XUẤT GIA
Ý nghĩa của hai từ «Xuất Gia»
Lâu nay Quí Vị đều rất hay nghe nói đến cụm từ này. Nhiều người không hiểu cứ nghĩ xuất gia như là cái gì đó trốn đời, không lao động, sống thụ động. Mà đâu biết rằng, ý nghĩa thật sự của sự xuất gia rất cao quý mà ta phải đáng trân trọng, và ngưỡng mộ.
Vậy xuất gia nghĩa là gì?
- Xuất có nghĩa là rời bỏ, ra khỏi.
- Gia có nghĩa là cái nhà, gia đình.
Xuất gia có nghĩa là thoát ra khỏi cái nhà.
Cái nhà ở đây lại có ba nghĩa khác nhau :
Là nhà thế tục, nhà phiền não và ngôi nhà tam giới.
Do vậy,
“Xuất gia” được hiểu dưới ba ý nghĩa là :
* Một là xuất thế tục gia :
Với người thế gian, họ luôn nghĩ rằng gia đình, sống trong đời sống gia đình là hạnh phúc. Tuy nhiên dưới cái nhìn của Bậc Thánh thì nơi ấy lại là nơi chứa đựng sự trói buộc, mất tự do.
Giống như hình ảnh con chim đang bị nhốt trong lồng, nó không thể tự do tung cánh bay xa được.
Do vậy, ý nghĩa đầu tiên của xuất gia, nếu muốn tự do tự tại đi trên con đường giải thoát là hãy từ bỏ tham ái, bước ra khỏi căn nhà của thế tục.
* Hai là xuất phiền não gia :
Mỗi ngày cuộc sống với biết bao khó khăn, chướng ngại, thử thách và rất nhiều sự việc xảy ra, nên phiền não dẫy đầy trong tâm trí của các chúng sinh.
Do vậy một người tu khi có chí nguyện xuất gia thì phải phát nguyện (như trong tứ hoằng thệ nguyện) là :
« Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn ».
Tất cả các pháp môn Phật dạy đều không ngoài việc đối trị tâm bệnh, tâm phiền não, bất an của chúng sinh.
Phải thoát ra được ngôi nhà của sự phiền não, thì khi đó ta mới có thể an lạc được.
* Ba là xuất tam giới gia :
Ngôi nhà tam giới đó chính là ba cõi «Dục giới», «Sắc giới» và «Vô sắc giới».
Ta phải phát nguyện tu tập mà thoát ra khỏi ba cõi này thì mới chấp dứt hoàn toàn sự tái sinh, không trở lại trong luân hồi nữa.
Đây là một nhiệm vụ, một xứ mạng rất khó, nhưng không còn con đường nào khác.
Qua phần tìm hiểu này, Quí Vị thấy chỉ với hai từ xuất gia nhưng lại có rất nhiều vấn đề để nói, để bàn, mà ý nghĩa của chúng cũng rất hay, rất sâu sắc.
Xuất gia là ta rời khỏi gia đình nhỏ của ta, nhận tất cả chúng sinh như tất cả mọi người trên thế gian (cả hữu hình và vô hình), tất cả các loài vật (từ loài to như voi, như hổ,… đến nhỏ bé như kiến, như vi khuẩn…), cũng như cây cỏ. Làm đại gia đình của ta, nguyện lòng từ bi, thương yêu, và cứu độ tất cả.
Nhờ có người xuất gia, mà có người tiếp nối và gìn giữ mạng mạch của Phật Pháp, giúp Chánh pháp mãi tồn tại và làm lợi ích lâu dài trên thế gian. Giúp cho đạo đức, nhân quả, và sự công bằng giữa muôn loài được tôn trọng.
Từ vô lượng kiếp cho đến nay, tất cả chúng sinh đã trải qua không biết bao nhiêu là kiếp sống. Trôi lăn trong luân hồi sinh tử, lúc thì sung sướng, lúc thì khổ đau, lúc làm người, lúc làm thú.
Nay gặp Phật pháp, là thời điểm người xuất gia phát nguyện tu tập, nguyện chấp dứt luân hồi.
Một người khi đã xuất gia, họ phải phát nguyện giữ rất nhiều giới luật do chính Đức Phật khi còn tại thế đã chế định. (Giới luật là những quy định nhằm giúp cho người tu giữ gìn đạo đức, phạm hạnh, trong thời gian thực hành tu tập).
Và mục đích cao nhất của giới luật là giúp người tu tăng trưởng được đạo đức. Giúp công phu thiền định đạt được chánh định, thành tựu mục tiêu giải thoát. Trở thành một Bậc Thánh Tăng, có đầy đủ tam minh và lục thông, hạnh phúc của cảnh giới giải thoát là không thể nghĩ bàn.
Và khi đã trở thành Thánh Tăng, thì họ là ruộng phước điền cực lớn cho chúng sinh, những ai có duyên gieo vào. Và nơi nào có Bậc Thánh Tăng cư ngụ nơi đó sẽ có bình yên, không có những thảm họa thiên nhiên.
Và nếu ta có duyên được một Bậc Thánh chỉ dạy, hướng dẫn ta tu tập. Thì đây là một phước duyên cực kì lớn và quý báu cho ta. Và không bao lâu công đức tu của ta sẽ tăng trưởng rất nhanh. Và nếu kiếp này chưa đắc đạo kịp. Thì các kiếp tới ta sẽ chóng đắc đạo. Vì công đức ta tích lũy trong kiếp này rất lớn.
Mong rằng, vài lời chia sẻ này, sẽ giúp những người anh em hiểu hơn về công hạnh người xuất gia. Để tăng lòng kính trọng, và sự tôn kính, để cùng giúp nhau tu tập. Thì đây cũng là phước báu chung.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
https://www.facebook.com/251208732396932/posts/570229343828201
https://www.facebook.com/251208732396932/posts/587131968804605
Có nên xuất gia gieo duyên hay không?
Ngày nay ta thấy việc xuất gia gieo duyên trở nên rất phổ biến ở nhiều chùa.
Xuất gia gieo duyên là gì?
Là vào chùa sống đời sống như một người tu thực sự. Ngày vào xuất gia cũng được Quí Thầy cạo tóc, phát y và bình bát.
Tuy nhiên thời gian xuất gia thì có giới hạn, có thể là bảy ngày, hay vài tháng.
Và sau khi hết thời hạn xuất gia thì người xuất gia gieo duyên sẽ xả giới và trở lại với đời sống thế tục để làm một cư sĩ tu tại gia bình thường như trước đây.
Nhiều cư sĩ tu tại gia đều mong muốn những kiếp sau của mình sẽ được xuất gia làm người tu hành, nên kiếp này họ chọn xuất gia trong một thời gian nhằm gieo duyên với Tam Bảo.
Và việc xuất gia gieo duyên vậy, cũng có nhiều Phật tử phân vân là không biết có nên xuất gia gieo duyên hay không?
Xuất gia gieo duyên có tốt hay không?
Câu hỏi này, tôi thấy hiện tại có hai quan điểm trái chiều được các Quí Thầy giải đáp như sau :
Quan điểm 1 : Tán thành với việc xuất gia gieo duyên :
Nhiều Thầy cho rằng việc xuất gia chính thức (xuất gia tu mãi mãi) thì không phải dễ, rất khó. Vì cuộc sống tu hành luôn gặp nhiều sự thử thách, nhiều chông gai.
Do vậy, nhờ việc xuất gia gieo duyên để tu thử trước. Nếu người nào cảm thấy mình tu được, sống được, tu tốt ở vị trí xuất gia. Thì sau đó, họ có thể lựa chọn việc xuất gia để làm một Bậc tu hành.
Còn những Vị khác nếu thấy mình không thích hợp, chưa phù hợp, hay chưa đủ duyên thì có thể trở lại làm người tu tại gia (Khỏi phải mang tiếng là xuất gia rồi mà hoàn tục ).
Quan điểm này nghe thì cũng có vẻ rất hợp lý.
Nhưng Quí Vị cùng tham khảo quan điểm hai, của Sư Phụ tôi, một Bậc Thầy có trí tuệ rất uyên thâm về nhân quả.
Quan điểm 2 : Không tán thành với việc xuất gia gieo duyên
Sư Phụ tôi Ngài cho rằng :
«Việc xuất gia gieo duyên là đang gieo nhân xuất gia rồi hoàn tục».
Điều này khi tôi mới nghe qua Ngài nói, đã làm tôi trầm ngâm chiêm nghiệm khá lâu.
Quí Vị thử hình dung qua các kiếp tới, Quí Vị được làm người xuất gia tu hành rất uy nghiêm và đường bệ vậy.
Tự dưng bỗng một ngày đẹp trời Quí Vị gặp một tiếng sét ái tình, thế là kéo Quí Vị trở ra, rồi hoàn tục và lập gia đình.
Một lần xuất gia rồi hoàn tục vậy, sẽ làm cho việc tu của Quí Vị trễ nải rất nhiều. Kéo Quí Vị vào con đường của tham ái, trầm luân và cũng rất dễ đọa lạc.
Chỉ vì cái nhân ban đầu là việc xuất gia gieo duyên rồi sau đó hoàn tục.
Do đó, bản thân tôi thì tôi cũng nghiên về quan điểm thứ hai, là không nên xuất gia gieo duyên.
Vì Quí Vị vẫn có thể vào chùa công quả khoảng hai năm, sống, sinh hoạt, chấp tác và công phu tu tập.
Sau khoảng thời gian thử thách ấy, nếu Quí Vị đủ tiêu chuẩn, thấy mình đủ khả năng thì có thể xuất gia tu luôn.
Không cần phải xuất gia gieo duyên.
Vì việc cạo tóc xuất gia và phát nguyện tu hành là điều rất thiêng liêng và cao quý, ta không thể tu thử, tu cho vui được.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Trăm sông đều đổ về một biển lớn
Dù cho trên thế gian này có bao nhiêu con sông, con suối đi nữa. Thì cuối cùng, con đường đi của chúng là sẽ chảy về và hòa chung với biển cả.
Dù cho dòng nước đó có chảy từ hướng nào đi nữa. Hay xuất phát từ nơi nào, quốc gia nào đi nữa. Thì khi đổ về biển cả chúng chỉ có một vị duy nhất đó là vị mặn của nước biển.
Hai vấn đề này chúng gợi lên cho chúng ta một điều gì, hay một chân lý gì? Và chúng có liên hệ gì trong giáo Pháp của Phật?
Có thể nói vào thời kì mạt pháp, giáo pháp của Phật bị chia ra rất nhiều nhánh nhỏ. Các tông phái, các trường phái, các chủ thuyết, các bài luận,… Xuất hiện càng lúc càng nhiều, chánh tà lẫn lộn, thiện ác, thật giả khó phân.
Tuy nhiên một điều ta cần phải ghi nhớ là dù ta tu pháp môn nào, đến với Phật bằng con đường nào. Nhưng đã là một người đệ tử Phật, tu và thực hành theo giáo pháp Phật. Cũng giống như các dòng nước khi đổ về biển lớn, chúng chỉ có một vị duy nhất đó là vị mặn. Thì hương vị của giáo pháp cũng chỉ có một vị duy nhất đó là vị giải thoát và giác ngộ.
Đây là một điều được chính Đức Phật nói ra và xác nhận.
Do đó, một đệ tử Phật khôn khéo là phải biết được đâu là điểm đến cuối cùng của ta. Và tất cả các hành động tu của ta đều nhắm đến sự giải thoát và giác ngộ, chấm dứt sự luân hồi tái sinh.
Và duy trì một sự hòa hợp đoàn kết giữa các tông phái. Đưa đến một sự thống nhất, không có sự phân biệt giữa những người tu Phật.
Ai làm được như vậy, thì công đức thật vô lượng vô biên.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

FB: Tu học mỗi ngày – Cư Sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm:
- Ý nghĩa con đường Xuất Gia
- Hạnh Nguyện Xuất Gia
- Ngày kỷ niệm Đức Phật xuất gia là ngày nào?
- Câu hỏi dành cho người muốn xuất gia đi tu
- Tại sao hoàn tục sau khi xuất gia cuộc sống thường khổ?
- Đã xuất gia rồi có được đi làm công nhân để kiếm thêm tiền không?
- Xuất gia và tại gia : bình đẳng trong Phật pháp
- Câu chuyện xuất gia: “Khi vợ đứng gần bà ngoại”