Lễ cúng Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ ngày 23 tháng Chạp
Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ là ba vị thần tiên được Ngọc Hoàng Đại Đế phái xuống để làm các vị thần cai quản những gia đình ở hạ giới. Họ đều là nguyên thần của các vị Thần Tiên trên trời, được nhận sắc lệnh của Ngọc Đế mà xuống cai quản ở trần gian. Họ là đại diện cho Thần Tiên.
Dân gian vì không hiểu thiên cơ nên bịa ra câu chuyện nói về mối tình của Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang như sau:
Trọng Cao lấy vợ Thị Nhi
Bao năm chăn gối chẳng thì có con
Vợ chồng ai cũng rảnh son
Mỗi người một hướng lại còn cãi nhau.
Trọng Cao đánh vợ rất đau
Thị Nhi uất ức về sau bỏ chồng
Lang thang qua những cánh đồng
Mùa đông năm ấy lấy chồng Phạm Lang.
Từ ngày Vợ đi khỏi làng
Trọng Cao hối hận bàng hoàng ruột gan
Anh ta gom hết bạc vàng
Ra đi tìm vợ mùa màng bỏ bê!
Cực thân sớm tối ê chề
Tiền vàng cũng hết phải về ăn xin
Ngày đêm khắp nẻo đi tìm
Một hôm Cao đến ăn xin nhà giàu,
Vô tình lại nhận ra nhau
Hai người thổn thức tim đau nghẹn ngào
Nhi đon đả mời Trọng vào
Hai người nói chuyện thì thào nhỏ to,
Nhi rằng Cao hãy hiểu cho
Thiếp vì quá giận nên phò Phạm Lang
Nhưng lòng cảm thấy bàng hoàng
Nghĩ rằng mình đã vội vàng ra đi!
Phạm Lang lấy được Thị Nhi
Đêm ngày chịu khó chỉ đi làm đồng
Bây giờ Phạm Lang là chồng
Trọng Cao cũng hết duyên nồng từ đây.
Lúc này đã sắp hết ngày
Sợ chồng biết được sẽ rầy sẽ la
Nhi ngồi ngẫm nghĩ tính xa
Giấu Trọng Cao ở sau nhà đống rơm.
Lang vô tình đốt đống rơm
Làm tro bón ruộng cho thơm gạo nồng
Trọng Cao chết cháy khói bồng
Thị Nhi thương xót bỏ Chồng chết theo!
Lang thấy vợ cháy quắt queo
Nhào vào đống lửa chết theo vợ hiền!
Hồn ba người bay lên thiên
Thượng Đế thấy cả ba liền nghĩa chung.
Phán cho làm Táo Quân cùng
Mỗi người một việc cùng chung một nhà
Định Phúc Táo Quân thật thà
Phạm Lang được phong chức là Thổ Công,
Trông nom việc bếp nhà nông
“Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân„
Trọng Cao làm Thổ Địa Thần.
“Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần„ danh xưng
Thị Nhi Thổ Kỳ, danh xưng.
“Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần„
Nên là:
Từ xưa phong tục người dân
Hai ba tháng chạp thờ Thần Táo Quân
Ba con Cá Chép cúng Thần
Để cho ba vị thoát Trần về Thiên.
Cầu cho gia chủ bình yên
Tài lộc đầy đủ, con hiền cháu ngoan
Năm mới gia tộc bình an
Đất nước tươi đẹp mở mang cõi bờ.
Đây là câu chuyện hư cấu không có thật do người Trung Quốc nghĩ ra! Thực chất ba vị thần được Ngọc Đế cử xuống là nguyên thần của các vị Thần Tiên.
- – Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Cai quản đất đai âm trạch và long mạch của gia đình. Ta hay gọi là “Thổ thần thổ địa”.
- – Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Cai quản toàn bộ mọi sinh hoạt và bếp núc của gia đình. Đây chính là vị thần tấu sớ lên Ngọc Đế. Ta hay gọi là “Thổ công táo quân”.
- – Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần. Cai quản toàn bộ việc mua bán hàng hoá đồ ăn thức uống cho gia đình. Ta hay gọi là “Thổ kỳ”.
Do vậy ta có thể làm ban thờ ba vị này chung một bát nhang. Ta cũng không nên để bát nhang thổ thần thổ địa ở cùng với ban thờ gia tiên.
Nếu vì một điều kiện nào đó mà không có ban thờ, không có bát nhang, thì cũng đừng lo lắng, vì các vị là nguyên thần của Thần Tiên họ không câu nệ thờ cúng, họ làm việc theo lệnh của Ngọc Hoàng Đại Đế mà không đòi hỏi hay yêu sách với người phàm giới.
Tuy nhiên kể cả không có ban thờ thì ta vẫn có thể làm lễ cúng các vị trên một chiếc bàn riêng để ở ngoài sân, hay ở giữa phòng khách nhà mình trong những ngày lễ, sau khi cúng xong ta có thể dọn đi.
Ngày 23 tháng chạp là ngày trọng đại, đây là ngày cuối cùng trong năm của Thần Tiên ở hạ giới trước khi về Trời tấu trình Ngọc Hoàng Đại Đế, do vậy ta làm lễ tiễn Thần Táo Quân về Trời tấu sớ thì mọi nghi lễ cần làm bài bản và thịnh soạn, nhà cửa cũng được dọn dẹp sạch sẽ chu đáo.
NGHI LỄ:
Mâm lễ đặt ngoài trời giữa sân, hoặc nếu ở chung cư thì giữa nhà, mâm lễ đặt ở hướng Nam, nghĩa là ta quay mặt về hướng Nam mà hành lễ.
Lễ vật gồm có:
– Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa.
– Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn.
– Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
– Một mâm lễ gồm Gà trống trắng, xôi đỏ. Ba chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng. Ba chén trà ba loại mùi vị khác nhau.
“Màu đỏ mang lại vận khí tốt. Màu trắng mang lại tài lộc. Màu vàng mang lại sự bình an.”
Ngoài ra mâm lễ mặn có thể thêm các món sơn hào hải vị khác tuỳ theo điều kiện từng gia đình.
– Một mâm hoa quả ” ngũ quả” đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ.
– Ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Gồm:
* Màu đỏ cho Thổ Công Táo Quân.
* Màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa.
* Màu trắng, cho Thổ Kỳ.
– Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá.
* Lưu ý không đốt tiền âm phủ, vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn… nếu đốt tiền âm phủ cho Thần Tiên là mạo phạm.
– Cá chép 3 con, nếu mua được ba con ba màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.
– 9 cây nến đỏ, 9 nén nhang.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục.
– Thắp nến và chú nguyện:
Khởi tâm thắp nến
Hào quang sáng bừng
Tâm thân thanh tịnh
Gạt bỏ phiền ưu
Thái thượng đại đan
Từ quang phổ chiếu
Con nhất tâm quy mệnh lễ, bái thỉnh chư ngài Thần Tiên, Phật Thánh Mẫu chứng đàn.
Khi thắp nhang ta nguyện rằng:
Hương phần bảo đỉnh
Khí đạt huyền không
Thần nhân hợp nhất
Yết kiến nguyệt cung
Thần thông linh hiển
Pháp hiện cửu vân
Đan điền linh tụ
Tâm quy mệnh lễ
Con nhất tâm quy mệnh lễ xin cáo hạ lên chư ngài Thần Tiên, Phật Thánh Mẫu.
(Quỳ xuống lễ 9 lễ)
Văn khấn cúng tiễn như sau:
(Ta viết văn khấn vào một tờ giấy sớ màu đỏ hoặc màu vàng)
Kính lạy Thượng Đế.
Kính lạy Hỗn Côn sư tổ. Hồng Quân lão tổ.
Kính lạy Hàng Ma Đại Đế thánh quân
Trừ Ma Đại Đế thánh quân
Giáo Hoá Đại Đế thánh quân.
Kính lạy Ngọc Hoàng Đại Đế.
Kính lạy Đông phương Thanh Đế, Nam Phương Xích Đế, Tây Phương Bạch Đế, Bắc Phương Hắc Đế.
Kính lạy Vương Mẫu Nương Nương.
Kính lạy Tam Thanh Sư Tổ. Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn.
Kính lạy Càn Khôn đại chiến thần Cửu Thiên Huyền Nữ, Thái Thượng Lão Quân, Huyền Thiên Trấn Vũ.
Kính lạy chính nhất tổng quản đại Thần Tài.
Kính lạy Tứ Hải Long Vương.
Kính lạy: Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng.
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh.
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy chư ngài Đại Đế, chư ngài Thần Tiên, Phật Thánh Mẫu cai quản 10 phương tam giới.
Kính lạy chư ngài Sơn thần, Long thần, Thổ địa, Thổ công táo quân, Thổ kỳ hạ đàn chứng giám.
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm….. Là ngày thần Táo Quân về trời tấu sớ.
Tín chủ con tên là… sinh ngày… tháng… năm… nguyên quán… địa chỉ thường trú… với tấm lòng thành kính nhất tâm quy mệnh lễ, xin sửa soạn lễ vật, cùng sơn hào hải vị, tiền vàng, nhang đăng cung thỉnh tấu sớ lên Thượng Đế cùng chư ngài, cầu xin chư ngài hạ đàn chứng giám để con làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời tấu sớ lên Ngọc Hoàng Đại Đế.
Con xin nhất tâm kính định lòng thành cẩn cáo rằng:
Trong năm qua nhờ ân phúc của Thượng Đế, cùng chư ngài mà chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, vận khí hanh thông mọi việc đều như ý.
Nay là ngày 23 tháng chạp, ngày mà thần Táo Quân về trời dâng sớ, gia đình chúng con nhất tâm sửa soạn lễ vật, với tấm lòng thành kính biết ơn chư ngài, xin được đa tạ và cung thỉnh tiễn chư ngài Thổ Công Táo Quân Thổ Kỳ về trời tấu xin Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế rằng: toàn thể gia quyến chúng con xin vô cùng cảm tạ ân đức của Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế cùng chư ngài đã che chở cho chúng con trong suốt năm qua.
Nay kính mong Thần Táo Quân gợi ý lên Tam Thanh Sư Tổ, Ngọc Hoàng Đại Đế cầu xin lên Thượng Đế khai ân minh xét để sang năm mới, năm……., đất nước con được an lạc, thái bình, thịnh vượng, quê hương chúng con ngày càng giàu đẹp, gia tộc và gia đình con luôn được mạnh khoẻ hạnh phúc, cầu tài tài đến, cầu phúc phúc lai, cầu lộc lộc tồn, nhân an, vật thịnh, hiển vinh thụ huệ, thế thế chi an, thiên thiên thu, vạn vạn tuế.
Chúng con cầu xin Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Con cung kính cầu xin Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế cùng chư ngài đại ân đại đức, đại thánh đại hiền, từ bi gia trì cho muôn loài chúng sinh trên cõi trần gian.
Chúng con xin cung kính biết ơn ân điển của Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế cùng chư ngài Thần Tiên, Phật, Thánh, Mẫu.
(Chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ, chúng con xin đa tạ!)
* Sau khi cúng xong thì quý vị quỳ lễ 9 lần.
* Lễ xong đi lùi ba bước rồi vái vọng đủ 8 hướng, sau đó mới được quay lưng đi.
* Chờ nhang cháy 1/3 ta đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá đi thả ở sông, suối, hay hồ nước nơi có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.
* Ghi chú:
Trong văn khấn không nói đến Phật. Vì lễ cúng Táo Quân là nghi lễ của Thần Tiên. Không phải nghi lễ của Phật giáo. Mọi người không nên hiểu lầm.
Những gia đình có điều kiện thì làm được như vậy. Ai không có điều kiện thì thần tiên không bắt buộc phải lễ nghi trịnh trọng. Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà làm, có sao thì ta làm vậy, cốt ở tấm lòng thành kính là được.
– LNH –
Xem thêm bài về Ông Táo – Táo Quân – Táo Thần:
- Nguồn gốc Ông Táo-Táo Quân-Táo Thần – TGTT
- Ông Táo quân-Táo thần trong mỗi gia đình có thật hay không?
- Cúng ông Công ông Táo như thế nào cho đúng?
- Chuyện đưa Ông Táo về trời – HQS
