Ý nghĩa ngày Phật Đản và lễ tắm tượng Phật
Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm cho cả hai phái Nam tông và Bắc tông. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà tiếng Anh được Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak. Lễ tắm tượng Phật vốn đã được xuất hiện từ lâu tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Trung Á khác.
Nguồn gốc ngày Phật Đản
Lễ Phật đản là ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời vào ngày trăng tròn tháng Tư Âm lịch năm 624 trước Công Nguyên, tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền bắc Ấn Độ. Lễ Phật đản tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha, một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo. Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca.
Trong quá trình phát triển của Phật giáo, các nước theo Phật giáo Nam truyền ( còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo tiểu thừa) giữ nguyên ngày tháng năm sinh của đức Phật. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của đức Phật cũng là ngày đức Phật thành đạo đồng thời là ngày đức Phật nhập niết bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền tổ chức ba lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng). Các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền tổ chức Đại lễ Phật Đản vào ngày trăng tròn tháng Vesak thường vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch.
Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (còn gọi là Phật giáo phát triển hay Phật giáo đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày đức Phật Đản sinh theo lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8 tháng 4 Âm lịch. Vì thế trước đây một số quốc gia với đa số Phật giáo chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch. Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Colombo, Tích Lan từ 25/ 5 đến 8/ 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư Âm lịch. Từ đó các nước có theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 Dương lịch).

Nguồn gốc lễ Tắm tượng Phật
Nguồn gốc của Lễ Tắm tượng Phật xuất phát từ sự kiện Đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo đó, các bản kinh thuộc 2 truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều ghi lại rằng, khi Hoàng hậu Ma Da Đản sinh Thái tử thì từ trên không trung có 2 dòng nước của chư thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu cùng Thái tử.
Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Bên cạnh đó, tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại sự kiện quan trọng đó là: “khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý của cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử.
Vậy hai dòng nước ấy có ý nghĩa đạo pháp không phân hai, nhất tâm quy bổn thể. Ấm mát là hai thể mà hợp lại thành một; cũng vậy giáo pháp của Đức Phật là Trung đạo, dung hòa tất cả, một là tất cả và tất cả là một, ý nói bổn thể tự tánh chân tâm. Ngoài ra hai dòng nước ấm mát từ chư thiên tưới xuống Đức Phật là nước ấm thể hiện tình thương, một tình thương ấm áp mà Đức Phật dành cho tất cả trời người không phân biệt. Hai là dòng nước mát thể hiện giáo pháp của Đức Phật thấm nhuần như cơn mưa giữa mùa hạ làm mát tất cả sự nóng hạn khát bức mà chúng sinh đang phải chịu do vô minh tạo nghiệp, nghiệp dẫn tới quả thì phải chịu quả báo.
Y theo kinh Công đức có đề cập đến lễ tắm tượng Phật được Bồ tát Thanh Tịnh Huệ hỏi như sau: Thứ nhất do đâu mà chư Phật thành tựu sắc thân thanh tịnh, đầy đủ tướng tốt? Tiếp theo là những người nào được sinh ra đời, gặp Phật và phát tâm cúng dường thì có vô lượng công đức, con sau khi Đức Phật nhập diệt, thì chúng sinh cúng dường những gì? Tạo công đức gì để mau chứng đạo quả vô thượng Bồ đề?

Đức Phật dạy rằng: “Như Lai thành tựu sắc thân thanh tịnh là do tu tập những diệu pháp cao thượng như: ‘Lục độ, Tứ Vô Lượng Tâm, các Pháp Vô úy…’ Đối với các bậc giác ngộ như thế mà dùng tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai, lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức”. Kể từ đó cứ vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, các chùa làm lễ Phật đản mở đầu bằng một nghi thức tắm tượng Phật, và một bài thi kệ như sau:
“Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sinh linh ly cấu
Đồng chứng như Lai tịnh pháp thân.
Tỳ Gia thành ly bất tằng sinh
Ta La thọ gian bất tằng diệt
Bất sinh bất diệt lão Cù Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.
Kim triêu chính thị tứ nguyệt bát
Tịnh Phạn Vương cung sinh Tất Đạt
Cửu Long phún thủy thiên ngoại lai
Bỗng túc liên hoa tùng địa phát.
Án mâu ni, tam mâu ni tá phạ ha.”
Dịch nghĩa:
Hôm nay được tắm cho Như Lai
Trí tuệ trang nghiêm công đức lớn
Chúng sinh ba cõi đang chìm đắm
Được thấy trần gian hiện pháp thân.
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Ta La chưa từng diệt
Bất sinh bất diệt đức Cù Đàm
Mắt sáng rạng soi không vẫn đục.
Ngày trăng tròn tháng tư âm lịch
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước tắm kim thân
Mỗi bước hoa sen nâng gót ngọc.
Vậy bốn câu kệ đầu là bài kệ tắm tượng Phật trong Kinh Dục Phật Công Đức, ý nói nay con được rưới nước tắm gội kim thân của chư Phật, thân Phật là khối công đức được trang nghiêm bởi trí tuệ thanh tịnh. Ước nguyện mọi loài chúng sinh ở trong thế giới đầy năm thứ vẫn đục nầy, mong cho mọi người chuyển hóa khổ đau, thoát ly ô trược, cùng chứng được pháp thân thanh tịnh của Như Lai.

Bốn câu kế tiếp là pháp ngữ trong Đại Tuệ Ngữ Lục. ý nói pháp thân của Như Lai là bất sinh bất diệt, chuyện bồ tát Thiện Huệ giáng trần tại vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ miền trung nước Ấn Độ, Vì ngài có lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh mà thị hiện ra đời.
Trong kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh chép: Thái tử vừa đản sinh liền bước đi bảy bước có bảy đóa sen đở gót. Mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ, đến bước thứ bảy thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất rồi dõng dạt tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nghĩa là “trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết.”
Kinh Tăng Chi Bộ chép: “Này các tỳ kheo, một người khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không có hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng của loài người. Người ấy là ai? Chính là Như Lai bậc A La Hán Chính Đẳng Chính Giác.” Đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên việc tắm tượng Phật là một cơ hội để cho chúng ta thực tập nếp sống chính niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật.
Vì vậy lễ tắm tượng Phật hàm ẩn một ý nghĩa rất cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, thí dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi bặm phiền não tham sân… che lấp, nên Phật tánh không hiển lộ ra được. Muốn hiển lộ Phật tánh, phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm tượng Phật cũng là sự mong cầu được gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm.
Tích lũy công đức trong mùa Phật đản – Những việc làm đơn giản mà lợi lạc
Ngày 15 tháng 4 Âm lịch năm nay [02/06/2023] là Ngày Tam Hợp hội đủ ba sự kiện cát tường – Đức Phật Đản Sinh; Thành Đạo và Nhập Niết Bàn.
Chúng con xin thành kính Đảnh lễ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Chúng con xin thành kính đảnh suối nguồn Bi mẫn bao la không bờ mé của Đức Phật Thích Ma Mâu Ni Thế Tôn Sakyamuni. Ngài đã trải qua vô lượng kiếp để tìm kiếm con đường giải thoát và kiếp cuối cùng vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh, Ngài đã Đản sanh tại Lumbini và trải qua 6 năm khổ hạnh – 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề đạt thành tựu Phật Quả Viên Mãn tại Bodhgaya và để nhắc nhở chúng sinh về sự Vô thường Ngài đã thị hiện nhập Niết Bàn tại Kusinara.
Ngày 02/06/2023 (tức ngày 15/4 ) ngày Tam Hợp hội đủ ba sự kiện vĩ đại và tốt lành… Đức Phật Đản Sinh; Thành Đạo và Nhập Niết Bàn là một ngày Đại Cát Tường và linh thiêng nhất trong một năm, công Đức của ngày Đại Cát Tường này sẽ tăng trưởng 10.000.000 lần (10 triệu lần). Nếu tạo bất thiện nghiệp cũng nhân lên tương tự. Xin hãy cùng nhau thực hành thiện hạnh như trì chú, thiền định, cúng dường, phóng sinh, tán thán …

Những công đức mà bạn tích luỹ qua việc thực hành Phật Pháp, làm các thiện hạnh, bố thí cúng dàng, phóng sinh ăn chay… trong cả mùa Phật đản sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần so với những ngày thường khác. Đây là thắng duyên để chúng ta cùng hồi hướng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình, thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sinh.
1. Tụng kinh niệm Phật
Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời Đức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sinh.
Chúng ta sống trong cõi dục, cho nên lòng dục vọng của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng còn chiêm bao cãi vã, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê mờ đầy dục vọng ấy, may thay, Đức Phật vì đã thương xót chúng sinh mà truyền dạy những lời vàng ngọc, có thể phá tan màng mây u ám của vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần, hai lần cũng không thể hiểu thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần phải đọc đi đọc lại mãi, để cho lý nghĩa thâm huyền được lan tỏa, và ghi khắc trong thâm tâm chúng ta, không bao giờ quên được. Đó là lý do khiến chúng ta phải tụng kinh.
Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.
Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là thêm một chút phèn vào, thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục trở nên trong sạch. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong vậy.
Tâm chúng ta hiện giờ rất điên đảo, không bao giờ dừng nghỉ. Kinh thường nói: “Tâm viên, ý mã”, nghĩa là “tâm” lăng xăng như con vượn nhảy từ cành này qua cành khác, và “ý” như con ngựa chạy lung tung suốt cả ngày. Làm sao cho tâm ý chúng ta đừng suy nghĩ vọng tưởng? Chỉ có một cách là bắt tâm nghĩ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những bậc Chính Giác toàn hảo, những hành động trong sáng, những đức tính thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào thì càng ít niệm ma chừng ấy (Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người).
2. Bố thí, cúng dàng
Bố thí nghĩa là cho đi mà không mong đợi được đền đáp.
Cúng dàng và bố thí vốn cùng một nghĩa “cho đi”. Cũng cùng một nghĩa, song tùy theo trường hợp hay hoàn cảnh mà nghĩa “cho” này có những tên gọi khác nhau. Danh từ “bố thí” được dùng để chỉ trường hợp “cho” những người bần cùng nghèo khổ, gặp hoàn cảnh khó khăn. Và trường hợp khi một người Phật tử đem những gì của mình cúng lên Kim Cương Thượng sư và Tam Bảo, vốn là nơi nương tựa của mình, thì gọi là “cúng dàng”.
Bố thí nghĩa là cho đi mà không mong đợi được đền đáp. Tất nhiên, có nhiều người cho đi rất nhiều tiền, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, kỳ vọng vào các hoạt động công đức như thế. Nhưng lý do đó không được xem là thực hành bố thí đúng đắn bởi trong sâu thẳm thâm tâm luôn có kỳ vọng. Chúng ta phải thực hành không kỳ vọng ngay cả khi cho đi rất nhiều. Điều này là rất quan trọng trong thực hành xả ly bởi Bố thí là cách tốt nhất để thực hành không bám chấp – trở ngại chính trên con đường giải thoát, giác ngộ. Bố thí Ba la mật được thực hiện trên nền tảng tình yêu thương đích thực và trí tuệ quán chiếu về bản chất vô ngã, huyễn như của vạn pháp thế gian. Vì vậy, thực hành Bố thí không có kẻ cho, người nhận hay đối tượng cho đi, bạn bố thí nhưng không bám chấp vào sự bố thí đó.
Ở Ấn Độ, người ta tin tưởng rằng nếu một người cúng dàng lên một vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, kiếp sau người đó sẽ tái sinh làm vua Ấn Độ. Phúc báo do nghiệp nhân cúng dàng lên bậc giác ngộ có uy đức nhờ đó sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần. Phẩm vật cúng dàng nhỏ bé lên một vị tăng ni có năng lực mạnh mẽ như vậy, huống hồ nếu bạn thực hành cúng dàng mười phương chư Phật, Pháp, Tăng, tôn tượng, kinh điển khắp Pháp giới, công đức ấy thật không thể nghĩ bàn.

3. Phóng sinh, ăn chay
Đức Phật đã đưa tội sát sinh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả không lường của việc sát sinh hại vật. Ngài đã chỉ ra rằng tất cả các chúng sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo nên phải sinh tử luân hồi sáu nẻo, thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi, đang tâm giết hại, sát sinh để ăn thịt là cái nhân gây ra bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn.
Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chính pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn”.
Trong nghĩa cử cao đẹp của việc phóng sinh, bao nhiêu những chứng bệnh ung thư, ác tật đều tiêu mất trong vô hình, bao nhiêu sự kiện cảm ứng nhiệm mầu thật chứng, bao nhiêu hình ảnh của loài vật cảm ơn thị hiện trước mắt. Người phóng sinh tu phúc, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân sẽ không gặp các tai nạn.
Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), đức Phật có dạy: “Không phải chỉ trong quá khứ mà cả trong tương lai và hiện tại, tất cả đệ tử của Ta không nên ăn thịt thú vật. Nếu có ai nói rằng chính Ta đã ăn thịt và cho phép những kẻ khác ăn thịt thì kẻ ấy chắc chắn phải bị sinh vào cõi khổ. Những người thánh thiện từ chối mà không ăn cả đến thức ăn của người bình thường huống chi là ăn thịt! Thức ăn của chư vị ấy là thiền duyệt, là thức ăn chân lý (Dharmàhàra – Pháp thực); Pháp thân của Như Lai được phù trợ bằng thức ăn ấy.”
Ý nghĩa của nghi thức tắm Phật
Hằng năm, vào ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch, các chùa thường có tổ chức buổi lễ Tắm Phật.
Một tượng Phật Thích Ca sơ sanh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, được đặt trong một cái chậu nước tinh khiết và có rắc hoa thơm.
Phật tử sắp thành hàng dọc, vừa tụng kệ chú tắm Phật, vừa tiến đến trước tượng Phật, múc một muỗng nước chế lên tượng Phật.
Đây được gọi là nghi thức tắm Phật.
Vậy thì nghi thức Tắm Phật này có ý nghĩa gì?
Nghi thức này cũng chứa đựng nhiều nghĩa lý thâm sâu, nếu Quý Vị hiểu được, thì khi tắm Phật sẽ tăng thêm được rất nhiều phước báu, cũng như những chủng tử thiện lành sẽ ngày một lớn dần nơi tâm thức Quý Vị.
Cũng giống như tụng kinh, tụng kinh không phải là để trả bài hay đọc cho Phật nghe, mà chính yếu là để lặp đi lặp lại cho thuộc và dần dần hiểu rõ được lời Phật dạy.
Cũng vậy, nghi thức Tắm Phật cũng có nhiều ý nghĩa, nhưng tựu chung thì có hai ý nghĩa chính:
- Một là theo kinh sách ghi lại, khi Đức Phật ra đời, cung trời Phạm Thiên cho chín con rồng phun nước thơm xuống làm mưa tắm Phật.
- Vậy thì lễ tắm Phật là để nhắc lại sự kiện năm xưa đó, khi Phật đản sinh.
- Ý nghĩa thứ hai là nghi thức tắm Phật mang một ẩn dụ có ý nghĩa cao siêu.
- Pháp thân của Đức Phật vốn thanh tịnh, cần gì đến chúng ta phải tắm rửa.
- Sự thật là mượn việc tắm Phật để giúp Quý Vị Phật tử gội rửa nội tâm của chính họ, tẩy trừ đi những tâm cấu uế, bất tịnh, những tâm xấu ác như tâm tham lam, tâm ích kỷ, tâm sân hận, thù ghét, tà kiến, hiểm độc, và si mê u tối,….v….v…
- Và khi những tâm bất thiện này được tiêu trừ đi thì tâm thức người ấy sẽ được chiếu sáng, như trăng thoát mây đen bao phủ, trí tuệ sẽ chiếu sáng vô ngại.
Sau đây là bài kệ tắm Phật.
Mời Quý Vị cùng xem.
_()_ BÀI KỆ TẮM PHẬT _()_
Con nay tắm gội Đức Như Lai
Trí tuệ quang minh tọa bảo đài.
Ngũ trược chúng sanh đều rửa sạch
Không còn sanh tử ở trần ai.
Phật cũng không sanh Ca Tỳ La
Cũng không nhập diệt Câu Thi Na
Không sanh không diệt là chơn Phật
Xứng danh giáo chủ cõi Ta-bà.
Hôm nay mùng tám tháng Vê-Sa
Xuất hiện trên đời Sĩ Đạt Ta
Chín rồng phun nước từ Thiên ngoại
Bảy bước chân đi bảy đóa hoa.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Trích nguồn : Sưu tầm.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Xem thêm:
Mừng Phật đản sanh
Có những người cứ mãi sống trong khổ đau. Bạn hỏi, họ nói rằng, bởi vì “Không bùn, không sen. Không có khổ đau sẽ không có hạnh phúc.” Câu nói ấy đúng, nhưng nếu hiểu sai, sẽ cứ mãi ngụp lặn trong bùn, rồi tự nhủ, bởi bùn là cần thiết, bởi khổ đau là cần thiết.
Đúng là, không bùn thì không sen, và sen chỉ mọc từ trong bùn chứ không mọc từ đâu khác. Bùn là cần thiết, cho đến khi sen không muốn sống với bùn nữa; sen trồi lên mặt nước, vươn ra bầu trời, đón lấy ánh sáng và tỏa sắc hương. Khi đó sen đã chính thức thoát khỏi bùn.
Và cũng như thế, khổ đau chỉ cần thiết cho đến khi bạn nhận ra nó không cần thiết cho bạn nữa. Bạn không muốn sống với nó nữa. Bạn muốn hoàn toàn thoát khỏi nó. Trừ khi sống trong bùn tanh hôi lâu ngày riết rồi ghiền ^^
Nhớ, cái bạn cần hướng tới là đời sống của sen, giữa bầu trời, dưới ánh sáng và tỏa sắc, chứ không phải cứ mãi ngụp lặn trong bùn và rồi an phận; là đời sống của giác ngộ, giữa hân hoan, trong bình yên và tình yêu thương, chứ không phải cứ mãi sống trong khổ đau và tự an ủi.
Đó chính là thông điệp mà Đức Phật bằng cuộc đời và lời dạy của mình truyền đến chúng ta: GIẢI THOÁT KHỎI
MỌI KHỔ ĐAU và vươn đến Niết bàn, như hình ảnh của đóa hoa sen thoát khỏi bùn lầy và vươn ra bầu trời tỏa sắc hương.
“Ta là Phật đã thành, anh chị em là Phật sẽ thành.”
Hãy như Đức Phật, biến cuộc đời mình là một đóa hoa sen.
Xem thêm:
Bạn đọc comment:
Dieu Do
Sen sẽ vượt thoát khỏi bùn, khi sen thấy được bùn vẫn sống bình yên lúc ko còn có mặt sen ở đó nữa!
Tran Ngoc Ha
Hãy sống và tỏa hương thơm như bông sen. Hay quá là hay ❤
Búp Sen Vô Sản
Sinh sôi tầm ma ven đường
Xà cừ rực rỡ vẫn thường bảo nhau
Thì thào tinh nghịch lắc đầu
“Xin chào buổi sáng, một câu tốt lành
Pham Ngoc Diep
Bùn cũng là sen, sen cũng là bùn 🙂