LÀM SAO ĐỂ NỖI BUỒN NGẮN NHẤT?
Một bạn hỏi:
Làm thế nào để khoảng thời gian buồn ngắn nhất?
Thầy Trong Suốt:
Hiểu càng sâu sắc thì nỗi buồn càng biến mất, tan mất. Mình không cố nhưng nếu Hiểu và Chấp nhận thì chúng sẽ giảm. Một trong những cách chấp nhận nhanh nhất chúng ta có thể tập là tưởng tượng chuyện xấu nhất xảy ra thật chi tiết.
Ví dụ: Tưởng tượng doanh nghiệp tôi tan rã như thế nào, danh tiếng tôi bị tan rã như thế nào… Nếu đằng nào nó cũng tan rã, thì tại sao tôi không tưởng tượng cái xấu nhất? Khi tưởng tượng như vậy, mình đối diện thẳng với một sự thật có thể xảy ra, nỗi buồn có thể tăng lên rất cao, nhưng sau đó mình chấp nhận rất dễ.
Tôi đã hết sợ độ cao như thế nào?
Sau đây là chia sẻ từ một khán giả của Trà đàm Trong Suốt:
“Mình có một nỗi sợ về độ cao. Cái nỗi sợ ấy còn lan ra cả chuyện ra ngoài đường sợ tai nạn, nghe mọi người cãi nhau cũng sợ – nó ảnh hưởng đến cuộc sống và mình phải giải quyết nó. Mình cũng đã tập tưởng tượng mình ngã như thế nào, chết như thế nào… cái cảm giác lúc ấy thực sự hoảng loạn. Mình sợ đến mức không dám ra khỏi nhà, ngồi trên giường nhưng cảm giác vẫn sợ. Mình chấp nhận cho những cảm xúc ấy xảy ra, rồi dần dần tan biến đi, khoảng hai ngày sau thì trở lại bình thường. Thỉnh thoảng mình vẫn có cảm giác sợ khi nghĩ về điều ấy nhưng dần dần nỗi sợ biến mất. Và bây giờ mình không còn sợ độ cao, hay sợ nhiều thứ khác nữa. Mình cảm thấy rất là vui vẻ.”
Như vậy có thể thấy: Dũng cảm thì đối diện thẳng với nỗi buồn, nỗi sợ. Có thể điều đó làm cho mình hoảng loạn khoảng hai, ba ngày nhưng sau dần hết, còn nếu chúng ta không đối diện thì có thể cả đời không hết được.
Trích trà đàm “Cái tôi trong tình yêu“, Hà Nội 2012