Thập Loại Chúng Sinh
Thập Loại Chúng Sinh có nghĩa là toàn bộ tất thảy mọi loài chúng sinh, chứ chẳng phải là 10 loại chúng sinh.
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh thường dùng trì tụng để cúng thí thực cho các vong linh còn đang đau khổ, đặc biệt là trong dịp tháng Bảy Âm Lịch.
Trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Đại Thi Hào Nguyễn Du có đề cập đến một số loại cụ thể như là:
- Cô hồn: Chỉ chung các hồn cô độc không nơi nương tựa, không thân thích.
- Vương hầu khanh tướng: Người quyền thế có địa vị xã hội cao, có quân binh.
- Phản thần tặc tử: Kẻ có quyền binh trong tay mưu phản gây loạn chiếm quyền.
- Chiến sĩ: Người chiến đấu vì lý tưởng nào đó, có kỹ năng chiến đấu, thường bỏ mạng nơi chiến trường.
- Binh tốt: Thường dân bị bắt làm lính, ít có kỹ năng chiến đấu.
- Kỹ nữ: Người dùng kỹ nghệ, nhan sắc, thân thể mình bán vui mưu sinh.
- Phu nhân: Vợ hoặc thân nhân của người có quyền cao chức trọng, có người hầu và quyền lực trong tay.
- Cung nga: Cung nữ thấp cổ bé họng trong cung cấm, nữ hầu của các nhà quyền quý.
- Phi tần: Ái thiếp của vua, có người hầu và quyền uy.
- Vương hậu: Vợ chính của vua một nước, nắm toàn quyền hậu cung trong tay.
- Văn sĩ: Người có tài năng văn chương, dùng bút làm lợi khí cho mình.
- Thư sinh: Người có học thức nhưng chưa chắc được đời công nhận hoặc học thức ấy có ứng dụng được việc gì không.
- Thương nhân phú gia: Người buôn bán, dành sức cả đời kiếm tiền, có tiền của nhiều.
- Tiểu thương: Người buôn bán nhỏ, gánh hàng rong hoặc sạp, quầy.
- Ngư phủ: Người đi sông biển đánh bắt thủy hải sản kiếm sống.
- Quỷ hỏa: Lửa ma trơi.
- Vô thủ quỷ: Người chết bị mất đầu.
- Hành khất: Người đi ăn xin sống lay lất qua ngày nhờ sự bố thí của người khác.
- Nịch tử giả, nịch quỷ: Người bị chết chìm dưới nước ở sông biển, ao hồ.
- Lạc thụ tử giả, lạc thụ quỷ: Người bị chết do té cây.
- Lạc tỉnh tử giả, lạc tỉnh quỷ: Người bị chết do té giếng.
- Đồng tử, tiểu quỷ: Đứa trẻ bị sẩy thai hoặc bị phá bỏ, hoặc trẻ chết khi từ 12 tuổi trở xuống.
- Sản nữ, mẫu tử quỷ: Người mẹ chết lúc sinh con hoặc đang mang thai.
- Oan hình nạn giả: Người bị ghép tội oan uổng, cầm tù rồi chết khi chưa được giải oan.
- Hỏa tai nạn giả: Người bị chết do nạn lửa cháy.
- Tinh quái nạn giả: Người bị chết do sơn tinh thủy quái, tà linh tinh quái sát hại.
- Hung thú nạn giả: Người bị chết do thú dữ tấn công.
- Hồng thủy nạn giả: Người bị chết do nạn lũ lụt cuốn trôi.
- Đồng hoang chi linh: Âm linh cư ngụ nơi đồng hoang.
- Mộ hoang chi linh: Âm linh cư ngụ ở mộ hoang.
- Trúc tùng chi linh: Âm linh cư ngụ ở bụi tre trúc.
- Thảo tùng chi linh: Âm linh cu ngụ ở bụi cỏ lùm cây.
- Thụ ảnh chi linh: Âm linh cư ngụ dưới bóng râm của cây lớn.
- Phố thị chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi phố chợ.
- Khách điếm chi linh: Âm linh cư ngụ ở quán trọ, hàng quán xá.
- Thánh sở chi linh: Âm linh cư ngụ ở chùa chiền đền miếu.
- Kiều hạ chi linh: Âm linh cư ngụ ở dưới gầm cầu có bóng râm.
- Giang hà chi linh: Âm linh cư ngụ ở miền sông nước.
- Bộc bố chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi thác nước.
- Vân sơn chi linh: Âm linh cư ngụ ở nơi đồi núi cao có mây lãng đãng.
Bốn mươi chủng loại Quỷ Hồn nói trên là đại khái các dạng người chúng ta thường thấy biết trong cuộc sống xã hội, còn rất nhiều chủng loại khác nữa của loài người khi chết hóa thành Quỷ Hồn. Các chủng loại này trong nhóm chúng sinh là loài người, chưa đề cập đến các chủng loại chúng sinh các loài cầm thú, thảo mộc, kim thạch.
Tính chất của từng loại và những đoạn miêu tả tương ứng trong bài Văn Tế:
1. Cô Hồn
Cô Hồn chỉ chung về các linh hồn cô độc không nơi nương tựa. Tâm thức của họ thường thấy lạnh lẽo, cô độc và có một chút đói khát, thèm muốn được ăn no, mặc ấm.
Cô hồn được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Hương khói đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen
Còn chi ai quý ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
2. Vương Hầu Khanh Tướng
Vương Hầu Khanh Tướng chỉ chung về linh hồn của người quyền thế, có địa vị xã hội cao, có quân binh. Họ thường mang chấp niệm tranh đấu để đạt được vị thế, quyền lợi cho mình, nhưng lúc chết lại không được toại nguyện, nên trở thành quỷ hồn mang nhiều hận thù, đau khổ.
Vương Hầu Khanh Tướng được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa sất phu
Lớn sang giàu nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời.
3. Vô Thủ Quỷ
Vô Thủ Quỷ chỉ chung về linh hồn của người chết bị mất đầu. Nỗi khổ của chủng loại quỷ hồn này đó là tuy đầu của họ luôn ở gần đó, nhưng họ thường không biết làm sao để nối liền đầu và thân trở lại được.
Vô Thủ Quỷ được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỷ không đầu than khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan !
4. Phu Nhân
Phu Nhân chỉ chung về linh hồn của vợ hoặc thân nhân của người có quyền cao chức trọng, có người hầu và quyền lực trong tay.
5. Cung Nga
Cung Nga chỉ chung về linh hồn của cung nữ thấp cổ bé họng trong cung cấm, nữ hầu của các nhà quyền quý.
6. Phi Tần
Phi Tần chỉ chung về linh hồn của ái thiếp của vua, có người hầu và quyền uy.
7. Vương Hậu
Vương Hậu chỉ chung về linh hồn của vợ chính của vua một nước, nắm toàn quyền hậu cung trong tay.
Phu Nhân, Cung Nga, Phi Tần, Vương Hậu thường là phận nữ nhi yếu thế, sống dựa dẫm vào kẻ đang nắm quyền. Cho nên, khi vận thế suy vi, kẻ nắm quyền không còn nữa, thì phận nữ nhi chân yếu tay mềm như họ chẳng biết đi đâu về đâu. Khi chết, họ trở thành quỷ hồn, đau khổ vì không còn ai quan tâm đến họ, không còn ai để họ nương tựa nữa.
Phu Nhân, Cung Nga, Phi Tần, Vương Hậu được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới cầu nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
8. Văn Sĩ
Văn Sĩ chỉ chung về linh hồn của người có tài năng văn chương, dùng bút làm lợi khí cho mình. Nỗi khổ của quỷ hồn này chính là tuy cả đời dùng ngòi bút, trí tuệ của mình để cống hiến, nhưng khi chết, vẫn cảm thấy không đủ. Họ vẫn muốn tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa.
Văn Sĩ được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân găm một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
9. Phản Thần Tặc Tử
Phản Thần Tặc Tử chỉ chung về linh hồn của kẻ có quyền binh trong tay mưu phản gây loạn chiếm quyền. Nỗi khổ của quỷ hồn này chính là phải đối diện với biết bao sự oán trách, căm thù đến từ linh hồn của những người, mà họ đã từng lợi dụng, phản bội, nhằm đạt được mục đích riêng của mình.
Phản Thần Tặc Tử được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dãi thây trăm họ nên công một người.
10. Thương Nhân Phú Gia
Thương Nhân Phú Gia chỉ chung về linh hồn của người chuyên buôn bán, dành sức cả đời kiếm tiền, có tiền của nhiều, chẳng quan tâm đến điều gì khác ngoài tiền. Nhưng lúc chết, không mang theo được đồng nào cả, gia đình cũng chẳng thường tưởng nhớ. Nỗi khổ của quỷ hồn này chính là luôn cảm thấy thiếu thốn, từ vật chất cho đến tinh thần.
Thương Nhân Phú Gia được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù du dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
11. Thư Sinh
Thư sinh chỉ chung về linh hồn của người có học thức nhưng chưa chắc được đời công nhận hoặc học thức ấy có ứng dụng được việc gì không. Nỗi khổ của quỷ hồn này là muốn cống hiến nhưng lại không được xã hội công nhận.
Thư Sinh được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý
Dấn mình vào thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân?
12. Ngư Phủ
Ngư Phủ chỉ chung về linh hồn của người đi sông biển, chuyên đánh bắt thủy hải sản kiếm sống, nhưng không may tử nạn trên biển. Họ trở thành quỷ hồn chết ngoài biển, không thể trở về nhà đoàn tụ với gia đình.
Ngư Phủ được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ vào sông ra bể
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.
13. Tiểu Thương
Tiểu Thương chỉ chung về linh hồn của người buôn bán nhỏ, gánh hàng rong hoặc sạp, quầy. Trong quá trình buôn gánh bán bưng giữa tiết trời mưa nắng thất thường, chẳng may họ bỏ mạng trên đường. Cái chết đột ngột khiến họ chẳng còn biết mình đã chết, hồn xiêu phách tán, chẳng biết đường về nhà.
Tiểu Thương được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín rạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
14. Binh Tốt
Binh Tốt chỉ chung về linh hồn của thường dân bị bắt làm lính, ít có kỹ năng chiến đấu. Nỗi khổ của quỷ hồn này đó là không thực sự muốn ra chiến trận nhưng bị bắt buộc phải đi. Họ thường khao khát tự do, trở về cuộc sống mà họ muốn.
Binh Tốt được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan
Nước khe cơm ống gian nan
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.
15. Chiến Sĩ
Chiến Sĩ chỉ chung về linh hồn người chiến đấu vì lý tưởng nào đó, có kỹ năng chiến đấu, thường bỏ mạng nơi chiến trường. Nỗi khổ của quỷ hồn này đó là cảm thấy đau đớn do thân thể không còn lành lặn, cảm thấy cô đơn do chẳng ai thân thích khi bỏ mạng nơi đất khách quê người, chẳng ai nhớ đến sự hi sinh của họ. Họ cũng có khao khát được về nhà đoàn tụ với người thân.
16. Quỷ Hỏa
Quỷ Hỏa chỉ về lửa ma trơi đã thức tỉnh. Ngọn lửa ấy được tạo nên bởi những ý niệm tranh đấu, hận thù của những người đã bỏ mạng.
Chiến Sĩ và Quỷ Hỏa được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
17. Kỹ Nữ.
Kỹ Nữ chỉ chung về linh hồn của người dùng kỹ nghệ, nhan sắc, thân thể mình bán vui mưu sinh. Nỗi khổ của quỷ hồn này đó là cảm thấy nuối tiếc tuổi thanh xuân, khao khát bên cạnh một người mà họ có thể thực sự tin tưởng, nương tựa, khao khát một tình duyên mỹ mãn. Linh hồn của Kỹ nữ thường mất niềm tin vào con người nói chung và nam nhân nói riêng.
Kỹ Nữ được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Đâu chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
18. Hành Khất.
Hành Khất chỉ chung về linh hồn của người đi ăn xin sống lay lất qua ngày nhờ sự bố thí của người khác. Cứ như thế cho đến khi chết trên đường, hoặc chết ở đâu đó. Nỗi khổ của quỷ hồn này đó là sự thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần từ lúc sống đến lúc chết. Khi sống thì thiếu thốn về vật chất, chẳng có nhà để về, rày đây mai đó, bữa đói bữa no. Sau khi chết cũng chẳng ai biết mà tưởng nhớ, xây đắp mộ phần.
Hành Khất được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan !
19. Oan Hình Nạn Giả.
Oan Hình Nạn Giả chỉ chung về linh hồn của người bị ghép tội oan uổng, cầm tù rồi chết khi chưa được giải oan. Nỗi khổ của quỷ hồn này là ôm mãi chấp niệm oan ức của mình từ ngày này qua ngày khác, chẳng thể siêu thoát.
Oan Hình Nạn Giả được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh
Nắm xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi ?
20. Đồng tử, tiểu quỷ.
Đồng Tử, Tiểu Quỷ chỉ chung về linh hồn của đứa trẻ bị sẩy thai hoặc bị phá bỏ, hoặc trẻ chết khi từ 12 tuổi trở xuống. Nỗi khổ của quỷ hồn này đó là cảm thấy thiếu thốn tình thương, sự quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là từ cha mẹ. Lại thêm việc chưa hiểu biết nhiều về cuộc đời, nên cứ lang thang, phiêu bạt, dễ gặp nguy hiểm.
Đồng tử, tiểu quỷ được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
21. Nịch tử giả, Nịch quỷ.
Nịch Tử giả, Nịch Quỷ chỉ chung về linh hồn của người bị chết chìm dưới nước ở sông biển, ao hồ. Quỷ hồn này thường cảm thấy cô độc, đau khổ bởi chấp niệm bị kẹt, bị vướng mắc nơi mình chết. Họ thường khao khát thoát ra khỏi vùng nước nơi mình bỏ mạng. Nếu còn nhớ được gia đình mình là ai thì họ cũng khao khát muốn được trở về nhà.
22. Lạc Thụ Tử Giả, Lạc Thụ Quỷ.
Lạc Thụ Tử Giả, Lạc Thụ Quỷ chỉ chung về linh hồn của người bị chết do té cây. Quỷ hồn này thường mang sự đau đớn thân xác do ngã từ trên cao xuống, thường không di chuyển được, bị mắc kẹt nơi mình từ bỏ thân mạng, nên cứ mãi ở dưới gốc cây, không siêu thoát.
23.Lạc Tỉnh Tử Giả, Lạc Tỉnh Quỷ.
Lạc Tỉnh Tử Giả, Lạc Tỉnh Quỷ chỉ chung về linh hồn của người bị chết do té giếng. Quỷ hồn này thường chấp niệm rằng thân thể họ đang bị kẹt nơi giếng sâu, không thể thoát ra được, nên họ thường vươn mình khỏi giếng, khao khát nhìn ngắm thế giới xung quanh.
24. Hồng Thủy Nạn Giả.
Hồng Thủy Nạn Giả chỉ chung về linh hồn của người bị chết do nạn lũ lụt cuốn trôi. Tâm tình, vướng mắc đau khổ cũng gần giống với Nịch Tử Giả.
25. Hỏa Tai Nạn Giả.
Hỏa Tai Nạn Giả chỉ chung về linh hồn của người bị chết do nạn lửa cháy. Quỷ hồn này thường mang chấp niệm đau đớn do thân xác bị lửa thiêu rụi. Họ thường muốn tìm cách để dập tắt lửa trên thân.
Cả 5 chủng loại trên được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành.
26. Tinh Quái Nạn Giả.
Tinh Quái Nạn Giả chỉ chung về linh hồn của người bị chết do sơn tinh thủy quái, tà linh tinh quái sát hại. Tinh quái này có thể là tinh quái hữu hình đã thức tỉnh Tánh Linh cố tình hại người, hoặc là Tinh Quái vô hình cố tình ám nhập quấy phá, làm người ta chết.
27. Hung Thú Nạn Giả.
Hung Thú Nạn Giả chỉ chung về linh hồn của người bị chết do thú dữ tấn công.
Nỗi khổ của Tinh Quái Nạn Giả, Hung Thú Nạn Giả chính là nỗi đau của tinh thần hoảng loạn, nỗi đau của thân xác bị tổn thương, không còn lành lặn.
28. Sản Nữ, Mẫu Tử Quỷ.
Sản Nữ, Mẫu Tử Quỷ chỉ chung về linh hồn của người mẹ chết lúc sinh con hoặc đang mang thai. Họ thường đau khổ vì chưa từng được làm mẹ, khao khát được làm mẹ.
Cả 3 chủng loại quỷ hồn trên được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy, có người khốn thương.
29. Vân Sơn Chi Linh.
Vân Sơn Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ nơi đồi núi cao.
30. Bộc Bố Chi Linh.
Bộc Bố Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở thác nước.
Bộc Bố Chi Linh, Vân Sơn Chi Linh là các âm linh có thể là đã gieo mình tự sát ở nơi thác nước, núi cao hoặc bị tai nạn, nên bỏ thân mạng nơi thác nước, núi cao.
31. Thảo Tùng Chi Linh.
Thảo Tùng Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở bụi cỏ lùm cây. Các âm linh này thường chấp niệm đã bỏ thân mạng ở bụi cỏ lùm cây, nên họ thường cư ngụ ở đó.
32. Thụ Ảnh Chi Linh.
Thụ Ảnh Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ dưới bóng râm của cây lớn. Có thể âm linh đó đã bỏ mạng dưới bóng cây hoặc cố tình tìm đến bóng mát của cây để trút hơi thở cuối cùng.
33. Khách Điếm Chi Linh.
Khách Điếm Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở quán trọ, hàng quán xá. Các âm linh đó có thể là cô hồn ngạ quỷ, đói khát nên muốn đến những nơi hàng quán để tương tác với năng lượng được ăn uống no đủ của những người dùng bữa ở đó, nhờ vậy các âm linh ấy cũng cảm thấy no đủ, bớt đói khát phần nào.
34. Kiều Hạ Chi Linh.
Kiều Hạ Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ dưới gầm cầu có bóng râm. Các âm linh này có thể đã nhảy cầu tự sát hoặc thân xác họ còn kẹt ở dưới gầm cầu nên họ bị mang chấp niệm phải cư ngụ ở đó.
Cả 6 chủng loại trên được nhắc đến trong bài Văn Tế như sau:
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là bụi cỏ bóng cây
Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.
35. Thánh Sở Chi Linh.
Thánh Sở Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở chùa chiền đền miếu. Các âm linh này bơ vơ, thiếu thốn tình thương, nên muốn đến cư ngụ ở chùa chiền đền miếu để nghe kinh kệ, cảm nhận năng lượng bình yên, và được nhiều người tưởng nhớ, cúng thí thực.
36. Mộ Hoang Chi Linh.
Mộ Hoang Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở mộ hoang. Có thể đó là mộ của âm linh này, nhưng do mộ lại bị bỏ hoang, không người tưởng nhớ, nên họ chỉ biết đau khổ, bám chấp vào nơi mình đã mất, bám chấp vào mộ phần lạnh lẽo của mình.
37. Trúc Tùng Chi Linh.
Trúc Tùng Chi linh chỉ chung âm linh cư ngụ ở bụi tre trúc. Trúc tùng chi linh là những âm linh có thể đã từng mất nơi bụi tre, một mình hiu quạnh nơi bụi tre trúc.
38. Phố Thị Chi Linh.
Phố Thị Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở nơi phố chợ. Các âm linh ấy có thể đã từng bỏ mạng ở nơi phố chợ hoặc đơn giản là họ là những linh hồn thích đông vui, náo nhiệt, không muốn cô đơn, nên muốn cư ngụ ở nơi phố chợ với đủ thứ món hàng bắt mắt, tấp nập người qua lại.
39. Đồng Hoang Chi Linh.
Đồng Hoang Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ nơi đồng hoang.
Ngày xưa, khi không có điều kiện chôn cất, người ta thường đưa xác đưa xác ra nơi đồng hoang. Chẳng ai biết, chẳng ai hay, chẳng ai tưởng nhớ về cái chết ấy. Các âm linh đã mất ở đó chẳng có nơi để đi, chẳng có ai để nương tựa, chẳng có ai thắp hương khói cho ấm lòng, nên thường bơ vơ giữa đồng hoang.
40. Giang Hà Chi Linh.
Giang Hà Chi Linh chỉ chung về âm linh cư ngụ ở miền sông nước. Có thể họ là những âm linh đã từng bỏ mạng ở miền sông nước hoặc có thể miền sông nước đó là nơi mà âm linh ấy cư ngụ khi còn sống. Cho nên sau khi chết, âm linh đó tiếp tục bám chấp vào nơi mình đã từng sinh sống.
Cả 4 chủng loại quỷ hồn trên được nhắc đến trong Văn Tế như sau:
Hoặc là nương thần từ, Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.
Mến chúc quý vị cùng thân bằng quyến thuộc, Cửu Huyền Thất Tổ có một mùa Vu Lan Báo Hiếu ấm áp, một tháng 7 bình yên no đủ và an lạc, tịnh tâm tinh tấn. Cầu chúc cho Thập Loại Chúng Sinh, Đẳng Đẳng Chân Hồn các cấp trong Tam Giới được tinh tấn, buông xả các vướng mắc chấp niệm khổ đau của mình để chuyển hóa tâm tình an lạc hơn, tinh tấn hơn…
Ngoài ra, trong bài viết này, tác giả cũng chia sẻ thêm bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Đại Thi Hào Nguyễn Du. Đây là vị đã chứng đắc quả vị nơi cõi thiêng liêng hằng sinh là Nguyệt Tâm Chân Nhân, cư ngụ nơi Bạch Vân Động, tầng không gian Thượng Giới ở Nguyệt Tinh.
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh còn được gọi là Văn Chiêu Hồn hay Văn Tế Chiêu Hồn.
Hành giả thường trì tụng bản kinh văn này để cúng thí thực cho những vong linh còn đang đau khổ bởi các chấp niệm sâu dày của mình. Nhờ vậy mà họ được hồi hướng, tâm tình dần tịnh lặng an yên, chuyển hóa các nhân duyên bất thiện thành thiện lành, chuyển sinh về những cõi an lành thanh tịnh. Việc tưởng nhớ, quan tâm này cũng giúp cho người hành trì khai mở lòng từ bi, biết thương xót chúng sinh, muôn đẳng chân hồn khắp nơi còn đang mờ mịt vì u mê.
Cúng thí thực là hành động chuẩn bị đồ ăn, thức uống nhằm lan tỏa tình yêu thương, sự quan tâm sẻ chia dành cho những người đã khuất, các bạn âm linh trong vô hình. Vậy nên chỉ cần người cúng có tâm thành yêu thương, thì bất cứ khi nào cũng có thể cúng thí thực, không cần phải vào dịp đặc biệt. Sau khi nấu ăn, trước khi ăn, hay đi đường thấy có món gì ngon, đều có thể chuẩn bị bàn lễ mời các bạn cùng dùng bữa. Cúng thí thực là như thế, chỉ đơn giản là quan tâm yêu thương thì làm, như cách chúng ta thấy món gì ngon, hấp dẫn, đều nghĩ đến những người thân thương của chúng ta ở nhà, mua về một ít để cùng dùng bữa với họ.
Việc cúng thí thực chỉ cần mộc mạc thôi, vài món chay hoặc bánh, trái cây tuỳ thích, cùng vài tách trà, chén nước trên một bàn lễ thân mật có nhang đèn được chuẩn bị bằng tất cả sự quan tâm chân thành. Bởi các bạn âm linh không ăn vật thực, mà chỉ cảm thấy “no” hơn, ấm áp, an lạc hơn bởi chính tâm tình yêu thương, quan tâm sẻ chia của người sống dành cho mình. Nhờ vậy mà các bạn ấy sẽ bớt cô đơn, đau khổ, cảm thấy yên lòng vì còn có người nhớ thăm, quan tâm đến mình.
Sau khi chuẩn bị vật phẩm, bàn lễ xong thì chúng ta mời các bạn đến dùng. Trong quá trình cúng thí thực, chúng ta có thể đọc Kinh Giải Oan, Kinh Cầu Siêu, Kinh Cứu Khổ, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Văn Tế Chiến Sĩ… cũng như cầu nguyện cho các bạn âm linh hồi hướng về Đạo Pháp, sớm ngày an lạc, chuyển sinh về cõi lành.
Thức uống, đồ ăn chay sau khi cúng xong chúng ta có thể dùng như bình thường. Trước khi lấy xuống dùng thì cũng không quên xá, chào tạm biệt các bạn. Khi cúng gạo, hay bánh trái thì nên đựng trong tô, chén, dĩa chứ không nên rải khắp nơi trên nền đất tránh lãng phí. Sau khi cúng có thể dùng để nấu ăn, hay cho các loài vật khác ăn.
Xem bài:
Văn Tế Chiêu Hồn Thập Loại Chúng Sinh – Nguyễn Du
Tam Giới Toàn Thư – 1159821977543703