhân dịp tháng bảy Vu Lan, để phần nào làm tròn chữ Hiếu với ông bà, tổ tiên, các vị tiền nhân, xin được chia sẻ về các khía cạnh của siêu thoát và những gì mà con cháu như chúng ta có thể làm để ông bà, tổ tiên mau được siêu thoát.
Siêu thoát là gì?
Siêu thoát là trạng thái thoát ly khỏi những vướng mắc phiền não, trần tục, thế tình. Chân hồn của một người khi đã mất đi thân mạng, nếu siêu thoát tức là sẽ không đầu thai chuyển kiếp vào cõi trần gian. Chân hồn ấy sẽ chuyển sinh vào các cõi an lạc, cõi lành, nơi không có phiền não, nơi bình yên trọn vẹn, tạm gọi là cõi Thiên Đàng hay là cõi Cực Lạc, Tây Phương, Tịnh Độ, Niết Bàn… theo kinh điển của các tôn giáo khác nhau có đề cập.
Nhưng mà để chuyển sinh đến các nơi như thế, thì các chân hồn ấy phải thực sự buông xả được các vướng mắc chấp niệm của tâm thức, vướng mắc của các nhân duyên nghiệp quả bất thiện, không bị các oan gia trái chủ đến đòi nợ.
Như vậy, những người có thể siêu thoát được thường là những người có một kiếp sống giàu lòng nhân ái, vị tha, đầy thiện nghiệp, ít vướng các nghiệp bất thiện, và thường là người ăn chay trường. Vì nếu còn ăn mạng chúng sinh động vật, khi thân mạng chết đi, chân hồn ấy sẽ đối diện với các oán khí, sự đòi mạng của các oán linh động vật mà mình đã từng ăn trong kiếp sống.
Muốn đời sống giàu lòng nhân ái, vị tha thì cần giác ngộ, tức hiểu về các lý nhân duyên nghiệp quả, từ đó không vướng mắc phiền não, tâm tình thong dong tự do tự tại.
Dù người có tín ngưỡng tôn giáo nào, hay không có tín ngưỡng tôn giáo, chỉ cần thấu hiểu được lý nhân duyên, hiểu được nhân quả, thì tự nhiên sẽ có xu hướng thực hành lối sống tỉnh thức, giàu lòng nhân ái và vị tha, vô ngã.
Làm thế nào để giúp linh hồn ông bà/cha mẹ sớm siêu thoát?
Con cháu muốn linh hồn ông bà, cha mẹ, tổ tiên được siêu thoát. Đây là lẽ tất nhiên của đời thường. Cũng là chữ Hiếu, bổn phận và trách nhiệm của con cháu đối với các đáng sinh thành tổ tiên của mình.
Vậy muốn ông bà được siêu thoát thì cần phải làm gì mới có thể khiến ông bà siêu thoát được?
Nhưng để ông bà có thể siêu thoát là vấn đề cực kì khó. Vì vốn dĩ ai ăn nấy no, nghiệp ai nấy trả. Thế nên việc con cháu đời sau làm điều thiện phước cho ông bà đời trước, ông bà cha mẹ đã mất có thể hưởng chung cộng thiện nghiệp ấy một phần nhỏ. Phần nhỏ này có thể hiểu giống như khi mình yêu thương con cháu mình, nhìn thấy nó ăn ngon, nhìn nó vui vẻ khỏe mạnh thì tự nhiên mình cũng thấy no lòng vậy. Nhưng thực tế thì, nếu mình chỉ nhìn nó ăn, ngày này qua ngày khác, mà mình không ăn gì, thì chắc chắn mình chết đói, vì ai ăn nấy no vậy.
Vậy con cháu làm những thiện nghiệp gì thì ông bà được thọ hưởng cộng nghiệp để có thể sớm được siêu thoát?
Những việc con cháu nên làm và không nên làm:
- – Nên ăn chay, phóng sinh, sống lương thiện giữa đời thường
- – Nên thường xuyên bố thí trong khả năng của mình, bằng bất kì hình thức nào từ bố thí thời gian, công sức lao động, ấn tống kinh sách, cứu trợ thiên tai, cứu trợ nghèo khốn, tiền của vật chất,… bất kì điều gì chỉ cần đem niềm an vui, lợi lạc và thiện lương đến cho đời này, từ vật chất đến cỏ cây, động vật và con người đều gọi là thiện nghiệp quý báu.
- – Nên sống hòa đồng nhân ái vui vẻ với xung quanh, không tranh chấp hơn thua với đời. Nhất là anh chị em trong gia tộc cần giữ hòa thuận yêu thương nhau, không ức hiếp lẫn nhau, không đối xử tệ với nhau.
- – Nên thường xuyên trì niệm các bản kinh cứu khổ, kinh cầu siêu, kinh giải oan cho ông bà.
- – Nên cầu nguyện với ông bà rằng: Chúc ông bà/cha mẹdưới. sớm an lạc, tịnh tâm tinh tấn, đừng lo lắng cho con cháu ở đây, con cháu đều ổn cả.
Ý nghĩa của sự siêu thoát
Khi một người nào đó bị mất đi, rồi trở về thế giới bên kia, hay thế giới tâm linh.
Và Quý Vị cũng hay nghe mọi người nói với nhau là người này «đã siêu», người kia «chưa siêu».
Vậy từ «siêu» trong siêu thoát có nghĩa là gì?
Và làm cách nào để nhận biết một người sau khi mất là đã siêu hay chưa siêu ?
Ở bài viết này, xin mời Quý Vị cùng tìm hiểu :
Từ « Siêu » có nghĩa là « Thoát » hay « vượt thoát ».
Mọi người vẫn hay gọi là siêu thoát, thì cũng phần nào giải nghĩa luôn chữ siêu rồi.
Khi lúc còn sống, hoặc sau khi một con người bất kì nào đó chết đi. Họ vẫn bị chi phối bởi phước nghiệp của chính họ.
Ví như một người có cái nghiệp bị ở tù, do cái nhân là cầm tù chúng sinh, như nuôi chim, xích chó, nhốt gà, giam cần vô cớ con người, hay các loài thú hoang,….v….v…..Thì người này đã gieo nhân bị ở tù.
Do đó, khi lúc còn sống họ luôn trong tình trạng bị tù túng (cả thể xác lẫn tâm hồn).
Và sau khi chết đi, nếu nghiệp ở tù còn, thì trong cõi siêu hình họ vẫn bị rơi vào một cảnh giới cũng tương ứng với cái phước và cái nghiệp tội của họ.
Và khi bị kẹt trong cảnh giới đau khổ, tù túng vậy.
Ta có thể gọi người này là đang trong tình trạng chưa siêu thoát (Vì rõ ràng là người ấy đang bị vướng kẹt, đang còn đau khổ).
Một vài ví dụ khác :
Một người mẹ trẻ rất thương yêu hai đứa con nhỏ của mình, và đang sống với chồng rất hạnh phúc, bỗng bất ngờ chị bị tai nạn giao thông và mất đi.
Theo Quý Vị thì sau khi mất người này ở cảnh giới nào?
Nếu nghiệp xấu ác cô nặng, lại đang kém phước tu, cộng với một cái tâm đang dính mắc, chấp vào con cái, gia đình, mà không thấy được sự vô thường của các pháp.
Thì người này chết chắc chắn sẽ không siêu, sẽ lẩn quẩn trong nhà, hoặc gần nhà, hoặc đứng ngoài đường nơi xảy ra tai nạn, vất va vất vưởng, sống lẩn quẩn nơi đầu đường, góc chợ,…..
Còn tâm thần thì đau khổ, khóc than, và bấn loạn, mà rất khó thoát khỏi cảnh giới ấy.
Vậy người này ta có thể gọi là đang chưa siêu.
Vậy siêu thoát là như thế nào?
Ngược lại với chưa siêu, là đã siêu. Nghĩa là người ấy sau khi mất, họ lập tức có cảnh giới an lành để sinh về, cảnh giới này chưa phải là giải thoát tuyệt đối của Chư Phật, nhưng cũng rất tốt đẹp, thoải mái về tinh thần, lẫn thể xác, được tự do đi lại, thậm chí có thể bay… tùy vào mức độ siêu.
Thì người mà được như vậy, ta gọi là người ấy đã siêu, hay đã siêu thoát.
(Thường khi có người vừa mất, mọi người hay cầu siêu cho người mất được siêu thăng hay siêu thoát về miền Cực Lạc.)
Ở bài tới, nếu có duyên, tôi sẽ nói kĩ hơn về:
« Dấu hiệu nhận biết một người sau khi mất là đã siêu, chưa siêu, hay đang bị đọa ».
Dựa vào các dấu hiệu, Quý Vị sẽ biết cách mà đánh giá một người sau khi mất, để xem khả năng họ đang ở đâu. Đặc biệt là những người thân, điều này sẽ giúp Quý Vị an tâm hơn.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa

Tham khảo:
- Lễ phả độ gia tiên giải nghiệp cầu siêu tam giới
- Lễ siêu thoát cho thai nhi