ĐẦU TƯ VÀO LUÂN HỒI LÀ TỰ ĐÀO HỐ CHÔN MÌNH
Mình bốc lá bài này sau khi xem bộ phim Chỗ sống, một bộ phim để lại cho mình ấn tượng sâu sắc về vòng luẩn quẩn đau khổ của luân hồi. Bằng ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn hình tượng hóa luân hồi như một mê cung ko có lối ra, hết từ đời này sang kiếp khác. Con người bị mắc kẹt ở chỗ gọi là “tổ ấm chất lượng, mãi mãi” với màu xanh đầy hi vọng, biển số nhà só 9 tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tiện nghi – thật hoàn hảo như niềm mơ ước của họ. Nhưng chính lúc sau đây lại trở thành nhà tù giam cầm chính họ.
Khi nhận ra, họ không ngừng loay hoay kêu cứu để được thoát ra, nhưng cố sức chạy mãi vẫn luẩn quẩn đúng lại chỗ bắt đầu. Người chồng hàng ngày ra ngoài hì hục đào hố tìm một đường ra, nhưng đâu ngờ anh đã vắt kiệt sức để tự đào hố chôn mình. Người vợ quẩn quanh với việc nhà, những áp lực phải phục vụ con cái, cảm giác cô đơn thiếu thốn tình cảm và sự chia sẻ từ chồng…
Bộ phim khép lại với tiếng kêu đầy bất lực, tuyệt vọng của chị sau cái chết của người thân, và chị vô tình được chu du qua các kiếp người, nhìn thấy cảnh các kiếp người trong luân hồi đều y như gia đình chị: khổ đau bất toại nguyện trong cuộc sống, dục vọng thỏa mãn nhau, rồi chết…
Đến lúc này, chị mới hỏi mình “Tôi là ai? Toàn bộ cái này là gì? Tôi làm gì ở chỗ này?” và được đứa con trả lời rằng “Mẹ là một người mẹ, người chuẩn bị cho đứa con mình đến với thế giới, rồi chết”. Câu trả lời phũ phàng, tàn nhẫn nhưng phải chăng cũng đúng với thực tại của những người phụ nữ trong xã hội bây giờ?
Trước khi chết, chị nói rằng “Tôi muốn về nhà”, nơi mà chị tin là thực sự làm chị hạnh phúc, chứ không phải cái thế giới luẩn quẩn, bế tắc này, và được trả lời “Mẹ ngốc thế, đây là nhà rồi”, rồi kéo xác mẹ vứt xuống hố chôn.
Bộ phim kết thúc ngột ngạt kèm theo giai điệu bài hát mỉa mai về sự lựa chọn của con người “Nó chẳng quan trọng, ồ, nó chỉ là một trò chơi phức tạp”. Trong game luân hồi này, người ta có thực sự được chọn lựa không, hay tất cả chỉ là con rối trong trò chơi mà thôi?
Mình chia sẻ bộ phim này đến với một người bạn, và bạn bảo bạn cảm thấy chua xót, thấm thía nhất hình ảnh người mẹ và đứa con, nhưng nghĩ là mình yêu thương con lắm mà, chắc con mình không làm như vậy với mình đâu. Thế rồi tụi mình xem được đường link về cuộc sống hiện tại của người dân Ecuador, nơi mà mỗi ngày có vài trăm người chết vì Covid. Bệnh viện & chính quyền thì bất lực trong việc xử lý xác. Có những xác người ko được bao bọc gì, bị trẻ con đùa nghịch kéo lê lết trên phố, có những cái xác may mắn hơn thì được bọc lại và trả về nhà nhưng hàng xóm rất khó chịu và chỉ muốn những đứa con đưa cái xác bố mẹ ra khỏi khu phố vì mùi hôi thối, lây nhiễm bệnh tật; có những cái xác bị để hơn 2 tuần giun bọ đã ăn, không thể nhận được mặt thi thể và bị để vất vưởng ngoài đường không ai tới nhận…
Như vậy, đủ hoàn cảnh nếu dịch Covid bùng phát ở Việt Nam bây giờ, chính quyền không kiểm soát được sự lây lan của bệnh tật thì mình cũng rơi vào thảm cảnh y như những người dân ở Ecuador, và chết bế tắc, khổ sở như nhân vật trong phim.
Câu nhắc của lá bài trở nên ám ảnh “Người nào còn chưa quyết tâm ra khỏi luân hồi là còn chưa biết thương chính mình”. Quả thật nhìn thấy thảm cảnh hoàn toàn có thể xảy ra như thế mà còn không muốn thoát ra thì là không thương mình thật rồi. Với tâm trí hiện tại, chỉ cần một chút bệnh tật, bất toại nguyện trong chuyện tình cảm, mối quan hệ với gia đình là mình đã khổ sở lắm rồi. Nhưng mình có thương mình, quyết tâm tìm trí tuệ để giải thoát mình không, hay vẫn chiều theo cái tôi, nuôi dưỡng sự tham lam, sân hận, oán trách trong lòng? Mình cảm thấy bị đánh động và xấu hổ khi đã lãng phí thân người quý giá, thay vì đi tìm sự giải thoát để giải phóng cho mình khỏi luân hồi, thì lại mong muốn luân hồi tốt hơn – chẳng khác nào hình ảnh tự đào hố chôn mình trong luân hồi như trong phim, như thế thì không thương chính mình tí nào, thậm chí tự hại mình rồi.
Cảm ơn lá bài đã đến với mình, cảm ơn bộ phim cũng hiện ra đúng lúc để giúp mình có xác quyết mạnh mẽ hơn trên con đường giải thoát ra khỏi câu chuyện luân hồi đau khổ.
(Chia sẻ của Tuệ Như – Thành viên CLB Trong Suốt)
Xem thêm:
- Luật Luân Hồi-Tái Sinh-Đầu Thai-Chuyển Kiếp của Linh Hồn
- Phải biết sợ luân hồi mà ráng tu
- Nguyên nhân khiến con người phải luân hồi sinh tử
- Tại sao nói: «Ái dục» là cội gốc của luân hồi sinh tử?
- Thuyết luân hồi phạm vi (chu luân)
- Câu chuyện luân hồi có thật