Kho Tàng Truyện Cổ Tích Trong Suốt
Zangthalpa – Phần 39-40-41: Nhà Giả Kim
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội tháng 5/2015
Sau một chuyến kinh doanh và du lịch xa xôi, Zangthalpa trở về trong sự hân hoan của đám học trò lâu ngày mới được gặp Thầy. Ai cũng háo hức nghe thầy kể chuyện và hạnh phúc chiêm ngưỡng những bảo vật mang về từ khắp nơi trên thế giới.
Zangthalpa cất giọng:
– Chuyến này ta có ghé Brasil và nghe được một câu chuyện rất thú vị từ một người bạn cũ tên là Paulo Coelho. Các con có muốn nghe không?
– Có ạ! – Mọi ánh mắt đổ dồn về Zangthalpa.
Zangthalpa khoan thai nở một nụ cười trìu mến nhìn đám học trò:
– Câu chuyện có tên là “Nhà Giả Kim”.
Nhà Giả Kim – Chương 1
Đào được ba đồng vàng
Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam, có một chàng chăn trâu tên là Vũ Thành. Vũ Thành là một người rất bình thường, không có gì nổi trội. Bố mẹ chàng là những người rất sùng kính đạo Phật nên họ luôn mong muốn Vũ Thành vào chùa để trở thành một thầy tu.
Bố mẹ Vũ Thành có hai người con. Anh cả thì đã có con nối dõi còn Vũ Thành không có tương lai gì mấy nên vào chùa, chùa nuôi là hợp nhất! Ngặt một nỗi, nếu muốn tu học thì phải cúng dường cho nhà chùa. Nhưng cha mẹ Vũ Thành vốn là những người nông dân nghèo nên không biết làm thế nào để kiếm đủ tiền cho con đi học. Mẹ chàng lo lắng bàn với chồng:
– Ông ơi, hay là vợ chồng ta thử đi buôn gỗ. Tôi thấy người ta nói buôn gỗ nhanh giàu lắm. Tôi với ông vẫn còn sức khoẻ, mình cố làm ăn cho con mình được học trở thành thầy tu. Con mình chẳng có tài cán gì, gửi vào chùa là đời nó coi như được bảo đảm.
Trái với sự sốt sắng của bà vợ, ông chồng lại rất đủng đỉnh, điềm tĩnh. Ông bảo vợ:
– Bà không phải lo. Cứ lo bên trong, bên ngoài khắc tự lo. Mọi việc đều ổn.
– Gớm! Ông chỉ giỏi nói nhảm! Trong với ngoài cái gì. Chúng ta không lo thì làm sao mà mọi việc lại ổn được? Thằng con mình tính nó ham vui, chỉ thích phiêu lưu chơi bời. Tôi với ông không lo cho con thì đời nó làm sao mà khá lên được?
Ông chồng vốn biết tính vợ mình dễ nổi nóng nên không dám nói gì thêm, đành lủi thủi đi ra vườn. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm: “Tôi bảo là sẽ ổn mà bà không tin. Rồi bà xem!” Nói tới đấy rồi ông cầm cái cuốc để cuốc đất trồng rau. Khi ông cuốc tới gốc cây dâu, bỗng nhiên ông thấy lấp loé ánh sáng.
Ông lại gần thì kì diệu thay, trên mặt đất hiện ra ba đồng tiền vàng, vừa đủ số tiền cúng dường cho nhà chùa. Vui mừng khôn siết, ông hét to lên: “Bà ơi, tôi đã bảo mà. Mọi việc đều ổn. Chúng ta có tiền rồi. Con chúng ta sẽ được đi học rồi!”. Bà vợ lập cập chạy ra thấy đồng tiền lấp loé trên tay chồng thì lấy làm mừng lắm vì như thế là cậu con trai yêu quý của bà đã có cơ hội đổi đời.
Thế nhưng, khi bố mẹ hỏi ý kiến Vũ Thành về việc chàng có muốn trở thành một thầy tu hay không, Vũ Thành lại kiên quyết phản đối. Chàng nói với bố mẹ: “Không, con thích phiêu lưu lắm, đời con mà cứ phải làm thầy tu, quanh quẩn ở một cái chùa, không được ra ngoài ngắm các cô gái đẹp thì còn gì là đời nữa. Con thích sống đời phiêu bồng hơn, gió thổi tới đâu thì phiêu tới đó.”
Vũ Thành chưa dứt lời, mẹ chàng đã mắng xối xả:
– Thằng này! Phiêu với chả bồng cái gì? Sao từng này tuổi đầu rồi mà vẫn lông bông, ham chơi thế hả con? Con định để cha mẹ cứ phải lo lắng cho con tới khi nào đây?
– Mẹ ơi nếu mẹ cứ lo cho con chắc cả đời cũng không hết được vì con chỉ thích phiêu lưu thôi. Thế nên Mẹ đừng lo cho con nữa. Cứ để kệ con xoay sở!
Vốn biết tính ngang bướng và lì lợm của cậu con trai nên hai ông bà đành xuống nước nói lời ngon ngọt.
– Bây giờ nhà ta có ba đồng vàng đây thì theo con chúng ta nên làm gì? Mình ít tiền quen rồi, giờ tự nhiên có tiền, bố mẹ không biết phải tiêu như thế nào cả.
Vũ Thành đăm chiêu chừng được hai giây vì chàng vốn là người vô tư, ít lo nghĩ. Chàng bảo cha mẹ: “Thôi, con không có chuyên môn gì, tốt nhất là bố mẹ mua cho con mấy con trâu. Con sẽ chăm chỉ chăn trâu, trâu lại sinh ra nghé, con sẽ chăn trâu bán nghé cũng đủ tiền sinh sống. Sau này con sẽ tích góp để làm những chuyện khác to tát hơn”.
Nghe kế hoạch chăn trâu của cậu con trai có vẻ khả quan nên bố mẹ Vũ Thành gật lấy gật để trao trọn ba đồng tiền vàng cho cậu để lo làm ăn.
Từ đấy, ngày ngày Vũ Thành chăm chỉ thức khuya dậy sớm chăn đàn trâu mà cha mẹ mua cho. Không những chăm chỉ mà Vũ Thành còn đẹp trai, khoẻ mạnh nên nhiều cô gái trong làng đều để mắt tới Vũ Thành và tìm cách tiếp cận. Mỗi lần ra đồng, các cô hay kiếm cớ chạy ra nói với chàng: “Anh ơi, anh vào đây cho em nhờ một tý”.
Vốn bản tính ga lăng lại nhiệt tình nên cô nào nhờ cũng được Vũ Thành giúp cho một tý. Thế là sau nhiều lần một tý như vậy, Vũ Thành đã trở thành chàng trai dạn dày kinh nghiệm. Tới năm chàng 20 tuổi thì đã hút hoa hưởng mật cả thị trấn và cũng bắt đầu cảm thấy nhàm chán, chàng quyết định mình cần phải lên đường sang vùng đất mới để tìm hoa thơm cỏ lạ nơi khác xem có gì thú vị hơn không.
Giấc mơ kỳ lạ
Một đêm nọ, sau ngày làm việc mệt mỏi, Vũ Thành ngủ say như chết và chàng gặp một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ có một đứa trẻ nói với Vũ Thành: “Kho báu của anh nằm ở Kim Tự tháp Ai Cập, kho báu của anh nằm ở Kim Tự Tháp!” Sáng hôm sau tỉnh dậy, Vũ Thành có chút ngạc nhiên tại sao lại mơ điều kỳ cục như vậy rồi quên bẵng đi. Nhưng kỳ lạ thay, đêm ấy chàng lại ngủ mơ và giấc mơ lặp lại y hệt như vậy.
Từ ấy hầu như đêm nào Vũ Thành cũng lặp đi lặp lại giấc mơ bí ẩn đó. Điều này khiến Vũ Thành không khỏi tò mò “Liệu nó có thật? Nếu mà có thật thì mình cũng nên đi tìm nó xem sao. Dù sao vùng này hoa thơm cỏ lạ mình cũng hưởng đủ rồi, tiện thể mình khám phá xem chỗ khác có gì thú vị hơn không”.
Sự tò mò về giấc mơ cứ lớn dần đã thôi thúc Vũ Thành tới tìm thầy bói Minh Phương nổi danh là Kinh thành Đệ nhất Bói toán. Tuy Minh Phương tuổi còn trẻ nhưng do khôn lỏi nên danh tính rộng khắp cả một vùng.
Năm trước Minh Phương dự đoán một ông buôn gỗ trong vùng sẽ mất hết tài sản nên ông buôn gỗ quyết định cả năm đó không làm ăn để tránh rủi ro. Cả năm ông ngồi đợi mà không thấy bị chuyện gì. Đến tháng cuối cùng, ông tới gặp Minh Phương để làm cho to chuyện thì tới nơi, ông bị Minh Phương mắng xơi xơi cho một trận vì tội không biết điều. Tháng nào Minh Phương cũng cúng lễ cho ông nên ông mới được tai qua nạn khỏi như vậy. Ông này đã không cám ơn lại còn định kiện cô. Cũng vừa lúc ông đi, xưởng gỗ bị bén mồi lửa cháy rụi hết cả, đúng như tiên đoán của Minh Phương. Từ đó, tên tuổi Minh Phương lại thêm bay xa, bay được cả vào tai Vũ Thành. Giấc mơ quá bí ẩn và thôi thúc khiến chàng nửa tin nửa ngờ, muốn đi lắm mà đường đi lại quá gian truân. Nhưng vì chẳng biết nên làm thế nào nên chàng quyết định đành tin ở bà thầy bói Minh Phương trước.
Sáng hôm đó, Vũ Thành tìm tới cái lều màu xanh, bên trong, Minh Phương mặc một chiếc áo màu xanh và đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế cũng màu xanh. Vũ Thành ngập ngừng bước vào thì thấy Minh Phương đang mải tu sữa đậu nành ừng ực, mặt mũi có phần cau có. Từ sáng tới giờ Minh Phương chưa có ai tới coi bói để nàng trổ tài phán như thánh nên trong lòng đang có phần không vui. Vừa nhìn thấy Vũ Thành, Minh Phương đã hất hàm hỏi:
– Anh đến đây làm gì?
– Anh, anh… anh có một…
Vũ Thành có phần ngập ngừng không dám nói ra. Chàng sợ Minh Phương chê cười vì giấc mơ thì có gì để nói đâu. Ai dè Minh Phương nói luôn:
– Anh muốn giải mã giấc mơ đúng không?
Nghe tới đây Vũ Thành liền đứng hình. Chàng tự nhẩm trong bụng “Cô này danh bất hư truyền quả không sai. Cô ấy biết mình đang muốn nói điều gì. Giỏi quá, giỏi quá!”
Thế là Vũ Thành tự tin lên hẳn. Chàng bảo:
– Đúng rồi, có một giấc mơ rất kỳ lạ. Anh hy vọng em có thể giúp anh. Nhưng anh không có gì trả công cho em đâu. Anh nghèo lắm, có mấy con trâu thôi, mà trâu chưa đẻ ra nghé để bán được!
Minh Phương đáp lại:
– Không sao, em sẽ có cách đòi trả công, anh đừng lo, kiểu gì anh cũng trả được.
Vũ Thành nghe đến đó như mở cờ trong bụng, nghĩ rằng Minh Phương đòi trả công kiểu nhờ một tí. Thế là liền nhanh miệng nói “Đưa tay đây anh nắm”. Rồi cầm chặt tay Minh Phương, Vũ Thành bắt đầu thủ thỉ kể cho Minh Phương nghe về giấc mơ. Nghe xong câu chuyện, Minh Phương bảo:
– Giấc mơ có hai loại: giấc mơ của thần thánh và giấc mơ của con người. Giấc mơ của thần thánh thì trong giấc mơ ấy có những biểu tượng phải thần thánh mới hiểu được. Còn giấc mơ con người thì những biểu tượng đấy con người cũng hiểu được. Rất may giấc mơ của anh thuộc loại giấc mơ con người nên em hiểu được. Giấc mơ có một cậu bé nói về một kho tàng. Trong thế giới tộc Tày của em (Minh Phương là người Tày) có một câu nói là: Hãy tin những điều gì đứa bé nói. Nên là anh hãy tin vào đứa bé đấy, hãy đi tìm kho báu ấy đi. Anh có một kho báu đợi anh sẵn ở Kim Tự Tháp Ai Cập.
Vũ Thành nghĩ một lúc rồi nói: “Cảm ơn em!” nhưng trong lòng nghĩ: “Bói thế này thì mình cũng bói được. Nói vậy chả biết đúng hay sai nữa!”
“Anh có được trả công cho em không?” Vũ Thành hỏi tiếp.
Minh Phương trả lời:
– Được, anh được trả công cho em. Em yêu cầu đơn giản thôi, hãy chia cho em 1/10 kho báu anh tìm được.
Nghe Minh Phương nói vậy, Vũ Thành tràn trề thất vọng. Chàng cứ tưởng được “nhờ một tý” mà cái con bé này nó lại chả thèm nhờ gì mới ức. Nhưng mà ngẫm lại, chàng lại thấy sung sướng vì Minh Phương sao mà dại thế. “Kho báu thì chỉ là trong mơ, chắc gì có thật. Tóm lại, mình chẳng mất gì cả. Thế thôi, mình cứ hứa thôi.” Nghĩ vậy, Vũ Thành liền trả lời:
– Được rồi anh hứa, anh hứa là anh sẽ trả em 1/10 kho báu nếu tìm được. Em còn đòi hỏi gì nữa không?
Vũ Thành vẫn cố vớt vát lại, mong được Minh Phương nhờ cho một tý. Hiểu ẩn ý của chàng, Minh Phương thẳng thừng đáp:
– Rất tiếc, anh không phải là kiểu của em. Em thích loại đàn ông phải cao cao, mảnh khảnh một tí. Mà anh trông như con trâu ấy, không hợp với em đâu.
Thế là Vũ Thành ra về, trong lòng không khỏi suy nghĩ về những điều Minh Phương nói. Chí ít đây là người đầu tiên nói Vũ Thành nên tin và làm theo giấc mơ. Bố mẹ chàng thì lúc nào cũng chỉ muốn nếu không làm thầy tu được thì cũng chịu khó chăn trâu quanh quẩn ở nhà, rồi lấy vợ, sinh con để ông bà có cháu bế bồng.
Vũ Thành không khỏi suy nghĩ về việc chàng nên rời bỏ làng quê để đi tìm kho báu. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, chàng cũng có phần đắn đo vì Ai Cập thì cách xa tới hàng ngàn km, không thể vì lời một bà thầy bói mà bỏ đi luôn được.
Hai hòn đá từ Jerusalem
Vài tháng trôi qua, Vũ Thành vẫn chăm chỉ hàng ngày đi chăn trâu, hút hoa hưởng mật nhưng trong lòng cũng cân nhắc giữa việc đi hay ở. Một buổi chiều muộn, khi đang trên đường lùa trâu trở về chuồng, Vũ Thành gặp một ông già đang ngồi bên vạt cỏ. Ông già cất tiếng gọi:
– Này chàng thanh niên đẹp trai, cậu có thể chỉ cho ta đường vào thị trấn được không?
Vũ Thành tiến đến gần rồi hỏi:
– Ông từ đâu đến?
– Ta từ Salem, Jerusalem đến đây.
Vốn tính tò mò, Vũ Thành tiếp lời:
– Ông làm gì ở Jerusalem?
Ông già thủng thẳng đáp:
– Ta là Mintri, vua của Jerusalem.
Vũ Thành vẻ mặt đầy nghi ngờ nhìn ông già từ đầu tới chân bằng ánh mắt dò xét rồi nghĩ thầm trong bụng: “Ông lão này trông còm nhom, nhếch nhác. Đầu tóc lại húi cua giống dân khuân vác. Tai thì nghễnh ngãng, phải đeo cả trợ thính thế kia, làm sao mà là vua của Jerusalem được. Có mà là vua của đám cái bang thì có. Tóm lại, là ai thì không biết nhưng không thể là vua của Jerusalem được”. Nhưng vì giữ lịch sự nên Vũ Thành nói:
– Nghe nói nhà vua thì có nhiều kho báu lắm. Tại sao ngài trông lại rách nát thế này?
Ông già nhắm nhẹ đôi mắt nghỉ ngơi rồi từ tốn trả lời:
– Khi đã tìm được kho báu thực sự rồi thì ta không cần bất kỳ một kho báu bên ngoài nào nữa. Tuy nhiên, cậu chưa tìm được kho báu thực sự thì cậu nên đi tìm kho báu bên ngoài. Số phận đã tiền định là như vậy.
Vũ Thành liền há hốc miệng vì ngạc nhiên. “Tại sao ông lão này lại biết được bí mật của mình? Thế này kỳ lạ quá. Nhưng nhìn ông già có vẻ điên điên nên chắc lão nói linh tinh thôi. Người điên thì nói cái quái gì chẳng được. Thôi, kệ con gà lão đi”. Vũ Thành định bụng chỉ đường cho xong rồi về nhà, nhưng bố mẹ chàng vốn dạy bảo chàng phải lịch sự, lễ phép với người lớn tuổi nên chàng vẫn nhẹ nhàng nói với ông già:
– Ông có lời khuyên gì cho cháu không?
Nhấp ngụm nước mát rồi ông già nói:
– Lời khuyên của ta là hãy đi theo, hãy làm theo những điều mà trái tim cậu mách bảo. Còn ta có món quà tặng cho cậu.
Ông già mở áo để lấy món quà ra thì Vũ Thành chỉ kịp thấy ở ngực ông có thứ gì đó lấp lánh, nhưng vì ông che lại ngay lập tức nên chàng còn chưa kịp định hình ra cái đó là cái gì. Ông già cầm trên tay hai viên đá, một viên đen và một viên trắng rồi nói:
-Đây là hai viên đá thạch anh, một viên đen, một viên trắng. Khi nào cậu không biết phải lựa chọn giữa có và không mà không biết phải làm thế nào thì hãy cầm hai hòn đá này trên tay, lắc lên mà không cần biết kết quả rồi nhét nó vào hai túi quần. Cậu rút một trong hai túi ra. Nếu viên màu đen nghĩa là KHÔNG, viên màu trắng nghĩa là CÓ. Nhớ kỹ lời ta dặn và hãy lên đường đi tìm kho báu đi.
Rồi ông già đưa cho Vũ Thành hai viên đá thạch anh sáng bóng. Tới lúc này, Vũ Thành tuy không tin ông già là vua Jerusalem nhưng thấy ông cũng không phải là người bình thường mà có điều gì đó đặc biệt.

Đêm đó, Vũ Thành nằm vắt tay lên trán nghĩ “Thôi, giờ mình đã đến 20 tuổi đầu rồi, cũng hưởng hết hoa thơm cỏ lạ rồi, bây giờ phải đi tìm những điều trái tim mình mách bảo”. Khi đã quyết định, Vũ Thành nói với cha mẹ bán hết số trâu đi để chàng có tiền lên đường. Bố mẹ chàng tuy lo lắng nhưng biết là không ngăn cản được cậu con trai nên đành đồng ý.
Bán pha lê ở Ả Rập
Từ biệt cha mẹ và quê hương, Vũ Thành lên đường đi tìm kho báu. Chỗ trâu bán đi chỉ được số tiền ít ỏi mà đường qua Ai Cập quá xa xôi nên khi tới vùng biên giới của Ả Rập thì Vũ Thành đã tiêu gần hết số tiền mang theo.
Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, ngày ngày phải chống chọi với nắng và gió mà tương lai thì mù mịt. Trước mắt chỉ có cả một hoang mạc không thấy điểm dừng chân. Kiệt sức, Vũ Thành phân vân có nên tiếp tục lên đường hay quay trở về nhà.
Chàng bỗng nhớ ra lời dặn của ông già liền lôi hai viên thạch anh ra nhắm mắt lại, lắc lắc liên hồi và hỏi: “Xin hãy cho ta biết, ta nên trở về nhà hay đi tiếp?” rồi nhét vào mỗi túi một viên. Khi chàng rút một tay ra thì được hòn sỏi màu trắng, nghĩa là chàng nên tiếp tục cuộc hành trình. Chàng thở dài đánh thượt một cái rồi đành đi tiếp.
Chàng đi mãi, đi mãi tới đỉnh một quả đồi thì đói và mệt, chàng đành ngồi nghỉ và kiếm chút nước để uống. Vũ Thành nhìn quanh chỉ thấy có một cửa hàng bán đồ thuỷ tinh liền đi tới để xin nước. Chàng mở cửa bước vào và nhìn lướt quanh một lượt. Cửa hàng khá nhỏ nhắn, xinh xắn và gọn gàng. Lúc bấy giờ tầm giữa trưa, cửa hàng vắng vẻ không có khách nào, chỉ có bà chủ Vani đang ngồi trông hàng. Vũ Thành liền tiến lại gần và cất lời:
– Chị gái xinh đẹp ơi, em từ xa tới đây, chị có thể cho em xin ít nước uống cho đỡ khát hay không?
Vani nhìn lướt nhanh chàng trai trước mặt thấy toát lên vẻ thật thà, lại có phần đẹp trai, sáng láng liền đon đả đi đến:
– Ôi chào em. Em ngồi xuống đây nghỉ ngơi đã. Để chị đi pha nước lọc cho em, em uống sẽ đỡ mệt ngay. Em ngồi đây đợi chị chút nhé.
Thế rồi, Vani đi vào nhà trong, dáng đi lả lướt, hông bên phải đánh hông bên trái khiến Vũ Thành nhìn theo mà chảy nước miếng. “Chị này đẹp quá, lại có vẻ cô đơn. Để xem mình có giúp được chị ấy một tý không”. Nhưng nhớ lần thất bại trước với Minh Phương nên lần này Vũ Thành tự nhủ phải cẩn thận hơn kẻo bị từ chối thì có mà mất hết cả danh dự.
Vani đi ra mang theo cốc nước rồi mời Vũ Thành uống. Sau khi uống nước xong, Vũ Thành hỏi thăm Vani vài câu về gia cảnh rồi chàng đứng dậy đi loanh quanh mấy kệ hàng đang bày đồ bán. Chàng nhấc lên một chiếc bình hoa rồi lấy khăn lau cho sạch sẽ chiếc bình bám đầy bụi.
Vũ Thành đang lau thì có hai người khách mở cửa bước vào hỏi mua bình hoa. Vũ Thành liền hồ hởi tiếp chuyện thế là họ ưng mua luôn cái bình hoa mà Vũ Thành đang lau. Khách đi rồi, Vũ Thành quay lại nhìn Vani, ánh mắt đầy ẩn ý rồi nói:
– Cám ơn chị đã mời nước em. Giờ em lại phải lên đường rồi. Thế chị còn việc gì cần em giúp nữa không? Em rất sẵn lòng.
Từ nãy tới giờ, Vani mải ngồi quan sát Vũ Thành và với con mắt tinh đời Vani biết Vũ Thành không có tiền. “Cậu này trông khoẻ mạnh lại có vẻ được việc, có lý gì mà không nhờ”. Nghĩ vậy, Vani bảo:
– Được, chị sẽ thuê em làm nhân viên kinh doanh cửa hàng chị, nhưng mà không có lương, chỉ có hoa hồng thôi, nghĩa là bán được hàng thì em hưởng, còn không bán được thì em phải phục vụ chị. Nếu em may mắn kiếm được tiền thì tiền đấy em muốn làm gì thì làm. Còn không bán được mà lại muốn có đồ ăn thì phải phục vụ chị bất kỳ lúc nào chị ngoắc tay. Mà làm thế cũng không có gì mệt nhọc đâu. Chỉ thi thoảng chị nhờ đấm lưng, bóp vai thôi. Em có đồng ý không?
Vũ Thành nghe vậy liền hớn hở đồng ý ngay. Kể từ đó, Vũ Thành trở thành nhân viên bán hàng pha lê cho Vani. Không hiểu có phải do Vũ Thành nói chuyện có duyên lại đẹp trai hay không vì từ lúc Vũ Thành bán hàng thì cửa hàng bắt đầu đông khách hơn trước. Cũng có thể là do tay Vũ Thành khỏe, lau sáng hơn, đồ đẹp lên nên tự nhiên khách tới đông hơn.
Vani bắt đầu thấy hối tiếc vì đã chia hoa hồng cho Vũ Thành. Nếu mà thuê thì không mất hoa hồng, Vani sẽ được lãi nhiều hơn. Vani tiếc nhưng nghĩ bụng “Bù lại thỉnh thoảng nó đấm lưng miễn phí cho mình. Nó còn hỏi là chị có nhờ gì nữa không? Đấy, mình chả mất gì mà lại được thằng bé ngoan, nhiệt tình, đấm lưng miễn phí. Thôi cũng được!”
Một hôm, Vũ Thành bảo với Vani:
– Em có ý tưởng này, bây giờ, chị đổ trà vào trong thủy tinh. Khi nào khách lên đồi chơi, ngoài dịch vụ bán pha lê, chị còn bán trà ở trong pha lê.
Vani gật gù thấy có lý vì khách du lịch đi lên quả đồi cũng đã vừa mệt vừa khát lắm rồi. Nếu họ tới mua đồ, họ ngắm pha lê đẹp và muốn có một cảm giác nghỉ ngơi thì họ sẽ sẵn lòng trả tiền cao hơn nhiều cho một cốc trà trong bình pha lê. Vani tính toán vậy liền làm theo và đúng là doanh thu của cửa hàng bỗng tăng vọt lên hẳn so với lúc trước. Từ đó, số tiền hoa hồng của Vũ Thành cũng tăng lên rõ rệt.
Sau khoảng một năm, Vani đã giàu lên nhanh chóng và thuê thêm ba người giúp việc nữa để phụ việc cho Vũ Thành. Vũ Thành thì đã có đủ số tiền đi tiếp, tuy chưa đủ đến Kim Tự Tháp nhưng cũng đủ để đi tới Ai Cập. Buổi tối hôm đấy, Vũ Thành trốn đi vì biết là nếu đi vào ban ngày thì Vani sẽ khóc lóc lúc chia tay. Nàng đã quá gắn bó Vũ Thành, quá quen với việc được Vũ Thành đấm lưng cho hàng đêm. Còn Vũ Thành nghĩ nếu giờ không có mình đấm lưng nữa thì cũng có người khác đấm lưng cho Vani rồi, việc kinh doanh thì cũng đã thành công nên chàng không nhất thiết phải ở lại. Vani có thể sẽ khóc lóc một lúc nhưng miễn là có người đấm lưng, bóp vai cho nàng thì nàng sẽ vui lại ngay thôi. Nửa đêm, Vũ Thành trốn khỏi nhà của Vani, mang theo một bức hình của nàng đang trong tư thế nằm đấm lưng để làm kỷ niệm. Chàng tự nhủ sẽ luôn giữ hình ảnh của nàng trong trái tim mình.
Người đi tìm Nhà giả kim
Vũ Thành lại lên đường. Lần này, chàng mang hết số tiền mình có đưa cho ông chủ đoàn lạc đà để đi đến biên giới Ai Cập. Ông chủ đoàn lạc đà đồng ý cho Vũ Thành đi cùng. Đoàn người gồm khoảng hai chục người đến từ nhiều nước khác nhau trong đó có một chàng trai người Ấn Độ tên là Chandra. Chandra và Vũ Thành gặp nhau thì hai người cảm thấy đã quen nhau từ lâu nên nhanh chóng trở nên thân thiết.
Một buổi đêm, hai người ngồi trò chuyện, Chandra hỏi Vũ Thành sang Ai Cập làm gì. Vũ Thành nghe bạn hỏi thế cũng có phần cân nhắc không biết mình có nên nói với hắn không. Nhỡ hắn biết được lại đi chiếm chỗ vàng của mình. Nhưng sau một thời gian đi cùng nhau, Vũ Thành thấy Chandra cũng lành lành, chắc cũng chỉ hám gái giống mình thôi chứ không hám tiền. Một hôm, hai người ngồi trò chuyện bên mỏm đá, Chandra lại hỏi lại Vũ Thành:
– Vũ Thành này, anh vẫn chưa nói cho tôi biết lý do anh sang Ai Cập.
Lần này Vũ Thành không né tránh nữa. Chàng nói với Chandra:
– Thật ra, tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ đấy có người nói tôi nên đi sang Ai Cập tìm kho báu.
Vũ Thành chắc mẩm Chandra sẽ ngạc nhiên lắm nếu có đứa chỉ vì giấc mơ mà qua Ai Cập như mình. Ai dè Chandra thủng thẳng nói:
– Ai chẳng đi tìm giấc mơ của mình.
Vũ Thành nghe thế bèn chưng hửng luôn, bỏ vào lều đi ngủ. Vừa đi Vũ Thành vừa nghĩ “Trên đời có lắm thằng cứ tỏ ra nguy hiểm. Mình trước giờ chỉ có chăn trâu chả được học hành gì, nó nói thế thì bố mình cũng không hiểu nổi. Nhưng xem ra hắn có vẻ cũng là một đại cao thủ, có nhiều điều để mình học hỏi đây”.
Mấy hôm sau có dịp ngồi riêng với Chandra, Vũ Thành mới hỏi:
– Thế cậu đi sang Ai Cập làm gì?
Chẳng chút đắn đo, Chandra trả lời:
– Tớ đi tìm Nhà giả kim.
Lần đầu tiên trên đời, Vũ Thành mới được nghe khái niệm về nhà giả kim, bèn hỏi:
– Hả? Nhà giả kim là cái gì?
Chandra cười mỉm mỉm ra vẻ nhà thông thái, vỗ vai bảo Vũ Thành:
– Chắc chưa ai nói với cậu về điều này đâu nhỉ. Thôi được! Để tôi giúp cậu mở mang tầm hiểu biết vậy.
Từ cổ xưa, ở thế giới này, có những người biết một loại khoa học đặc biệt. Khoa học đấy gọi là Đại Huyền Thuật. Những người này họ được gọi là những nhà giả kim. Điểm đặc biệt ở họ là họ có thể luyện chì… thành vàng. Ở phương Đông rất nhiều người học làm chuyện đấy, nhưng số người thành tựu nó rất ít.
Tôi đã nghiên cứu về môn khoa học này nhiều năm nay và tôi đã mang theo tất cả những tài liệu mà tôi có thể tìm kiếm được để học về thuật giả kim này. Sách viết rằng nhà giả kim họ sẽ nung các kim loại khác nhau và cuối cùng họ chiết được tinh chất của kim loại làm ra một quả trứng gọi là quả trứng thần kỳ. Chỉ cần lấy một mẩu của quả trứng đấy ra ném vào một nồi chì, nồi chì đấy sẽ biến thành vàng.
Nhưng không chỉ như vậy, mà trong quá trình nung chảy đấy, họ còn luyện được một loại nước gọi là nước trường sinh, ai uống vào liền hết bệnh tật ngay lập tức. Đây là những bí thuật đã được truyền từ đời này sang đời khác.
Hơn tất cả, những nhà giả kim đã nhận ra rằng: Hóa ra cuối cùng mình không phải là luyện vàng mà luyện tâm mình. Khi mình thanh lọc kim loại chính là thanh lọc tâm mình và người nào đạt được Đại huyền thuật chính là những người đã thanh lọc tâm mình hoàn toàn. Tôi đang trên đường đi tìm cái Đại huyền thuật đấy.
Vũ Thành nghe như nuốt từng lời Chandra nói và khi câu chuyện kết thúc rồi, miệng chàng vẫn há hốc ngạc nhiên vì những điều vừa nghe. Chandra đã mở ra cả một thế giới mới cho Vũ Thành vì lần đầu tiên trong đời, cậu được nghe những điều kỳ diệu như vậy.
Đặc biệt, Chandra còn nói, chắc chắn những người đấy vẫn còn tồn tại trên đời này, chẳng qua là phải đi tìm một chút thôi, cứ cố tìm là sẽ thấy. Vũ Thành bèn năn nỉ Chandra cho cậu mượn đống sách quý của Chandra để đọc vì nó mở mang cho chàng rất nhiều những khái niệm về tâm linh, về vũ trụ và về mọi thứ của cuộc sống.
Từ đó, Vũ Thành say mê nghiên cứu đống sách vở và việc này làm cho cuộc hành trình vốn đang hết sức tẻ nhạt bỗng trở nên vô cùng hấp dẫn. Cứ mỗi khi cả đoàn dừng chân nghỉ ngơi thì Vũ Thành lại mải mê đọc sách. Còn Chandra hay đóng cửa lều lại, đem các bình thuỷ tinh ra bỏ kim loại này nấu vào kim loại kia, có hôm cháy bùng, cháy luôn cả căn lều nhưng Chandra vẫn say mê sáng chế. Lông lá trên người Chandra cũng thi thoảng cháy xém hết cả khiến Chandra tóc tai bờm xờm, xơ xác trông xa tưởng Robinson lạc trên sa mạc.
Nhà Giả Kim – Chương 2
Tình yêu sét đánh nơi ốc đảo
Sau nhiều ngày, cả đoàn đi đến một ốc đảo giữa sa mạc rất đẹp. Đoàn người dự định sẽ ở lại đây khoảng hai, ba ngày và bằng những điều đã đọc trong sách vở, Vũ Thành và Chandra nghĩ rằng chỗ này có thể có nhà giả kim. Vì vậy, họ tận dụng thời gian ở đây để đi dò hỏi khắp nơi về nhà giả kim. Ban đầu, họ hỏi về nhà giả kim nhưng không ai biết nhà giả kim là gì?
Vũ Thành và Chandra liền nhớ lại trong sách hay viết, nhà giả kim có những pháp thuật đặc biệt, thường họ là nhà tiên tri hoặc thầy thuốc nên hai người lại đi hỏi lại một vòng xem ở ốc đảo có nhà tiên tri hay thầy thuốc nào nổi tiếng không, nhưng cũng không tìm ra được nhà giả kim mà họ đang tìm kiếm.
Một hôm, Vũ Thành và Chandra đang vừa đi vừa đàm đạo với nhau. Lúc đi qua một dòng suối rất đẹp trên ốc đảo, hai người gặp một cô gái mặc bộ áo tím huyền bí và khuôn mặt lấp ló sau chiếc mạng che mặt, chỉ hở ra cặp mắt.
Khi Vũ Thành đưa mắt nhìn cô gái, Vũ Thành bỗng thấy toàn thân như bị điện giật, lông tóc dựng đứng cả lên khiến chàng chỉ muốn chạy đến gần cô gái. Với kinh nghiệm tình trường từ trước tới giờ, chàng biết mình đã trúng tiếng sét ái tình.
Chandra cũng ngước nhìn cô gái, nhưng với kinh nghiệm của mình, Chandra biết ngay, đây không phải nhà giả kim mà anh đang tìm kiếm nên Chandra chẳng mảy may nhìn xem cô gái có xinh đẹp hấp dẫn hay không.
Vũ Thành thì ngược lại, cả thế giới của chàng lúc đó thu bé lại chỉ bằng 1 cô gái. Chàng dán mắt dõi theo từng bước đi của nàng rồi tưởng tượng ra từng đường cong ẩn dưới đống quần áo bùng nhùng kia ra sao. Nước dãi chảy ròng ròng, Vũ Thành lẩm nhẩm “Chuẩn rồi, chuẩn rồi. Đây đúng là người phụ nữ mà bấy nay mình hằng tìm kiếm rồi”.
Thế là để mặc Chandra ngồi lại bên bờ suối, Vũ Thành bí mật theo chân cô gái đi về nhà. Tới một toà lâu đài tráng lệ và có nhiều lính canh gác, cô gái đi vào và biến mất sau cánh cửa. Vũ Thành lân la hỏi chuyện anh lính gác đứng đó mới biết cô gái mà anh vừa nhìn thấy hoá ra là con vị tù trưởng Jigme của ốc đảo này.
Biết vậy, Vũ Thành thấy mình khó có cơ hội gặp lại nàng nhưng ngày hôm sau, chàng lại đi ra bờ suối ngồi đợi với hy vọng biết đâu nàng lại đến đây lần nữa. Trời quả không phụ lòng Vũ Thành, đúng giờ như hôm qua, cô gái lại ra suối, mang theo vò nước để lấy nước về.
Hoá ra Sarawati – tên cô gái, cũng nảy sinh tình yêu sét đánh khi vừa nhìn thấy Vũ Thành, khiến nàng lảo đảo suýt đánh rơi cái bình quý. Chợt nhớ ra, nàng vội đọc câu thần chú “Om mani peme hung” nên mới kịp định thần lại. Nàng tự nhủ “Cái bình này là quà quý của cha tặng cho mình. Mình có mê giai đẹp đến mấy thì cũng không thể bỏ bình được. Mà giai đẹp thì âu cũng là ảo ảnh. Sao phải xoắn?” Thế là Sarawati cố tỏ vẻ nghiêm trang, ngồi điềm tĩnh múc nước nhưng trong lòng thì háo hức muốn liếc nhìn chàng thanh niên đẹp trai kia.
Ngày hôm sau, ở nhà vẫn còn nhiều nước nhưng nàng vẫn kiếm cớ để vác bình ra suối lấy nước với hi vọng được gặp chàng đẹp trai hôm qua. Trời cũng không phụ lòng nàng, cuối cùng nàng cũng thấy Vũ Thành thật. Lần này, Sarawati tuy miệng thì đọc liên hồi “Om mani peme hung, om mani peme hung…”, đầu thì bảo “ảo ảnh, ảo ảnh” nhưng mắt thì vẫn dính chặt vào Vũ Thành. Vũ Thành đứng bên này bờ nhìn đắm đuối sang Sarawati, đôi mắt toé lửa tình, miệng chàng cười mỉm để gây ấn tượng hết nấc với Sarawati.
Hai người cứ đứng đó nhìn nhau đắm đuối cho tới khi Chandra đi tới và đập vào vai Vũ Thành, kéo chàng trở về thực tại. Chàng giật mình ngoảnh lại nhìn lướt qua Chandra rồi lại tiếp tục quay sang nhìn cô gái. Nhưng Sarawati đã biến mất tự lúc nào. Vũ Thành trong lòng vô cùng buồn bã vì ngày mai chàng lại phải khởi hành lên đường mà còn chưa kịp tỏ tình với Sarawati. Chandra cũng rất buồn. Nhưng không phải vì Sarawati mà vì cả ba ngày nay, anh đi dò hỏi khắp nơi mà vẫn không tìm được nhà giả kim.
Theo dự kiến, ngày hôm sau cả đoàn lại lên đường để tiếp tục cuộc hành trình thì tự nhiên tối hôm đấy, ông trưởng đoàn đến gặp, nói là nghe đồn xung quanh đây sắp xảy ra chiến tranh. Nếu bây giờ đi tiếp thì rất nguy hiểm vì cả đoàn mà bị cướp tấn công là chết sạch.
Phương án tốt nhất là cả đoàn sẽ ở lại ốc đảo này thêm một tháng nữa, đợi hết chiến tranh thì sẽ lên đường đi tiếp. Nghe đến đây, cả Vũ Thành và Chandra đều nhảy lên mừng rỡ, hét to “Ôi, sống rồi, sống rồi, tốt rồi, tốt rồi”. Thấy bộ dạng hai chàng thanh niên như vậy, ông trưởng đoàn chỉ cười xoà rồi quay đi, để mặc hai chàng trai vẫn ôm nhau hò hét.
Vũ Thành và Chandra đều mừng nhưng mỗi người mừng vì một điều khác nhau. Chandra thì cảm nhận là có một nhà giả kim ở quanh đây bằng các dấu hiệu trong sách vở viết. Còn Vũ Thành thì cảm thấy tình yêu đang ở quanh đây, ngập tràn không gian. Thế là một người thì ban ngày đi tìm tình yêu, ban đêm ngủ; còn một người thì ban đêm lang thang tìm nhà giả kim, ban ngày lăn ra ngủ.
Quả nhiên có một nhà giả kim Singha ẩn dật đang ở trong ốc đảo đó thật. Nhưng bà không phải thầy thuốc, cũng không phải nhà tiên tri nên Chandra không thể tìm được bà. Nhà giả kim Singha không mê gì, chỉ mê đồ cổ nên suốt ngày bận đi đấu giá. Nếu Chandra biết được điều này mà đi tìm bà ở mấy phiên đấu giá thì đã tìm ra bà từ lâu.
Bằng khả năng cảm nhận nhạy bén, Singha biết rằng, học trò của mình cũng sắp xuất hiện nên bà chủ động đi vào trại của đoàn lữ hành mới tới để tìm học trò. Singha ban ngày thì gặp một thằng cha si tình và mê gái, cứ lẽo đẽo đi theo gái về tận nhà rồi hôm sau lại ra bờ suối ngồi đợi. Còn ban tối, Singha lại gặp một chàng trai yêu nghề, cứ lách cách chai chai lọ lọ, luyện kim tới cháy xém cả lông lá lẫn lều trại. Singha cảm nhận được rằng một trong hai người này, chính là học trò sắp tới của bà. Còn là ai thì bà phải quan sát kỹ hơn. “Một bên thì mê đạo, một bên thì mê gái. Để xem thế nào” – Singha nghĩ thầm.
Ảo ảnh thành sự thật
Lại nói về phần Vũ Thành, từ hôm đó, ngày ngày chàng chỉ biết ngắm mỗi hai thứ: Sarawati và sa mạc. Sáng sáng, chàng dậy sớm ra ngồi bên suối đợi nàng rồi hai người ngồi ngắm nhau. Sarawati đi về nhà thì chàng lại lang thang ngắm sa mạc
Một hôm, Vũ Thành đang nhìn sa mạc, bỗng thấy xuất hiện hình ảnh một đoàn quân ào ạt xông vào tấn công và chém giết hết mọi người ở ốc đảo. Vũ Thành giật mình bừng tỉnh, tự trấn an mình “Chắc là mình thấy ảo ảnh thôi. Người ta bảo ở trên ốc đảo hay nhìn ra ảo ảnh. Nhưng sao mình lại cảm thấy nó rất thật. Mà nếu thế, mình cần phải đi báo với tù trưởng sớm. Nhưng nếu ông ta bảo mình tưởng tượng, bảo mình bị điên, không tin mình thì sao. Thôi kệ, để mình hỏi xem “thần đá” khuyên gì”.
Sáng đấy, tù trưởng Jigme đang ngồi họp cùng các tù trưởng của các bộ tộc xung quanh nhưng ông không tập trung để nghe được mọi người nói gì. Jigme đang bực bội vì chuyện của cô con gái Sarawati mà ông rất mực cưng chiều. Con gái ông vừa đẹp người, vừa đẹp nết nên đã tới tuổi gả chồng mà ông vẫn chưa thấy ai xứng đáng với con mình.
Gần đây, ông nghe người hầu bẩm báo là có một thằng cứ rình mò con gái ông. Ông cho người dò la tin tức thì biết thằng đó là đứa chăn trâu từ xa tới, vừa nghèo vừa chả có nghề ngỗng, tương lai gì chỉ suốt ngày bám theo con gái ông. Mà khổ nỗi, cái đứa con gái ham giai đẹp của ông có vẻ cũng siêu lòng trước thằng chăn trâu đó nên ông đang đau đầu tìm cách để chia rẽ hai người. Jigme đang miên man chìm trong suy nghĩ, tính toán thì bỗng đâu thấy thằng chăn trâu đáng ghét xồng xộc chạy vào, thở hổn hển nói:
– Thưa Ngài, tôi có chuyện muốn trình báo Ngài!
Jigme trong lòng vốn đã ghét Vũ Thành sẵn, ông chả cần biết cái thằng trước mặt nó muốn nói gì, tiện có sẵn các tù trưởng khác ở đấy liền kiếm cớ trả thù ngay:
– Bay đâu lôi thằng này ra ngoài cho ta mau. Ai cho phép nó tự tiện xông vào đây. Hãy đánh nó chục roi cho nó biết thế nào là phép tắc.
Vũ Thành hoảng hốt nhưng vẫn kịp la to lên:
– Không, chuyện này liên quan đến sinh tử chứ không phải liên quan đến con gái bác đâu.
Các vị quan khách thấy Vũ Thành nói vậy liền ngăn cản Jigme:
– Anh cứ để xem nó nói gì đã rồi xử sau chưa muộn.
Vũ Thành liền hít một hơi rồi nói cả tràng dài:
– Cháu thấy cảnh 2000 quân, à 500 quân, bất ngờ tấn công và giết sạch mọi người trong ốc đảo, giết rất nhiều người. Cháu thấy xác người nằm la liệt toàn máu là máu.
Vũ Thành chưa dứt lời mọi người đã cười ồ lên.
Một tù trưởng đứng dậy bảo Vũ Thành:
– Thằng kia, mày chỉ giỏi tưởng tượng. Sa mạc nhiều đời nay vốn có quy ước là đánh gì thì đánh không được đánh ốc đảo. Ốc đảo là vùng trung lập, là nơi để mọi người nghỉ ngơi dưỡng sức. Từ hàng ngàn năm rồi chúng ta chưa từng đánh nhau, đánh nhau tranh cái gì thì tranh nhưng ốc đảo thì không tranh với bên nào cái gì nên điều mày nhìn thấy chỉ là thứ vớ vẩn! Làm gì có chuyện đấy.
Trong lúc mọi người mải cười thì Jigme vẫn ngồi yên lặng và tập trung suy nghĩ. Tuy Jigme rất ghét Vũ Thành nhưng ông vẫn có sự sáng suốt nhất định để đánh giá câu chuyện Vũ Thành kể. Đợi mọi người hết xôn xao bàn tán, Jigme cất lời:
– Biết đâu nhỡ chiến tranh xảy ra thì sao. Thầy Singha thường nói Vô thường mà! Cái quái gì chẳng có thể xảy ra. Thôi bây giờ thế này! Tôi nghĩ là thằng bé này có thể nó chỉ gây ấn tượng với chúng ta thôi. Nhất là tôi lại có đứa con gái xinh đẹp nữa, nó chắc là thuộc loại háo sắc. Cho nên chúng ta sẽ chuẩn bị quân đội để chuẩn bị chiến đấu; còn nếu ngày mai mà không xảy ra chuyện gì thì ta sẽ đem nó ra thiến, cắt luôn! Thế là xong!
Sarawati đứng nghe trộm sau tấm rèm thấy cha mình nói vậy liền rụng rời chân tay, suýt đánh rơi cả bình quý. Vũ Thành thì ngược lại, chàng rất tự tin vào cảm giác của mình và chàng chấp nhận ngày mai mình có thể bị thiến.
Thế là mọi người mài dao sẵn để chuẩn bị cho cuộc chiến vào ngày mai. Quả nhiên ngày hôm sau, một toán quân gồm 500 người rầm rập lao vào doanh trại hô chém chém giết giết. Nhưng khi đến ốc đảo, ốc đảo không có ai hết bởi trẻ em và phụ nữ đã được di tản còn đàn ông thì mai phục xung quanh.
Khi toán cướp còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì bỗng nghe tiếng reo hò ầm ầm. Tất cả quân sĩ và thanh niên trai tráng trong ốc đảo xông vào đánh và giết sạch toán cướp duy chỉ còn lại tên tướng cướp cầm đầu bị bắt sống.
Khi tên cướp được giải tới trước mặt Jigme, Jigme hỏi hắn vì sao lại vi phạm luật ngàn năm của toàn sa mạc đã đề ra là không được cướp bóc, chiến tranh ở ốc đảo. Tên cướp nói “Chúng tôi vì đói khát quá mà làm liều. Chúng tôi nghĩ rằng nếu cướp được ốc đảo thì có thể có đủ lương thực trong một thời gian”. Jigme nghe vậy liền thở dài một cái và thầm nghĩ: “Đúng là ở đời, mọi sự vốn khó lường”.
Tên cướp sau đó bị treo cổ ở giữa chợ. Ốc đảo lại trở về cuộc sống yên bình như trước. Nhưng tù trưởng Jigme đã có cách nhìn khác về Vũ Thành. Ông cảm thấy cậu này có gì rất đặc biệt vì phải hiểu được tâm linh của sa mạc thì mới thấy linh ảnh như Vũ Thành đã thấy.
Jigme không biết Vũ Thành là ai nhưng ông đoán Vũ Thành “không phải dạng vừa đâu”. Thế là, không những ông đồng ý gả con gái cưng của mình mà còn mời Vũ Thành làm cố vấn cho ốc đảo. Vũ Thành nhờ đó mới có cơ hội gặp mặt Sarawati và trò chuyện. Chàng thổ lộ với nàng:
– Lần đầu tiên nhìn thấy em anh đã say đắm đôi mắt nhung huyền của em nhưng anh chỉ dám nhìn thôi. Anh đã để ý em từ lâu, nhưng mà anh cảm thấy khoảng cách mình quá xa nên anh không dám gặp em.
Sarawati nghe Vũ Thành nói thế cũng thổ lộ nỗi lòng.
– Em cũng đã để ý anh từ lâu rồi. Nhìn mớ cơ bắp cuồn cuộn của anh, Em ôm bình quý trên tay mà mấy lần suýt làm vỡ bình.
Vũ Thành nghe vậy như mở cờ trong bụng liền mạnh dạn nắm tay Sarawati định làm liều hôn một cái nhưng Sarawati ngoảnh mặt tránh kịp, rồi nàng nói:
– Em là người con gái của sa mạc. Em không muốn lấy một người đàn ông bình thường. Em muốn lấy một người đàn ông mạnh mẽ và dám đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Nhìn ánh mắt của anh, em cảm thấy rằng anh chưa muốn dừng lại. Nên em nghĩ rằng anh hãy tiếp tục cuộc hành trình của anh. Anh hãy đi rồi quay về. Nếu anh đi rồi mà anh vẫn quay lại gặp em thì tình yêu của chúng ta mới chân thật. Còn anh đi mà không quay lại thì thôi, em sẽ sẵn sàng mất anh, mặc dù em vẫn nhớ đến mớ cơ bắp của anh.
Câu nói của Sarawati làm Vũ Thành chợt bừng tỉnh: “Người con gái này thật đặc biệt, không như những cô nàng mà mình đã từng gặp. Nàng hiểu mình và khuyên mình nên đi theo tiếng gọi trái tim. Nàng thật tuyệt vời. Thôi, mình nên tiếp tục lên đường còn chuyện với nàng thì để tuỳ duyên vậy”, Vũ Thành nghĩ thầm. Thế là hai người chỉ đứng nắm tay và nhìn nhau đắm đuối, cũng chưa kịp hôn nhau hay làm gì nữa.
Nhà Giả Kim
Lúc đấy, chiến tranh đã kết thúc, đoàn người lại chuẩn bị lên đường. Trước ngày lên đường, tối ấy, Vũ Thành và Chandra đang trên đường trở về lều, vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Bỗng nhiên có một con ngựa, một kỵ sĩ áo đen bay vọt qua, xuất hiện trước mắt hai người. Kỵ sĩ này rất hung bạo, rút ra một con dao trắng, dí vào mặt Vũ Thành và bảo “Có bao nhiêu tiền thì đưa cho ta mau bằng không ta sẽ giết chết cả hai ngươi và cướp sạch đi những gì các ngươi có”.
Thanh kiếm dí vào mặt Vũ Thành khiến mặt chàng rỉ máu nhưng lúc đó Vũ Thành không bận tâm về vết thương mà đang nghĩ về chuyện làm sao để gặp lại Sarawati một lần trước khi chàng lên đường. Thanh kiếm liền lập tức lia qua Chandra, dí vào trán và cũng rỉ máu. Chandra nhanh trí, quyết định ngay lập tức sẽ cống nạp cái gì đó để khỏi phải chết. Sau vài phút nghĩ ngợi, Chandra rút trong túi ra một quyển sách và bảo:
“Tôi không có tiền nhưng tôi có thứ này. Đây là quyển sách nói về cách giả kim, tôi phải đổi bao nhiêu vàng mới lấy được nó. Mà tôi nghiên cứu nó đến bây giờ tôi chưa hiểu hết. Đây là những thứ mà tôi có được. Còn tiền bạc thì tôi không có, ông hãy cầm đi”.
Về phần Vũ Thành, khi thấy mùi máu trên mặt sộc lên mới bừng tỉnh, Vũ Thành lục soát trên người mình, nhìn lên nhìn xuống, nhìn trái, nhìn phải nhìn các bộ phận xem có gì quý không. Lục một hồi, Vũ Thành bảo tên cướp:
– Tôi chẳng có gì. Tôi có mỗi hai hòn…
Tên cướp nghe thấy chữ hai hòn nản quá, không thèm nghe hết Vũ Thành định nói là hai hòn đá thạch anh, liền xông vào Vũ Thành để đánh thì Vũ Thành thét lên:
– Khoan đã, tôi còn có thứ quý hơn hai hòn.
Tên cướp liền dừng lại nói:
– Mày biết điều thì mau đưa ra đây không thì tao sẽ lấy hai hòn của mày vậy.
Hoá ra, Vũ Thành nói xong rồi mới chợt nhớ. Anh còn một thứ quý hơn hai hòn đá kia rất nhiều. Anh nhìn tên cướp rồi nói “Tôi có một trái tim đầy tình yêu. Ông hãy lấy đi”. Xong rồi xé toạc áo ngực ra.
Thấy Vũ Thành làm vậy, tên cướp không nói gì liền lấy tay tóm Vũ Thành lên ngựa rồi chạy luôn và quẳng lại cho Chandra quyển sách. Chandra trong lòng vô cùng mừng rỡ vì sách quý không bị mất nhưng chờ cho tên cướp đi xa mới dám lại gần nhặt sách lên. Khi nhặt lên, Chandra thấy phía cuối quyển sách có ghi dòng chữ “Chúc bạn may mắn lần sau, kí tên Singha”. Chandra ngất lịm vì sửng sốt, anh đã nhận ra tên cướp đó là ai.
Tên cướp phi ngựa như bay, đến một cái hang thì thả Vũ Thành xuống. Vũ Thành tưởng phen này mình bị mổ tim đến nơi. Ai dè tên cướp bảo:
– Nhà ngươi ngồi xuống ta muốn nói chuyện với ngươi!
Vũ Thành lấy lại bình tĩnh và ngồi xuống thì thấy tên cướp đưa cơm cho Vũ Thành ăn. Đợi chàng ăn xong, tên cướp đưa cậu cốc nước uống rồi nói:
– Thực ra ta không phải là cướp. Ta đến trực tiếp để xem ai là người sẵn sàng để theo ta. Ta nhận ra hai người đều có khí chất rất dũng cảm vì khi dí dao vào mặt không ai sợ hãi hết. Nhưng Chandra, hắn còn đang quá tâm trí nên chưa sẵn sàng đi theo ta được. Người nào đi theo ta phải sống bằng trái tim mình, nên ta chọn ngươi trước còn tên kia thì đợi ba năm nữa. Khi đến một thời điểm nhất định mà tâm trí hắn đã cảm thấy bế tắc, hắn bắt đầu chuyển sang trạng thái vô trí thì ta sẽ xuất hiện để dẫn hắn theo sau.
Vũ Thành nghe vậy cất tiếng hỏi:
– Tóm lại bà là ai?
– Ta chính là người các ngươi tìm kiếm bấy nay. Ta là nhà giả kim!
– Sao mà tôi tin bà được? Trông bà chẳng có vẻ gì là nhà giả kim cả. Tướng cướp thì giống.
Singha chẳng buồn đáp lại, lẳng lặng rút ra một quả trứng trông như vàng và búng một tí mẩu vụn. Mẩu vụn rơi xuống đất lập tức mặt đất xung quanh biến thành vàng khiến Vũ Thành há hốc miệng không thốt lên lời nào. Singha tiếp tục lôi ra một chai nước rồi lấy một giọt nước búng vào mặt của Vũ Thành. Thế là vết thương hồi nãy trên mặt Vũ Thành lập tức liền lại không còn dấu vết gì. Đến đây thì Vũ Thành liền quỳ ngay xuống và nói:
– Tuyệt vời quá, đúng là Thầy rồi. Con đi tìm Thầy bấy nay. Xin Thầy hãy dạy cho con. Xin Thầy hãy dạy cho con thuật giả kim.
– Con hiểu gì về giả kim? Ta sẽ nói cho con nghe. Trên đời này có ba loại nhà giả kim.
- Loại thứ nhất là loại chỉ biết ba hoa nói về giả kim, còn không bao giờ làm được chuyện ấy cả. Loại đó sẽ nói rất nhiều. Giảng dạy cho người khác, kể tất cả mọi chuyện trên đời viết thành sách, nhưng lại không bao giờ làm được.
- Loại thứ hai là người thật sự làm được và có khả năng dạy cho người khác.
- Loại thứ ba là loại không đi tìm giả kim mà chỉ đi theo trái tim mình mà thôi, nhưng cuối cùng lại trở thành nhà giả kim cuộc đời.
Ta thuộc loại hai. Ta là nhà giả kim thực sự, có thể biến đá, biến các thứ linh tinh thành vàng và ta có thể chữa người bệnh thành người lành lặn. Nhưng mà con không phải tuýp của ta, không phải tuýp nhà giả kim đấy, con là loại ba. Loại của con sẽ trở thành nhà giả kim cuộc đời. Con có thể không biến được đá, chì thành vàng, nhưng có thể biến tâm người khác thành vàng.
Thế nào là thành vàng? Vàng đã bị hiểu lầm từ ngàn xưa đến nay. Vàng là loại thanh khiết nhất, chứ không phải là thứ kim loại quý hiếm để người ta tranh giành lẫn nhau. Nó là một loại kim loại tinh khiết nhất, đấy là lý do mà những nhà giả kim chân chính khi luyện vàng sẽ nhận ra sự tinh khiết đấy. Còn người đời hiểu lầm vàng thành những thứ tiền bạc, quyền lực.
Những người loại hai thì sẽ như ta, sẽ trở thành một nhà huyền thuật có thể làm tất cả chuyện nọ, chuyện kia. Nhưng mà đại huyền thuật không chỉ xảy ra ở việc biến vật chất thành vật chất mà nó còn xảy ra ở chuyện biến tâm của một người bình thường trở nên tinh khiết, đấy mới là ý nghĩa của giả kim, một nhà giả kim xịn.
Vì thế ta không dạy bí quyết cho con, vì con không thuộc loại hai. Còn thằng cha kia có thể làm đệ tử tương lai của ta. Hắn thì sau này ta sẽ dạy thành nhà giả kim. Còn con thì ta không dạy nổi, ta chỉ dạy một điều duy nhất: Đó là gì? Hãy làm điều trái tim con hát, con sẽ tìm thấy đại huyền thuật mà con hằng mong muốn. Giờ thì ta và con tạm biệt nhau thôi.
– Nhưng thưa Thầy, bây giờ con không đủ sức đi trên sa mạc mênh mông như thế này một mình. Con xin Thầy giúp con một lần nữa – Vũ Thành van vỉ.
Singha nghĩ sao cũng thấy mủi lòng nên đồng ý giúp Vũ Thành. Thế là hai thầy trò bắt đầu hành trình đi xuyên vào sa mạc. Singha vốn rành sa mạc như lòng bàn tay nên chả mấy chốc đi đã tới ốc đảo thứ hai.
Vừa chân ướt chân ráo tới nơi thì Singha và Vũ Thành gặp một toán cướp. Trên người Vũ Thành lúc này là cả một bọc vàng tiền thưởng của tù trưởng Jigme ban tặng lần trước. Toán cướp thấy Vũ Thành cứ giữ khư khư cái túi rất khả nghi nên bắt lại để giải lên nữ thủ lĩnh Anatta của chúng. Mụ này tính tình vốn nóng nảy hung dữ nên chẳng cần biết Vũ Thành phân bua gì, lệnh lôi Vũ Thành ra chém. May sao có nhà giả kim Singha ở đó, vừa nhìn thoáng qua mụ Anatta, bà đã biết mụ ta có tính tò mò. Thế là Singha đã nhanh chóng đỡ lời:
– Xin bà đừng vội đừng vội, thật ra chàng trai này mang món quà đó tặng bà. Hắn chính là một nhà giả kim.
– Hả? Giả kim là cái gì?
– Dạ đây ạ.
Singha chỉ cái túi mà Vũ Thành vẫn đang giữ khư khư trong tay. Singha mở ra thì Anatta thấy chao ôi toàn vàng là vàng. Anatta thấy thế cũng có phần tin lời Singha nhưng vẫn nghi nghi bảo: “Bà mày không dễ mà mắc bẫy mấy đứa lẻo mép tụi bay đâu. Chỗ này chắc là mỹ ký chứ gì. Tụi mày nói thật đi. Tụi mày đi do thám cho bọn quân đội bên kia đúng không?”
Thấy vẻ mặt vẫn đầy nghi ngờ của tên thủ lĩnh, Singha nói thêm:
– Nếu bà vẫn không tin thì bà đợi ba ngày nữa, nhà giả kim này có thể hóa thành gió thổi bay cả một khu trại. Còn nếu chúng tôi nói sai thì ba ngày nữa bà chém đầu chúng tôi cũng đâu có muộn.
Anatta nghe vậy, có phần bị thuyết phục nên bảo bọn cướp:
– Bay đâu, giữ lạc đà, giữ ngựa của tụi này thôi còn đâu để cho bọn chúng đi lại trong doanh trại. Nếu sau ba ngày nữa mà tên nhãi ranh này không làm được như những gì mà mụ già kia khua môi múa mép thì ta sẽ lấy mạng cả hai bọn bay.
Nhà Giả Kim – Chương 3
Luyện tâm thành vàng
Thế là Vũ Thành và Singha được cởi trói chân tay để đi về lều. Vừa về tới nơi, Vũ Thành cáu kỉnh nói với Singha:
– Trời ơi, sao Thầy lại nói thế? Thầy chém gió thì cũng phải chọn gió mà chém chứ. Sao không chọn cái gì dễ mà con có thể làm được. Con cũng chỉ biết chém gió thôi chứ con biến thành gió thế quái nào được? Thầy chém thế này thì cả hai ta cùng chết à?
– Không phải lo. Nếu có chết thì cũng có mình ngươi chết thôi. Còn ta biến thành gió bay đi là xong. Ngươi không tin ta mà bái ta thành Thầy như thế quả là sỉ nhục ta.
– Dạ con đâu dám! Nhưng đời con chưa thấy ai biến thành gió bao giờ nên con thấy có gì đó nó sai sai. Thôi! Bây giờ Thầy dạy con luôn đi!
– Người bình thường học bí kíp này mất ba năm nhưng để xem ngươi thế nào. Có thành gió được không hay thành cái xác chết. Ngươi dỏng tai lên mà nghe đây: muốn biến thành gió rất dễ. Ngươi chỉ cần không tin ngươi là thân thể này. Ngươi sẽ không còn giới hạn ở cái thân thể này nữa. Lúc đó chỉ cần người thích gió hiện ra thì gió sẽ hiện ra. Vũ trụ luôn giúp những người làm theo trái tim của mình. Nếu ngươi làm theo trái tim thì vũ trụ sẽ giúp nhà ngươi, thứ gì xảy ra cũng chỉ là để giúp nhà ngươi mà thôi. Còn nếu ngươi không làm theo trái tim thì vũ trụ sẽ tìm đủ lý do ngăn cản nhà ngươi, chướng ngại nào cũng tìm đến nhà ngươi cho tới ngày nhà ngươi làm theo trái tim thì thôi. Thế thôi. Bí kíp siêu đơn giản đúng không?
Vũ Thành nghe xong mắt chữ A mồm chữ O không nói được lời nào. Những lời Thầy Singha nói là những lời lần đầu tiên trên đời có một người nói với cậu như vậy. Vũ Thành thấy dựng hết cả lông tóc lên khi thầy nói cậu không phải thân thể có giới hạn này. Những điều đó cậu chưa hiểu hết ngay ý nghĩa nhưng nó khiến cậu rung động cả tâm can và vô cùng mong muốn được trải nghiệm những lời Thầy vừa nói.
Ngày hôm sau, Vũ Thành đi bộ vòng quanh doanh trại để nghiền ngẫm lời Thầy, nhưng vẫn không tài nào hiểu được. Tại sao tôi lại không phải thân thể này? Thân thể này có thực sự là tôi? Tôi là cái quái gì? Hàng vạn câu hỏi cứ dồn dập hiện lên khiến chàng kiệt sức. Chàng quyết định dừng bước nghỉ chân trên đồi cát, phóng tầm mắt ra xa.
Bỗng nhiên, Vũ Thành giật mình, dụi mắt mấy lần như không thể tin vào những gì đang hiện ra. Đến khi mở mắt nhìn lại, Vũ Thành vẫn thấy điều chàng vừa thấy: Sa mạc mênh mông kia thực sự chỉ là một cái hình. Chàng đưa một tay lên kiểm chứng, thì thấy tay chàng cùng sa mạc cũng chỉ là một cái hình, không tách rời nhau.
Chàng kinh ngạc nhìn xuống thân thể mình, cũng chỉ là hình mà thôi. Niềm tin tôi là thân thể này vỡ vụn. “Nếu thân thể này chỉ là cái hình thì làm sao tôi là thân thể này được! Tôi chắc chắn không phải thân thể này. Nhưng ai đang nhìn? Ai nghĩ ra tất cả những thứ này? Ai đang chứng nghiệm những điều tuyệt vời này? Có phải là tôi không?”
Không thể nghĩ được câu trả lời, Vũ Thành lao như tên bắn tới lều của Singha và kể cho Thầy những điều chàng vừa trải qua cùng những câu hỏi kéo dài không dứt. Singha chỉ mỉm cười gật đầu, ngâm một bài kệ:
“Khi nhìn chỉ có cái được nhìn.
Khi nghe chỉ có cái được nghe.
Khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm.
Khi biết chỉ có cái được biết”.
Con hãy tự rèn luyện như vậy.
Khi mà đối với con,
khi nhìn chỉ có cái được nhìn,
khi nghe chỉ có cái được nghe,
khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm,
khi biết chỉ có cái được biết,
thì sẽ không có cái tôi nào liên quan tới những thứ đó.
Khi không có cái tôi nào liên quan đến những thứ đó, sẽ không có cái tôi ở đó.
Khi không có cái tôi ở đó, thì sẽ không có cái tôi ở đây, không có cái tôi nào ở khoảng giữa đây và đó.
Khi không có cái tôi ở đó, không có cái tôi ở đây, và không có cái tôi ở giữa, thì kết thúc mọi khổ đau”.
Vừa đọc xong bài kệ, Singha nhắm mắt lại nhập định. Vũ Thành với bao nhiêu thắc mắc cũng không dám làm phiền Thầy. Chàng lẩm nhẩm đọc đi đọc lại bài kệ của Thầy và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Ngày thứ hai, Vũ Thành dậy từ rất sớm. Chàng lên đồi cát ngồi một mình ngẫm nghĩ về bài kệ Thầy vừa dạy. Bình minh ló rạng trên sa mạc phơi bày một cảnh tượng rực rỡ và huy hoàng. Trong phút chốc, bao trăn trở suy nghĩ tan biến, chỉ còn lại cảm giác ngây ngất trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên.
Một cảm giác hạnh phúc sung sướng ngập tràn cứ dâng lên không dứt, ôm trọn lấy Vũ Thành. Đã bao lần chàng ngắm cảnh bình minh sa mạc, nhưng cảnh bình minh đang diễn ra ngay đây lại tuyệt đẹp một cách kỳ diệu. Ngay cả cây xương rồng bên cạnh chàng, hôm qua chỉ là một cái cây cằn cỗi khiến chàng chỉ lướt mắt qua mà không hề để ý. Thì hôm nay, cây xương rồng ấy rực rỡ đầy hoa và căng tràn nhựa sống, hiện hữu một cách sống động và tươi mới.
“Khi nhìn chỉ có cái được nhìn” – Vũ Thành cứ ngất ngây như thế với những “cái được nhìn” biến đổi không ngừng trong từng phút giây. Bất giác, cảm giác “Tôi là người nhìn” quay lại. Vũ Thành chăm chú nhìn và tìm xem người nhìn ấy ở đâu, là ai thì không thể thấy gì ngoài ảnh, ngoài “cái được nhìn”.
Lúc này, người trong doanh trại đã dậy. Tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng gió quất vào cây xào xạc, tiếng côn trùng dưới đất… hoà quyện vào nhau thành một bản hoà ca tuyệt diệu. “Khi nghe, chỉ có cái được nghe”. Vũ Thành cũng chăm chú tìm xem có ai đang nghe không thì chỉ thấy âm thanh nổi lên rồi tan mất.
Mặt trời đã lên cao chiếu những tia nắng chói chang xuống sa mạc. Nắng hất vào mặt Vũ Thành, bỏng rát. Cái nóng, cái rát ấy cũng chỉ là xúc chạm mà thôi. “Khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm”. Vậy ai là người nhận ra tất cả những điều này? Ai biết những kinh nghiệm mà chàng vừa trải qua? Vũ Thành lại miên man chìm vào suy nghĩ.
Tự nhiên, chàng cảm thấy nhớ tiếc cái kinh nghiệm tuyệt vời mà chàng có sáng nay. Nếu chỉ tận hưởng mà không để suy nghĩ xen vào thì chẳng phải hiện tại này tuyệt vời lắm sao? Rõ ràng chính suy nghĩ là thủ phạm lôi chàng ra khỏi thực tại. “Tôi là người nghĩ đấy, tôi là người nhìn đấy! Thì sao chứ? Cũng chỉ là một suy nghĩ hiện ra thôi! Mà suy nghĩ đến rồi đi, làm sao tin vào suy nghĩ được!” Dòng suy nghĩ miên man bị chặn đứng. Đối với Vũ Thành, suy nghĩ đã hoàn toàn mất đi sức mạnh. “Khi biết chỉ có cái được biết”.
Vũ Thành cứ ngồi như thế mà tận hưởng bản giao hưởng của các giác quan. Hình ảnh, âm thanh, cảm giác, suy nghĩ cứ thế nổi lên rồi tan mất. Không còn người nhìn, không còn người nghe, không còn người cảm nhận, không còn người suy nghĩ, không còn cái tôi tồn tại ở bất kỳ đâu. Chỉ còn trạng thái hạnh phúc ngập tràn.
Rạng sáng ngày thứ 3, thủ lĩnh Anatta vì quá hồi hộp mong ngóng nên đã dậy từ sớm để đích thân đi qua khu lều Vũ Thành ở. Anatta cho quân lính canh gác Vũ Thành cẩn thận vì sợ nó biến thành gió bay đi mất thì có mà toi công.
Cho tới đêm qua, theo lời quân lính bẩm báo, Vũ Thành vẫn đang nằm ngủ yên trong lều, không có động tĩnh gì về việc có thể biến được thành gió. Bởi thế, Anatta phần thì hồ hởi vì có cớ để xử lý hai thầy trò, phần lại thất vọng vì cứ tưởng sắp được xem trò hay. “Thằng này dám cả gan lừa mình, để mình qua cho nó bài học!”, Anatta vừa đi vừa lẩm nhẩm. Vừa tới cửa lều của Vũ Thành, Anatta hô to: “Bay đâu, bắt ngay thằng lẻo mép này cho ta. Đợi đến giờ ngọ thì đem nó đi trảm”.
Quân lính răm rắp xông vào lều, nhưng tìm khắp lều không thấy Vũ Thành đâu. Chúng tưởng hai thầy trò đã trốn đi nên chạy khắp doanh trại lùng sục. Đúng lúc đó, một trận gió bỗng đâu ầm ầm kéo tới. Gió mạnh tới nỗi thổi bay cả bộ tóc giả của Anatta khiến Anatta lộ ra cái đầu trọc lốc, trông chẳng khác nào một nữ tu giả danh tướng cướp. Hai tên đàn em đứng bên Anatta thấy gió bắt đầu thổi mạnh thì cuống hết cả lên, bảo với Anatta: “Ôi chị ơi, thế này thì chết chị ạ. Gió thổi to thế này thì có mà thổi tung cả doanh trại. Thổi cả em lẫn chị qua châu Phi thì có mà quên đường về. Hay chị bảo thằng kia dừng lại đi chứ không em lo lắm”.
Anatta phần cũng hơi hoang mang nhưng phần vì bản tính tò mò, đang muốn xem Vũ Thành biến hóa đến đâu, trò thú vị thế nào. Rốt cục sự tò mò chiến thắng. Anatta đang rất hào hứng xem Vũ Thành thể hiện mà lại gặp hai thằng em cứ ngăn dừng lại nên thầm nghĩ trong bụng “Bà mày phải cho hai thằng này vào sổ đen. Bà mày đang xem trò hay mà cứ ngăn ngăn cản cản là thế nào. Mà quân của bà mày phải là những người dũng cảm, không sợ cái gì. Đã vậy lúc nào phải kiếm cớ gì để cách chức hai thằng này cho bõ tức”.
Bụng thì nghĩ thế nên ngoài mặt Anatta nghiêm mặt bảo: “Có gì mà phải sợ. Quân của ta toàn những người tinh nhuệ, sợ gì thằng oắt con đấy. Để xem nó giở trò gì”. Gió càng lúc càng mạnh dần lên rồi bất thình lình, một trận cuồng phong ập tới cuốn hết toàn bộ doanh trại, lều bạt, ngựa thồ cùng đám quân lính bay mất trong chớp mắt. Anatta lúc này sợ quá chẳng biết làm gì chỉ biết nằm rạp xuống đất và cầu cho tai qua nạn khỏi.
Khoảng năm phút sau, gió tan mất, Anatta lồm cồm bò dậy và chứng kiến cảnh cả doanh trại bỗng chốc trở nên hoang tàn. Anatta khóc nấc lên khi thấy toàn bộ gia sản bỗng chốc tan tác mất hết chỉ vì cái tính tò mò ngốc nghếch của mình. Quá đau khổ, Anatta cứ thế gào rống lên quên cả việc phải đi tìm Vũ Thành đang ở đâu để mang về trừng phạt.
Về phần Vũ Thành, lúc ấy, chàng ở cách đấy không xa và vỗ về những chú ngựa con đang hí ầm lên vì sợ hãi. Anatta ấm ức lắm vì mất hết gia sản nhưng vì đã lỡ hứa rồi thì phải làm đúng lời hứa là trả lại tự do và toàn bộ tài sản cho hai thầy trò, kẻo còn chút danh dự cũng mất nốt.
Trước khi Vũ Thành đi, bản tính tò mò nổi lên khiến Anatta vẫn không quên rỉ tai Vũ Thành: “Này cậu, giờ chị trả hết cậu mọi thứ để cậu lên đường nhưng khi nào tới nơi rồi mà trở về thì đi qua đây, dạy chị vài chiêu biến cát thành vàng nhé”. Vũ Thành nghe thế chỉ tủm tỉm cười không hứa gì mà chỉ nói: “Giờ tôi phải đi, sau này đủ duyên thì sẽ trở lại”.
Huyền thuật giả kim
Hai thầy trò lại tiếp tục lên đường qua Ai Cập, đi xa được một lúc, Vũ Thành cười ha hả, thầy Singha thấy vậy bèn hỏi
– “Ngươi cười cái gì?”
– “Con cười vì sướng quá. Trước đây con nghĩ con là thân thể hai tay hai chân này nhưng nhờ thầy mà con giờ đã hiểu, con không phải thân thể này. Hơn thế, cũng chả có con nào cả. Tất cả chỉ là một niềm tin sai lầm, Thầy ạ”.
Singha mỉm cười và nói:
– ”Tốt. Nhưng còn nhiều thứ khác thú vị hơn nhiều. Từ từ rồi con sẽ hiểu”.
Thế là hai thầy trò, lúc thì cưỡi lạc đà đi thong thả, khi thì hóa thành gió bay đi cho nhanh. Chả mấy chốc, hai thầy trò đã đi đến cái tu viện gần Kim Tự Tháp. Vũ Thành vô cùng sung sướng vì rốt cục trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, chàng đã sắp hoàn thành được giấc mơ.
Nhìn vẻ mặt hớn hở của Vũ Thành, Singha bảo: “Con đã tiến bộ rất nhanh, con trai của ta. Con còn gì nghi ngờ nữa không? Tất cả những gì ta biết đã dạy hết cho con rồi. Chắc ta và con sẽ chia tay nhau tại đây. Nhưng trước khi đi, ta sẽ cho con thấy quyền năng của huyền thuật. Chúng ta sẽ đến cái tu viện kia và con hãy chịu khó quan sát nhé!”
Thế là Singha và Vũ Thành đi vào tu viện. Trưởng tu viện này vốn là bạn học thủa nhỏ với Singha, tên là Khelekulu. Hai thầy trò bước vào sảnh chính, Khelekulu đã đon đả chạy ra chào hỏi đón tiếp nồng nhiệt và vô cùng thịnh soạn tới mức Vũ Thành cũng phải tò mò hỏi thầy: “Thầy ơi, trông thầy bình thường thế này mà cũng được đón tiếp thịnh soạn nhỉ?” Singha thủng thẳng đáp: “Nó không tiếp ta đâu, nó tiếp quả trứng của ta thì có. Nhưng mà không sao, bây giờ chúng ta sẽ cúng cho tu viện ít tiền”.
Thế là buổi tối hôm đấy, sau khi ăn uống xong và đang ngồi thưởng trà, Singha bảo Khelekulu: “Chị có bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, bất kỳ cái gì là kim loại thì mang hết ra đây. Chị kiếm cái thùng nào to to cho hết vào, tôi nấu một thể”.
Khelekulu nghe Singha nói thế sướng như mở cờ trong bụng nhưng giữ ý tứ nên vẫn lịch sự đáp lại: “Ôi em nhìn mà xem, cái tu viện bé tẹo này toàn là đất với chả đá, lấy đâu ra kim loại bây giờ. Thôi! Để chị đi gom xem có cái gì không nhé. Làm phiền em quá, làm phiền em quá!”
Thế là Khelekulu liền vội vội vàng vàng đi lục soát hết mọi ngóc ngách trong tu viện, có bao nhiêu nồi niêu, xoong chảo, đinh điếc, ốc vít… cả chuông lẫn thánh giá cũng đem đi nấu hết. Gom xong vẫn thấy chưa đủ, Khelekulu sai người đi ra cả bên ngoài thu gom đồng chì sắt vụn… để đem về nấu.
Khelekulu rút kinh nghiệm xương máu lần trước khi được Singha thương tình cho ít vàng, nhưng lần đó do ít đồ kim loại quá nên khi Singha ném quả trứng xuống đất thì chỉ ra ít bụi vàng thôi. “Lần này mình chuẩn bị nhiều kim loại thế này thì có mà có cả kho vàng chứ chẳng chơi. Nhưng mụ này ki bo, nó cho mình có 30 phút chuẩn bị thì kiếm quái đâu ra được nhiều kim loại cơ chứ. Rõ là… nó giàu thế rồi mà còn ki bo với mình”.
Thực ra chỉ có Khelekulu nghĩ là ít vậy thôi, chứ chỗ kim loại kiếm được trong vòng 30 phút khi lôi hết ra cũng làm cho hai thầy trò Vũ Thành phải sửng sốt vì tài xoay sở của Khelekulu. Tiếp theo, Khelekulu và các đệ tử khệ nệ cho hết kim loại vào cái thùng to để nấu theo lời Singha dặn.
Nấu khoảng một tiếng đồng hồ thì kim loại chảy hết ra, tới lúc đó, Singha mới lại gần cái thùng và lôi ra quả trứng rồi cạo cạo ít bột cho vào cái nồi đấy. Kỳ diệu thay, cái thùng đang đen xì kim loại nấu chảy bỗng chuyển sang màu rực đỏ chói lóa. Một lúc sau, chỗ kim loại rực lửa đó nguội lại thì hóa thành cả một khối vàng ròng đồ sộ. Singha lại lôi thanh kiếm đặc biệt ra chém một phát, khối vàng biến thành đôi, chém phát nữa, chỗ vàng đó vỡ ra thành bốn khối. Xong xuôi, Singha nhét kiếm vào bao và quay ra chỉ vào một khối vàng rồi nói với Khelekulu:
– Phần này là phần tôi cúng dường cho tu viện. Chị dùng chỗ này mà sửa lại tu viện cho khang trang đẹp đẽ.
Khelekulu nhìn chỗ vàng đó mà hoa hết cả mắt, trong lòng vô cùng sung sướng mà vẫn phải giả bộ lịch sự:
– Ôi chị có công cán gì đâu mà được em cho chị nhiều thế!
Singha thủng thẳng đáp:
– Chị đừng nói câu này. Câu này mà lộ ra ngoài thì đúng là không ai cúng dường cho chị cái gì nữa đâu!
Khelekulu nghe vậy liền giật mình thon thót rồi gật lấy gật để bảo Singha:
– Ừ, đúng, đúng, em nói đúng. May mà em nhắc chị. Chị sẽ không nói thế nữa.
Singha chỉ tiếp vào khối vàng nữa và bảo:
– Số vàng này, chị dùng cứu đói cho dân trong vùng. Cả cái tỉnh này có nhiều người cần cứu đói. Chị nhớ, chỉ được dùng để cứu đói, cấm dùng vào các việc khác. Chị mà trái lời thì quả xấu trổ ra, chị không đỡ nổi đâu. Phần chị xong rồi, giờ chị về phòng đi, ta cần nghỉ ngơi để mai lên đường.
Khelekulu nghe vậy liền khúm núm chào tạm biệt hai thầy trò rồi khệ nệ kéo từng khối vàng đi về phòng, vừa đi vừa nhòm ngó xung quanh vì sợ ai cướp mất thì toi. Khelekulu đi rồi, chỉ còn lại hai thầy trò trong phòng, Singha mới bảo với Vũ Thành:
– Ta lấy khối vàng này để lo vài việc cần thiết, còn phần này là phần của con, con hãy mang theo phòng khi cần đến.
Vũ Thành thấy thế liền nhanh nhảu đáp:
– Thôi thầy cầm hết đi, con có cần tiền làm gì đâu, chỗ tiền cũ giúp con đủ đi lại rồi. Với lại, con sắp có cả kho báu ở Ai Cập rồi, con chả cần tiền làm gì cả.
Singha bảo:
– Con đừng nói lộ ra với ai là con không cần tiền dù có thể đúng như vậy thật. Nếu không sau này những người còn ham mê tiền bạc sẽ không tìm đến con để xin giúp đỡ nữa và như vậy con mất cơ hội để có thể giúp họ.
Vũ Thành ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
– Vâng, tuy con không hiểu lời Thầy lắm, nhưng mà thôi, Thầy bảo thế sao thì con nghe theo vậy. Khối vàng này to quá, con cầm theo sẽ rất bất tiện nên chắc con sẽ gửi lại tu viện cho thầy Khelekulu giữ hộ vậy.
– Cái đó thì tùy con, Singha đáp lời.
Bấy giờ đã nửa đêm, hai thầy trò đến lúc phải tạm biệt. Singha vác khối vàng to đùng trên vai mà trông nhẹ như không và bảo Vũ Thành:
– Kể từ nay, ta và con sẽ không gặp nhau nữa. Ta đã làm xong việc cần làm với con. Còn thằng cha Chandra kia, giờ ta phải đi tìm hắn, theo dõi hắn ba năm nữa xem thế nào. Thỉnh thoảng hắn bị cháy nhiều quá thì ta cũng phải đến vảy cho ít nước chứ không một số bộ phận mà cháy thì sau này rất khó làm nhà giả kim xịn. Con cứ đi theo con đường của mình và hãy làm những điều do trái tim con mách bảo vì con vốn là nhà giả kim loại ba, còn thằng bạn con nó là loại hai nên cần con đường khác với con.
Nói xong, Singha nhảy lên ngựa và phóng vút đi như gió. Vũ Thành đứng nhìn bóng Thầy đi khuất rồi đi tìm thầy Khelekuku để nói về việc xin gửi lại số vàng. Khỏi phải nói Khelekulu mừng cỡ nào vì tuy chẳng phải của mình thì ngày ngày được nhìn ngắm và lau chùi cho bóng cũng đủ khiến Khelekulu sung sướng, mãn nguyện lắm rồi. Xong xuôi mọi việc, Vũ Thành bèn rời khỏi tu viện, xách theo túi vàng mà Anatta trả lại cho lúc trước.
Kho báu đích thực
Đi thêm ba ngày nữa, Vũ Thành thấy một vùng đất bao la và Kim Tự Tháp đồ sộ, to lớn sừng sững hiện ra. Vũ Thành nhớ lại trong giấc mơ thì dấu hiệu để nhận diện kho báu là nơi nào mà khiến chàng bật khóc, nhưng khi đứng trước cảnh rộng lớn bao la này, Vũ Thành có phần tần ngần suy nghĩ:
“Kho báu nằm ở đâu? Có phải nằm ngay trước mặt mình không? Sao mình không cảm thấy muốn khóc như trong mơ? Sao mình không có cảm xúc gì đặc biệt nhỉ? Hay là… toàn bộ chuyến đi của mình đã là kho báu rồi? Vì đầu tiên, mình chỉ là chàng trai chăn trâu ham hoa thơm cỏ lạ, bây giờ mình đã biết nói tiếng Ả rập lẫn Ai Cập, mình có người yêu xinh đẹp, mình đã trải qua bao nhiêu hiểu biết, mình đã nhận ra sự thật về vô ngã nữa. Đúng rồi, đích thị đấy mới là kho báu chứ không phải kho báu nằm trước mặt kia”.
Nghĩ đến đây, Vũ Thành bật khóc nức nở. Chàng chợt nhận ra kho báu không phải nằm ở trước mặt mà cũng chưa chắc đã có kho báu gì trong Kim Tự Tháp kia. Tất cả những gì chàng trải qua trong toàn bộ cuộc hành trình mới là kho báu đích thực. Đang mải khóc, Vũ Thành lại nhớ lại “chỗ nào mình khóc đích thị là kho báu”. Thế là chàng nín khóc và vội lấy tay đào cát lên. Chàng mải miết đào sâu, sâu, sâu… tới ngập đầu người rồi mà vẫn không thấy gì cả. Trong lúc Vũ Thành đang mải đào thì bỗng đâu có hai tên cướp từ đâu đi qua. Chúng thấy Vũ Thành đang hì hụi với đống cát thì dừng lại hỏi:
– Thằng kia, mày làm cái gì với đống cát đấy vậy?”
– Dạ, em, em… em định chôn mấy thứ kỉ niệm thôi.
Nhìn Vũ Thành vừa nói, vừa giữ khư khư cái túi, hai tên cướp liếc mắt nhìn nhau ra hiệu thằng này đang nói dối. Thế là bọn chúng xông vào Vũ Thành đấm đá túi bụi và giật cái túi thì thấy vàng rơi ra loảng xoảng. Hai tên cướp càng ngạc nhiên lại xông vào vừa đấm đá tiếp vừa chửi:
– Thằng ranh con, mày dám nói dối tao à. Mày đào cái gì ở đây? Còn bao nhiêu vàng mang hết ra đây mau!
Vũ Thành dù sa sẩm hết cả mặt mày vì mấy cú đánh nhưng vẫn cố phân bua:
– Em có từng đó thôi, em hết vàng rồi. Em đang đào kho báu, kho báu đấy!
– Kho này! Tên cướp tiếp tục đá vào bụng Vũ Thành.
– Em nói thật, các anh tha cho em. Em đang đi tìm kho báu mà…
Hai tên cướp thấy Vũ Thành nói vậy, nhìn nhau cười phá lên và đá bay Vũ Thành xuống hố rồi quay ra bảo nhau: “Thôi, tha cho nó, dù sao mình cũng lấy hết tiền của nó rồi. Mà thằng này chắc bị điên. Họa có là bị điên thì mới tin ở đồi cát mênh mông này có kho báu”.
“Em không nói dối” Vũ Thành ở dưới hố la lớn. “Em nằm mơ thấy kho báu ở đây mà”.
Không chịu nổi thêm nữa, một tên cướp nhảy xuống ngựa rồi ra ngồi trên miệng hố và nói với Vũ Thành:
– Thằng điên kia. Tao này, tối nào tao cũng ngủ mơ này. Tao cũng mơ tao ở một đất nước Việt Nam nọ. Tao ở cái làng có một ngôi chùa rách nát, trong căn nhà có bố tên là Thắng, mẹ tên là Len và có một thằng con trai. Sau vườn nhà có một cây dâu rẽ ba nhánh. Tao mơ thấy ở dưới gốc dâu có một kho báu vô cùng lớn. Tối nào tao cũng mơ, triền miên từ ngày này sang ngày khác.
Nhưng mà có thằng điên mới đi tin là có kho báu trong giấc mơ, có điên thì đi tìm ngôi nhà đấy, đúng không? Ai đi tìm ngôi nhà trong giấc mơ làm gì? Cũng thỉnh thoảng trái tim tao mách bảo hãy đi đi. Nhưng cái đầu tao không ngớ ngẩn như cái đầu của mày. Mày đi theo một cái điều hoàn toàn không tưởng trong mơ, chả tí logic, lí trí nào cả. Còn tao, tao đè trái tim xuống và đi cướp bóc sướng hơn.
Nói xong tên cướp giật lấy bọc vàng, nhảy lên ngựa bỏ đi.
Vũ Thành nghe những lời tên cướp nói mà giật mình vì nó tả giống hệt 100% ngôi nhà mà lúc mình chưa đi, lại còn nói đúng cả tên của bố mẹ mình. Đặc biệt là chi tiết cây dâu có ba nhánh rẽ. “Hóa ra kho báu là như vậy. Vậy thì mình không còn gì để làm ở đây nữa. Mình phải về nhà thôi”, Vũ Thành nghĩ xong, nhảy lên khỏi hố rồi chạy như bay về phía tu viện.
Bây giờ chàng mới hiểu tại sao thầy để lại vàng cho mình. Thầy không để lại thì lấy đâu ra tiền cho mình đi hàng nghìn km để về nước. Khi tới tu viện, Vũ Thành gặp Khelekulu để xin lại số vàng đã gửi, Khelekulu trong lòng dù tiếc đứt ruột vì phải chia tay với khối vàng ròng óng ả, không được lau chùi nó hàng ngày nữa nhưng nhớ lời Singha dặn không được tham lam kẻo phải chịu quả xấu nên Khelekulu cũng ngậm ngùi đồng ý trả lại cho Vũ Thành. Vũ Thành nhận vàng liền bán bớt đi một ít và với số tiền đấy chàng thuê hẳn một đoàn người để vượt qua sa mạc. Sau 1 năm đi ròng rã liên tục, Vũ Thành đã về được quê hương.
Vừa tới nhà Vũ Thành chỉ kịp chào bố mẹ rồi không nói câu nào chàng chạy ngay ra ngoài vườn, tay vác theo cái thuổng rồi chạy thẳng đến gốc cây dâu và vội vàng đào bới. Chàng hì hục đào khoảng một mét đã thấy một cái cửa kho dẫn xuống một lối đi bí mật. Vũ Thành soi đèn lên và đi theo lối bí mật đấy. Tới chỗ có cái cửa, chàng phá khóa. Cửa vừa bật mở thì vàng đã rơi ra lẻng xẻng ngay dưới chân Vũ Thành. Chàng bước vào thì chao ôi, bên trong là cả một hầm tràn đầy vàng bạc và đá quý. Hóa ra chính ở ngay gốc cây dâu mà ba năm trước cha Vũ Thành đào được ba đồng tiền vàng là cửa vào một kho báu bí mật.
Truyền rằng, ngày xưa, có một toán cướp thường đi cướp bóc ở khắp nơi rồi đem vàng bạc châu báu về chôn ở đó. Trong một lần đi cướp, toán cướp đó đụng độ với quân đội của triều đình nên bị tiêu diệt toàn bộ, không còn ai sống sót. Hầm vàng vì thế mà cũng đi vào quên lãng. Nhìn cảnh tượng trước mắt, Vũ Thành bỗng òa khóc vì chàng nhận ra: không cần phải đi tìm nơi đâu, hóa ra kho báu vốn luôn có sẵn ngay ở đây, ngay lúc này. Tất cả những gì đã xảy ra trong ba năm qua cũng chỉ để chàng nhận ra bài học này.

Sau đó, giữ đúng lời hẹn với thầy bói Minh Phương, Vũ Thành đem chia cho cô một phần mười chỗ châu báu mà chàng có được rồi nghĩ tới người yêu Sarawati xinh đẹp đang chờ đợi mình nơi ốc đảo, Vũ Thành biết chàng còn việc phải làm.
Ngày hôm sau, dặn dò bố mẹ những việc cần thiết, Vũ Thành lại lên đường. Một hành trình mới đầy thú vị lại bắt đầu…
Zangthalpa ngừng kể. Đám học trò vừa nãy tưng bừng háo hức với những quà tặng thầy mang về từ phương xa, thì nay lại trầm ngâm nghiền ngẫm về câu chuyện. Đây chính là món quà quý nhất mà thầy tặng cho họ. Ai cũng có bài học cho riêng mình, ai cũng thấy vô cùng hoan hỷ.
Xem thêm: Zangthalpa – Phần 42: Chiếc Bát Kim Cương
Mời các bạn theo dõi truyện cổ tích Zangthalpa tại đây: Kho Tàng Truyện Cổ Tích Trong Suốt – Zangthalpa